Lan đột biến hàng trăm tỷ hiện nay đang dần biến mất khỏi thị trường?
- Đức Minh
- •
Hiện tượng lan đột biến đến nay dường như đã đi vào giai đoạn thoái trào khi nhiều nguồn tin trong nước cho biết giá cả loại lan từng một thời lên đến hàng trăm tỷ đồng… nay không ai mặn mà giao dịch, giá cả lao dốc chỉ còn vài chục nghìn, vài triệu đồng cũng khó bán.
Cây lan đột biến đang dần “đột tử”
Từ đầu tháng 4 đến nay, nhiều bài báo trong nước chỉ ra tín hiệu cho thấy thị trường lan đột biến dường như đã thoái trào và chiêu trò đẩy giá không còn hiệu quả. Do đó, giá cả mặt hàng này lao dốc khiến nhiều nhà đầu cơ mắc kẹt, lỗ hàng tỷ đồng vì muốn làm giàu nhanh chóng. Đặc điểm chung của thị trường hoa lan đột biến là dựa vào “độ hiếm” và tung hô của một số người chơi lan.
Bên cạnh đó, một số vụ việc rửa tiền, lừa đảo cũng liên quan ít nhiều đến loài cây lan gây nhiều tranh cãi này.
Theo báo Tuổi Trẻ, một người buôn bán lan đột biến có tiếng ở tỉnh Lâm Đồng đầu tháng 4 năm nay đã đăng lên trang Facebook cá nhân tự nhận rằng đã lỗ hàng tỷ đồng vì hoa lan đột biến.
Chủ vườn nói trên đã phát video trực tiếp (live steam) để minh chứng rằng hiện nay hàng loạt loại lan đột biến bây giờ chỉ còn vài chục nghìn đến vài triệu đồng mỗi cm, trong khi trước đây là hàng trăm triệu đồng với chiều dài cây tương tự.
“Em lỗ 80 tỷ, bán mọi thứ trả 50 tỷ, còn 30 tỷ em làm trả dần. Em đang cố gắng hết sức làm trả cho anh em”, vị này cho biết, báo Tuổi Trẻ dẫn lời.
Anh N., một người chơi lan ở Quảng Ngãi cho biết từng mua lan đột biến 100-200 triệu đồng/cm để mua đi bán lại kiếm lời. Tổng số tiền anh đã bỏ ra hơn 1 tỷ đồng nhưng hiện tại bán tất cả số lan đột biến anh đang có cũng không đến 100 triệu đồng.
Anh Nguyễn Hòa Bình, người đầu tư lan đột biến tại Phú Thọ cho biết: “So với lúc tôi mới vào thị trường, lan đột biến bây giờ mất giá từ 100-200 lần. Ví dụ, không tính những cây có giá trị ‘khủng’ lên tới tiền tỷ, một cây lan đột biến thời điểm đó giá khoảng 200 triệu đồng thì hiện tại giá là 2 triệu đồng, thậm chí là chỉ 1 triệu đồng”, theo báo VTC.
Anh Bình cho hay đã đầu tư hơn 4 tỷ đồng bằng tiền của mình và vay mượn của người thân, với mong muốn kiếm lãi dễ dàng, anh Bình đã gần như mất trắng số tiền trên.
Ông Nguyễn Việt H., một người chơi lan đột biến khác ở Hòa Bình cho biết, thời đỉnh điểm, các giò lan gốc có người trả giá hàng chục tỷ đồng để được sở hữu. Người chơi lan đột biến không tiếc bỏ ra hàng chục tỷ đồng chỉ để được sở hữu cây lan bé nhỏ có cái tên hấp dẫn như: “Bạch Tuyết”, “Người đẹp Bình Dương”, “Người đẹp không tên”…
Theo đánh giá của nhiều người chơi lan, giá lan đột biến bây giờ dần trở lại giá trị thật. Người mua sưu tầm để chơi như một thú vui hơn là kinh doanh. Báo Tuổi Trẻ đưa tin, anh Duy Phạm – chủ vườn lan Kamy tại TP Quảng Ngãi, cho biết anh vẫn bán được lan đột biến nhưng giá rẻ hơn. Hiện nay anh Duy bán lan đột biến có giá từ 5.000-15.000 đồng/cm (lan Phú Thọ), 20.000-30.000 đồng/cm (lan Hiển Oanh). Một số cây đẹp hơn như Bạch Tuyết anh Duy bán 5 triệu đồng/cm.
Một chủ vườn ở Đắk Lắk cũng đồng quan điểm với anh Duy khi anh này xem việc chăm sóc lan đột biến như một nghề và cây lan vẫn cho thu nhập tốt. Anh này vẫn tiếp tục nhân giống, chăm sóc và bán cho người sưu tầm chơi hoa.
“Khi lan đột biến mới manh nha, giá chỉ cao hơn giá hiện tại một chút. Hiện tại trở về giá như đang thấy là phù hợp. Tôi chỉ mong cây lan đột biến được người chơi đón nhận như những cây sinh vật cảnh khác và mua theo nhận định vẻ đẹp hơn là mua theo giá”, chủ vườn Đắk Lắk nói.
Các giao dịch bất thường lan đột biến có khả năng liên quan đến lừa đảo, trốn thuế, rửa tiền,…
Với giá trị khó tin, nhiều người đặt ra nghi vấn về việc rửa tiền hay lừa đảo thông qua các giao dịch cây lan đột biến hàng trăm tỷ đồng để hợp thức hóa nguồn tiền bất hợp pháp, buôn lậu, tham nhũng, v.v…
Theo luật sư Nguyễn Đức Hùng (Hà Nội), các giao dịch bất thường lan đột biến có khả năng tồn tại nguy cơ của các hành vi trốn thuế, lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc rửa tiền, báo VOV đưa tin.
Ông Hùng cho biết việc xác minh nghĩa vụ thuế đối với các giao dịch lan đột biến là rất khó vì giao dịch này thường không có hợp đồng, không có cơ sở định giá hoặc với lý do “tự trồng, tự nhân giống” lan đột biến nên theo pháp luật không phải nộp thuế.
Theo báo Tiền Phong, tháng 9/2021, tại Quảng Ninh, hai “ông trùm” buôn lậu than Bùi Hữu Giang và Bùi Hữu Thanh đã bị công an bắt và cả hai người này đều có liên quan đến các giao dịch lan đột biến, nổi bật nhất là buổi giao dịch cây lan Ngọc Sơn cước có giá 250 tỷ đồng.
Một vụ việc khác ở Bình Phước khi công an đã bắt một nhóm người “thổi giá” lan đột biến để lừa đảo, rửa tiền vào tháng 8/2020. Nhóm này hoạt động bằng cách dẫn dụ người mua, cố tình nâng giá trong các buổi giao dịch để khiến nhiều người mắc bẫy. Sau khi người mua cuối cùng bỏ số tiền lớn ra mua lan thì nhóm này sẽ rút đi.
Theo ghi nhận trên mạng xã hội, nhiều người đã biết rõ chiêu trò “thổi giá” đằng sau những vụ mua bán lan đột biến. Mới đây, một chủ kênh Youtube vẫn đăng tải một video vào hôm 7/3/2022 nói về một chậu lan đột biến có tên 5 cánh trắng Long Khánh trị giá 250 tỷ đồng… Tài khoản Phú Trần để lại bình luận bên dưới video trên: “Cây Long Khánh này nếu bỏ ngoài chợ 250.000 đồng chưa chắc muốn mua”. Còn bạn honghai nguyen nói: “Anh em đừng thổi quá… để anh em trong ngành lan sống với nha… càng thổi giá và giao dịch ảo thì giá lan sập không ai mua”. “Tự làm tự chịu thôi, đến tầm này không lừa ai được nữa đâu. Vì đã tìm ra được những người ngốc nhất rồi. Thiên hạ không còn ai ngốc hơn nữa”, tài khoản thành long nguyễn bình luận. |
Đức Minh
Từ khóa lan đột biến giá lan đột biến lan VAR