Trải nghiệm sâu sắc của cựu nữ giáo viên Đại Lục trong trại tạm giam
- Văn Phong
- •
Mới đây, trong bữa tiệc tối với bạn bè, cô Vương Vĩ Hoa, một tín đồ Cơ Đốc và là một cựu giáo viên đến từ Trung Quốc Đại Lục đang sống lưu vong ở nước ngoài, đã chia sẻ một số trải nghiệm đời mình liên quan đến Pháp Luân Công. Câu chuyện của cô đã động đến trái tim của tất cả những người có mặt ở đó.
Cô Vương Vĩ Hoa là một giáo viên tiểu học ở Nội Mông. Chồng cô, ông Đỗ Văn là cựu giám đốc điều hành Văn phòng Tư vấn Pháp luật của Chính quyền quận Nội Mông của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Ông cũng từng là cố vấn pháp lý cho những lãnh đạo cao nhất của Chính quyền quận Nội Mông, bao gồm: ông Dương Tinh, Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc; ông Bagatur, Phó Chủ tịch Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc; ông Hồ Xuân Hoa, cựu phó thủ tướng Quốc hội Trung Quốc và rất nhiều người khác. Tuy nhiên, sau khi tham gia một hoạt động mật của chính phủ, ông bị chính quyền lấy cớ tố cáo biển thủ công quỹ để kết án 12 năm 8 tháng tù. Sau đó, ông được ra tù vào tháng 1 năm 2023, nhưng vẫn bị giám sát và phải chạy sang châu Âu sống lưu vong cùng vợ.
Cơ duyên xảo hợp, gặp được người bạn tốt khi ở trại giam
Vì kêu oan cho chồng, cô Vương Vĩ Hoa đã bị chính quyền bắt giữ và đưa đến Trại giam số 1 Hohhot vào ngày 5 tháng 5 năm 2010. Cô bị giam giữ hơn 580 ngày trước khi được thả. Ở đó, cô gặp dì Yến, một học viên Pháp Luân Công, những trải nghiệm sâu sắc khiến hai người xích lại gần nhau và kết giao nên một tình bạn sâu sắc.
Trong hơn mười năm qua, đối mặt với sự giam cầm dài hạn của người thân và sự bất công mà bản thân phải gánh chịu, cô Vương đã phải chịu áp lực rất lớn và bị kích động về mặt tinh thần. Do đó trí nhớ của cô bị suy giảm nghiêm trọng và quên đi nhiều điều, tuy nhiên chỉ có trải nghiệm gặp dì Yến là vẫn còn tươi mới trong trí nhớ của cô, như thể chuyện đó mới xảy ra ngày hôm qua vậy.
Lần đầu gặp dì Yến
Hôm đó là ngày 5 tháng 5 năm 2010, tôi bị đưa đến Trại giam số 1 Hohhot. Đêm đã khuya, phòng giam chật hẹp, tôi bị dồn vào một góc tường. Đã hơn chục người cũng đang bị nhốt ở đây. Thời tiết đang vào hè, trong phòng ngột ngạt và nóng nực. Tôi khó chịu đến mức không thể chợp mắt, nhưng cuối cùng vì quá mệt, tôi đã ngủ thiếp đi lúc nào không biết.
Sáng hôm sau khi tỉnh dậy, tôi phát hiện mình chẳng có gì cả, ngay cả khăn tắm hay bàn chải đánh răng cũng không có. Trong trại giam, mọi người phải tự mình mua tất cả những thứ này. Có điều, vì gia đình chưa kịp gửi tiền, nên tôi cũng không thể mua được gì.
Lúc này bỗng nhiên có một phụ nữ đi tới đưa cho tôi một chiếc bàn chải đánh răng và nói với tôi rằng: “Con có thể dùng cái này, cô biết con cũng là một giáo viên.”
Tôi nhìn qua thì thấy cô là một người đã ngoài 60 tuổi với khuôn mặt hiền lành và phúc hậu. Trong lòng tôi khi ấy dâng lên một cảm xúc ấm áp đến khó tả. Tôi không nghĩ rằng ở một nơi tận cùng của sự lạnh nhạt này lại có một người lương thiện đến thế. Sau đó tôi cầm lấy bàn chải đánh răng và cảm ơn cô, tôi gọi cô là dì, tôi nghĩ gọi như vậy vì có cảm giác rất thân quen với dì. Sau khi trò chuyện được một lúc, tôi mới biết dì là một học viên Pháp Luân Công và dì bị giam ở đây vì không từ bỏ đức tin vào Chân – Thiện – Nhẫn của mình. Trong trại giam, mọi người đều gọi dì là dì Yến.
Dì Yến rất quan tâm đến tôi và nói cho tôi biết rằng hầu hết những người bị giam ở đây đều vì tội ăn trộm hoặc cướp giật. Dì ấy nói: “Con là một giáo viên, con khác với họ”. Dì cũng thường xuyên dạy tôi đọc chín chữ chân ngôn: “Pháp Luân Đại Pháp hảo, Chân-Thiện-Nhẫn hảo.”
Giường của tôi lại tình cờ nằm cạnh giường của dì, cho nên tôi biết rằng hàng ngày dì đều thức dậy lúc 3:40 để ngồi thiền và tập các bài công pháp. Bởi vì dì là người tốt nên mọi người đều vờ như không thấy và không báo cho trưởng phòng giam; hơn nữa giường của dì ở trong góc, cho nên camera giám sát cũng không thể quay tới.
Một ngày nọ, tôi hỏi dì: “Dì ơi, tại sao dì lại có thể tự kỷ luật mỗi ngày như vậy?” Dì nói rằng bởi vì hầu hết các học viên Pháp Luân Công đều tập công vào thời điểm này và nghiêm túc luyện công hàng ngày, trường năng lượng tạo ra rất mạnh mẽ. Dì cũng nói rằng trước cuộc đàn áp, mọi người đều tập công ở các quảng trường lớn. Vào thời điểm đó, có người đã nhìn thấy nơi tập công phát ra ánh sáng đỏ.
Dì Yến cũng nói: “Dì rất hối hận vì đã không đọc thêm sách của Sư phụ (người sáng lập Pháp Luân Công) khi còn ở bên ngoài. Sau khi vào đây, dì có muốn đọc cũng không thể. Bây giờ dì chỉ có thể dựa vào trí nhớ mà thôi.”
Một “giọng nói” bí ẩn
Một đêm nọ, khi tôi đang ngủ say thì đột nhiên nghe thấy một giọng nói rất lớn, khi định hình lại, tôi biết đó là giọng của dì Yến: “Tôi muốn ra khỏi đây. Tôi muốn ra khỏi đây…”
Trại tạm giam có người trực ca đêm, cũng có người đi lại tuần tra, nên tôi có chút lo lắng, tôi vội hỏi dì: “Dì ơi sao dì lại ồn ào như vậy? Nếu người trực bên ngoài nghe thấy, có lẽ dì sẽ bị đánh đấy!” Lúc đó tôi cũng nghĩ rằng nhất định mọi người đều bị dì Yến đánh thức.
Thế nhưng thật kỳ lạ, khi nhìn xung quanh, tôi thấy căn phòng vẫn yên tĩnh và mọi người đều đang ngủ. Tôi có chút kinh ngạc thầm nghĩ: “Chuyện gì vậy? Ồn ào như vậy, sao mọi người vẫn không bị đánh thức?”
Lúc này, đối diện chéo có một cô gái đang trực. Ba đến năm giờ là giờ trực của cô ấy. Tôi hỏi cô gái rằng vừa rồi có nghe thấy dì Yến nói gì không? Cô gái trả lời rằng mình không nghe thấy dì ấy nói gì cả.
Tôi sau đó cũng nhìn lại và thấy rằng toàn bộ hành lang đều rất yên tĩnh, thậm chí toàn bộ trại giam cũng vô cùng yên tĩnh, không có một chút âm thanh nào.
Khi này tôi bắt đầu cảm thấy vô cùng hoang mang, liệu mình có phải đang bị ảo giác không? Mình đang mơ sao? Nhưng sao giấc mơ này lại rõ ràng như vậy? Âm thanh lớn đến mức có thể đánh thức mình. Chuyện gì đang xảy vậy?
Tôi vô cùng khó hiểu. Ngày hôm sau, tôi hỏi dì: “Dì ơi, tối qua dì có nói gì không?” Dì Yến nghe xong chỉ cười và không nói gì.
Tôi lại nói thêm: “Con thật sự nghe thấy dì nói rằng dì muốn ra khỏi đây.”
Dì Yến khi này mới nói: “Lúc đó, đúng là trong lòng dì đang phát ra ý nguyện này. Nếu con cũng nghe được, vậy con có thể tưởng tượng được ý nguyện này của dì mạnh mẽ đến mức nào.”
Tôi lúc ấy cảm thấy điều này thật kỳ diệu và khó tin.
Mọi người khác đều tránh xa những người đó, ngoại trừ dì ấy
Một ngày nọ, có một người phụ nữ trung niên nghiện ma túy và bán ma túy bị đưa đến trại giam. Cả hai vợ chồng cô ấy đều bị bắt, còn đứa trẻ thì bị bỏ lại lang thang bên ngoài, thật là tình cảnh quá đáng thương.
Trong trại tạm giam không có ma túy. Người phụ nữ này mỗi khi lên cơn thèm thuốc đều trông rất thống khổ. Cô cảm thấy vô cùng khó chịu và bị phản ứng mạnh, liên tục nôn ra nước xanh khắp sàn nhà, bẩn thỉu và hôi hám. Mọi người trong phòng đều tránh xa cô, nhưng chỉ có dì Yến là ngoại lệ, dì không né tránh cô, mà ngược lại còn đến chăm sóc cô, giúp cô lấy nước và thức ăn, giúp cô dọn dẹp và cọ rửa.
Tôi lại hỏi dì: “Tại sao dì lại muốn giúp đỡ cô ấy trong khi những người khác đều né tránh? Cô ấy nghiện ma túy, không phải là người tốt!”
Dì Yến nói: “Sư phụ dạy dì phải làm người tốt, cần biết nghĩ đến người khác và giúp đỡ người khác.”
Trại giam này cũng là nơi giam giữ một bệnh nhân tâm thần. Vì tinh thần không ổn định, cô ấy thường chửi bới, đánh đập người khác. Mọi người đều sợ và tránh xa cô. Nhưng điều kỳ lạ là cô ấy lại rất lễ phép với dì Yến, cô cũng không bao giờ đánh hay mắng dì.
Một hôm, sau giấc ngủ trưa, cô ấy nói với những người xunh quanh rằng cô ấy nhìn thấy dì Yến ngồi trên đài hoa sen và đang bay trên một đám mây lớn. Mọi người nghe xong đều cảm thấy rất thú vị.
Nữ trưởng phòng giam: “Tôi sẽ tu luyện Pháp Luân Công sau khi nghỉ hưu”
Một ngày nọ, tôi hỏi dì: “Dì à, tại sao dì lại kiên trì tu luyện? Hơn nữa lại còn có tín tâm mãnh liệt đến như vậy?”
Dì Yến sau đó đã kể với tôi rằng dì từng bị bệnh tim nặng, lúc đó công ty của nhà dì khai trương và có rất nhiều khách hàng ở tầng dưới, khi ấy chồng dì không thể tiếp hết khách và muốn dì xuống nhà phụ ông ấy một tay. Nhưng dì thậm chí còn không có sức để đi xuống cầu thang. Sau đó, một người mà dì tình cờ gặp trong công viên đã tặng dì một cuốn sách ‘Chuyển Pháp Luân’. Sau khi đọc cuốn sách và tập các bài công pháp, bệnh tim của dì đã được chữa khỏi, từ đó trở đi, dì luôn cảm thấy tràn đầy sinh lực và nhiệt huyết.
“Con không biết cảm giác khó chịu khi bị đau tim đâu. Sau này, cho dù ai cấm cản dì tu luyện dì cũng nhất quyết không chịu. Bởi vì ngoài Sư Phụ ra, không ai có thể chữa khỏi bệnh của dì, và thực sự không ai có thể làm cho cơ thể của dì được tái sinh lại một lần nữa.” Dì Yến nói với tôi.
Thật sự dì trông rất khỏe mạnh và trẻ trung, ở độ tuổi này nhưng dì có làn da mịn màng và sáng sủa, trông dì không giống người ở độ tuổi 60 chút nào cả.
Một ngày nọ, một người đàn ông bị đau họng và cảm lạnh nên đã gọi bác sĩ của trại giam đến thăm khám. Vị bác sĩ nói: “Các bạn còn trẻ nhưng hôm nay các bạn mắc bệnh này ngày mai các bạn mắc bệnh khác. Hãy nhìn những người học Pháp Luân Công đi, họ không bao giờ bị bệnh và thậm chí họ không cần dùng thuốc.”
Khi đó còn có nữ cảnh sát trưởng có mặt tại đó đã nói: “Sau này, khi nghỉ hưu, tôi cũng sẽ tu luyện Pháp Luân Công”.
Đức tin thực sự
Mọi người trong trại giam đều biết rằng các học viên Pháp Luân Công chỉ cần viết “bản thú tội và giấy cam kết không tu luyện” là họ có thể được ra ngoài và sống một cuộc sống bình thường. Nhưng dì Yến chưa bao giờ viết. Tôi thấy rằng mỗi lần bị ép viết, dì đều nói: “Tôi sẽ không bao giờ viết một chữ, tôi không có tội. Tôi không thể làm bất cứ điều gì vu khống Sư Phụ của tôi. Sư Phụ của tôi đã dạy chúng tôi trở thành những người tốt. Tôi không thể làm trái lương tâm của mình, làm trái đạo đức và đi ngược lại niềm tin của chính mình”.
Dì ấy thà vào tù còn hơn từ bỏ đức tin của mình. Có lần tôi hỏi dì, các bạn học viên Pháp Luân Công thực sự không nói dối sao? Dì Yến nói: “Người tu luyện chân chính và đệ tử Đại Pháp chân chính sẽ không nói dối, Sư phụ cũng không cho phép nói dối.”
Tôi thật sự kính phục trước niềm tin của dì, nó thật tuyệt vời. Tôi đã nhìn thấy niềm tin thực sự ở dì ấy, một niềm tin thực sự xuất phát từ trái tim. Niềm tin này sẽ không thay đổi và bị lung lay bởi bất kể điều gì.
Trước khi gặp dì, tôi chưa bao giờ tiếp xúc với Pháp Luân Công. Tôi còn nhớ khi tôi đang học trung học, vụ tự thiêu ở Thiên An Môn đã được rầm rộ đưa trên các bản tin. Tất cả đều vô cùng tiêu cực và đáng sợ. Khi ấy tôi và rất nhiều người đã tin những điều mà ĐCSTQ nói là sự thật, hầu như ai cũng đều có thành kiến với Pháp Luân Công.
Tuy nhiên kể từ khi gặp dì Yến, tôi nhận ra rằng những điều mà ĐCSTQ nói hoàn toàn đều là bịa đặt và vu khống. Dì là một người rất tốt bụng và có đức tin sâu sắc. Dù chúng tôi chỉ mới quen nhau được ba tháng nhưng chúng tôi đã gắn kết nên một tình bạn khắc cốt ghi tâm.
Dì Yến cuối cùng cũng được thả ra khỏi trại tạm giam sau ba tháng. Sau khi được thả, dì đã đến nhà tôi để thăm các con tôi. Sau đó, dì cũng đến thành phố London ở Anh. Cho đến bây giờ, tôi và dì vẫn giữ liên lạc.
Dì từng nói với tôi rằng: “Dì không biết con có duyên với dì như thế nào, nhưng ngay khi nhìn thấy con, dì cảm thấy rất thân quen.” Sau khi nghe dì nói xong tôi cũng cảm thấy rất ngạc nhiên, bởi chính tôi ngay khi gặp dì lần đầu tiên cũng xuất hiện cảm giác này, quả là duyên phận không hề nhỏ.
Chồng của tôi cũng quen biết rất nhiều học viên Pháp Luân Công
Chồng của tôi, anh Đỗ Văn, trong quá trình ở tù 12 năm cũng đã tiếp xúc được với nhiều học viên Pháp Luân Công. Tôi từng hỏi chồng rằng anh cảm nhận về các học viên Pháp Luân Công như thế nào? Anh không ngần ngại mà nói rằng họ đều là những người tốt, lương thiện và sẵn sàng giúp đỡ người khác. Cuối cùng, họ đã ảnh hưởng đến tất cả tù nhân khác trong nhà tù. Tôi cũng đã nghe được rất nhiều câu chuyện về các học viên từ anh:
Một bác sĩ ở thành phố Bao Đầu, Nội Mông, là một học viên Pháp Luân Công đã bị kết án hơn mười năm. Chính quyền cố tình để những tên tội phạm dữ tợn nhất đến tra tấn anh. Họ trói anh vào một chiếc ghế cọp sau đó đánh đập, tra tấn và bỏ đói anh. Thậm chí họ còn nhổ nước bọt vào mặt anh. Thế nhưng mỗi khi anh bước xuống ghế cọp, anh đều nói: “Mọi người thật đáng thương!”
Đó là vì anh biết rằng những người này vì tin theo lời bịa đặt dối trá của ĐCSTQ mà thù hận Pháp Luân Công và tiếp tay cho cuộc đàn áp, trong vô minh mà tạo nghiệp, tương lai không cách nào thoát khỏi báo ứng, thật đáng thương biết bao!
Những tù nhân này cũng ăn trộm đồ ăn của anh, nhưng anh không bao giờ phàn nàn về việc đó, cuối cùng anh đã khiến một tù nhân cảm động. Sau đó, toàn bộ con người tù nhân đó đều đã thay đổi, từ tính cách độc ác ngày xưa, anh ta trở nên hiền lành và đứng đắn hơn.
Ngoài ra còn có một giám đốc Phòng 610, người đã bị kết án tử hình treo. Ông ấy từng nói với chồng tôi rằng, nói theo lương tâm, những người học Pháp Luân Công thật phi thường. Những người tin vào Pháp Luân Công đều không làm điều xấu. Họ là một nhóm người vô cùng tốt bụng. Ông cũng nói điều đáng xấu hổ nhất ông từng làm trong đời là đàn áp các học viên Pháp Luân Công.
Chính quyền còn muốn vợ của ông chuyển hóa các học viên Pháp Luân Công (tức là dùng các thủ đoạn để ép các học viên từ bỏ tu luyện) để đổi lấy việc giảm mức án tù cho ông, nhưng ông thẳng thừng từ chối sự trao đổi này. Ông nói: “Tôi thà ngồi tù thêm một năm còn hơn thuận theo điều này và tiếp tục phạm tội. Trên đời này có chuyện gì ác hơn việc đàn áp người tốt?” Ông còn nói với chồng tôi rằng nếu có cơ hội, sau khi được ra tù, nhờ chồng tôi hãy thay mặt ông bày tỏ sự tiếc nuối và gửi lời xin lỗi đến các học viên Pháp Luân Công.
Cảnh sát cũng từng yêu cầu chồng tôi viết cái gọi là “bảo đảm không tu luyện” thay cho các học viên Pháp Luân Công, nhưng chồng đã từ chối và thậm chí còn nói với cảnh sát rằng anh thà chết dưới làn đạn của họ chứ tuyệt đối không tiếp tay cho kẻ ác bức hại người tốt.
Hai vợ chồng tôi đều là những tín đồ Cơ Đốc. Mặc dù không cùng tín ngưỡng, nhưng những lời nói và hành động của các học viên Pháp Luân Công đã cho chúng tôi thấy điều ngược lại với những tuyên truyền mà mọi người thấy trên TV. Chồng tôi thực sự cảm thấy rằng họ rất tốt và nhìn thấy niềm tin này từ họ. Đó thực sự là một niềm tin rất vững chắc xuất phát từ tận đáy lòng.
Một ngày nào đó, nếu không còn bị phong tỏa Internet, tôi nghĩ rằng sẽ có nhiều người biết Pháp Luân Công thật sự là gì.
Từ khóa cựu giáo viên Pháp Luân Công Vương Vĩ Hoa Đỗ Văn dì Yến trạm giam