Doanh số hàng xa xỉ tại Việt Nam giảm thê thảm
- Phan Vũ
- •
Báo cáo về ngành hàng xa xỉ năm 2023 mới công bố của Vietdata cho thấy các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng xa xỉ tại Việt Nam đã trải qua một năm khó khăn khi chứng kiến sự sụt giảm hai con số cả về doanh thu và lợi nhuận. Nguyên nhân do người tiêu dùng thắt chặt hầu bao trong bối cảnh kinh tế khó khăn, báo cáo chỉ rõ.
Theo báo cáo, sau hai năm thống trị thị trường xa xỉ Việt Nam (2021-2022), Louis Vuitton phải nhường ngôi cho Channel trong năm ngoái với mức giảm doanh thu 22,5%. Doanh thu năm 2023 của LV chỉ đạt trên dưới 1.800 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế cũng ghi nhận giảm 38%.
Với doanh thu đạt gần 1.900 tỷ đồng, Chanel đã bứt phá lên vị trí dẫn đầu trong ngành công nghiệp hàng hóa xa xỉ trong năm 2023. Tuy vậy, thương hiệu nổi tiếng thế giới này vẫn ghi nhận sự suy giảm về doanh thu 13,6% so với năm 2022. Lợi nhuận sau thuế cũng giảm mạnh 51%.
Một tên tuổi khác là Christian Dior tuy không dẫn đầu trong danh sách về doanh thu nhưng ghi nhận kết quả kinh doanh tốt hơn so với nhiều doanh nghiệp phân phối độc quyền khác.
Năm 2023, doanh thu của Christian Dior đạt 1.500 tỷ đồng, chỉ giảm 9,5% so với năm 2022. Lợi nhuận sau thuế của thương hiệu này cũng đạt cao nhất trong phân khúc độc quyền thương hiệu nhờ nỗ lực kiểm soát chi phí hiệu quả và tối ưu hóa hoạt động kinh doanh. Tuy vậy, chỉ số này vẫn giảm khoảng 30% so với cùng kỳ.
Christian Dior hiện sở hữu mạng lưới 8 cửa hàng tại Hà Nội, Hội An và TP.HCM, bao gồm cả Christian Dior Couture Boutiques và Parfums Christian Dior Boutiques.
Có quy mô nhỏ hơn so với các “ông lớn” kể trên với doanh thu khoảng 1.000 tỷ đồng năm 2022, Gucci ghi nhận mức doanh thu giảm mạnh 30% trong năm 2023, chỉ còn khoảng 750 tỷ đồng. Gucci cũng là thương hiệu ghi nhận mức giảm lợi nhuận nhiều nhất thị trường hàng xa xỉ (giảm 77% so với năm 2022). Hiện Gucci sở hữu 3 cửa hàng tại Hà Nội và TP.HCM (trong đó có một cửa hàng hợp tác với Adidas).
So với các thương hiệu hàng đầu ở trên, Prada Việt Nam và Ermenegildo Zegna Việt Nam có quy mô nhỏ hơn nhiều với doanh thu hằng năm chỉ dưới 200 tỷ đồng. Mặc dù doanh thu cũng ghi nhận sự sụt giảm chung xu hướng với các ông lớn khác, nhưng Prada được đánh giá cao bởi chiến lược kiểm soát chi phí hiệu quả và thay đổi chiến lược kinh doanh phù hợp. Nhờ vậy, thương hiệu này đã chuyển từ mức lỗ năm 2022 sang có lãi.
Trong khi đó, lợi nhuận của Ermenegildo Zegna bắt đầu có lãi từ năm 2022 sau nhiều năm có mặt tại Việt Nam. Hiện tại, Prada và Ermenegildo Zegna, mỗi thương hiệu chỉ sở hữu 1 cửa hàng duy nhất tại Hà Nội.
Tuy nhiên, giới chuyên môn nhận định, sự khó khăn của các thương hiệu xa xỉ có thể chỉ diễn ra trong ngắn hạn. Theo đánh giá mới đây của Savills, thị trường hàng xa xỉ đã đi qua vùng đáy và đang cho thấy sức phục hồi tích cực nhờ sự quay trở lại của du lịch quốc tế và xu hướng lạm phát giảm. Tuy nhiên, diễn biến tại mỗi quốc gia, khu vực khá khác biệt.
Việt Nam được đánh giá là một thị trường tiềm năng cho ngành hàng xa xỉ khi số người thuộc tầng lớp trung lưu và giới siêu giàu tại Việt Nam ngày một tăng nhanh.
World Data Lab ước tính, Việt Nam đứng thứ 5, trong danh sách 9 quốc gia châu Á được dự báo có số người gia nhập tầng lớp trung lưu lớn nhất năm 2024, với 4 triệu người. Đứng đầu là Ấn Độ (33 triệu người), Trung Quốc (31 triệu người), Indonesia và Bangladesh (5 triệu người).
Theo tiêu chí của World Data Lab, người thuộc tầng lớp trung lưu là người chi tiêu ít nhất 12 USD/ngày theo sức mua tương đương năm 2017. Theo đó, tầng lớp trung lưu tại Việt Nam đang chiếm khoảng 17% dân số. Dự kiến tỷ lệ này sẽ tăng lên 26% vào năm 2026, theo ước tính của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.
Còn theo Knight Frank, đến cuối năm 2022, số người có tài sản ròng trên 30 triệu USD đã lên đến 1.059. Dự báo con số này sẽ chạm mốc 1.300 người vào năm 2027, tương ứng mức tăng 122% trong một thập niên. Số người có tài sản trên 1 triệu USD cũng được dự báo sẽ tăng 173% trong giai đoạn 2017 – 2027.
Từ khóa hàng xa xỉ Louis Vuitton Gucci Christian Dior Channel