Categories: Kinh TếKinh doanh

Các doanh nghiệp châu Âu đang dần chuyển đơn hàng khỏi Việt Nam

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho hay 18% doanh nghiệp châu Âu (EU) tại Việt Nam đã chuyển đơn hàng sang nước khác, 16% doanh nghiệp khác đang cân nhắc. Các doanh nghiệp này đang chứng kiến chỉ số kinh doanh thấp nhất trong hơn một thập kỷ qua.

Thông tin trên được đưa ra tại cuộc họp báo trực tuyến do ông Alain Cany, Chủ tịch EuroCham chủ trì, liền sau buổi làm việc của cộng đồng doanh nghiệp này với Thủ tướng Việt Nam – ông Phạm Minh Chính vào chiều 9/9, truyền thông nước đưa tin.

Chủ tịch EuroCham – ông Alain Cany tại Diễn đàn Hợp tác Á – Âu (ASEM) ngày 22/6/2021. (Ảnh: eurochamvn.org)

29% doanh nghiệp EU cho rằng tình hình “rất tệ”

Theo Báo cáo của EuroCham về Chỉ số môi trường kinh doanh (BCI), chỉ số kinh doanh của các doanh nghiệp EU hiện chỉ ở ngưỡng 15,2 điểm kể từ khi làn sóng dịch COVID-19 thứ 4 xuất hiện (tính từ ngày 27/4 tới nay). Đây là mức thấp nhất từ trước tới nay của nhóm doanh nghiệp này. Thậm chí, chỉ số tại thời điểm này còn thấp hơn cả thời điểm Việt Nam giãn cách đợt 1 (tháng 4/2020) và kém xa thời điểm khủng hoảng tài chính năm 2012.

“Không có gì ngụy tạo khi nói rằng đợt bùng phát dịch lần thứ tư này đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của Việt Nam. Chỉ số Môi trường Kinh doanh của EuroCham hiện đang ghi nhận kết quả thấp nhất trong hơn một thập kỷ”, ông Cany nói.

Biểu đồ Chỉ số môi trường kinh doanh (BCI) của các DN thành viên EuroCham tại Việt Nam từ năm 2010-2021. (Nguồn: EuroCham)

Theo EuroCham, gần 80% doanh nghiệp EU tại Việt Nam có kết quả kinh doanh không tốt trong 3 tháng qua, trong đó 29% nói “rất tệ” do giãn cách kéo dài. Chỉ 7% có kết quả kinh doanh tốt ở thời điểm này.

71% doanh nghiệp cho biết tình hình kinh doanh của họ dự kiến “chỉ khá hơn một chút” trong 3 tháng tới, nhưng nhìn chung sẽ ở mức không tốt.

Hạn chế về vận tải và cung ứng hàng hoá; và điều kiện thị trường được nhiều doanh nghiệp xác định (là hai tác nhân chính ảnh hưởng mạnh nhất tới sản xuất kinh doanh (tỷ lệ đồng tình lần lượt là 70% và 51% doanh nghiệp).

Hiện 18% doanh nghiệp EU trong ngành sản xuất đã chuyển đơn hàng đi; 16% doanh nghiệp khác đang cân nhắc vì nghĩ tình hình này có thể kéo dài hơn. Số liệu được nêu ra, dù Chủ tịch EuroCham nhấn mạnh “đây là chuyển các đơn đặt hàng và là quyết định tạm thời, chứ chưa có nhà đầu tư nào rút ra khỏi Việt Nam”.

“Chúng ta cần triển khai tiêm vắc-xin để khôi phục hoạt động sản xuất càng sớm càng tốt”, ông Cany nói.

Ông Cany cảnh báo: “Nếu các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội và hạn chế đi lại tiếp tục kéo dài hơn nữa, các dự án đầu tư mới có thể gặp rủi ro và các công ty có thể xem xét di chuyển tới các nơi khác trong khu vực”.

Các quyết sách cần được thực thi mà không sự khác biệt giữa các địa phương

Một số doanh nghiệp chỉ ra khó khăn chính là logistics và chi phí để thực hiện phương án “3 tại chỗ”. Chính sách hiện yêu cầu doanh nghiệp tổ chức “ăn, ở, ngủ” tại chỗ cho nhân viên, người lao động khiến họ mất thêm rất nhiều chi phí. Các doanh nghiệp này cũng gặp khó khăn khi muốn thay thế mới số công nhân đã ở lại nhà máy thời gian dài.

“Các chính sách “3 tại chỗ’ trong khi đúng về mặt nguyên tắc, trên thực tế lại đặt ra một gánh nặng rất lớn lên cả các công ty và người lao động của họ”, ông Cany nói.

Giải pháp được nhắc đến là đẩy nhanh tiêm vắc-xin COVID-19 để mở cửa dần dần các tỉnh và thành phố, thúc đẩy các hoạt động thương mại trở lại bình thường.

“Một trong những vấn đề cấp bách nhất bây giờ là cần có hộ chiếu vắc-xin điện tử để tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển tự do cho những người đã được tiêm chủng trong và ngoài nước. Chúng tôi cố gắng đàm phán, mua vắc-xin để đem về Việt Nam nhưng thực sự khó khi các hãng chỉ bán qua Chính phủ, doanh nghiệp tư nhân không thể mua được”, ông Cany nói.

Ông Alain Cany cho biết đến nay đã có 10 triệu liều vắc-xin của EU được cung cấp cho Việt Nam qua cơ chế COVAX. Ba ngày trước, thỏa thuận song phương của Đức cung cấp 5 triệu liều, Pháp 700.000 liều, tới đây một số nước khác sẽ hỗ trợ thêm khoảng 3-4 triệu liều cho Việt Nam.

Theo ông Cany, những gì các doanh nghiệp thành viên của EuroCham cần bây giờ là một lộ trình rõ ràng cho các biện pháp hiện tại; giải pháp giải quyết các rào cản đối với hoạt động thương mại và cung cấp cho họ một lộ trình có thể dự đoán được để tái khởi động việc kinh doanh.

Hơn một nửa doanh nghiệp cho hay không có hướng dẫn cụ thể của cơ quan quản lý và chính quyền về việc họ cần làm gì trong trường hợp xuất hiện các ca F0 tại nhà máy. Còn gần 2/3 doanh nghiệp đề nghị cần có quy tắc tập trung của Chính phủ cho hoạt động kinh doanh, thay vì để các địa phương tự quyết định.

Minh Sơn

Xem thêm:

Minh Sơn

Published by
Minh Sơn

Recent Posts

Tỉnh ủy Bình Phước chỉ đạo vụ Tỉnh ủy viên xâm hại đồng tính

Giới chức Đảng và chính quyền tỉnh Bình Phước xác nhận đang làm rõ vụ…

28 phút ago

Xe buýt điện Trung Quốc đổ bộ thị trường EU, hãng xe châu Âu lâu đời phá sản

Nhu cầu thị trường về xe buýt điện đang dần mở rộng ở Châu Âu.…

2 giờ ago

Ông Zelensky chỉ trích phương Tây vì muốn chấm dứt xung đột

Tổng thống Ukraine tuyên bố lực lượng Kiev sẽ thành công hơn trên chiến trường…

2 giờ ago

Nói về món ăn miền Nam

Sau thử thách, nhiều món ăn lạ được định hình hoặc bị lãng quên để…

3 giờ ago

Vụ án chìm tàu kéo và sà lan khiến 9 người thương vong: Khởi tố vụ án

Liên quan vụ chìm tàu kéo và sà lan làm 9 người thương vong, cơ…

3 giờ ago

Thủ tướng Slovakia Robert Fico vẫn đang trong tình trạng nguy kịch

Thủ tướng Sloviakia Robert Fico vẫn đang trong tình trạng nguy kịch và phải đối…

3 giờ ago