Người giàu cũng thắt chặt ví tiền, doanh thu ngành hàng xa xỉ tại Trung Quốc giảm
- Trương Đình
- •
Tâm lý tiêu dùng chậm chạp ở Trung Quốc đã lan sang ngành hàng xa xỉ. Tập đoàn LVMH, công ty hàng xa xỉ lớn nhất thế giới, công bố doanh thu nửa đầu năm thấp hơn kỳ vọng của thị trường. Cùng lúc đó, Kering – công ty mẹ của Gucci, cũng dự kiến doanh thu sẽ giảm khoảng 30% trong nửa cuối năm, sau khi giảm 42% trong nửa đầu năm.
LVMH được coi là công ty dẫn đầu trong ngành hàng xa xỉ vì quy mô của nó. Hơn 75 công ty của tập đoàn này kinh doanh các mặt hàng xa xỉ, từ đồng hồ, túi da cho đến đồ dùng du lịch.
Tăng trưởng doanh số bán hàng của LVMH đã chậm lại trong quý trước, nguyên nhân là do những người mua sắm giàu có chi tiêu ít hơn cho những chiếc túi Louis Vuitton đắt tiền và thời trang cao cấp Christian Dior.
Kering báo cáo doanh thu quý 2 sụt giảm lớn hơn dự kiến và dự báo nửa cuối năm sẽ yếu hơn. Tập đoàn hàng xa xỉ đang cố gắng chấn hưng lại thương hiệu Gucci hàng đầu của mình trong khi phải đối mặt với nhu cầu trì trệ từ người mua sắm Trung Quốc.
Tập đoàn này cho biết sau khi thu nhập hoạt động giảm 42% xuống 1,6 tỷ euro trong nửa đầu năm, thu nhập hoạt động trong nửa cuối năm có thể giảm khoảng 30%.
Tập đoàn LVMH dẫn đầu đợt bán tháo cổ phiếu hàng xa xỉ trên toàn cầu vào thứ Tư. Cổ phiếu của LVMH có thời điểm giảm hơn 5%.
Các cổ phiếu hàng xa xỉ khác cũng giảm do các nhà đầu tư lo lắng về nhu cầu tiêu dùng của Trung Quốc và triển vọng của ngành hàng xa xỉ.
Cổ phiếu của Hermès và Brunello Cucinelli đều giảm 2,2%; Kering giảm 3,7%; Richemont, công ty mẹ của hãng trang sức Cartier, giảm 2,3%; Prada giảm 5,5%.
Tập đoàn LVMH hôm thứ Ba (23/7) báo cáo rằng tăng trưởng doanh thu tự thân (organic revenue) hữu cơ đã tăng 1% trong quý hai lên 20,98 tỷ euro (khoảng 22,66 tỷ đô la Mỹ), tốc độ tăng trưởng thấp hơn quý đầu tiên và thấp hơn ước tính đồng thuận 3%; trong khi tổng doanh thu trong nửa đầu năm giảm 1% so với cùng kỳ xuống 41,68 tỷ euro (khoảng 45 tỷ USD).
Doanh số nội sinh của LVMH tại châu Á ngoại trừ Nhật Bản (dẫn đầu là Trung Quốc) đã giảm 14% trong quý 2, càng trở nên tồi tệ hơn so với mức giảm 6% trong quý 1. Đồng thời, doanh số nội sinh của Tập đoàn LVMH tại thị trường Mỹ tăng 2% trong quý 2, thị trường Nhật Bản tăng 57% và thị trường châu Âu tăng 4%.
Giám đốc tài chính của tập đoàn, ông Jean-Jacques Guiony, cho biết tại hội nghị kết quả kinh doanh rằng người mua hàng Trung Quốc đang chờ chuyến đi tiếp theo tới Nhật Bản để mua các thương hiệu thuộc sở hữu của LVMH nhằm tận dụng đồng yên yếu. Ông nói thêm, sự thay đổi này đã gây áp lực lên lợi nhuận của tập đoàn.
Ông Thomas Chauvet của Citibank viết: “Không có phép lạ nào xảy ra với thương hiệu dẫn đầu ngành hàng xa xỉ và ngành này có thể sẽ không còn bị thờ ơ trong ngắn hạn”.
Khi ngày càng nhiều người tiêu dùng trung lưu trở nên thận trọng trong việc chi tiêu cho những món hàng đắt tiền, các thương hiệu xa xỉ như Burberry, Versace được giảm giá mạnh trên các nền tảng thương mại điện tử Trung Quốc, với mức giảm giá lên tới 50%.
Theo dữ liệu của Luxurynsight, mức giảm giá trung bình cho các sản phẩm Versace và Burberry trên tất cả các kênh phân phối tại Trung Quốc có khi vượt quá 50% vào năm 2024, cao hơn lần lượt là 30% và 40% vào năm 2023.
Một số giám đốc điều hành trong ngành hàng xa xỉ cho rằng sự yếu kém về cơ cấu trong nền kinh tế có thể vẫn tồn tại, khiến người tiêu dùng chuyển từ hàng xa xỉ sang các nhãn hiệu rẻ hơn, gây thêm áp lực lên những ‘gã khổng lồ’ trong ngành như Louis Vuitton và Gucci.
Từ khóa Gucci Christian Dior kinh tế Trung quốc Hermès Người giàu hàng xa xỉ Thị trường Trung Quốc Louis Vuitton xa xỉ phẩm LVMH