Nhiều người Mỹ bỏ smartphone chuyển sang sử dụng điện thoại ‘cục gạch’
- Tuệ Di t/h
- •
Những chiếc smartphone có một sức hút kỳ lạ khiến mọi người rất dễ bị ‘nghiện’. Nhiều người đã chuyển sang dùng điện thoại ‘cục gạch’ để cải thiện chất lượng cuộc sống.
Điện thoại thông minh mang lại rất nhiều lợi ích cho chúng ta nhưng đồng thời chúng cũng ẩn chứa nhiều tác hại khôn lường. Vì không muốn cuộc sống trở nên mơ hồ và mất tập trung, nhiều người Mỹ đã chọn sử dụng “điện thoại ngu ngốc” (chỉ có thể nhắn tin, gọi điện) thay vì điện thoại thông minh. Chỉ tính riêng trong năm 2023 đã có 2,8 triệu chiếc điện thoại như vậy được bán ra ở Mỹ. Ở Việt Nam, chúng ta thường gọi chúng là “điện thoại cục gạch”.
Các nhà hoạt động xã hội cho biết tỷ lệ trầm cảm và lo lắng ở con người đã tăng hơn 50% trong khoảng thời gian từ năm 2010 đến năm 2019 – trùng khớp với khoảng thời gian bùng nổ của điện thoại thông minh.
Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều công ty sản xuất các mặt hàng “chống” điện thoại thông minh. Họ hy vọng các sản phẩm này có thể giúp mọi người, đặc biệt là trẻ em, hạn chế sử dụng các thiết bị điện tử. Dumbwireless là một trong những công ty khá nổi tiếng trong lĩnh vực bán “điện thoại ngu ngốc”.
Trong cuộc phỏng vấn với DailyMail, một phụ nữ ở California – Caroline Cadwell – cho biết cô cảm thấy thời gian của mình đã trôi qua vô cùng lãng phí khi cả mùa hè cô chỉ “dán mắt” vào điện thoại. Cô thậm chí còn không thể nhớ mình đã dắt chó đi đâu vì mải trả lời tin nhắn.
Sau 15 năm làm việc trong các công ty khởi nghiệp có tốc độ tăng trưởng cao ở Barcelona và San Francisco, Cadwell đã quyết định nghỉ việc vì kiệt sức. Sau đó, cô nhận ra chiếc điện thoại thông minh chính là một trong những vấn đề.
“Tôi bỏ việc vì bị kiệt sức. Sau đó, tôi đã sống lập lờ như một zombie trong gần ba tháng hè. Tôi chẳng làm gì cả, tôi cũng không nhớ gì về khoảng thời gian đó. Khi tôi cảm thấy mình không thể nghỉ ngơi thêm được nữa, tôi bắt đầu nhìn nhận lại bản thân. Tôi nhận ra tôi hoàn toàn có thể kiểm soát việc mình bị kiệt sức. Tôi đã không vạch rõ ranh giới trong công việc. Lúc nào tôi cũng sẵn sàng làm việc. Tôi vẫn sẽ nhấc máy nếu họ gọi cho tôi vào lúc 11 giờ đêm”, cô nói
Ban đầu, việc đổi từ điện thoại thông minh sang “điện thoại ngu ngốc” giống như một nhiệm vụ bất khả thi đối với Caroline Cadwell. Nhưng khi đã quen với nó, cô chợt nhận ra cuộc sống và các mối quan hệ của mình đều đang được cải thiện theo hướng tốt đẹp hơn.
“Không gian và thời gian, đó là cách tôi mô tả nó. Bạn sẽ thấy vô cùng ngạc nhiên khi biết từ bỏ điện thoại thông minh có thể giúp bạn cải thiện các mối quan hệ như thế nào”, Cadwell nói.
Cô đã tạo ra sản phẩm có tên Unpluq để giúp mọi người khóa và sử dụng các ứng dụng trên điện thoại thông minh theo cách lành mạnh hơn. Theo Cadwell, trung bình mọi người đã giảm 72 phút sử dụng điện thoại mỗi ngày.
“Hiện nay, ngày càng có nhiều người quan tâm đến các tác hại của mạng xã hội và điện thoại thông minh. Tôi nghĩ sẽ có rất ít người cho rằng chúng chỉ mang lại lợi ích mà không đi kèm hậu quả gì cả. Chúng ta có thể làm gì để cải thiện tình trạng đó không? Tất nhiên là có. Nhưng tôi nghĩ thế hệ trẻ mới là những người dẫn đầu trong công cuộc cải thiện mối quan hệ với chiếc điện thoại thông minh”, cô nói.
Cadwell không phải là người duy nhất muốn từ bỏ điện thoại thông minh. Bà mẹ nội trợ và biên tập viên tự do Christina Dinur cũng đã chuyển sang sử dụng “điện thoại ngu ngốc” sau khi được truyền cảm hứng từ bạn mình. Người bạn này đã “quăng” chiếc điện thoại thông minh sang một bên vì cảm thấy bị mất khả năng tập trung vào các con.
“Tôi đã cảm thấy như vậy một thời gian nhưng lại không biết phải làm gì với nó. Tôi đã thất bại trong việc đặt ra những ranh giới lành mạnh cho việc sử dụng điện thoại thông minh của mình. Tôi cho rằng mua một chiếc điện thoại ngu ngốc là việc tôi nên làm. Sau khi nghe trải nghiệm của bạn mình, tôi cảm thấy có động lực hơn cho sự thay đổi này”, Dinur nói.
Bên cạnh đó, cuốn sách “The Anxious Generation” (Thế hệ lo lắng) của Jonathan Haidt – nói về mối liên hệ giữa điện thoại thông minh với sự gia tăng lo lắng ở giới trẻ – cũng đã truyền rất nhiều cảm hứng cho Dinur.
View this post on Instagram
“Cuốn sách đã thuyết phục tôi rằng trẻ em không nên sử dụng điện thoại thông minh hoặc mạng xã hội. Nhưng vấn đề chính ở đây là tôi. Nếu các con đòi mua điện thoại, tôi không biết phải từ chối thế nào khi chính tôi lúc nào cũng dán mắt vào chúng. Giải pháp tốt nhất là tôi nên sử dụng điện thoại ngu ngốc”, cô nói.
Dinur cứ nghĩ rằng cô không thể sống thiếu điện thoại thông minh nhưng hóa ra nhiệm vụ đó dễ hơn cô tưởng. Trước khi ra khỏi nhà, cô phải vẽ lại bản đồ chỉ đường vào sổ tay – điều đó có hơi bất tiện – nhưng không sao cả. Cô vẫn sử dụng mạng xã hội trên máy tính xách tay nhưng chỉ kiểm tra vài lần mỗi ngày thay vì liên tục.
“Tôi cảm thấy thật nhẹ nhõm. Tôi thực sự gặp khó khăn trong việc tự kiểm soát việc sử dụng điện thoại thông minh. Tuy chẳng có gì để xem nhưng tôi vẫn có thói quen lướt điện thoại. Từ khi chuyển sang điện thoại ngu ngốc, tôi chẳng còn cơ hội để làm điều đó nữa. Tôi cảm thấy tâm trạng bình tĩnh hơn và có cảm giác gắn kết với thế giới thực hơn, đặc biệt là với các con tôi”, cô nói.
Sau khi từ bỏ điện thoại thông minh, Dinur dần phục hồi khả năng tập trung và cô bắt đầu đọc nhiều sách hơn. Cô cũng dành rất nhiều thời gian cho gia đình.
Dinur là một thành viên hoạt động năng nổ của phong trào Smartphone Free Childhood ở Mỹ. Họ đang kêu gọi chính quyền địa phương và hội đồng trường học đưa ra các biện pháp giúp trẻ em hạn chế sử dụng điện thoại.
Dinur hy vọng các con của mình (3 và 5 tuổi) sẽ không phải lớn lên với những thói quen kỹ thuật số không lành mạnh.
“Ngay cả người lớn cũng không thể kiểm soát việc sử dụng điện thoại thông minh thì tại sao nhiều người lại nghĩ những thiết bị này sẽ có lợi cho trẻ em? Trí não và khả năng kiểm soát xung lực của chúng vẫn đang phát triển”, cô nói.
Một nhà tâm lý học người Mỹ công bố kết quả mà ông đã tâm huyết nghiên cứu suốt 10 năm khiến tất cả mọi người rất ngạc nhiên.
10 năm trước, nhà tâm lý học này đã chọn 100 trẻ em từ các gia đình thuộc tầng lớp trung lưu và hạ lưu ở khắp nơi trên nước Mỹ, sau đó chia thành 2 nhóm: 50 người không có điều kiện tiếp xúc với điện thoại, 50 người say mê chơi điện thoại. Cuối cùng tiến hành một cuộc khảo sát kỹ lưỡng.
Sau 10 năm, kết quả của cuộc khảo sát như sau:
Trong số 50 em thích chơi điện thoại, chỉ có 2 em đậu đại học. Trong 50 em không có điều kiện tiếp xúc với điện thoại, có 3 em sau khi tốt nghiệp trung học đã chọn ở nhà phụ giúp gia đình, còn lại hầu hết đều đậu đại học. Trong đó, có 16 em đã nhận được học bổng toàn phần của nhà trường.
Stephen Kurczy, tác giả cuốn sách “The Quiet Zone” (Vùng yên lặng), đã đến Green Bank, Virginia – một thị trấn không có vùng phủ sóng điện thoại di động do có kính viễn vọng vô tuyến gần đó – và cảm nhận rõ một cuộc sống không có điện thoại thông minh là như thế nào.
“Trong quá trình viết The Quiet Zone, tôi đã nói chuyện với rất nhiều người và nghe rất nhiều câu chuyện về việc những người ghé thăm Green Bank, Tây Virginia đã trải nghiệm việc cai nghiện điện thoại như thế nào. Theo luật thì nơi này không có dịch vụ di động. Một người dân địa phương nói với tôi ‘những người trẻ tuổi gần như nổi cơn thịnh nộ khi nhận ra điện thoại của họ không có sóng. Dù đã được thông báo là nơi này không có dịch vụ di động thì nhiều du khách vẫn cố gắng kiểm tra điện thoại theo bản năng. Một nghiên cứu đã tiết lộ rằng mọi người thường chạm vào điện thoại thông minh của họ hơn 2.600 lần một ngày”, anh nói.
View this post on Instagram
Trong lúc Kurczy viết sách, vợ của anh liên tục kiểm tra iPhone nhưng hoàn toàn bất lực. Sau một tuần, cô đã bắt đầu thích nghi với nhịp sống chậm hơn.
“Đó là sự giải thoát đối với cô ấy”, anh nói.
Trên thực tế, Kurczy chưa bao giờ phải cố gắng từ bỏ điện thoại thông minh bởi vốn dĩ anh chẳng có chiếc nào cả.
“Đó là cách tôi tạo ra một chút yên tĩnh cho cuộc sống của mình. Hiện nay có rất nhiều nghiên cứu cho thấy con người sẽ hạnh phúc hơn và làm việc hiệu quả hơn nếu không lên mạng mọi lúc. Tôi hiểu rằng nhiều người cần điện thoại thông minh để làm việc nhưng tôi đã tìm ra cách để sống mà không cần đến điện thoại và tôi mong rằng mọi người cũng sẽ cân nhắc con đường đó. Tôi có hai đứa con và tôi không muốn chúng sớm có điện thoại”, anh nói.
Kurczy không mua điện thoại thông minh vì ngay bây giờ anh cũng đang gặp khó khăn trong việc đặt ra giới hạn cho việc sử dụng máy tính xách tay.
“Tôi biết tôi sẽ không đủ ý chí để cưỡng lại việc sử dụng điện thoại thông minh quá mức. Ví dụ như hôm nay, khi đang tắm ở ao với các con thì tôi quyết định sẽ mua một chiếc cào cát mới. Nếu lúc đó có sẵn điện thoại thông minh thì tôi sẽ đăng nhập vào Amazon và bắt đầu tìm kiếm những chiếc cào tốt nhất. Tôi sẽ nhanh chóng lạc vào hố sâu của những chiếc cào, tin nhắn, email, thông báo tin tức. May mắn thay, vì không có nó nên tôi vẫn có thể tận hưởng khoảng thời gian tuyệt vời này với các con tôi. Điện thoại thông minh có thể làm cho việc đó trở nên khó khăn hơn nhiều”, anh nói.
Từ khóa smartphone điện thoại cục gạch người Mỹ