Hãy “trao quyền” cho con
Tặng các bậc cha mẹ
1.
Vào mùa thi tốt nghiệp và đại học, câu hỏi thường xuyên nhất mà tôi nhận được là, ‘Con anh/chị nên học ngành gì đây em ơi?’ Nhưng đó là câu hỏi nổi, câu hỏi chìm mà họ chưa hỏi đó là, ‘Anh/chị phải quyết định như thế nào cho con đây em ơi?’
Bề ngoài quả thật thế hệ cha mẹ của các em lứa tuổi 18, 19 bây giờ rất thoáng. Họ nói họ sẵn sàng cho con chọn ngành nghề theo ý con, miễn là con thích là được. Họ nói rằng đây là cuộc đời của con, mình can thiệp làm gì. Nhưng các anh chị thật sự làm được như vậy có thể nói đếm trên đầu ngón tay. Sự thực là họ chạy đôn, chạy đáo khắp nơi tìm câu trả lời cho câu hỏi hướng nghiệp của con. Họ thu thập thông tin từ bạn bè, những người đi trước đã có con vào đại học, họ gọi người quen hay người thân đang làm trong lĩnh vực giáo dục hay du học để hỏi thông tin. Kết quả là họ như các nhân vật trong câu chuyện ngụ ngôn thầy bói mù xem voi, không có được bức tranh toàn cảnh. Điều nguy hiểm nhất là họ thay đổi xoành xoạch trong các dự định cho con, có thể nói là từng ngày hay tuỳ vào người vừa trò chuyện với họ trên điện thoại xong.
Sự bối rối, hỗn loạn này chẳng giúp cho các con một chút xíu nào trong giai đoạn cực kỳ quan trọng này – ngưỡng cửa cuộc đời.
2.
Tôi thường hay chia sẻ với đồng nghiệp trong ngành tư vấn hướng nghiệp và giáo dục rằng tư vấn hướng nghiệp tại Việt Nam không thể không bắt đầu với cha mẹ học sinh. Vì khi họ vững, các con sẽ vững. Khi họ tĩnh, các con sẽ yên tâm với điều các con chưa biết, và sẵn lòng làm tốt nhất phần các con đã biết. Khi họ hỗ trợ tinh thần, các con sẽ tự tin bước chân đầu tiên trên con đường chưa thấy đoạn cuối. Và với nụ cười và sự an lòng của họ, các con sẽ lớn lên từng ngày như cây con tắm mưa gió dưới gốc cổ thụ để một ngày trưởng thành, tự lập, có cuộc sống riêng một mình.
3.
Tôi nghĩ điều quan trọng nhất mà cha mẹ cần làm khi con 18 tuổi là:
- Thú thật với con rằng họ cũng bối rối như con về chọn lựa ngành học và nghề nghiệp vì thế giới đang thay đổi quá nhanh, và họ không phải là một chuyên gia trong ngành
- Đồng hành với con trong cuộc hành trình đi tìm câu hỏi, cùng con đọc thông tin, cùng con đi thăm trường, cùng con học hỏi về hướng nghiệp
- Cho con một câu trả lời rõ rằng về số tiền họ có thể đầu tư cho con sau 18 tuổi. Ví dụ, cha mẹ chỉ có thể hỗ trợ con “… triệu’ mỗi tháng trong vòng “… năm.” Ngoài ra, cha mẹ không thể lo hơn. Đừng mù mờ kiểu, ‘con có sức học, cha mẹ có sức lo.’ Hoặc, ‘Cha mẹ sẽ ráng hết sức, con cũng phải ráng lên.’ Tuyệt đối không mượn tiền ngân hàng cho con đi du học. Đầu tư vào giáo dục là điều tốt, nhưng đầu tư kiểu mượn nợ khi chưa biết rõ con có phù hợp với việc du học hay không là một đầu tư, theo tôi nghĩ, có nguy cơ quá cao. Một giới hạn về tài chính sẽ giúp cho gia đình và cả các con quyết định sáng suốt và phù hợp cho bản thân.
- Đòi hỏi trách nhiệm từ con, bao gồm, 1. trách nhiệm tìm hiểu về các ngành học và các trường, không cho phép con chỉ lắng nghe mơ hồ từ ai đó mà bắt con phải đọc và ghi tóm tắt những gì con hiểu về các ngành và trường, 2. trách nhiệm ra quyết định vì thật sự đây là cuộc đời con, nếu con không quyết định, con sẽ dễ dàng đổ lỗi cho ‘ai đó’ sau này. Con phải quyết định để chịu trách nhiệm với bản thân về chọn lựa của mình.
- Khi con đã quyết định, đừng vì một lời nói hay góp ý chủ quan của ai đó mà bắt con suy nghĩ lại hay thay đổi. Không có gì vô lý cho bằng cho người khác quyền làm việc rồi lại tước đoạt quyền ấy chỉ vì một lời góp ý của ai đó. Có thể giới thiệu cho con gặp để nghe trực tiếp, nhưng tuyệt đối không ép con thay đổi.
- Hỗ trợ con về tinh thần, cho con biết rằng mình hỗ trợ quyết định của con, rằng nếu tương lai có gì xảy ra, mình luôn ở bên con. Đừng cho con cảm thấy, ‘Con cứ quyết định, nhưng nếu sau này sai, kết quả tệ, thì đừng có quay lại nhờ cha mẹ giúp. Vì cha mẹ ơi, ngay cả anh chị cũng làm sao bảo đảm được trong cuộc đời mình sẽ không bao giờ làm sai?
- Nếu con không quyết định được, thì cho con chọn lựa khoan đi học, để 1 năm đi làm tìm hiểu thực tế cuộc sống. Nhất định là phải đi làm, chứ không phải ở nhà ‘trải nghiệm qua trang mạng.’ Và cho con những điều kiện như không làm việc ở nơi có môi trường không lành mạnh như quán nhậu, vv. Còn lại, lương thấp hay cao, chỗ làm xa hay gần, vv. thì hãy để con tự do chọn lựa.
4.
Hướng nghiệp, theo tôi, không chỉ giúp một người tìm ra nghề nghiệp và ngành học phù hợp, mà còn giúp cho một người sống rõ ràng, hiểu rõ bản thân, tìm ra mục tiêu cuộc sống, tìm ra sự bình an trong tâm hồn.
Chúc các bậc cha mẹ và các em học sinh nhẫn nại và can đảm trong quá trình quyết định. Những bước căn bản đã được tôi chia sẻ ở đây: https://www.facebook.com/notes/phoe…
Cuối cùng, lối đi nào cũng sẽ dẫn thành đường, miễn là các em chịu khó cất bước, chịu khó sống thật tốt mỗi khoảnh khắc hiện tại, chịu khó suy nghĩ và phản tỉnh, mọi việc rồi sẽ ổn thôi.
Xem thêm:
Từ khóa Làm cha mẹ quyết định con cái đại học Facebook Phoenix Ho Giáo dục