Nếu tin đồn ông Tập ‘hạ đài’ là đúng, Hồ Xuân Hoa có ổn định được tình hình?
- Nghiêm Thuần Câu
- •
Gần đây lần lượt xuất hiện thêm những tin đồn ‘sốc’ về tình hình chính trị ở Trung Quốc, đặc biệt liên quan đến ông Tập Cận Bình. Có thông tin cho rằng giới “thái tử Đảng” thế hệ 2 Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) có thể chọn ông Hồ Xuân Hoa để xử lý “khoảng trống quyền lực”. Nhà văn Hồng Kông Nghiêm Thuần Câu đã chia sẻ về vấn đề này.
Các nguồn tin đồn chính xoáy vào hai khả năng: Một là thông tin cho rằng Tập Cận Bình đã bị Trương Hựu Hiệp hạ bệ tại Hội nghị toàn thể lần III ĐCSTQ khóa 19, và Vương Tiểu Hồng được giữ chức Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương do có công trong cuộc đảo chính; hai là Tập Cận Bình bị đột quỵ không thể điều hành công việc nên ĐCSTQ thành lập nhóm quản lý khủng hoảng, bao gồm Thái Kỳ, Lý Cường, Đinh Tiết Tường và Bành Lệ Viện, đồng thời cho biết Bành Lệ Viện đứng đầu.
Cũng có tin rằng Tập Cận Bình đã từ chức Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch Quân ủy, và hệ quả giới “thái tử Đảng” tiến cử Hồ Xuân Hoa phụ trách, nhưng Hồ Xuân Hoa muốn khôi phục tài sản các gia đình “thái tử Đảng” cùng thế hệ (thời gian thực hiện trong vòng 5 năm), giải quyết lại các vấn đề chính trị trong 12 năm qua…
Mới đây lại có thông tin cho rằng ông Dương Tiểu Bình, con trai của vị tướng sáng lập ĐCSTQ Dương Dũng, đã đăng tải thông tin dưới tên nick trực tuyến rằng: “Cuối tháng 8 sẽ có tin tức chấn động trong nước…”.
Những tin đồn chính trị đều có lý do, kiểu như “gió từ hang không đến vô cớ”. Ví dụ trước đây sau vụ tai nạn của Lâm Bưu, ĐCSTQ nghiêm khắc ngăn chặn tin tức lan truyền, nhưng nhiều tin đồn liên quan đã lan truyền trước đó nửa năm; sau khi Hoa Quốc Phong bắt “tứ nhân bang” thì trong thời gian dài ĐCSTQ không dám công bố, nhưng những người dân Bắc Kinh đã dùng hình ảnh nấu chín 4 con cua (3 con đực 1 con cái) để ám chỉ… Điều đó cho thấy mọi bí mật chính trị nội bộ sẽ luôn bị lộ qua nhiều kênh, dù những tin đồn hiện tại không thể tin tưởng hoàn toàn nhưng cũng không thể bác bỏ.
Có hai giả thuyết về Tập Cận Bình: Một là bị lật đổ trong một cuộc đảo chính, và hai là có vấn đề sức khỏe nghiêm trọng (hoặc đột quỵ, hoặc ung thư tuyến tụy di căn sang gan gây xơ gan và phát sinh dịch bụng). Cả 2 lý do này đều khiến Tập Cận Bình từ chức Tổng Bí thư và Chủ tịch Quân ủy.
Đánh giá sơ bộ của tôi là khả năng xảy ra đảo chính rất thấp…. Mặc dù Trương Hựu Hiệp là Phó Chủ tịch Quân ủy, nhưng ông ta không có thẩm quyền điều động quân đội, còn Vương Tiểu Hồng dù là Bộ trưởng Bộ Công an nhưng ảnh hưởng ở Bắc Kinh luôn bị hạn chế, an toàn của Tập Cận Bình có bộ phận riêng mà Vương Tiểu Hồng không thể chi phối. Nếu Tập Cận Bình bị lật đổ thì những tàn dư của Tập như Lý Cường, Thái Kỳ, Lý Hy sẽ không được tha, nhưng việc họ vẫn bình an vô sự cho thấy vấn đề của Tập không phải là đảo chính.
Khả năng cao hơn là Tập Cận Bình có vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe. Có thể là đột quỵ, hay ung thư tuyến tụy di căn sang gan gây xơ gan và phát sinh dịch bụng, ngoài ra còn có quan điểm rằng bị phản ứng không thích ứng do ông Tập phẫu thuật ghép gan. Tập Cận Bình là người hay uống rượu gây hại gan, tính khí ngang tàng hung hiểm gây thương tổn ngũ tạng, khiến thể trạng trở nên bất thường.
Bằng chứng tình tiết lớn nhất là trước những lời đồn thổi khiến tình hình chính trị có chiều hướng bất ổn, đáng lẽ vào thời điểm quan trọng và cấp bách này thì Tập Cận Bình phải thường xuyên xuất hiện trước công luận để bác bỏ những tin đồn và làm nổi rõ vị thế lãnh đạo vững chắc của mình. Thế nhưng, trong khi tin đồn lan truyền như vậy mà ông Tập vẫn vô hình một cách bất thường, giới truyền thông nhà nước cũng có xu hướng tỏ ra dè dặt trong việc ca ngợi ông Tập, những tấm áp phích lớn của Tập Cận Bình đã bị dỡ bỏ khỏi Trường Đảng Trung ương ở Bắc Kinh, còn Vương Tiểu Hồng cũng không nhắc đến ông Tập tại Phiên họp toàn thể lần III… Những hiện tượng đó là vô cùng bất thường, cũng cho thấy giới lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ thực sự đang trong tình trạng “có vấn đề”.
Trong bài viết trước của tôi có tựa “80% khả năng Tập Cận Bình bị đột quỵ”, tôi cũng cho biết rằng tình hình hiện tại thì chỉ có cách ĐCSTQ bổ nhiệm Hồ Xuân Hoa để bình ổn, vì ông ta là người kế nhiệm được thế hệ trước Hồ Cẩm Đào chỉ định, có khuynh hướng chính trị ôn hòa, là người mà các phe phái có thể chấp nhận. Vào thời điểm sinh tử quan trọng này, nội bộ ĐCSTQ chỉ có thể chọn cách ổn định tình hình qua điều chỉnh các mối quan hệ để từ từ loại bỏ nguy cơ, rồi bắt đầu mới tính thu dọn những chuyện cũ.
Nếu có chuyện gì xảy ra với sức khỏe của Tập Cận Bình, điều quan trọng nhất đối với ĐCSTQ là không để xảy ra biến cố gì trong việc chuyển giao quyền lực, các phe chính trị sẽ thỏa thuận giữ lại tỷ lệ quyền lực trong chính quyền trung ương, hạn chế nguy cơ. Vì vậy Hồ Xuân Hoa cần thương lượng với các “thái tử Đảng” cùng thế hệ để lấy lại chính sách có lợi cho các gia tộc “thái tử Đảng”, và cho ông ta thời gian để điều chỉnh các chính sách lớn của đất nước, kiểu xử lý này là lựa chọn tốt nhất của ĐCSTQ.
Giả sử vấn đề này là sự thật thì vẫn chưa biết liệu Hồ Xuân Hoa có thể lãnh đạo ĐCSTQ vượt qua khủng hoảng hay không. Bởi vì Hồ Xuân Hoa cũng không có khả năng cứu vãn nền kinh tế Trung Quốc. Những mâu thuẫn xã hội tích tụ bao năm qua rất phức tạp khiến không biết phải bắt đầu từ đâu. Bất mãn của công chúng trong nước đang chồng chất, tình trạng bất ổn dân sự có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Mặc dù Hồ Xuân Hoa có hình ảnh tốt hơn một chút nhưng dù gì cũng chỉ hành động được trong khuôn khổ hệ thống ĐCSTQ, không thể đặt quá nhiều hy vọng có được biến chuyển gì hay ho.
Những vấn đề như bác bỏ giá trị của Cách mạng Văn hóa, hay để cho các gia tộc “thái tử Đảng” cùng thế hệ lấy lại tài sản là những điều không quan trọng. Từ bỏ hoàn toàn chủ nghĩa cộng sản và đi theo con đường phát triển của các giá trị phổ quát của phương Tây mới là phúc của người dân Trung Quốc, nhưng dù Hồ Xuân Hoa có lên thay cũng chỉ đủ đóng vai trò là “mắt xích quá độ” trước ngày sụp đổ của ĐCSTQ.
Từ khóa Tập Cận Bình Chính trị Trung Quốc Hồ Xuân Hoa Nghiêm Thuần Câu