Hải quan Hàn Quốc thu giữ hàng giả, 80% đến từ Trung Quốc
- Vương Quân Nghi
- •
Số liệu mới nhất cho thấy, hơn 80% hàng giả nhập khẩu bị Hải quan Hàn Quốc thu giữ trong nửa đầu năm nay đều có xuất xứ từ Trung Quốc. Hơn một nửa số trường hợp là hàng nhái của thương hiệu cao cấp Pháp “CHANEL”.
Trong báo cáo hôm thứ Năm (15/8), Ủy ban Kế hoạch và Tài chính của Quốc hội Hàn Quốc dẫn số liệu từ Cục Hải quan và Thuế quan cho biết, từ tháng 1 đến tháng 6 năm nay, Cục Hải quan và Thuế quan đã thu giữ tổng cộng 34 mặt hàng vi phạm tại cảng, với tổng số tiền khoảng 93,4 tỷ won (khoảng 68,7 triệu USD).
Theo hãng thông tấn Yonhap, xét về xuất xứ, có 24 mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, với trị giá nhập khẩu là 78,1 tỷ won (khoảng 57,8 triệu USD), chiếm 83,6% trong tổng lượng. Trong số hàng giả bị thu giữ năm ngoái, 95,4% (trị giá 354,1 tỷ won, khoảng 262 triệu USD) đến từ Trung Quốc.
Xét về mặt sản phẩm, túi xách bị làm giả nhiều nhất, với tổng trị giá 65,3 tỷ won (khoảng 48,37 triệu USD), chiếm 69,9%; tiếp theo là quần áo, với giá trị 19,6 tỷ won (khoảng 14,5 triệu USD), chiếm 21%.
Xét về thương hiệu, Chanel đứng đầu với 48,7 tỷ won (khoảng 36 triệu USD), chiếm 52,1%; tiếp theo là Goyard với giá trị 7,5 tỷ won (khoảng 5,55 triệu USD); Louis Vuitton với 4,1 tỷ won (khoảng 3 triệu USD) và Gucci với 2 tỷ won Hàn Quốc (khoảng 1,48 triệu) lần lượt nằm trong số các thương hiệu đình đám.
Người Hàn Quốc rất yêu thích hàng xa xỉ. “The Korea Herald” đã trích dẫn một cuộc khảo sát với 1.000 người trưởng thành Hàn Quốc do công ty nghiên cứu thị trường Hàn Quốc Embrain thực hiện vào tháng 11 năm ngoái.
Kết quả khảo sát cho thấy, 26% số người được hỏi nói rằng họ mua hàng xa xỉ lần đầu tiên khi còn học tại trường trung học. 45,7% số người được hỏi cho biết, lần đầu tiên họ mua đồ xa xỉ vào đầu những năm 20 tuổi.
Gần đây, dựa trên cuộc khảo sát các công ty trong nước có từ hơn 10 nhân viên trở lên, Cục Sở hữu trí tuệ Hàn Quốc (KIPO) đã công bố báo cáo thường niên về việc bảo vệ sở hữu trí tuệ. Báo cáo cho thấy, 50,2% công ty tham gia khảo sát kêu gọi trấn áp việc bán sản phẩm giả trong nước.
Trong một báo cáo hôm thứ Năm (15/8), Dân biểu Seong-hoon Park, Nghị sĩ Quốc hội Hàn Quốc, cho biết, khi hoạt động mua sắm trực tiếp từ nước ngoài tăng lên, doanh số bán hàng giả từ Trung Quốc cũng tăng lên. Để ngăn ngừa thiệt hại cho người tiêu dùng, một mạng lưới chặt chẽ hơn phải được thiết lập để chống lại tình trạng hàng giả này.
Từ khóa hàng giả Hàn Quốc Hàng hóa Trung Quốc Made in China hàng nhái hàng nhái Trung Quốc