Nới điều kiện được thuê, mua nhà ở xã hội
- Phan Vũ
- •
Theo Nghị định 100 quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở về phát triển, quản lý nhà ở xã hội có hiệu lực từ ngày 1/8, người có thu nhập mỗi tháng không quá 15 triệu đồng sẽ được thuê, mua nhà ở xã hội, tăng thêm 4 triệu đồng so với quy định hiện tại.
Quy định về thu nhập
Nghị định 100/2024 được Chính phủ mới ban hành quy định chi tiết về điều kiện thu nhập, về nhà ở đối với các trường hợp đủ điều kiện mua nhà ở xã hội.
Cụ thể, với trường hợp người đứng đơn là người độc thân thì thu nhập thực nhận hàng tháng không quá 15 triệu đồng tính theo Bảng tiền công, tiền lương do cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nơi đối tượng làm việc xác nhận.
Trường hợp người đứng đơn đã kết hôn theo quy định của pháp luật thì người đứng đơn và vợ hoặc chồng của người đó có tổng thu nhập thực nhận hàng tháng không quá 30 triệu đồng tính theo Bảng tiền công, tiền lương do cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nơi đối tượng làm việc xác nhận.
Trường hợp người thu nhập thấp tại khu vực đô thị không có hợp đồng lao động, nếu là người độc thân thì thu nhập hàng tháng thực nhận không quá 15 triệu đồng, nếu đã kết hôn theo quy định của pháp luật thì người đứng đơn và vợ (chồng) của người đó có tổng thu nhập hàng tháng thực nhận không quá 30 triệu đồng.
Theo quy định hiện hành, một trong các điều kiện để hưởng chính sách về nhà ở xã hội là mọi thành viên trong gia đình thu nhập phải thuộc diện thường xuyên không phải nộp thuế thu nhập cá nhân – tức không quá 11 triệu đồng một tháng.
Như vậy, mức quy định về thu nhập trong Nghị định 100 đã tăng thêm 4 triệu so với hiện tại. Thời gian xác định thu nhập là trong 1 năm liền kề, tính từ lúc nộp hồ sơ đăng ký. Tiêu chí này cũng đơn giản hơn khi thời gian xét thu nhập trước đây là 3 năm.
Quy định điều kiện về nhà ở
Nghị định 100 bỏ điều kiện về hộ gia đình phải có hộ khẩu hay đăng ký tạm trú khi đăng ký thuê, mua nhà ở xã hội tại các địa phương. Thay vào đó, quy định vợ hoặc chồng của người đăng ký cần chưa có tên trong giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, đất tại địa phương nơi có dự án tại thời điểm nộp hồ sơ đăng ký mua, thuê mua nhà ở xã hội.
Với trường hợp đã có nhà, người dân vẫn được hưởng chính sách về nhà ở xã hội nếu diện tích nhà ở bình quân dưới 15m2 sàn một người. Mức này tương đương với một số nước trong khu vực. Diện tích nhà ở bình quân đầu người được xác định trên cơ sở bao gồm: Người đứng đơn, vợ (chồng) của người đó, cha mẹ (nếu có) và các con của người đó (nếu có) đăng ký thường trú tại căn nhà đó.
Quy định tại nghị định cũ là dưới 10m2 sàn một người.
Theo một số chuyên gia, Nghị định 100 với nhiều quy định nới lỏng hơn sẽ là cú huých đối với gói 120.000 tỷ đồng cho vay mua nhà ở xã hội.
Trước đó, tại cuộc họp thông tin về kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sáng 23/7, lãnh đạo NHNN cho biết, NHNN đang trình Chính phủ dự thảo nghị quyết sửa đổi gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay đối với nhà ở xã hội. Theo đó, lãi vay mua nhà ở xã hội sẽ giảm 3% so với mức lãi suất bình quân của ngân hàng cho lãi vay thương mại.
Ngoài 4 NHTM Nhà nước (Big4) mỗi ngân hàng tham gia 30.000 tỷ đồng; thêm 4 ngân hàng TMCP khác đăng ký tham gia, mỗi ngân hàng tham gia 5.000 tỷ đồng, nâng tổng gói tín dụng thành 140.000 tỷ đồng.
Lãi suất trước đây hỗ trợ người mua nhà là 2% so với lãi suất bình quân của 4 NHTM Nhà nước tại thời điểm 6 tháng, nay đang trình xác định thời gian cho vay 3 tháng/lần hoặc giảm 3% lãi suất.
Thời gian ưu đãi nâng lên 5 năm, thay vì 3 năm như trước đây. Ngân hàng vẫn sẽ tiếp tục ưu đãi lãi suất cho người vay với mức thấp hơn lãi vay thương mại tối thiểu 1 – 2% thay vì quy định thả nổi như hiện tại, tùy thuộc vào tình hình kinh tế thời điểm đó.
Từ khóa Luật Nhà ở nhà ở xã hội