Cụ bà mất trí nhớ nhưng lại hát theo mỗi khi bản nhạc yêu thích vang lên
- Minh Minh
- •
Chứng mất trí nhớ khiến cụ Deanna Fakeley trở nên nóng nảy và cáu gắt. Tuy vậy, trái tim của cụ vẫn luôn có một góc yếu mềm dành cho âm nhạc.
Grandma Has Dementia but When Her Granddaughter Plays Her Favorite Songs on the Cello—Her Reaction Is Amazing https://t.co/VHWZM7S5q6
— The Epoch Times Canada (@EpochTimesCan) July 30, 2024
Tuy không thể nhớ được tên tuổi hay khuôn mặt của người khác nhưng cụ Deanna Fakeley (80 tuổi, đến từ Alberta) vẫn có thể nhận ra và hát theo các bản nhạc yêu thích của mình.
Cách đây 8 năm, cụ Deanna Fakeley bắt đầu có dấu hiệu bị mất trí nhớ và dần biến thành một con người khác. Tuy là một cựu y tá nhưng cụ không thể làm gì để xử lý căn bệnh của mình. Gia đình đã hết lòng chăm sóc cho cụ trong thời gian đầu nhưng khi tình trạng bệnh của cụ trở nặng, họ đành phải đưa cụ đến viện dưỡng lão. Căn bệnh khiến cụ trở nên gắt gỏng, hung dữ. Cụ không còn nhận ra mọi người trong nhà nữa.
Kathryn Fakeley, 20 tuổi, cháu gái của cụ bà cho biết: “Ông của tôi là người đau khổ nhất. Ông phải chứng kiến người vợ chung sống với mình 55 năm dần mất đi ký ức và cuối cùng không thể sống với bà được nữa. Ông rất thích ngắm nhìn cảnh tượng các cháu gái chơi đàn cho bà nghe. Ông của tôi thường bật khóc”.
Kathryn Fakeley lớn lên ở Alberta trong một gia đình có truyền thống âm nhạc. Khi còn nhỏ, cô thường chơi đàn cello với các chị gái ở nhà của ông bà.
“Bà lúc nào cũng hát theo tiếng đàn của chúng tôi. Bà luôn nói với chúng tôi rằng ‘đừng bao giờ ngừng chơi nhạc’. Bà luôn bảo vệ những gì bà tin là đúng và bà không bao giờ ngại bảo vệ những người yếu thế. Tôi thực sự tôn trọng và ngưỡng mộ con người của bà”, Kathryn Fakeley nói.
Kathryn Fakeley đang học chuyên ngành âm nhạc và kinh doanh ở Georgia. Mỗi khi đến thăm bà, cô đều tổ chức một buổi hòa nhạc bằng đàn cello. Bà của cô bị mất trí nhớ nhưng trái tim của bà vẫn hướng về những nốt nhạc.
“Chúng tôi thường chơi nhạc cho bà nghe. Bà rất thích chúng nên thường vừa hát theo vừa khóc. Tôi nghĩ bà đặc biệt thích ‘Can’t Help Falling in Love’ và ‘Amazing Grace’. Vậy nên tôi chơi những bản nhạc đó rất nhiều lần”, Kathryn Fakeley nói.
Tháng 5 năm ngoái, nhân thời điểm nghỉ hè ở trường đại học, Kathryn Fakeley đã đến Elk Point, Alberta, để thăm ông bà của mình. Ông đã đưa cô đến thăm bà ở viện dưỡng lão. Tại đây, cô đã chơi nhạc cho bà và các “hàng xóm” của bà thưởng thức.
Cô luôn bắt đầu buổi biểu diễn của mình bằng bản nhạc “Scotland the Brave” – một bài hát truyền thống của Scotland.
“Tôi luôn cảm thấy xúc động khi chơi bản nhạc này vì lúc nào tôi cũng lo sợ đây sẽ là lần cuối cùng tôi được chơi nó cho bà nghe. Tôi đã đặt toàn bộ trái tim và tâm hồn mình vào những nốt nhạc để có thể mang đến cho bà một màn trình diễn mà bà sẽ trân trọng. Chứng mất trí nhớ khiến bà không thể nhớ được chuyện tôi đã đến thăm bà. Nhưng tôi tin là bà sẽ không đi quên cảm xúc mà tôi mang đến cho bà”, cô gái nói.
Cụ Deanna Fakeley và các cư dân ở viện dưỡng lão đều rất yêu thích buổi biểu diễn của Kathryn Fakeley.
“Khi tiếng nhạc vang lên, cảm xúc của bà tôi sẽ chuyển từ buồn man mác sang vui vẻ rồi hoàn toàn đắm chìm vào bài hát. Các hàng xóm của bà cũng rất thích khi thấy có một nhạc sĩ đến biểu diễn ở viện dưỡng lão. Họ lắng nghe những bản nhạc của tôi và hồi tưởng về những khoảnh khắc trong quá khứ”, Kathryn Fakeley nói.
Trong một lần ghé thăm, một cụ ông tại viện dưỡng lão đã nhờ cô chơi một bài hát trong đám cưới ngày xưa của ông.
“Tôi đã chơi bài hát đó trên đàn piano và ông ấy bật khóc. Âm nhạc có sức lan tỏa thật mạnh mẽ. Khi ngồi trong căn phòng này, chúng tôi có cảm giác như đang được du hành thời gian vậy. Chúng tôi cùng nhau quay lại và trải nghiệm những khoảnh khắc quý giá tại một đám cưới từ 50 năm trước”, Kathryn Fakeley nói.
Thông qua câu chuyện của gia đình mình, Kathryn Fakeley hy vọng những người biết chơi nhạc cụ sẽ có động lực tham gia tình nguyện tại các viện dưỡng lão hơn.
“Các nhạc công không nhất thiết phải biểu diễn ở các khán phòng sang trọng. Hãy đến những nơi bình thường như viện dưỡng lão chẳng hạn, âm nhạc của bạn có thể chạm đến trái tim của rất nhiều người”, cô nói.
Kathryn Fakeley tin rằng âm nhạc có sức mạnh thay đổi thế giới.
“Tôi đã chứng kiến nhiều trái tim chai sạn nhờ âm nhạc mà trở nên vui vẻ và bình yên trở lại. Âm nhạc có thể chữa lành và khiến con người trở nên mạnh mẽ hơn”, cô nói.
Từ khóa Cu Ba bản nhạc Âm nhạc mất trí nhớ