Việt Nam nghiên cứu gói tín dụng 30.000 tỷ đồng vốn nhà nước cho nhà ở xã hội
- Phan Vũ
- •
Trước bối cảnh gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho phát triển nhà ở xã hội giải ngân rất chậm, Bộ Xây dựng được yêu cầu nghiên cứu gói tín dụng 30.000 tỷ đồng dành cho nhà ở xã hội, giao Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện.
Yêu cầu trên được Thủ tướng Phạm Minh Chính nói tại Hội nghị tổng kết 10 năm liên quan tới tín dụng chính sách xã hội, chiều ngày 14/8.
Gói tín dụng 30.000 tỷ đồng dành cho những người vay mua, thuê, thuê mua, xây dựng hoặc cải tạo sửa chữa nhà ở để thực hiện chính sách xã hội. Trong đó, 15.000 tỷ đồng từ nguồn phát hành trái phiếu Chính phủ và 15.000 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác.
Gói tín dụng trên từng được tung ra hồi tháng 6/2013, lấy từ nguồn tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước. Lãi suất cho vay của gói này tối đa 5% một năm, thời hạn 15 năm với khách hàng cá nhân.
Như vậy, gói tín dụng 30.000 tỷ đồng này lấy từ nguồn ngân sách nhà nước, khác với gói 120.000 tỷ đồng đang triển khai lấy từ các ngân hàng thương mại.
Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho phát triển nhà ở xã hội là chương trình do 4 ngân hàng thương mại nhà nước tự nguyện huy động vốn tham gia và lãi suất giảm từ 1,5 – 2% so với thị trường. Từ tháng 4/2023, gói tín dụng được giải ngân, kỳ vọng góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây một triệu căn nhà ở xã hội đến 2030.
Tuy nhiên, sau hơn 1 năm thực hiện, tình hình giải ngân gói 120.000 tỷ đồng này rất chậm. Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, tính đến nay mới giải ngân được hơn 1%, tức là khoảng 1.234 tỷ đồng. Trong đó, có 1.202 tỷ đồng cho chủ đầu tư tại 12 dự án; 32 tỷ đồng cho người mua nhà tại 5 dự án.
Ngoài 4 ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước, hiện có thêm TP Bank, VPBank tham gia gói này, với số tiền 5.000 tỷ đồng mỗi ngân hàng.
Trước đó, tại báo cáo tình hình triển khai đề án xây dựng ít nhất một triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030, Bộ Xây dựng đã đề xuất gói tín dụng mới dự kiến có lãi suất thấp hơn 3-5% so với vay thương mại, kỳ hạn 10-15 năm để tạo động lực cho người thu nhập thấp mua nhà.
Về gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, để đẩy nhanh tốc độ giải ngân, hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đang xin ý kiến với các bộ, ban, ngành liên quan đến hồ sơ dự thảo Tờ trình, Nghị quyết điều chỉnh nội dung Chương trình 120.000 tỷ đồng tại Nghị quyết số 33/NQ-CP theo hướng giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng mua từ 3-5% (đối với khách hàng là chủ đầu tư thì giữ nguyên mức hỗ trợ 1,5-2%). Bộ Xây dựng đã có văn bản thống nhất với đề xuất của Ngân hàng Nhà nước để tạo điều kiện cho người tiếp cận nguồn vốn ưu đãi.
Hà Nội đề xuất xây mới 9 khu nhà ở xã hội tập trung quy mô 668ha
Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội vừa đề xuất xây mới 9 khu nhà ở xã hội tập trung, với quy mô 668 ha ở Hà Đông, Đan Phượng, Đông Anh, Gia Lâm, Mê Linh…
Trong đó, hai dự án có quy mô lớn nhất được đề xuất làm tại thị trấn Chúc Sơn có quy mô là 169 ha, với các tòa nhà cao 7-9 tầng, dân số khoảng 13.500 người và xã Tân Tiến có quy mô khoảng 127 ha, dân số 15.750 người.
Về việc triển khai 5 khu nhà ở xã hội tập trung, đến nay, Sở Xây dựng Hà Nội đã hoàn thành hồ sơ đề xuất 4/5 dự án với quy mô 203ha, hơn 0,8 triệu m2, khoảng 12.300 căn hộ.
Như vậy, nếu đề xuất trên được chấp thuận, Hà Nội sẽ có 14 khu nhà ở xã hội tập trung với diện tích hơn 917ha.
Hiện Hà Nội là một trong các đô thị lớn có nhu cầu cao về nhà ở xã hội, nhưng đầu tư còn hạn chế, theo đánh giá của Bộ Xây dựng.
Từ nay đến hết 2025, thành phố dự kiến hoàn thành 3 dự án với 1.700 căn hộ, đáp ứng 9% nhu cầu về nhà ở của người lao động, thu nhập thấp.
Trong khi đó, theo chỉ tiêu được giao tại đề án phát triển ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội của Chính phủ, đến năm 2025, Hà Nội phải hoàn thành 18.700 căn hộ. Từ năm 2021 đến nay, thành phố mới hoàn thành 5 dự án nhà ở xã hội với 5.200 căn hộ.
Việc này cũng khiến nhà ở giá rẻ tại Thủ đô Hà Nội ngày càng khan hiếm. Hai năm gần đây, thành phố chỉ có một dự án ở nhà ở xã hội mở bán tại quận Nam Từ Liêm, quy mô hơn 200 căn.
Phan Vũ
Từ khóa gói tín dụng 30.000 tỷ đồng nhà ở xã hội