Theo một nghiên cứu mới, các nhà nghiên cứu tại Đại học California–San Francisco (UCSF) đã xác định fibrin, một loại protein tự nhiên tham gia vào quá trình đông máu, là cơ chế chính gây ra bệnh COVID-19.

COVID19
Hình ảnh kính hiển vi điện tử cho thấy SARS-CoV-2 (các vật thể tròn màu vàng), nguyên nhân gây ra COVID-19, đang phát triển từ các tế bào nuôi cấy. (Ảnh: NIAID)

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng fibrin liên kết với các protein của virus SARS-CoV-2 để tạo thành các cục máu đông khó phá hủy. Sau đó, quá trình đông máu này thúc đẩy các triệu chứng viêm và thần kinh gặp trong COVID-19 và COVID kéo dài.

Các nghiên cứu trước đây đã đưa ra giả thuyết rằng cục máu đông là hậu quả của tình trạng viêm. Tuy nhiên, nghiên cứu mới của Nature, được công bố vào ngày 28/8, lại cho thấy điều ngược lại: Quá trình đông máu diễn ra trước.

“Chúng ta đã biết nhiều loại virus khác giải phóng cơn bão cytokine tương tự để đáp ứng với nhiễm trùng, nhưng không gây ra hoạt động đông máu như ở COVID”, Tiến sĩ Warner Greene, nhà nghiên cứu cao cấp và giám đốc danh dự tại Gladstone và là đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết trong một tuyên bố.

“Nghiên cứu của chúng tôi là nghiên cứu đầu tiên báo cáo nguyên nhân sinh ra fibrin là gốc rễ của tình trạng viêm và bệnh não sau khi nhiễm COVID”, bà Katerina Akassoglou, tác giả cao cấp và giáo sư thần kinh học tại UCSF, đã trao đổi với The Epoch Times trong một thư điện tử.

Bằng cách ngăn chặn fibrin bằng một kháng thể mới, các nhà nghiên cứu đã có thể làm giảm các triệu chứng đông máu và thần kinh, từ đó mở ra phương pháp điều trị tiềm năng mới cho bệnh nhân.

Hơn nữa, nghiên cứu mới đưa ra lời giải thích cho sự gia tăng ung thư sau khi nhiễm COVID-19. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng tình trạng đông máu bất thường giữa các protein gai COVID-19 và fibrin làm giảm các tế bào miễn dịch chống ung thư được gọi là tế bào tiêu diệt tự nhiên (NK).

Các cục máu đông bất thường từ fibrin và protein virus

Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng một loại protein virus COVID-19, được gọi là protein gai, có thể hình thành các cục máu đông bất thường với các protein khác tham gia vào quá trình đông máu để tạo ra các cục máu đông khó phá vỡ.

“Chúng tôi đã cho thấy rằng sự liên kết của fibrin với protein gai tạo thành các cục máu đông có hoạt động gây viêm rất cao”, bà Akassoglou viết.

Các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm phát hiện của họ trên chuột bằng cách cho chúng nhiễm các biến thể Beta và Delta của COVID-19.

Họ phát hiện ra rằng fibrin liên kết với các protein gai COVID-19 tạo thành các cục máu đông giống như amyloid bất thường vốn khó phá vỡ bằng các liệu pháp truyền thống.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng các cục máu đông và gai fibrin sẽ lắng đọng trong các mạch máu, phổi và não của chuột, dẫn đến sẹo và viêm, có khả năng gây ra các vấn đề về hô hấp và thần kinh ở những bệnh nhân COVID-19 kéo dài.

Ở não, nhiễm trùng COVID-19 tạo ra các chất lắng đọng protein trong não chuột, từ đó gây ra tình trạng viêm ở các tế bào não.

“Hơn nữa, chúng tôi đã chỉ ra rằng fibrin gây ra tình trạng viêm nhiễm độc hại, đồng thời ức chế các tế bào NK giúp loại bỏ virus”, bà Akassoglou viết.

Các tác giả phát hiện ra rằng những con chuột được biến đổi gen để không sản xuất đúng protein fibrin ít bị viêm hơn khi bị nhiễm COVID-19. Các tế bào tiêu diệt tự nhiên chống ung thư của chúng cũng hoạt động tích cực hơn trong việc loại bỏ các protein gai COVID-19.

Các tác giả viết rằng tế bào NK giảm hoạt động có thể giải thích một số trường hợp ung thư và tự miễn dịch sau COVID-19.

Cục máu đông không có nhiễm trùng

Các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra rằng ngay cả khi không có nhiễm trùng, chỉ cần đưa protein gai vào chuột cũng có thể gây ra sự hình thành các cục máu đông bất thường này.

Các nhà nghiên cứu cho chuột tiếp xúc với các tiểu đơn vị của protein gai thay vì toàn bộ virus và các cục máu đông vẫn hình thành. Họ cho rằng trong hội chứng COVID kéo dài, nguyên nhân gây bệnh có thể chính là các protein gai còn sót lại.

Trong khi vắc-xin mRNA COVID-19 và adenovirus khiến cơ thể sản xuất protein gai, thì vắc-xin sẽ không gây ra các cục máu đông này. Các tác giả viết rằng: “Nhìn chung, vắc-xin RNA COVID-19 dẫn đến tích tụ tại chỗ [chích ngừa] một lượng nhỏ protein gai … và cơ thể sẽ loại bỏ chúng”.

Họ cũng chỉ ra một nghiên cứu được tiến hành trên hơn 99 triệu người đã được chích ngừa vắc-xin không cho thấy dấu hiệu an toàn nào đối với các tình trạng liên quan đến máu.

Nghiên cứu được tài trợ bởi Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) phát hiện ra rằng vắc-xin COVID-19 có liên quan đến một số tác dụng phụ. Mặc dù ở một số liều nhất định, những người chích vắc-xin mRNA COVID-19 hoặc vắc-xin adenovirus vẫn tăng nhẹ nguy cơ mắc các bệnh đông máu khác nhau.

Các bác sĩ lâm sàng khác, bao gồm Tiến sĩ Keith Berkowitz của Trung tâm Sức khỏe Cân bằng và điều dưỡng hành nghề Scott Marsland tại Phòng khám Leading Edge, không đồng tình với tuyên bố của các nhà khoa học từ UCSF trong nghiên cứu.

Ông Marsland và Tiến sĩ Paul Marik, chủ tịch của Liên minh đưa ra phác đồ điều trị COVID-19, cho biết đông máu là phản ứng phụ phổ biến mà một số người có thể gặp phải sau khi chích vắc-xin COVID-19, mặc dù có ít nghiên cứu đánh giá trên bệnh nhân mắc các tình trạng như vậy.

Tuy nhiên, các bác sĩ lâm sàng cho biết họ rất vui khi thấy các cuộc thảo luận đang mở ra về các yếu tố thúc đẩy các triệu chứng COVID kéo dài và tác hại có thể xảy ra từ protein gai.

Liệu pháp đông máu

Các nhà nghiên cứu của nghiên cứu Nature đã thiết kế một kháng thể được tạo ra để nhắm vào fibrin và dùng trên chuột.

Những con chuột nhiễm COVID-19 đã cải thiện tình trạng viêm, sẹo, đông máu, tổn thương não và khả năng sống sót nói chung sau khi được chích kháng thể.

Việc chích kháng thể để phòng ngừa cũng làm giảm tình trạng viêm và tổn thương nội tạng.

Thuốc chống đông máu thông thường, là thuốc ngăn ngừa cục máu đông, có thể làm tăng nguy cơ chảy máu trong khi kháng thể này không làm tăng nguy cơ chảy máu, các tác giả cho biết. Bà Akassoglou cho biết thuốc này có tính chọn lọc cao đối với dạng fibrin gây viêm và không có tác dụng phụ như một số thuốc chống đông máu.

Một phiên bản liệu pháp miễn dịch nhắm mục tiêu fibrin dành cho con người của bà Akassoglou hiện đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng về độ an toàn và khả năng dung nạp ở những người khỏe mạnh với sự tài trợ từ công ty công nghệ sinh học Therini Bio.

Ngoài kháng thể đơn dòng đã được thử nghiệm, Berkowitz, người đã điều trị tình trạng đông máu ở những bệnh nhân COVID kéo dài, đề xuất các thuốc chống đông máu như nattokinase, đã được chứng minh là có thể phá vỡ protein gai trong các nghiên cứu trên tế bào.

Nghiên cứu của bà Resia Pretorius, trưởng khoa khoa sinh lý học  tại Đại học Stellenbosch, Nam Phi, đã chỉ ra rằng sự kết hợp của ba loại thuốc chống đông máu khác nhau, bao gồm aspirin, clopidogrel, apixaban và thuốc ức chế bơm proton đã giúp giảm cục máu đông bất thường và cải thiện các triệu chứng COVID kéo dài như mệt mỏi, đau khớp, sương mù não, v.v.

Ông Marsland cho biết ông thấy sulodexide, một loại thuốc không được FDA chấp thuận tại Hoa Kỳ nhưng được chấp thuận tại Châu Âu, có hiệu quả cao trong điều trị đông máu mà không làm tăng nguy cơ chảy máu. Sulodexide là một loại thuốc được sử dụng để điều trị các bệnh huyết khối và bệnh thần kinh do tiểu đường.