Thủ tướng Phạm Minh Chính: Cần sử dụng 15-16 triệu tỷ đồng dân gửi ngân hàng
- Nguyễn Minh
- •
Số tiền người dân gửi trong ngân hàng hiện ở con số 15-16 triệu tỷ đồng. Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu cần đưa nguồn vốn này vào sản xuất, kinh doanh, chứ không phải chỉ nằm trong ngân hàng.
Thông tin được đưa ra trong bản tin tường thuật của báo Chính phủ, về buổi làm việc của Thủ tướng Phạm Minh Chính với Ngân hàng Nhà nước và lãnh đạo một số bộ, ngành về điều hành chính sách tiền tệ, chiều 5/8.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước tại cuộc họp, tính đến ngày 31/7, tỷ giá trung tâm ở mức 24.255 đồng/USD, tăng 1,63% so với cuối năm 2023, mức trung bình thấp và ổn định so với các đồng tiền trong khu vực và trên thế giới.
Lãi suất đối với các khoản vay mới và cũ tiếp tục giảm, đến cuối tháng 6/2024, lãi suất cho vay bình quân ở mức 8,3%/năm, giảm 0,96% so cuối năm 2023; lãi suất tiền gửi bình quân ở mức 3,59%/năm, giảm 1,08%/năm so cuối năm 2023.
Tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống phục hồi từ cuối tháng 3 và tăng dần qua các tháng, cao hơn so với mức tăng cùng kỳ năm 2023, đến hết quý 2/2024 đạt 6% theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Cuối tháng 7/2024, dư nợ tín dụng gần 14,33 triệu tỷ đồng, tăng 14,99% so với cùng kỳ 2023 và tăng 5,66% so cuối năm 2023.
Các chương trình tín dụng ngành, lĩnh vực đang được triển khai như chương trình tín dụng 120 nghìn tỷ đồng cho vay phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư; chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản, với tổng lũy kế 34,4 nghìn tỷ đồng.
Đại diện các bộ, ngành, cơ quan cho rằng việc tiếp tục giảm lãi suất cho vay và ổn định tỷ giá, thị trường ngoại hối gặp nhiều khó khăn; áp lực lạm phát gia tăng; tăng trưởng tín dụng tại một số địa phương còn thấp; khó khăn trong triển khai một số chương trình, chính sách tín dụng như gói tín dụng 120 ngàn tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư…
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định từ nay đến cuối năm tập trung hơn cho tăng trưởng, do đó phải thực hiện cung tiền ra, song việc cung tiền ra phải bảo đảm dòng tiền hướng vào các động lực tăng trưởng truyền thống, động lực tăng trưởng mới, kiểm soát được nợ xấu đang có chiều hướng gia tăng.
Với số tiền trong dân gửi trong ngân hàng đạt 15-16 triệu tỷ đồng, ông Chính yêu cầu cần có giải pháp để nguồn vốn này đi vào sản xuất, kinh doanh, chứ không phải chỉ nằm trong ngân hàng.
“Chúng ta điều hành chính sách tiền tệ tốt, nhất là vấn đề quản lý thị trường vàng, nhưng về lâu dài, phải tính toán bài bản, có giải pháp chống đôla hóa, vàng hóa một cách căn cơ, không để người dân tích trữ đôla, tích trữ vàng mà phải khuyến khích đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm…”, ông Chính nói.
Thủ tướng đồng tình với đề xuất tăng gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân lên 140.000 tỷ đồng với thời hạn cho vay tăng lên và lãi suất giảm đi.
Nguyễn Minh
Từ khóa tiền gửi ngân hàng vàng hóa đô la hóa Thủ tướng Phạm Minh Chính