Trang trí nhà Tết theo phong thủy, quan niệm của người xưa

Thông thường hàng năm chúng ta đều làm mới lại nhà cửa, dọn dẹp trang hoàng lại để đón một năm mới đầm ấm và hạnh phúc. Khi có sự thay đổi các vật dụng trong nhà, chúng ta phải cân nhắc đến vấn đề phong thủy.

hoa mai up copy 1

Phong thủy (風水) là học thuyết chuyên nghiên cứu sự ảnh hưởng của hướng gió, hướng khí, mạch nước đến đời sống hoạ phúc của con người. Phong thủy không phải là yếu tố đơn lẻ mà là tổng hợp hàng loạt yếu tố về địa hình địa thế xung quanh nhà ở, thôn xóm, hướng gió, dòng nước cùng tọa hướng, hình dạng, bố cục…

ve sinh nha cua 1

Vệ sinh nhà cửa gần như là quan trọng nhất trong việc trang trí nhà cuối năm, nhất là khi bạn đã thay đổi màu sơn mới cho ngôi nhà. Việc này theo phong thủy chính là giúp chúng ta bỏ đi những cái cũ, mang lại những điều mới may mắn cho gia đình vào dịp tân niên.

Phong thủy liên quan đến cát hung, họa phúc, thọ yểu, sự cùng thông của nhân sự. Cát ắt là phong thủy hợp, hung ắt là phong thủy không hợp. Trong ngôi nhà của chúng ta phòng khách được xem là rất quan trọng vì đây chính là nơi tập trung vượng khí cho cả nhà. Phong thủy phòng khách luôn thể hiện mối quan hệ hài hòa giữa các thành viên trong gia đình, sự cân bằng trong việc thu nạp sinh khí, cát lành, gia tăng thịnh vượng cho ngôi nhà.

Khi bố trí bàn ghế trong phòng khách, lưu ý không đặt ghế quay lưng ra cửa chính, nên đặt ở vị trí hướng mặt ra cửa, để mang đến cho khách cảm giác được chào đón khi bước vào nhà, và đồng thời cũng tránh cảm giác bất an cho người ngồi quay lưng ra cửa chính mỗi khi có người tiến vào.

Trang trí nhà Tết theo phong thủy, quan niệm của người xưa

Hình tròn trong phong thủy tượng trưng cho sự hài hòa, thống nhất, vì thế khi trang trí bằng các vật dụng có kiểu dáng hình tròn sẽ có tác dụng hỗ trợ thêm hòa khí. Nếu bàn ghế không tròn, chúng ta hãy làm mềm những góc nhọn bằng những tấm khăn trải bên trên hoặc đặt thêm những chậu cây cảnh phù hợp với phong thủy như: cây phát tài, trầu bà lá xẻ, lưỡi cọp, kim tiền… xung quanh.

Cũng nên chú ý đến số lượng cây, nên trồng cây theo cặp cân xứng, tạo không gian hài hòa hoặc trồng số cây lẻ như 3, 5, 7 để tạo phong thủy tốt vì theo quan niệm của người xưa, số lẻ tượng trưng cho tính dương, sự dư thừa nên người xưa thường chuộng những con số này.

Trang trí nhà Tết theo phong thủy, quan niệm của người xưa

 

Theo triết lý âm dương: Vô cực sinh Hữu cực, Hữu cực sinh Thái cực, Thái cực sinh Lưỡng nghi, Lưỡng nghi sinh Tứ tượng, Tứ tượng sinh Bát quái. Bát quái sinh ra 64 quẻ, 384 hào có thể bao quát vạn vật, dung nạp vạn sự trong thế gian.

Người xưa xem việc bài trí bàn thờ là rất quan trọng, đây là một nơi được chăm chút kỹ lưỡng và rất chú trọng đến vấn đề phong thủy. Bàn thờ tổ tiên sẽ được sắp xếp theo Bát quái, hai bộ đèn lớn ở giữa chính là Thái cực, hai cây đèn nhỏ hoặc đèn cầy hai bên chính là Lưỡng nghi, quả dưa hấu, mâm ngũ quả, hai bình bông hai bên chính là Tứ tượng và cuối cùng lư hương ở trung tâm chính là Bát quái.

CĂM HOA 1

Khi cắm hoa ngày Tết, theo phong thủy chúng ta nên cắm nhiều loại hoa với nhiều màu sắc khác nhau, hạn chế màu trắng vì màu trắng mang tính âm, thay vào đó nên chọn những màu có tính dương như vàng, đỏ. Theo nguyên lý Tam tài chúng ta nên trưng hoa theo 3 tầng và kết hợp hoa to hoa nhỏ với nhau như một sự cân bằng âm dương.

Bên cạnh đó, việc trưng bày mâm ngũ quả cũng không thể thiếu được. Mâm ngũ quả có nguồn gốc xuất phát từ triết lý Ngũ Hành. Người xưa kết hợp 5 loại trái cây ngon nhất trong mùa, đem dâng lên cho tổ tiên để mong mọi sự hanh thông.

Trong ngũ hành (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ), có sự tương sinh (Thủy sinh Mộc, Mộc sinh Hỏa, Hỏa sinh Thổ, Thổ sinh Kim, Kim sinh Thủy) tương khắc (Thủy khắc Hỏa, Hỏa khắc Kim, Kim khắc Mộc, Mộc khắc Thổ, Thổ khắc Thủy), khi ngũ hành tương sinh và vận chuyển thông suốt thì đó chính là sự hanh thông, phát triển đi lên, khi ngũ hành tương khắc lại dạy cho con người biết chấp nhận sự khó khăn, khác biệt.

TRANG TRI PHONG BEP 1

Một khu vực khác quan trọng không kém, chính là căn bếp của gia đình. Hãy sắm sửa một bộ chén dĩa mới, thay khăn trải bàn mới và thêm vào bếp vài chậu hoa tươi. Trang trí 3 chậu cây xanh tươi tốt để làm mới lại năng lượng của ngôi nhà, hãy trồng những cây thảo mộc, cây gia vị có hương thơm như cây húng quê, cỏ thơm hoặc bạc hà… để nguồn sinh khí được lưu thông và nuôi dưỡng năng lượng cho gia đình tốt hơn.

Trang trí căn bếp của mình với những sắc màu tươi sáng. Chúng ta có thể phối màu trắng trong nhà bếp với gam màu ấm áp của sàn gỗ, sự kết hợp này sẽ khiến cho góc nấu ăn trở nên sinh động hơn. Luôn giữ cho khu vực này luôn sạch sẽ, thường xuyên dọn dẹp để đẩy đi nguồn năng lượng cũ trì trệ để sinh khí lưu chuyển thông suốt trong nhà bạn quanh năm.

Minh Nguyệt

Bình Luận