Kinh Tế

Châu Âu điều tra về hoạt động mua sắm công thiết bị y tế từ Trung Quốc

Căng thẳng giữa châu Âu và Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) không ngừng gia tăng ngay trước thềm chuyến thăm châu Âu vào tháng Năm của ông Tập Cận Bình. Trong một diễn biến mới nhất, vào thứ Tư (24/4) Ủy ban châu Âu thông báo sẽ mở cuộc điều tra về hoạt động mua sắm công liên quan thiết bị y tế có nguồn từ Trung Quốc.

Cờ EU trước Ủy ban châu Âu tại Brussels, Bỉ (Ảnh: symbiot/Shutterstock)

Theo Reuters, cuộc điều tra nhằm mục đích xác định xem liệu các nhà cung cấp thiết bị châu Âu (từ kim tiêm, thiết bị chỉnh hình đến máy quét phức tạp…) có được công bằng trong tiếp cận thị trường ở Trung Quốc hay không.

Nếu kết luận điều tra cho thấy các công ty châu Âu không được đối xử công bằng, như vậy trong các cuộc đấu thầu công khai của EU thì có thể áp đặt các hạn chế đối với sự tham gia của các công ty thiết bị y tế Trung Quốc. Tùy theo tình hình mà EU áp mức độ hạn chế, từ việc hạ điểm đấu thầu của công ty Trung Quốc đến loại trừ hoàn toàn.

Đây là cuộc điều tra đầu tiên được EU thực hiện dựa trên Công cụ Mua sắm Quốc tế của EU (EU International Procurement Instrument). Công cụ này nhằm mục đích thúc đẩy khả năng tiếp cận các thị trường mua sắm công quốc tế một cách công bằng. Các công ty và chính phủ châu Âu từ lâu đã chỉ trích ĐCSTQ trong vấn đề tiếp cận thị trường Trung Quốc.

Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Valdis Dombrovskis cho biết: “Công cụ Mua sắm Quốc tế là một cơ chế mới mạnh mẽ để hỗ trợ các công ty châu Âu tại các thị trường ít cởi mở hơn thị trường của chúng tôi”. Ông nói thêm rằng các cuộc thảo luận với Trung Quốc về vấn đề thiết bị y tế cho đến nay vẫn “không có kết quả”, nhưng ông hy vọng việc tiến hành một cuộc điều tra sẽ mang lại “giải pháp được cả hai bên đồng ý”.

Nhiều hành vi của ĐCSTQ có lợi cho các công ty Trung Quốc

Tạp chí Chính thức của Liên minh châu Âu (Official Journal of the European Union) liệt kê nhiều cách mà ĐCSTQ ưu ái một cách không công bằng cho các công ty thiết bị y tế Trung Quốc, bao gồm chính sách “mua hàng Trung Quốc”, hạn chế nhập khẩu và đặt giá thầu thấp bất thường, khiến các công ty nước ngoài định hướng lợi nhuận không thể cạnh tranh được với các công ty Trung Quốc.

EU cho biết: “Đánh giá sơ bộ của Ủy ban là các biện pháp và thực tiễn nêu trên khiến khả năng tiếp cận của các nhà điều hành kinh tế (EU) gặp bất lợi nghiêm trọng, cả về mặt pháp lý và thực tế”.

Ủy ban châu Âu đã yêu cầu Trung Quốc đưa ra giải thích và tổ chức tham vấn để loại bỏ hoặc khắc phục các vấn đề cáo buộc.

Cuộc điều tra sẽ kết thúc trong vòng 9 tháng, nhưng ủy ban có thể kéo dài thời gian này thêm 5 tháng nếu cần thiết.

Cuộc điều tra đã khiến phía Trung Quốc không hài lòng. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân (Wang Wenbin) cho biết trong cuộc họp báo hôm thứ Tư (24/4): “EU luôn tuyên bố là thị trường cởi mở nhất thế giới, nhưng những động thái đã cho thấy EU đang từng bước tiến tới chủ nghĩa bảo hộ”.

Ông Uông Văn Bân cũng cho hay EU nên “tuân thủ cam kết mở cửa thị trường và nguyên tắc cạnh tranh công bằng, tuân thủ các quy định của WTO và ngừng sử dụng nhiều lý do khác nhau để đàn áp và hạn chế một cách vô lý các công ty Trung Quốc”.

Phòng Thương mại Liên minh châu Âu tại Trung Quốc (các thành viên bao gồm các nhà cung cấp thiết bị y tế như Philips, Siemens…) hoan nghênh cuộc điều tra mới của EU: “Việc quá trình mua sắm của chính phủ ở Trung Quốc không công bằng là vấn đề từ lâu các công ty châu Âu hoạt động tại Trung Quốc phải đối mặt”.

Đã tiến hành một số cuộc điều tra

Kể từ tháng 7/2023, các quy định của EU về trợ cấp ở nước ngoài đã cho phép cơ quan điều hành EU đánh giá liệu vấn đề có khiến các công ty liên quan đưa ra giá thầu có lợi thế quá mức trong đấu thầu mua sắm, qua đó để đánh bại các đối thủ EU hay không. Kể từ đó, EU đã tiến hành một số cuộc điều tra nhằm vào các công ty Trung Quốc.

Cuộc điều tra mới nhất của EU về thiết bị y tế diễn ra chỉ một ngày sau khi văn phòng tại Hà Lan và Ba Lan của một công ty thiết bị an ninh Trung Quốc bị Ủy ban châu Âu đột kích. EU cho biết có dấu hiệu cho thấy công ty này có thể đã nhận được trợ cấp từ nước ngoài. Căn cứ quy định trợ cấp nước ngoài, vấn đề cho thấy có thể làm biến dạng thị trường nội địa EU.  

“Ủy ban đã nhận được thông tin chỉ ra rằng công ty bị này có thể đã nhận trợ cấp nước ngoài, theo quy định của châu Âu cho thấy vấn đề có thể đã bóp méo thị trường châu Âu”, thông báo cho hay. Ủy ban châu Âu không cung cấp tên công ty hoặc cho biết công ty có trụ sở tại nước nào, chỉ tuyên bố nếu tìm thấy đủ bằng chứng về các khoản trợ cấp gây bóp méo thị trường thì ủy ban có thể tiến hành điều tra. Phòng Thương mại Trung Quốc tại Liên minh châu Âu (CCCEU) cho biết họ đã được thông báo rằng văn phòng của một công ty ở Ba Lan và Hà Lan đã bị đột kích, trong đó các giám sát viên thu giữ thiết bị công nghệ thông tin và điện thoại di động của nhân viên và yêu cầu quyền tra xét dữ liệu.

Tháng 10 năm ngoái, EU chính thức mở cuộc điều tra chống trợ cấp đối với xe điện do Trung Quốc sản xuất. Thời điểm đó EU cho biết những chiếc xe điện này bị nghi ngờ nhận được nhiều khoản trợ cấp từ chính phủ Trung Quốc. Nhờ được trợ cấp mà thị phần của các sản phẩm Trung Quốc vào EU đã tăng lên nhanh chóng, gây thiệt hại cho các ngành công nghiệp của EU.

EU cũng đang truy cứu vấn đề trợ cấp từ nhà nước Trung Quốc đối với các nhà cung cấp tua-bin gió và tấm pin mặt trời của Trung Quốc xuất khẩu sang châu Âu.

Quan hệ EU-Trung Quốc đã xuống mức thấp do vấn đề tiếp cận thị trường không công bằng của nhà nước Trung Quốc, việc bán phá giá hàng hóa giá rẻ vào châu Âu và hỗ trợ Nga trong cuộc chiến xâm lược Ukraine. Lập trường cứng rắn hơn của EU đối với Trung Quốc trùng khớp với lập trường tương tự của Mỹ. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cảnh báo phía Trung Quốc rằng, Washington sẽ không chấp nhận việc các ngành công nghiệp mới của họ bị “phá hủy” bởi hàng nhập khẩu giá rẻ của Trung Quốc.

Mộc Vệ (t/h)

Mộc Vệ

Published by
Mộc Vệ

Recent Posts

Chánh Thanh tra Sở GTVT tỉnh Lâm Đồng bị khởi tố

Sai phạm của ông Phạm Bé xảy ra trong thời gian ông làm Giám đốc…

5 giờ ago

Ông Mai Tiến Dũng bị khởi tố, bắt giam

Ông Mai Tiến Dũng, cựu Bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, có sai…

5 giờ ago

Sau NYT và RFA, Wall Street Journal tuyên bố rút khỏi Hồng Kông

Ngày 2/5, trước Ngày Tự do Báo chí Thế giới, tờ báo Wall Street Journal…

7 giờ ago

Bức xạ hạt nhân ở Nga làm người dân TQ giáp biên giới hoảng loạn

Một "nguồn phóng xạ" được phát hiện tại Khabarovsk của Nga, gần Trung Quốc, giá…

7 giờ ago

Vụ ngộ độc sau ăn bánh mì: Tổng cộng đã có 529 ca, 2 trẻ tiên lượng nặng

Liên quan vụ ngộ độc tập thể sau khi ăn bánh mì tại Đồng Nai,…

7 giờ ago

Cửa hàng hoa, dịch vụ cưới hỏi cháy trong đêm, bé 12 tuổi tử vong

Cửa hàng hoa bị cháy, hệ thống điện trong nhà tự ngắt khiến cửa cuốn…

8 giờ ago