6 lý do khiến hơi thở luôn có mùi hôi
- Tử Anh
- •
Nhiều người cho rằng hôi miệng là hiện tượng sinh lý của cơ thể, hoặc do thức khuya hay ăn thức ăn có mùi vị nặng mà tạo thành. Tuy nhiên, trên thực tế, hôi miệng là một bệnh lý không thể chủ quan, bởi nó có thể là dấu hiệu cảnh báo của một số vấn đề sức khỏe.
Có nhiều lý do khiến hơi thở có mùi và việc làm sạch miệng sẽ chỉ giải quyết được một phần của nó. Những người thường xuyên hút thuốc, uống rượu,… đều sẽ khiến hơi thở có mùi rất mạnh. Ngoài ra, còn có những nguyên nhân gây hôi miệng đáng chú ý khác bao gồm:
1. Thực phẩm có mùi nồng
Ăn thực phẩm có hương vị nặng như tỏi và hành tây có thể gây ra hôi miệng. Khi những nguyên liệu này được cắt hoặc nghiền nhỏ, các loại tinh chất đặc biệt sẽ thoát ra, hòa lẫn với vi khuẩn trong miệng và tạo ra mùi rất khó chịu.
Ngoài ra, uống cà phê thường xuyên cũng có thể gây hôi miệng. Caffeine làm giảm tiết nước bọt trong miệng, khi không có đủ nước bọt thì miệng sẽ không được làm sạch cặn thức ăn một cách hiệu quả, từ đó vi khuẩn sẽ phân hủy các mảnh thức ăn và tạo ra mùi hôi.
2. Vấn đề về nướu
Nướu bị viêm, bị tụt hoặc chảy máu, thậm chí sâu răng, bệnh nha chu, v.v. cũng là thủ phạm gây ra mùi hơi thở. Nếu bạn không đánh răng đúng cách trong thời gian dài hoặc lơ là vệ sinh răng miệng, mảng bám sẽ phân hủy cặn thức ăn trong miệng và tạo ra mùi hôi.
3. Vấn đề về đường tiêu hóa
Các vấn đề về đường tiêu hóa như trào ngược dạ dày, viêm loét dạ dày và thậm chí nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori cũng có thể gây hôi miệng. Vì thức ăn lưu lại trong dạ dày quá lâu nên sẽ sinh ra mùi hôi rồi thoát ra khỏi miệng. Đặc biệt, trào ngược dạ dày là một trong những nguyên nhân phổ biến gây hôi miệng.
4. Thức khuya
Thức khuya không chỉ khiến con người mệt mỏi mà còn làm giảm lượng nước bọt tiết ra trong miệng, khiến vi khuẩn không thể được loại bỏ một cách hiệu quả, từ đó làm vấn đề hôi miệng trở nên nghiêm trọng hơn.
5. Chế độ ăn uống không cân bằng
Các phương pháp giảm cân quá khắc nghiệt như ăn kiêng quá mức sẽ dẫn đến lượng dinh dưỡng đưa vào cơ thể mất cân bằng, từ đó làm ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe răng miệng. Tất nhiên khi răng miệng không được khỏe mạnh thì sẽ dễ khiến vi khuẩn tấn công và gây mùi.
6. Nhịn ăn trong thời gian dài
Không ăn trong thời gian dài cũng có thể gây hôi miệng, vì không nhai thức ăn trong thời gian dài sẽ làm giảm tiết nước bọt. Thời gian càng lâu thì vấn đề hôi miệng sẽ càng nghiêm trọng.
Làm thế nào để cải thiện hơi thở có mùi?
Vì các nguyên nhân gây hôi miệng là khác nhau nên các giải pháp cũng khác nhau tùy theo tình huống. Và nếu hôi miệng là do các vấn đề về răng miệng, bạn có thể thử các phương pháp sau:
1. Giữ gìn vệ sinh răng miệng: Đánh răng ít nhất hai lần một ngày.
2. Cạo lưỡi: Hơn 80% vi khuẩn nằm tại lớp phủ ở mặt lưỡi, đây là môi trường lý tưởng của vi khuẩn tạo mùi. Vì vậy, để loại bỏ mảng bám, hãy thường xuyên chải lưỡi bằng bàn chải. Theo một thống kê, thêm bước làm sạch lưỡi sau mỗi lần đánh răng sẽ giúp khử mùi hơi thở hiệu quả hơn 70%. Ngoài ra, cần sử dụng loại bàn chải lưỡi chuyên dụng để không làm tổn thương niêm mạc lưỡi.
3. Xỉa răng thường xuyên hơn: Những kẽ răng mắc vụn thức ăn cũng làm hơi thở trở nên nặng mùi.
4. Giữ cho nướu răng khỏe mạnh: Bệnh nướu răng cũng là nguyên nhân hàng đầu gây hôi miệng. Bởi vi khuẩn tập hợp trong các túi viêm ở chân răng và tạo ra mùi. Do đó nếu bạn bị bệnh nướu răng (nha chu), bạn cần được điều trị chuyên nghiệp kịp thời.
5. Làm ẩm miệng: Nước bọt giúp phá vỡ mảng bám trên răng và rửa trôi thức ăn của vi khuẩn. Vì vậy, hãy đảm bảo miệng luôn đủ nước bọt.
6. Bỏ hút thuốc và uống rượu: Cả hai đều là thủ phạm tiềm ẩn gây hôi miệng.
7. Uống nhiều nước hơn: Điều này giúp giữ ẩm cho miệng và giảm sự phát triển của vi khuẩn.
8. Uống trà : Trà xanh có chứa các thành phần chống viêm và diệt khuẩn, có thể ức chế vi khuẩn đường miệng một cách hiệu quả.
9. Ăn kẹo cao su không đường : Nó có thể kích thích tiết nước bọt và giữ ẩm cho miệng.
10. Chuyển động lưỡi: Ẩn lưỡi vào mặt sau của răng cửa hàm trên và trượt sang trái và phải, điều này cũng có thể kích thích tiết nước bọt.
Trên đây là một số cách nhỏ giúp cải thiện hơi thở có mùi, hi vọng sẽ hữu ích với bạn.
Từ khóa hôi miệng hơi thở mùi hôi