9 mẹo giúp phòng ngủ của bạn trở nên thân thiện với môi trường
- Minh Minh
- •
Bạn không cần phải ngủ giữa rừng cây mới là thân thiện với môi trường. Chỉ cần một chút thay đổi nhỏ trong phòng ngủ là bạn đã có cơ hội sống gần gũi hơn với thiên nhiên, và xa hơn là góp phần bảo vệ Trái Đất.
1. Chuẩn bị “giường ngủ hữu cơ”
Thuốc trừ sâu không chỉ có trong thức ăn, mà còn có trong chăn-ga-gối của chúng ta. Ông Greg Snowden, người sáng lập Trung tâm Thiết Kế Green Fusion cho biết: “Ngành công nghiệp bông sử dụng 1/4 tất cả các loại thuốc trừ sâu được tiêu thụ trên thế giới. Vì thế việc sản xuất khăn trải giường, ga gối, chăn bông bằng vải hữu cơ là việc cần được đẩy mạnh hơn”. Hãy đến những cơ sở làm giường ngủ và phụ kiện đi kèm (chăn ga gối) bằng chất liệu hữu cơ để mua sắm. Giá cả có thể đắt hơn nhưng bạn sẽ đạt được nhiều lợi ích lâu dài.
2. Mua đệm không chứa độc tố
Sau tất cả thì một chiếc nệm êm ái sẽ là yếu tố quan trọng giúp bạn ngủ ngon hơn. Bạn nên chọn nệm được làm từ chất liệu không có độc tố, không có chất polyurethane foam (là một loại nhựa dạng bọt được tạo từ hai loại chất lỏng chính là Polyol và hỗn hợp các chất polymethylene, polyphenyl, isocyanate), không có chất chống cháy (như PBDEs).
3. Không dùng các sản phẩm nhồi bằng lông động vật
Mặc dù nhiều công ty đang cố gắng tạo ra nguồn lông vũ bằng các phương pháp ít kinh dị hơn (chẳng hạn như không nhổ lông chim sống) thì bạn vẫn có thể bị lừa. Sản phẩm giảm giá quanh năm không bao giờ được làm từ chất liệu tốt. Có thể bạn đang ủng hộ việc tàn sát những loài vật có lông vũ mà không biết. Nhiều người dân còn nuôi chim làm thức ăn để bán lông của chúng tăng lợi nhuận. Vì vậy, bạn hãy chọn những chất liệu nhồi thuần chay, chẳng hạn như bông hoặc kiều mạch để có một căn phòng thân thiện với thiên nhiên hơn.
4. Tái sử dụng đồ nội thất cũ
Nếu bạn đang tìm cách trang trí phòng ngủ của mình, hãy học các mẹo để hô biến đồ nội thất cũ thành món đồ mới bắt mắt hơn. Đồ nội thất mới không chỉ đắt hơn mà còn tốn nhiều tài nguyên hơn để sản xuất và vận chuyển. Dù không phải là chuyên gia tái chế thì bạn vẫn có thể học được cách tái sử dụng đồ đạc qua các video hướng dẫn DIY (Do it yourself). Hoặc nếu bạn không kiên nhẫn đến thế thì hãy đến các cửa hàng bán đồ DIY sẵn để mua các món đồ đã được tái chế và tặng cho họ các món đồ cũ của bạn (để họ có cách tái chế cho chúng).
5. Sử dụng sơn không có VOC
Nếu bạn đang đi trên con đường DIY, hãy chắc chắn rằng bất kỳ loại sơn nào bạn mua về cũng không chứa VOC (VOC là cụm từ viết tắt của Volatile organic compounds, là các chất hữu cơ ở dạng rắn hoặc lỏng có thể bay hơi một cách tự nhiên khi tiếp xúc với áp suất khí quyển tại nhiệt độ thường. Tuy nhiên, cụm từ này thường dùng để nói đến hỗn hợp các chất hữu cơ độc hại bay trong không khí xuất phát từ các sản phẩm do con người chế tạo, chẳng hạn như các dung môi toluen, xylene và dung môi thơm). VOC có ở hầu hết các loại sơn như sơn dầu, sơn nội thất, ngoại thất, keo hồ, các sản phẩm chùi dọn, dung môi làm loãng sơn, xăng dầu… Khi bị cháy chúng sẽ bay hơi và có khả năng kết hợp với chất hữu cơ vô hại khác hoặc các thành phần phân tử khác trong không khí tạo ra những hợp chất mới gây ô nhiễm môi trường, gây hiệu ứng nhà kính và gây ảnh hưởng cho sức khỏe con người. Vì vậy, hãy mua các sản phẩm xanh nhất có thể cho các dự án của bạn. Sử dụng chúng theo hướng dẫn trên nhãn và vứt bỏ chúng một cách an toàn.
5. Tái sử dụng các loại vải
Trong phòng ngủ có rất nhiều vật dụng được làm từ vải như rèm, chăn, ga, vỏ gối, màn, quần áo, khăn. Từ một chiếc áo cũ, bạn có thể sửa thành món đồ hoàn toàn khác như chun buộc tóc, băng đô, túi xách, gấu bông, móc khóa… Các video hướng dẫn DIY trang trí phòng ngủ sẽ khiến bạn ngỡ ngàng bởi sự sáng tạo và thông minh trong công cuộc tái chế. Nếu có những món đồ vải cũ mà bạn thật sự sẽ không sử dụng nữa, hãy mang chúng đến một cơ sở tái chế dệt.
6. Mở cửa sổ
Tổ chức National Sleep Foundation cho biết nhiệt độ lý tưởng để ngủ là từ 60 đến 67 độ F (15 đến 19 độ C). Nhưng điều đó không có nghĩa là bạn luôn phải ngủ trong môi trường mà khí hậu phải được kiểm soát chặt chẽ. Hãy mở cửa sổ bất cứ lúc nào thời tiết cho phép để tận dụng không khí mát mẻ vào ban đêm và loại bỏ độc tố không khí trong nhà. Nếu bạn không yên tâm để mở cửa sổ thì hãy sắm một chiếc quạt trần, vừa điều hòa không khí, vừa tiết kiệm tiền điện.
7. Trang trí phòng bằng các món đồ cách nhiệt
Nhiều người sử dụng thảm lót sàn và rèm cửa không chỉ để trang trí mà còn bởi công dụng cách nhiệt của chúng. Thêm thảm vào phòng ngủ có tác dụng làm giảm nhu cầu kiểm soát khí hậu của bạn, đặc biệt là trong những tháng mùa đông. Còn rèm cửa (hoặc các món đồ trang trí tương tự) dày dặn để cách nhiệt sẽ giúp ngăn chặn không khí nóng – lạnh ngoài trời, hoặc ngăn chặn ánh sáng ban ngày khi bạn vẫn đang ngủ. Cũng như chăn, ga, gối, nệm, bạn nên lựa chọn cả thảm và rèm làm từ vật liệu hữu cơ. Một số gợi ý phổ biến để bạn lựa chọn vật liệu như vải lanh lãng mạn tinh tế, hay vải bông dày sang trọng. Hoặc độc đáo hơn, là những mành tre cổ điển ấm áp. Bên cạnh đó, thảm hoặc rèm làm từ vật liệu tái chế (PET) cũng là sự lựa chọn thích hợp. Loại sản phẩm này góp phần giảm bớt sự tiêu thụ quá nhiều những vật liệu khác trong tự nhiên.
8. Chọn bóng đèn phù hợp
Phòng ngủ không phải là nơi bạn cần ánh sáng rực rỡ. Vì vậy, cách dễ dàng để tiết kiệm năng lượng là thay thế tất cả ánh sáng phòng ngủ bằng bóng đèn LED mờ. Đèn LED có tuổi thọ khoảng 20 năm, giúp giảm đáng kể số lần bạn phải thay bóng đèn. Không chỉ vậy, đèn LED sử dụng năng lượng ít hơn 85% so với bóng đèn sợi đốt nên sẽ giúp bạn cắt giảm đáng kể hóa đơn tiền điện của mình.
9. Sử dụng đồ đạc làm từ gỗ
Không như những sản phẩm nội thất được sản xuất từ chất liệu nhân tạo mà hầu hết đều mang tính thời trang, chỉ dùng một mùa hay một giai đoạn nhất định, những sản phẩm bằng gỗ thường bền, có thể sử dụng từ thế này qua thế hệ khác. Bên cạnh gỗ xẻ, những loại ván ép sử dụng từ gỗ thứ cấp hay phế liệu gỗ cũng phải qua một quá trình chế biến thân thiện với môi trường, không sử dụng hóa chất độc hại, không gây ô nhiễm môi trường nước xung quanh và đặc biệt là khả năng tái chế phải cao.
Minh Minh
Xem thêm:
Từ khóa phòng ngủ thân thiện môi trường giường ngủ mẹo hay Chăm sóc sức khỏe