Bangladesh: Người đoạt giải Nobel Hòa bình Yunus lãnh đạo chính phủ lâm thời
- Trí Đạt
- •
Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina từ chức và bỏ trốn khi các cuộc biểu tình của công chúng ngày càng gia tăng. Sinh viên Bangladesh biểu tình kêu gọi bổ nhiệm người đoạt giải Nobel Hòa bình Muhammad Yunus làm thủ tướng mới cho Chính phủ lâm thời. Tổng thống Bangladesh Mohammed Shahabuddin Chuppu vừa tuyên bố, người đoạt giải Nobel Hòa bình Muhammad Yunus sẽ lãnh đạo chính phủ lâm thời.
Người đoạt giải Nobel Hòa bình năm 2006, ông Muhammad Yunus, cho biết trong một tuyên bố bằng văn bản với AFP hôm 6/8 rằng ông sẵn sàng giữ chức vụ người đứng đầu Chính phủ lâm thời của Bangladesh, một ngày trước khi đất nước được quân đội tiếp quản và thủ tướng trốn ra nước ngoài. “Tôi luôn đặt chính trị sang một bên (…) nhưng hôm nay, nếu cần phải hành động ở Bangladesh, vì lợi ích của đất nước tôi, vì lòng dũng cảm của người dân tôi, thì tôi sẽ làm điều đó,” ông viết, tất cả điều này được thực hiện bằng cách kêu gọi tổ chức “bầu cử tự do”.
Do đó, ông Muhammad Yunus đã xác nhận những bình luận được đăng hôm thứ Ba (ngày 6/8) trên tờ báo Le Figaro của Pháp, và ông thổ lộ: “Nếu tình hình yêu cầu, tôi có thể lãnh đạo chính phủ”. Thủ lĩnh chính của phong trào sinh viên, vốn phát động các cuộc biểu tình vào đầu tháng 7, hôm thứ Ba cho biết ông muốn ông Muhammad Yunus lãnh đạo một chính phủ lâm thời. “Chúng tôi tin tưởng Tiến sĩ Yunus”, một trong những người đứng đầu nhóm chống phân biệt đối xử với sinh viên Asif Mahmood, viết trên Facebook.
Theo Văn phòng Tổng thống Mohammed Shahabuddin, sau khi bà Hasina từ chức và chạy ra nước ngoài, ông Shahabuddin đã gặp các thủ lĩnh sinh viên biểu tình và quân đội để tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng. Quyết định được đưa ra là “thành lập một chính phủ lâm thời với… ông Yunus là người đứng đầu”.
Ông Yunus sẽ trở về Dhaka sau khi điều trị bệnh ở Paris, Pháp.
Trong ngày 6/8, ông Shahabuddin cũng đã giải tán Quốc hội, mở đường cho việc lập chính phủ lâm thời và tổ chức tổng tuyển cử.
Ông Yunus, 84 tuổi, đoạt giải Nobel Hòa bình năm 2006 và là một trong những nhân vật kiệt xuất nhất ở quốc gia Nam Á này. Ông là người sáng lập Ngân hàng Grameen ở Bangladesh, nổi tiếng với việc cung cấp các khoản vay nhỏ cho người nghèo không cần thế chấp, giúp hàng triệu người thoát nghèo.
Ông Yunus phải đối mặt với nhiều cáo buộc tham nhũng trong thời gian bà Hasina nắm quyền thủ tướng. Những người ủng hộ ông tin rằng bà Hasina coi ông như một đối thủ tiềm năng và đang tìm cách trả thù ông xuất phát từ động cơ chính trị.
Năm 2007, ông Yunus từng tuyên bố sẽ lập Đảng “Quyền lực công dân” để tham gia chính trường đầy bất ổn của Bangladesh. Ông từ bỏ kế hoạch này vài tháng sau đó, nhưng vẫn là cái gai trong mắt chính quyền.
Tháng 1/2024, ông Yunus và 3 đồng nghiệp bị Tòa án lao động Dhaka kết án 6 tháng tù giam, với cáo buộc công ty do ông thành lập không thành lập quỹ phúc lợi cho người lao động. Cả 4 người đều phủ nhận các cáo buộc và các tổ chức quốc tế chỉ trích cáo buộc có động cơ chính trị.
Từ khóa Nobel Hoà Bình Bangladesh Dòng sự kiện Sheikh Hasina Biểu tình tại Bangladesh Muhammad Yunus