Trên da xuất hiện triệu chứng này có thể là dấu hiệu của bệnh tiểu đường

Khi phát hiện ra một mảng sẫm màu ở sau gáy hoặc khuỷu tay, bạn có thể nghĩ rằng đó là do bạn không kỳ cọ kỹ hàng ngày khi tắm. Thật ra không đơn giản như vậy, xin hãy cẩn thận, vì đây có thể là dấu hiệu báo trước của bệnh tiểu đường.

Xuất hiện mảng da khô, sẫm màu trên khuỷu tay, cổ,… có thể là dấu hiệu báo trước của bệnh tiểu đường. (Ảnh: TuktaBaby/ Shutterstock)

Khi có các mảng bẩn sẫm màu trên da, hãy cẩn thận với các triệu chứng của bệnh tiểu đường

Hãy quan sát cơ thể của bạn, đặc biệt là ở các chỗ nếp gấp của da, xem có những mảng màu nâu hoặc đen, sờ vào có cảm giác thô ráp hoặc thậm chí có mùi không? Tình trạng này thường bị nhầm lẫn với “tắm không rửa sạch sẽ”, thật ra nó là triệu chứng của bệnh gai đen (acanthosis nigricans – tên gọi của các mảng da sẫm màu thường xuất hiện ở nách, cổ hoặc bẹn)

Các mảng gai đen thường không có đường viền rõ ràng và phân bố đối xứng. Hầu hết thường xuất hiện ở các nếp gấp da hoặc ở những vùng dễ bị ma sát:

– Vị trí thường gặp: lưng và bên cổ, mặt trong đùi, nách. Trong số đó, có đến 90% sẽ xuất hiện ở cổ. 

– Các bộ phận hiếm gặp: eo (nơi cạp quần dễ cọ sát), dưới vú, trước khuỷu tay, sau đốt ngón tay. Khi các triệu chứng nghiêm trọng, các tổn thương thậm chí có thể xuất hiện ở rốn, môi, miệng và các bộ phận khác.

Bệnh gai đen (acanthosis nigricans), một trong những dấu hiệu của bệnh tiểu đường, thường xuất hiện nhất trên cổ. (Ảnh: Dermatology11/ Shutterstock)

Xuất hiện gai đen là dấu hiệu cảnh báo sức khỏe. Có một số nguyên nhân phổ biến gây ra bệnh gai đen ở người:

1. Kháng insulin, bệnh tiểu đường

Bác sĩ Giang Nghi Luân điều trị tại Khoa nội tiết của bệnh viện Tân Quang, Đài Loan, chỉ ra rằng, cơ chế chính xác của bệnh gai đen vẫn chưa được hiểu đầy đủ, nhưng hiện tại nhận thực chung cho rằng việc tiết quá nhiều insulin là một yếu tố quan trọng.

Thông thường, insulin đưa đường trong máu vào tế bào để ổn định lượng đường trong máu. Khi độ nhạy cảm của cơ thể với insulin giảm, sẽ gây ra tình trạng kháng insulin, cơ thể phải tiết ra nhiều insulin hơn. Nếu có quá nhiều insulin sẽ làm kích thích sự tăng sinh của tế bào da, dẫn đến lắng đọng melanin và sừng hóa da quá mức, gây nên bệnh gai đen.

Kháng insulin là giai đoạn đầu của bệnh tiểu đường loại 2, bệnh có thể được cải thiện nếu được điều trị nhanh chóng và kịp thời điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt. Nếu không được kiểm soát, nó có thể phát triển thành bệnh tiểu đường loại 2.

Những người bị kháng insulin thường có đặc điểm là béo phì hoặc vòng eo quá khổ, ngoài ra còn có hiện tượng sạm da và dày da cục bộ. Những người có 2 tình trạng trên cũng bị hội chứng chuyển hóa, đây cũng là nhóm có nguy cơ cao mắc bệnh tiểu đường.

Một cuộc khảo sát đối với thanh thiếu niên cho thấy rằng bệnh gai đen có liên quan chặt chẽ đến bệnh béo phì, tiền sử gia đình mắc bệnh tiểu đường, huyết áp cao và ít hoạt động thể chất. Trong số này, béo phì có liên quan mạnh mẽ nhất.

Những người béo phì và có vòng eo lớn dễ mắc bệnh gai đen. (Ảnh: shutterstock)

Bện gai đen cũng có thể xảy ra ở bệnh nhân tiểu đường loại 1 và loại 2. Bác sĩ Liễu Bằng Trì, Chủ nhiệm Khoa Y học Gia đình của Bệnh viện Tân Quang, cho biết một số trẻ em mắc bệnh tiểu đường loại 1 sẽ phát triển chứng bệnh gai đen ngay cả khi chúng không bị béo phì. Ông giải thích rằng mặc dù nhóm người này không bị kháng insulin rõ ràng, nhưng trong trường hợp lượng đường trong máu cao, nó cũng có thể khiến da khó chịu hoặc thay đổi.

2. Rối loạn nội tiết

Các vấn đề như hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS), suy giáp và chức năng tuyến thượng thận bất thường cũng có thể dẫn đến tăng sinh tế bào.

3. Thuốc

Một số loại thuốc có thể ảnh hưởng đến việc tiết insulin hoặc gây ra các tình trạng tương tự như kháng insulin. Ví dụ, thuốc tránh thai, corticosteroid, diethylstilbestrol, axit nicotinic và các dẫn xuất của nó (niacin), hormone tăng trưởng, thuốc điều trị tuyến giáp..v.v.

4. Ung thư

Bệnh gai đen ác tính hầu hết đều liên quan đến ung thư biểu mô tuyến (adenocarcinomas of abdominal organs) của các cơ quan trong ổ bụng, đặc biệt là ung thư dạ dày. Bệnh cũng có thể xảy ra ở những bệnh nhân bị ung thư tuyến tụy, buồng trứng, ung thư vú và thực quản. Bệnh gai đen liên quan đến ung thư có thể xảy ra trước, cùng hoặc đồng thời với ung thư.

Các yếu tố khác gây ra bệnh gai đen bao gồm di truyền gia đình, bệnh tự miễn dịch và các yếu tố khác.

Bác sĩ Giang cho biết, độ tuổi khởi phát bệnh gai đen có thể từ trẻ sơ sinh đến người lớn. Nếu là do khối u ác tính gây ra thì khả năng xảy ra ở người lớn cao hơn ở trẻ em.

Hãy để ý tới các mảng đen không ngứa

Những mảng đen và bẩn trên da, đó có phải là bệnh gai đen không?

Bác sĩ Giang cũng chỉ ra rằng, bệnh gai đen có một đặc điểm khác là vùng bị bệnh không ngứa lắm. Nói chung, khi bệnh nhẹ, khu vực bị ảnh hưởng sẽ trông khá bẩn, và khi các triệu chứng trầm trọng hơn, khu vực này sẽ dần dần mở rộng, trở nên dày hơn và các nếp da sẽ hằn sâu hơn, thậm chí còn xuất hiện các nốt mụn giống như mụn cơm trên biểu bì.

Chẩn đoán phân biệt sẽ được thực hiện trên lâm sàng. Thông thường bệnh nhân sẽ được hỏi là có thấy ngứa và thường xuyên gãi không hay không.

Nếu như bệnh nhân có ngứa ở các vùng này và gãi nhiều. Thì đó thường là do viêm da dị ứng. Viêm da dị ứng có đặc điểm là sẽ ngứa vùng tổn thương, gãi quá nhiều có thể kích thích gây viêm tại chỗ và gây lắng đọng sắc tố melanin, khiến vùng da bị bệnh có màu đen và bẩn.

Vì bệnh gai đen phổ biến hơn ở những người kháng insulin và tiểu đường nên khi những người có nguy cơ cao mắc bệnh tiểu đường đi khám, các bác sĩ sẽ ưu tiên kiểm tra xem họ có bị tiểu đường hay không.

Kết quả là sau khi lấy máu, một số người phát hiện tiền tiểu đường: đường huyết lúc đói từ 100 – 125 mg/dL (5.6 – 6.9 mmol/L), hoặc hemoglobin glycosyl hóa từ 5,7% đến 6,4%. Ngoài ra, còn có thể đo chỉ số kháng insulin (HOMA-IR), tỷ lệ đường huyết lúc đói và insulin trong máu được tính theo công thức, nếu lớn hơn hoặc bằng 2 là có kháng insulin.

Một số người cũng đã được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường. Tại phòng khám ngoại trú của bác sĩ Liễu, thường gặp các nhân viên văn phòng ở độ tuổi 30 bị bệnh gai đen. Những bệnh nhân này đến khám vì da bất thường, ảnh hưởng đến ngoại hình, sau khi vệ sinh cẩn thận vẫn không khỏi.

Nhiều bệnh nhân mắc bệnh gai đen đến bệnh viện khám, mới biết là đang bị tiền tiểu đường hoặc bị tiểu đường. (Ảnh: PENpics Studio/ Shutterstock)

Trong đó có một bệnh nhân có chỉ số BMI cao khoảng 29 (kg/m2) và không có các biểu hiện của bệnh đái tháo đường (ăn nhiều, uống nhiều, đi tiểu nhiều và sụt cân). Nhưng lượng đường trong máu lúc đói của người này là từ 130 đến 150 mg/dL, trong y học nếu chỉ số vượt quá 126 mg/dL sẽ được coi là bệnh tiểu đường.

Bệnh nhân cho biết mình có đường huyết cao khi đang học đại học, nhưng vì không có triệu chứng gì nên không đặc biệt chú ý đến nó. Sau hơn 10 năm, do tình trạng kháng insulin lâu dài, không chỉ xuất hiện bệnh gai đen, mà còn mắc bệnh tiểu đường.

Bác sĩ Liễu chỉ ra rằng hầu hết bệnh nhân chỉ phát triển bệnh gai đen sau khi kháng insulin lâu dài hoặc mắc bệnh tiểu đường nặng.

Bệnh gai đen có thể được điều trị khỏi hoàn toàn?

Hiện nay vẫn chưa có phương pháp đặc trị nào, chủ yếu là cải thiện nguyên nhân gây ra bệnh, và vùng tổn thương sẽ được cải thiện một cách tự nhiên.

Kháng insulin và bệnh tiểu đường là nguyên nhân chính gây ra bệnh gai đen, vì vậy cần cải thiện tình trạng kháng insulin và kiểm soát lượng đường trong máu để tránh tình trạng suy giảm.

Bác sĩ Liễu nói: “Điều quan trọng nhất là quay trở lại vấn đề cơ bản của tình trạng kháng insulin. Ví dụ, nhiều bệnh nhân mắc bệnh gai đen đồng thời bị béo phì thì nên điều chỉnh chế độ ăn uống, tập thể dục nhiều hơn và tích cực giảm cân.”

Da sẽ trao đổi chất từ ​​từ, chỉ cần tình trạng bệnh được cải thiện và giảm phản ứng viêm của vùng da bị bệnh thì màu sắc vùng da bị bệnh sẽ mờ dần.

Ngoài việc điều trị bệnh, có một số cách để ngăn ngừa bệnh gai đen trở nên tệ hơn:

1. Giảm tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, để các tế bào hắc tố ít bị kích thích hơn.

2. Giảm kích thích vật lý, chẳng hạn như giảm ma sát và gãi.

3. Tránh chà xát quá mạnh vào khu vực bị ảnh hưởng để tránh làm trầm trọng thêm sự lắng đọng melanin.

Tuy nhiên, bệnh gai đen sẽ không biến mất hoàn toàn, nó vẫn có sự khác biệt với các vùng da bình thường bên cạnh. Bác sĩ Thái Dật San, Giám đốc khoa da liễu phòng khám Kinh Nghiễn, Đài Loan, đề cập đến phương pháp điều trị da liễu là sử dụng tia laze xông hơi hoặc cho một số loại thuốc mỡ axit để giúp da trao đổi chất. Tuy nhiên nó chỉ có thể cải thiện chứ không có cách nào loại bỏ hoàn toàn.

Cần lưu ý rằng bệnh gai đen sẽ tái phát nếu bệnh nhân không kiểm soát được đường huyết và cân nặng. Đặc biệt những người đã từng bị bệnh này thường có nhiều khả năng bị tấn công hơn những người không có tiền sử bị.

Quan Mễ

Published by
Quan Mễ

Recent Posts

Liên minh châu Âu loan báo cấm thêm bốn hãng truyền thông Nga

Hội đồng châu Âu hôm thứ Sáu (17/5) loan báo cấm thêm bốn hãng truyền…

49 phút ago

Đường dây buôn bán động vật quý hiếm từ Trung ra Bắc bị phát hiện

Một đường dây buôn bán động vật quý hiếm vừa bị phát hiện, 17 cá…

1 giờ ago

Tổng thống Zelensky nêu chi tiết nhu cầu vũ khí của Ukraine

Tổng thống Ukraine Zelensky hôm thứ Sáu (17/5) nói rằng Kyiv cần thêm các hệ…

2 giờ ago

Một đường dây tổ chức cho người Việt trốn sang Hàn Quốc

Nhiều người Việt trả tiền để được làm giấy tờ xuất cảnh sang Hàn Quốc…

3 giờ ago

Hãy khám bác sĩ ngay nếu có 5 tình trạng này ở bàn chân

Hoàng Hiên là một chuyên gia chăm sóc lồng ngực đã chia sẻ rằng, bạn…

4 giờ ago

Bé 5 tuổi bị lằn tím lưng: 3 cô giáo phụ trách lớp không biết lý do

Một bé gái 5 tuổi sau buổi học tại Trường Mầm non An Dương (quận…

4 giờ ago