Nghiên cứu cho thấy vitamin C có thể giúp ngăn ngừa bệnh thoái hóa thần kinh ở những người có nguy cơ cao nhất.

trai cay ho cam quyt image
(Ảnh: Shutterstock)

Trong thế kỷ 16 và 17, bệnh scorbut rất phổ biến ở các thủy thủ và gây ra nhiều ca tử vong. Bệnh scorbut là căn bệnh do thiếu vitamin C nghiêm trọng. Nếu không được điều trị, bệnh có thể dẫn đến chảy máu nướu răng, răng lung lay và chảy máu dưới da. 

Năm 1747, bác sĩ người Scotland James Lind đã tiến hành một thử nghiệm chứng minh rằng trái cây họ cam quýt có thể chữa khỏi bệnh scorbut. Các thủy thủ được cung cấp những chế độ ăn khác nhau, trong đó có chế độ ăn bao gồm trái cây họ cam quýt. Kết quả cho thấy những người ăn chanh vàng và cam phục hồi nhanh chóng.

Năm 1928, nhà khoa học người Hungary Albert Szent-Györgyi đã phân lập được vitamin C và xác nhận đây là hợp chất then chốt để ngăn ngừa bệnh scorbut. Phát hiện này đã góp phần giúp ông đạt được giải thưởng Nobel về Sinh lý học và Y học năm 1937.

Vitamin C là một chất dinh dưỡng thiết yếu có đặc tính chống oxy hóa mạnh, đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe tim mạch. Hơn nữa, vitamin C rất quan trọng cho việc tổng hợp collagen trong cơ thể. Collagen là loại protein dồi dào nhất trong cơ thể và trong mô liên kết, giúp làm chắc và duy trì độ đàn hồi của da, dây chằng, gân và sụn.

Thuật ngữ “vitamin” xuất phát từ tiếng Latin “vita”, có nghĩa là sự sống, vì những chất này rất quan trọng để duy trì sức khỏe.

Nồng độ vitamin C trong cơ thể chúng ta cao hơn đáng kể so với bất kỳ loại vitamin nào khác.

Tác dụng của vitamin C

Ngoài việc ngăn ngừa bệnh scorbut, vitamin C còn mang lại những lợi ích sức khỏe sau:

– Chống lại stress oxy hóa: Vitamin C là một chất chống oxy hóa mạnh giúp trung hòa các gốc tự do trong cơ thể, từ đó làm giảm căng thẳng oxy hóa và giảm thiểu tổn thương tế bào. Căng thẳng oxy hóa là yếu tố chính trong sự phát triển của các bệnh khác nhau.

– Hỗ trợ chức năng miễn dịch: Vitamin C giúp hệ miễn dịch tăng cường khả năng chống nhiễm trùng và giảm viêm bằng cách hỗ trợ chức năng của các tế bào miễn dịch và hàng rào biểu mô của cơ thể, từ đó chống lại mầm bệnh và stress oxy hóa từ môi trường.

Ngoài ra, thiếu hụt vitamin C có thể làm giảm khả năng miễn dịch và tăng khả năng bị nhiễm trùng. Ngược lại, nhiễm trùng có thể làm giảm đáng kể nồng độ vitamin C do viêm và tăng nhu cầu trao đổi chất.

– Tạo điều kiện tổng hợp collagen: Vitamin C là một đồng yếu tố cần thiết để tổng hợp collagen, hỗ trợ chữa lành vết thương và tăng cường sức khỏe của làn da.

Một thử nghiệm lâm sàng năm 2021 cho thấy việc bổ sung 500 mg vitamin C mỗi ngày trong 4 tuần ở 7 bệnh nhân bị loét bàn chân giúp vết thương mau lành hơn đáng kể so với nhóm đối chứng gồm 9 bệnh nhân. Tất cả các bệnh nhân trong nhóm dùng vitamin C đều lành vết loét hoàn toàn mà không cần phải cắt cụt chi, trong khi 44% nhóm đối chứng vẫn chưa lành vết loét vào cuối thử nghiệm.

– Tăng cường sức khỏe tim mạch: Thiếu hụt vitamin C có liên quan đến nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch (CVD) cao hơn. Ở một số người, đặc biệt là những người có lượng vitamin C trong máu thấp, việc bổ sung đủ vitamin C có thể cải thiện một chút chức năng mạch máu và mức cholesterol.

– Duy trì chức năng não: Vitamin C có thể đi qua hàng rào máu não và rất cần thiết cho chức năng não bình thường. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng nồng độ vitamin C trong tế bào thần kinh cao hơn đáng kể so với các mô khác và nồng độ của nó trong dịch não tủy cao gấp khoảng bốn lần so với nồng độ trung bình trong huyết tương. Tuy nhiên, tác động của việc thiếu vitamin C lên hệ thần kinh trung ương là tương đối nhỏ.

Vitamin C đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe tế bào thần kinh. Sự thiếu hụt vitamin C có thể gây ra các vấn đề ở ty thể, nhà máy sản xuất năng lượng của tế bào, ngay cả trong giai đoạn đầu của bệnh Alzheimer.

Do đó, bổ sung đủ vitamin C có thể giúp ngăn ngừa các bệnh thoái hóa thần kinh, đặc biệt ở những người có nguy cơ mắc bệnh Alzheimer cao hơn. Những người này thường có lượng vitamin C thấp hơn do các vấn đề về ty thể và gia tăng căng thẳng oxy hóa.

Tầm quan trọng của việc bổ sung vitamin C thường xuyên

Nhiều người thường bỏ qua vitamin C vì cho rằng nó có nhiều trong thực phẩm, đặc biệt là vì trái cây và rau quả có sẵn quanh năm. Kết quả là, họ tin rằng có rất ít nguy cơ thiếu hụt. Mặc dù ngày này rất ít khi gặp tình trạng thiếu vitamin C nghiêm trọng (bệnh scorbut), cùng với các khuyết tật và tử vong liên quan, nhưng điều quan trọng cần lưu ý là một số lượng đáng kể người dân vẫn có mức vitamin C thấp.

Thông thường, thực phẩm chúng ta ăn có chứa đủ vitamin C, nhưng chúng ta vẫn có thể bị thiếu hụt sinh hóa. Điều này có thể xảy ra nếu cơ thể, vì nhiều lý do, không thể hấp thụ hoặc sử dụng vitamin một cách hiệu quả.

Lối sống hiện đại cũng tạo ra nhiều yếu tố nguy cơ gây thiếu vitamin C, chẳng hạn như hút thuốc, sử dụng rượu, ăn kiêng, thói quen ăn uống chọn lọc, dị ứng thực phẩm, bệnh tiểu đường loại 1, kém hấp thu và chạy thận nhân tạo. Ngoài ra, căng thẳng về thể chất hoặc tâm lý quá mức có thể làm tăng thêm nguy cơ thiếu vitamin C.

Cơ thể con người không thể tự tổng hợp được vitamin C mà phải bổ sung thông qua chế độ ăn uống hoặc thực phẩm bổ sung. Vì vitamin C hòa tan trong nước và không được lưu trữ với số lượng đáng kể nên việc bổ sung thường xuyên là điều cần thiết. Các chất bổ sung đường uống thường là lựa chọn đầu tay.

Những loại trái cây và rau củ giàu vitamin C bao gồm: 

Loại thực phẩm (100mg)Hàm lượng vitamin C (mg)
Anh đào (cherry)1644
Ổi206
Dâu tây89.4

Đu đủ

86.5

Kiwi70.5
Cam69.7
Nho đen51.3
Súp lơ trắng46.4
Bưởi44
Chanh

30.7

Việc bổ sung vitamin C liều cao qua đường tĩnh mạch có thể được xem xét ở những người bị suy giảm khả năng hấp thu qua đường uống hoặc trong những trường hợp cần điều chỉnh nhanh tình trạng thiếu hụt trầm trọng.