Vụ Vạn Thịnh Phát: Khi ngân hàng, công ty chứng khoán là sân sau của ông lớn BĐS

Kết luận điều tra vụ án Vạn Thịnh Phát – một tập đoàn phát triển bất động sản (BĐS) của Việt Nam đã thành công biến ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán, công ty tài chính trở thành sân sau của họ – đã gây sốc và mất niềm tin trầm trọng vào hệ thống tài chính. Vụ án đã thiết lập kỷ lục về tổn thất và sai phạm chưa từng có. Nhưng điều tồi tệ hơn với an ninh tài chính của Việt Nam đó là cả triệu tỷ có thể đã biến mất qua biên giới.

Van Thinh Phat building
Tòa nhà văn phòng tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Những kỷ lục của vụ án Vạn Thịnh Phát

Số tiền sai phạm lớn nhất: Hơn một triệu tỷ đồng, tương đương với 10% GDP danh nghĩa của cả nước Việt Nam, huy động từ Ngân hàng thương mại cổ phần Sài gòn (SCB) bị rút về hệ sinh thái của Vạn Thịnh Phát, rời khỏi Việt Nam qua hệ thống doanh nghiệp ma rửa tiền ở nước ngoài.

Không sở hữu cổ phần nào ở ngân hàng SCB nhưng lại toàn quyền điều hành, chỉ đạo ngân hàng và hệ sinh thái bao quanh. Bà chủ của Vạn Thịnh Phát, Trương Mỹ Lan, không sở hữu bất kỳ cổ phần nào của SCB hay các công ty chứng khoán, công ty tài chính trong hệ sinh thái nhưng lại toàn quyền điều khiển mọi hoạt động của SCB và hệ sinh thái tài chính này; thoải mái giải ngân, rút tiền và rửa tiền qua hệ thống công ty phức tạp ở các thiên đường trốn thuế nước ngoài. Điều rủi ro hơn khoản tiền khổng lồ lừa đảo được từ người gửi tiền Việt Nam biến mất tăm qua hệ thống công ty phức tạp ở Hong Kong, nơi chồng bà Trương Thị Mỹ Lan (một doanh nhân Trung Quốc) là cổ đông hoặc người hưởng lợi chính (theo hồ sơ Panama) [1] [2]

vo chong Truong My Lan 1
Vợ chồng bà Trương Mỹ Lan.

Số tiền tham ô kỷ lục trong lịch sử được xác lập. Trong vụ án Vạn Thịnh Phát, Bà Trương Mỹ Lan bị cáo buộc đã tham ô 304.000 tỷ đồng (gần 13 tỷ USD), tương đương với 3% GDP cả nước.

Ngoài ra, Vạn Thịnh Phát cũng tạo nên kỷ lục đáng xấu hổ của ngành tài chính khi ghi danh vào vụ án có số tiền hối lộ quan chức lớn nhất (5,2 triệu USD), mua chuộc được 100% quan chức, công chức tham gia vào thanh tra ngân hàng SCB!

Tập đoàn Vạn Thịnh Phát được thành lập tại TP HCM vào năm 1991. Nhà sáng lập kiêm chủ tịch tập đoàn, bà Trương Mỹ Lan (còn có tên gọi khác là Trương Muội), sinh năm 1956, là nữ doanh nhân người Việt gốc Hoa. Bà Trương Mỹ Lan còn là Chủ tịch HĐQT Công ty Vạn Thịnh Phát, doanh nghiệp sở hữu nhiều khu đất vàng tại TP HCM như Union Square, Times Square, VTP Office Building.

Theo thông tin công bố, chồng bà Trương Mỹ Lan là ông Eric Chu Nap Kee (Chu Lập Cơ), một doanh nhân bất động sản ở Hồng Kông.

Lỗ hổng an ninh tài chính khiến cả triệu tỷ mất hút

BĐS là ngành thâm dụng vốn nhiều nhất. Tại bất kỳ nền kinh tế lớn nhỏ, phát triển hay chưa phát triển nào trên khắp toàn cầu, sự phát triển của thị trường của thị trường BĐS luôn phụ thuộc vào thị trường tài chính. Sự phụ thuộc đó có thể biểu hiện là thị trường BĐS sẽ sôi động khi nền kinh tế mở rộng cung tiền, tăng trưởng tín dụng cao (ở các nền kinh tế có trình độ phát triển thị trường tài chính thấp như Việt Nam) hay sự phát triển TTTC theo chiều sâu; đa dạng sản phẩm tài chính BĐS trên thị trường sơ cấp và thứ cấp như Hoa Kỳ, Anh quốc, các nền kinh tế EU,… Điều này nói lên rằng BĐS và TTTC có mối quan hệ tương hỗ, khăng khít, đồng thời cũng dễ dàng lây nhiễm rủi ro sang cho nhau. Điều này dễ hiểu vì BĐS chiếm tới 40-60% tổng tài sản quốc gia. Do vậy, tín dụng BĐS và các sản phẩm tài chính BĐS (như TPDN, chứng khoán hoá khoản vay BĐS,…) chiếm tỷ trọng lớn nhất trong mỗi thị trường tài chính. Không chỉ là đầu ra, là khu vực kiếm lợi nhuận chính của NHTM, BĐS còn là đầu vào đóng vai trò tài sản đảm bảo (TSĐB) cho các khoản vay hoặc giao dịch sản phẩm tài chính này.

Các tỷ phú phát triển BĐS đều trở thành tỷ phú vì có quan hệ mật thiết với NHTM. Nhưng khi họ đã đủ lớn, các nhà phát triển BĐS cần nhiều hơn một mối quan hệ, họ cần quyền kiểm soát với NHTM. Tập đoàn BĐS Vạn Thịnh Phát có bóng dáng ông chủ Trung Quốc đứng sau đã hoàn toàn kiểm soát 100% hoạt động của SCB và hệ sinh thái các công ty tài chính của nó. Điều này nguy hiểm đến mức nào? Các cuộc khủng hoảng tài chính của khu vực, thế giới hoặc trong phạm vi một quốc gia đều có nguyên nhân từ các nhà phát triển BĐS thao túng thị trường tài chính. Với trường hợp Vạn Thịnh Phát thì tới 1 triệu tỷ đồng đã chảy vào túi bà Trương Mỹ Lan, một phần lớn chắc chắn đã chảy khỏi biên giới quốc gia đổ về các công ty mờ ám ở Hong Kong, Trung Quốc do chồng bà (là người Trung Quốc) sở hữu. Điều này khiến số nạn nhân Việt mất tiền cho gia tộc gốc Hoa này là 42.000 cá nhân/tổ chức; một con số kỷ lục lớn chưa từng có.

Pho Wall BW
(Ảnh: Damien VERRIER / Shutterstock)

Ẩn hiện bóng ma khủng hoảng Phố Wall 100 năm trước trên TTTC Việt Nam

Có ý kiến nhận định TTTC Việt Nam mang dáng dấp Phố Wall (Hoa Kỳ) gần 100 năm trước trong cuộc Đại khủng hoảng tài chính toàn cầu 1929-1933.

Vào thập niên 1920, các NHTM ở Phố Wall được phép có phòng đầu tư hoặc thành lập công ty chứng khoán, công ty tài chính con, thậm chí là công ty bảo hiểm. Bộ phận đầu tư và công ty chứng khoán được phép môi giới chứng khoán, kinh doanh chứng khoán, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp dài hạn, …. Các công ty bảo hiểm cũng tranh nhau đổ tiền vào TPDN BĐS để tìm kiếm lợi nhuận. Trên thực tế, các công ty này hoạt động như một ngân hàng đầu tư với các khoản đầu tư dài hạn. Trong khi đó, hoạt động truyền thống của NHTM là huy động vốn ngắn hạn và tài trợ vốn hoạt động (vay ngắn hạn) cho các doanh nghiệp ở khu vực kinh tế thực. Lúc đó, một NHTM của Hoa Kỳ có thể hút vốn từ người gửi tiền (ngắn hạn) để đầu tư dài hạn, hoặc đầu tư vào cổ phiếu mà không bị kiểm soát. Kết quả là các NHTM đã chạy theo lợi nhuận và đổ tiền vào các thị trường có lợi nhuận cao như cổ phiếu và BĐS, mà các thị trường này lại bị chính dòng tiền của các NHTM đổ vào mà bị bơm thổi giá.

Vào thập niên 1920, hầu hết các tòa nhà chọc trời ở Hoa Kỳ được xây dựng nhờ nguồn tài trợ từ việc phát hành TPDN BĐS bảo đảm bằng thế chấp thương mại. Hệ quả là, rất nhanh sau đó, thị trường đã dư nguồn cùng BĐS phân khúc thương mại.

NHTM cho doanh nghiệp BĐS vay, bộ phận đầu tư và công ty chứng khoán của họ lại tư vấn các doanh nghiệp BĐS phát hành TPDN, rồi họ lại mua (đầu tư) và nắm giữ TPDN BĐS này. Doanh nghiệp phát triển BĐS dễ dàng huy động tiền (từ vay NHTM hoặc phát hành TPDN) để đảo nợ lẫn nhau và đổ tiền vào bất kỳ lô đất nào còn trống; dư cung BĐS nhanh chóng hình thành. Còn người mua BĐS khi đó cũng hầu hết là người đầu cơ để chờ giá lên (không phải cầu thực).

Chỉ từ trong giai đoạn 1919-1930, Phố Wall huy động 4,1 tỷ USD từ 1.090 đợt phát hành trái phiếu. Năm 1929, sàn giao dịch TPDN BĐS đầu tiên đã được thành lập ở Phố Wall. Ngay khi nó được thành lập, khủng hoảng nổ ra; bong bóng chứng khoán và BĐS cùng tan vỡ. [3]

Cuộc Đại khủng hoảng đã làm biến mất hơn 2.000 ngân hàng lớn nhỏ khắp Hoa Kỳ và thay đổi toàn bộ thể chế trên thị trường tài chính của Hoa Kỳ. Nhằm ngăn chặn vết xe đổ của cuộc khủng hoảng tái diễn và khôi phục lại niềm tin của công chúng đối với hệ thống ngân hàng, Đạo luật Glass-Steagall đã được thông qua vào năm 1933 với các nội dung chính như sau:

(i) cấm NHTM không được đầu tư, NHTM và NHĐT phải hoạt động độc lập với nhau. Tức là NHTM đã được huy động từ người gửi tiền thì chỉ được kinh doanh, tài trợ vốn ngắn hạn. Chỉ một tỷ lệ nhỏ vốn huy động từ người gửi tiền được đầu tư dài hạn để tránh rủi ro kỳ hạn;

(ii) cấm NHTM không được thành lập công ty con là CTCK, công ty tài chính hoặc công ty bảo hiểm. Bởi lẽ nếu các CTCK, công ty tài chính, công ty bảo hiểm có hoạt động đầu tư dài hạn là công ty con của NHTM thì họ có thể được mẹ cung cấp lượng vốn lớn để đổ tiền vào các hoạt động đầu tư dài hạn và rủi ro. Chưa kể, các CTCK, công ty tài chính có nguồn tiền dồi dào từ công ty mẹ có thể đổ tiền kinh doanh chứng khoán khiến thị trường chứng khoán bị bơm thổi bong bóng giá;

(iii) Đạo luật cũng ngăn chặn sở hữu chéo giữa các tập đoàn phi tài chính (như doanh nghiệp BĐS, dầu khí….) với hệ thống tài chính, để đảm bảo hệ thống tài chính không bị thao túng bởi các ông lớn BĐS hoặc ông lớn dầu khí nào đó. [4]

Rõ ràng, những gì đang xảy ra ở Việt Nam giống hệt Mỹ gần 100 năm trước Đại khủng hoảng 1929-1933; sự tương đồng từ mô hình hoạt động của NHTM, tập đoàn tài chính cho tới nguyên nhân BĐS dư cung, thị trường chứng khoán bị làm giá, thổi giá. Sự khác biệt là sau mỗi lần khủng hoảng, Hoa Kỳ biết nhìn vào nỗi đau của họ và tìm ra nguyên nhân gốc rễ. Một đạo luật thay đổi căn bản thị trường tài chính của Hoa Kỳ ra đời giúp nước này có 50 năm không chứng kiến thêm cuộc khủng hoảng nào khác. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu gần đây nhất xuất phát từ Hoa Kỳ 2008 -2009 xảy ra sau 10 năm Hoa Kỳ từ bỏ Đạo luật Glass Steagall.

Thực vậy, dù Việt Nam không thừa nhận là có ngân hàng đầu tư và cũng chưa cấp phép cho bất cứ ngân hàng đầu tư nào nhưng thực tế có nhiều tổ chức tài chính đang hoạt động giống như ngân hàng đầu tư, đó là các công ty chứng khoán, công ty tài chính. Các tổ chức hoạt động như ngân hàng đầu tư này cũng không cần phải có mối quan hệ sở hữu chéo với NHTM, họ chỉ cần bắt tay nhau (thông đồng) hoặc sở hữu chéo ngầm là có thể thoải mái đầu tư vào các ông lớn BĐS như Vạn Thịnh Phát, đảo nợ cho các tập đoàn này trong nhiều thập kỷ. Hiện nay các ngân hàng ngầm (công ty chứng khoán, công ty tài chính) ở Việt Nam quá nhiều “quyền lực” trong khi không chịu kiểm soát và giám sát tương ứng. Đồng thời các NHTM lại được phép thành lập hoặc hoàn toàn có thể thông đồng với ngân hàng ngầm như vậy để đảo nợ, rửa tiền, rút ruột ngân hàng.

Quay trở lại, để đảm bảo quyền lực tuyệt đối của mình trên thị trường tài chính, khi các ông lớn BĐS đủ lớn, họ sẽ gia tăng sở hữu ngầm tại các NHTM hoặc giả không hề thoái vốn tại NHTM như Chính phủ Việt Nam yêu cầu vào năm 2012 – 2013 theo Luật các Tổ chức tín dụng (sửa đổi 2014). Các ông lớn BĐS Việt Nam thực chất tiếp tục sở hữu (ngầm) NHTM hoặc CTCK là công ty con của NHTM, thậm chí thành lập mới công ty tài chính. Khái niệm sở hữu ngầm đó là khi người đứng tên sở hữu là công ty/cá nhân A nhưng công ty/cá nhân A này lại là người/tổ chức chịu sự thao túng, kiểm soát hoặc đứng tên hộ ông trùm đứng sau. Điều này giải thích vì sao bà Trương Mỹ Lan lại toàn quyền điều hành tại SCB, rút ruột ngân hàng này 1 triệu tỷ đồng trong khi không hề sở hữu 1 cổ phần và không nắm giữ chức vụ gì tại NHTM này.

Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã tận dụng tốt nhất lỗ hổng an ninh tài chính này bằng cách biến SCB thành sân sau của họ. Nhưng đây không phải là điều mà chỉ Vạn Thịnh Phát làm được, nhiều tập đoàn BĐS cũng làm được điều tương tự, hoặc thậm chí biến NHTM thành con tin sau khi khoản nợ của họ đã trở nên “quá lớn để đổ vỡ”. Điều tồi tệ mà Van Thịnh Phát tạo ra là tạo ra một hệ sinh thái hàng ngàn doanh nghiệp, như một cỗ máy “hút máu” người gửi tiền ở SCB, lừa đảo nhà đầu tư nhỏ trên thị trường trái phiếu, bòn rút triệt để niềm tin trên thị trường tài chính Việt Nam.

Truong My Lan
Bà Trương Mỹ Lan. (Ảnh ghép Trí Thưc VN)

Cách Vạn Thịnh Phát thao túng, lừa đảo

Hệ sinh thái đang là một cụm từ thời thượng xuất hiện trong mô hình kinh doanh của các tập đoàn kinh tế lớn, đa ngành và đa quốc gia.

Với Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, kết luận điều tra cho thấy hệ sinh thái của Tập đoàn này lên tới hơn 1.000 doanh nghiệp. Một con số khổng lồ.

Theo Báo Lao Động, hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát được chia làm 4 nhóm chính có quan hệ chặt chẽ với nhau, gồm:

(i) Nhóm 1: công ty có hoạt động kinh doanh tại Việt Nam phần lớn hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, nhà hàng, khách sạn… đều là công ty có vốn điều lệ lớn, nắm cổ phần chi phối các công ty con, công ty thành viên…Nhóm này hình thành với mục đích đi xin dự án từ các lãnh đạo cấp tỉnh, huyện, trung ương khắp cả nước. Sau đó mua đi bán lại để đẩy giá đất đai, tài sản lên cao hơn thực tế gấp hàng chục lần. Nhóm này không chỉ tạo thanh khoản ảo cho tài sản của tập đoàn mà còn là các công ty đứng ra nhận nợ để hợp thức hoá tiền rút ra từ SCB.

(ii) Nhóm 2: các công ty “ma” tại Việt Nam, được thành lập để lấy pháp nhân góp vốn đầu tư vào các dự án, vay vốn ngân hàng, thực hiện việc đảo nợ hoặc ký hợp đồng hợp tác, thi công…

(iii) Nhóm 3: các định chế tài chính Việt Nam gồm: SCB, Công ty Chứng khoán Tân Việt, Công ty CP đầu tư tài chính Việt Vĩnh Phú. Trong đó, SCB có vai trò “đặc biệt quan trọng”, được sử dụng như một công cụ tài chính để cấp vốn cho các công ty trong “hệ sinh thái”. Nhóm thứ 3 này mới là trụ cột của Vạn Thịnh Phát.

SCB không chỉ cho các công ty ở Nhóm 1, Nhóm 2 vay tiền với TSĐB là các tài sản đã bị thổi giá gấp 20 – 30 thậm chí 40 lần. Nếu chỉ vay 70% giá trị tài sản đảm bảo thì không thể thoả mãn lòng tham của các doanh nghiệp xác sống như Vạn Thịnh Phát.

Ngoài ra, Vạn Thịnh Phát cần công cụ đảo nợ và hút tiền vay dài hạn, hỗ trợ phát hành TPDN của nhóm công ty trong hệ sinh thái thuộc Nhóm 1, Nhóm 2 ở trên. Lúc này, công ty chứng khoán Tân Việt và Công ty CP đầu tư tài chính Vĩnh Phú đóng vai trò nòng cốt.

Công ty chứng khoán Tân Việt, chiểu theo Luật hiện hành của Việt Nam, được tư vấn phát hành TPDN, định giá TPDN, mua TPDN, bán lại TPDN cho các công ty thuộc Nhóm 1 và Nhóm 2 của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Điều này có nghĩa là gì? Họ vừa đá bóng, vừa thổi còi. Họ có thể nhận luôn tiền từ SCB để mua TPDN cho các doanh nghiệp Nhóm 1, Nhóm 2 (mà chính họ đã tư vấn, định giá). Các TPDN này đều là chính các công ty trong hệ sinh thái của Vạn Thịnh Phát phát hành riêng lẻ rồi bán lại cho nhau và sau đó lại quay trở lại Tân Việt, Vĩnh Phú và SCB.

Theo Luật của Việt Nam, các TPDN phát hành riêng lẻ có tiêu chuẩn thấp, các doanh nghiệp tự thoả thuận mua bán. Sau đó, mớ TPDN này sẽ được công ty trong hệ sinh thái bán cho Chứng khoán Tân Việt, Công tài chính Vĩnh Phú. Dĩ nhiên, các định chế này nhận tiền vay từ SCB để mua lô TPDN của Vạn Thịnh Phát, ông chủ đích thực của SCB. Sau đó, Chứng khoán Tân Việt, Công ty Tài chính Vĩnh Phú lại thuê chính SCB là đại lý bán TPDN phát hành riêng lẻ, đại chúng hoá mớ trái phiếu vốn chỉ được bán cho các tổ chức chuyên nghiệp, ra công chúng. Tức là, SCB sẽ thuyết phục người gửi tiền của họ mua các TPDN phát hành riêng lẻ này hoặc lừa người gửi tiền đầu tư vào đó dưới danh nghĩa tiền gửi dài hạn lãi suất cao….

Người gửi tiền không biết tới các doanh nghiệp trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát, họ càng không hiểu rủi ro và đường đi vay – nợ – huy động lòng vòng trong đó. Họ thực sự tin rằng những TPDN do SCB bán ra là do SCB bảo lãnh hoặc là một sản phẩm tiền gửi ở SCB. Họ không biết SCB chỉ là đại lý phân phối.

(iv) Nhóm 4: Bà Trương Mỹ Lan xây dựng mạng lưới nhiều công ty vỏ bọc, tại các vùng lãnh thổ, quốc gia “thiên đường thuế” phục vụ hoạt động đầu tư, kinh doanh tại nước ngoài hoặc sử dụng danh nghĩa “nhà đầu tư nước ngoài” đầu tư vào Việt Nam có nhiệm vụ quản lý vốn, tài sản của gia đình Trương Mỹ Lan tại nước ngoài.

Cách thức phát hành TPDN riêng lẻ sau đó lừa đảo người gửi tiền đầu tư này giúp Vạn Thịnh Phát đảo nợ và là công cụ giúp bà Trương Mỹ Lan rút 1 triệu tỷ đồng ra khỏi ngân hàng, một phần lớn trong đó mang rửa tiền ở các thiên đường thuế, rời khỏi Việt Nam. Đó là số tiền của hơn 42.000 nạn nhân trực tiếp, chưa kể các nạn nhân gián tiếp và chi phí gián tiếp cho vụ lừa đảo lớn chưa từng có này.

bieu tinh o SCB
Chỉ riêng 3 mã trái phiếu Công ty An Đông đã có tới hơn 40.000 trái chủ “bất đắc dĩ”. (Ảnh minh họa: dẫn qua Vũ Linh/Facebook)

Vô hiệu hoá hệ thống pháp luật và lương tri

Câu nói “cái gì không giải quyết được bằng tiền thì có thể giải quyết bằng rất nhiều tiền” có vẻ đúng với trường hợp của Vạn Thịnh Phát trong thời đại kim tiền này. Toàn bộ hệ thống pháp luật, hệ thống giám sát, liêm chính của các quan chức, thanh tra, công chức trong ngành trở nên “tê liệt” trước kim tiền của bà chủ Trương Mỹ Lan trong nhiều thập kỷ. Không một ai ngành tài chính không biết rằng SCB phục vụ cho Vạn Thịnh Phát. Nhưng các quan chức dường như cố tình chỉ nhìn vào hồ sơ sở hữu chéo để khẳng định rằng “không còn sở hữu chéo giữa Vạn Thịnh Phát với SCB”. Có vẻ như thực tế Vạn Thịnh Phát thao túng SCB đã bị lờ đi.

Các lỗ hổng của pháp luật tồn tại và tạo cơ hội cho Vạn Thịnh Phát. Nhưng rõ ràng, hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện còn lại cũng hoàn toàn bị vô hiệu hoá.

SCB
Chỉ riêng 3 mã trái phiếu Công ty An Đông đã có tới hơn 40.000 trái chủ “bất đắc dĩ”. (Ảnh: dẫn qua Tân Hoàng/Facebook)

Hệ thống giám sát kém hiệu quả

Theo Luật hiện hành, giám sát tuân thủ, giám sát tại chỗ được thực hiện bởi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (SVB). Khoan hãy nói tới năng lực giám sát của cơ quan này hoặc tiếp tục chỉ trích về các Bộ dễ dàng bị tha hoá trước kim tiền, bản thân SVB làm sao có thể giám sát hiệu quả khi SVB vừa là cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan ra chính sách, vừa là chủ sở hữu 05 NHTM lớn nhất trong hệ thống, vừa là cơ quan cấp phép, cơ quan quyết định xin – cho? Các cơ quan giám sát chỉ hiệu quả khi nó độc lập chức năng giám sát với chức năng sở hữu và quản lý nhà nước. Giám sát ở SVB đã vi phạm toàn bộ các nguyên tắc này. Ngoài SVB, các cơ quan giám sát khác lại không đủ chức năng, không đủ tư cách pháp lý; họ gần như không có tiếng nói gì về giám sát.

Bài học nào từ tổn thất Vạn Thịnh Phát

Khi rủi ro, tổn thất xảy ra, cả hệ thống cần nghiêm túc nhìn lại vấn đề của bản thân mình, nhận ra các lỗ hổng trong thể chế để sửa đổi. Đó là cách Hoa Kỳ đã làm khi đề xuất Đạo luật Glass-Steagall 1933.

Với Việt Nam, mục tiêu của cải cách thể chế tài chính cần nhắm tới: (1) loại bỏ các xung đột lợi ích tạo ra nợ dưới chuẩn, đảo nợ giữa NHTM – CTCK và doanh nghiệp phi tài chính; cụ thể: tách bạch chức năng huy động vốn và cho vay với chức năng đầu tư trong một tập đoàn tài chính; (2) loại bỏ các xung đột lợi ích dẫn đến làm giá, thao túng giá cả trên thị trường (chứng khoán, BĐS,…); (3) đưa mọi khu vực kinh tế, tài chính còn nằm ở vùng xám (chính là các công ty chứng khoán, công ty tài chính đang hoạt động như ngân hàng ngầm) vào quản lý và giát sát tương ứng với mức độ rủi ro mà nó có thể gây ra.

Nhưng cho tới nay, chưa một sửa đổi nào trong các dự thảo Luật mà Quốc hội đang xem xét suốt năm 2022-2023 hướng tới các vấn đề cốt lõi này.

Tâm Chính

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Bình Luận