Đề xuất áp thuế VAT 5% với phân bón: Cách nào cân đối giữa lợi ích doanh nghiệp và nông dân?
- Nguyễn Minh
- •
Nếu áp thuế giá trị gia tăng (VAT) 5% với phân bón, doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước được hoàn thuế, tăng sức cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu, có dư địa giảm giá. Song, nông dân (ngư dân) chịu tác động lớn do giá phân bón tăng là điều có thể nhìn thấy trước mắt.
Ngày 14/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục họp chuyên đề pháp luật, cho ý kiến dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi.
Nội dung chuyển phân bón từ đối tượng không chịu thuế sang đối tượng chịu thuế suất 5% trong dự thảo Luật tiếp tục đối diện nhiều ý kiến trái chiều, như lần thảo luận hồi cuối tháng 6 trước.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết trong thường trực ủy ban này có 2 quan điểm đối với đề xuất này.
Quan điểm thứ nhất đề nghị giữ như quy định hiện hành vì thuế VAT là thuế gián thu, người chịu thuế VAT là người tiêu dùng cuối cùng. Việc chuyển phân bón sang chịu thuế suất 5% thì người nông dân (ngư dân) sẽ chịu tác động lớn do giá phân bón sẽ tăng khi có thuế VAT, dẫn đến tăng giá thành sản phẩm nông nghiệp, trái tinh thần khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn theo Nghị quyết số 19-NQ/TW.
Quan điểm thứ hai thống nhất với nội dung dự thảo Luật và Cơ quan soạn thảo, vì Luật số 71/2014/QH13 đưa phân bón đang từ diện chịu thuế 5% sang diện không chịu thuế VAT đã tạo ra sự bất cập lớn về chính sách, ảnh hưởng bất lợi cho ngành sản xuất phân bón trong nước trong suốt 10 năm qua; các doanh nghiệp đã không được hoàn thuế VAT đầu vào (bao gồm cả chi phí đầu tư mua sắm tài sản), phải hạch toán vào chi phí, làm tăng chi phí và giá thành sản xuất, giá bán không thể cạnh tranh với phân bón nhập khẩu đang từ chịu thuế chuyển sang được miễn thuế.
Sự bất cập về cơ chế cần được đưa trở lại đúng quỹ đạo của thuế VAT.
Việc quay lại áp dụng thuế suất 5% sẽ có các tác động nhất định đến giá bán phân bón trên thị trường, làm tăng giá thành phân bón nhập khẩu (hiện chỉ chiếm 26,7% thị phần); đồng thời, làm giảm giá thành phân bón sản xuất trong nước (hiện đang chiếm 73,% thị phần).
Các doanh nghiệp sản xuất phân bón sẽ được hoàn thuế do thuế đầu ra (5%) thấp hơn đầu vào (10%) và NSNN sẽ không tăng thu do phải bù trừ giữa tăng thu từ khâu nhập khẩu với việc hoàn thuế cho sản xuất trong nước. Các doanh nghiệp trong nước có dư địa để giảm giá bán nếu giá phân bón và các nguyên liệu đầu vào trên thị trường quốc tế không thay đổi.
Ngoài ra, phân bón hiện là sản phẩm bình ổn giá nên trong trường hợp cần thiết, khi có biến động lớn về giá trên thị trường thì các cơ quan quản lý nhà nước có thể thực hiện các biện pháp quản lý cần thiết để bình ổn ở mức hợp lý.
“Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách nghiêng về quan điểm thứ nhất” – ông Mạnh cho biết. Cơ quan soạn thảo đề nghị giữ như dự thảo luật đã trình tại Kỳ họp thứ 7. Trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách sẽ chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật.
Doanh nghiệp phân bón trong nước có dư địa giảm giá thành?
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh tán thành với quan điểm giữ nguyên như luật hiện hành. Theo ông Thanh, áp thuế VAT 5% với phân bón sẽ khiến người nông dân chịu ảnh hưởng. Bởi đây là thuế gián thu, người nông dân, tiêu dùng cuối cùng phải chịu do giá bán tăng.
“Khi áp thuế VAT với phân bón sẽ giúp doanh nghiệp sản xuất cạnh tranh với hàng nhập khẩu, nhưng cũng cần bảo vệ người nông dân”, ông Thanh nói.
Đưa ra quan điểm trái chiều, ông Đậu Anh Tuấn – Phó tổng thư ký Liên đoàn Thương mại – Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khẳng định việc tăng thuế 5% với phân bón không đồng nghĩa với việc mặt hàng này sẽ tăng giá. Thời gian qua miễn thuế với phân bón và nhiều hàng hóa vật tư nông nghiệp khác “tưởng là ưu đãi nhưng là gánh nặng lớn cho doanh nghiệp, ngành hàng này trong nước”.
Ông Tuấn dẫn tính toán cho hay hiện tại các khoản thuế VAT nằm trong chi phí để sản xuất ra phân bón đã cao hơn 5%, bình quân có thể khoảng 6 – 8% tùy doanh nghiệp, tức cao hơn mức thuế suất Chính phủ tính áp dụng.
“Như vậy, chúng ta sản xuất ra phân bón đã chứa VAT nhưng lại không được hoàn. Trong khi đó, nếu phân bón nước ngoài nhập vào Việt Nam có chính sách miễn thì không phải chịu thuế VAT này, cho nên thực ra cạnh tranh rất khó giữa phân bón sản xuất trong nước và phân bón nước ngoài” – ông Tuấn nói.
Nếu áp dụng thuế 5% thì có nghĩa là nhập khẩu vào cũng chịu 5%. Vì hàng nhập khẩu đang được miễn thuế này, dẫn tới cạnh tranh không lành mạnh với sản phẩm sản xuất trong nước. Với năng lực sản xuất dư thừa mặt hàng này trên thế giới như hiện nay, cạnh tranh sẽ ngày càng khốc liệt.
Trước lo ngại áp thuế sẽ khiến giá bán tăng, ông Tuấn nói không có cơ sở. Bởi, năng lực sản xuất phân bón của doanh nghiệp trong nước lớn, nếu áp thuế 5% thì tác động nhất định tới giá thành sản xuất trong nước (hiện chiếm hơn 73% thị phần). Các doanh nghiệp sản xuất sẽ được hoàn thuế do thuế đầu ra và họ có dư địa giảm giá bán, chiếm lĩnh thị trường.
Ngoài ra, phân bón là mặt hàng trong diện bình ổn giá, nên cơ quan quản lý có thể sử dụng biện pháp bình ổn trong trường hợp cần thiết. “Đây là bài toán căn cơ phải tính toán để vừa tự chủ năng lực, vừa giữ được ngành sản xuất phân bón trong nước”, ông Tuấn nêu ý kiến.
“Thu của người sử dụng phân bón 5.700 tỷ đồng mà bảo giảm được giá bán…”
Nêu ý kiến thảo luận, ông Nguyễn Trường Giang – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật dẫn báo cáo đánh giá tác động cho thấy, nếu áp thuế 5% như đề xuất thì mỗi năm Nhà nước sẽ thu khoảng 5.700 tỷ đồng, trong đó hoàn thuế cho doanh nghiệp khoảng 1.500 tỷ đồng, ngân sách nhà nước được 4.200 tỷ đồng.
“Bây giờ thu của người sử dụng phân bón 5.700 tỷ đồng mà bảo giảm được giá bán, tôi thấy không thuyết phục. Đề nghị phải đánh giá rất sát chỗ này. Bởi vì giá thành với giá bán là hoàn toàn khác nhau, giá bán còn phụ thuộc vào thế giới”, ông Giang nói.
Ông Giang phân tích, theo quy định hiện hành thì mặt hàng phân bón không chịu thuế, chứ không phải là thuế suất 0% nên doanh nghiệp không được khấu trừ hoàn thuế đầu vào. Do đó ông này đề xuất phương án thuế 0% thì doanh nghiệp sẽ được hoàn thuế. Nhà nước “mất” khoảng 1.500 tỷ/năm, theo tốc độ tăng có thể lên tới 2.000 tỷ đồng/năm, nhưng giá bán của người nông dân ổn định, không tăng.
Tuy nhiên, báo cáo của Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho biết không thể quy định mức thuế suất 2% hay 0% cho phân bón vì mức thuế 0% chỉ áp dụng cho hàng hóa, dịch vụ khi xuất khẩu. Bên cạnh đó, mục tiêu cải cách thuế VAT là giảm bớt số lượng các mức thuế suất, không gia tăng số lượng các mức thuế suất so với quy định hiện hành.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết đi tiếp xúc cử tri tỉnh Long An, và cũng nhận được điện thoại từ nhiều tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cho rằng việc đánh thuế phân bón là chưa ủng hộ người nông dân. Bà con phản ánh những nông dân nào có điều kiện sản xuất tập trung, chất lượng cao mới có lãi nhưng đa số người dân ở Đồng bằng sông Cửu Long vẫn sản xuất theo hộ gia đình.
“Sản xuất nông nghiệp đã khó rồi, giờ lại đánh thuế vào người nông dân thì người ta sẽ bỏ ruộng hoặc có phản ứng ngược lại thì tình hình an ninh nông thôn sẽ phức tạp”, ông Tới lo ngại.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải yêu cầu Bộ Tài chính – cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, thống nhất với cơ quan thẩm tra để hoàn thiện dự thảo luật trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 8 vào tháng 10 tới.
Từ khóa hoàn thuế VAT Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi thuế VAT giá phân bón