Báo cáo: Cả trăm ngàn phụ nữ Triều Tiên có nguy cơ là nạn nhân của bọn buôn người

Một báo cáo chỉ ra những phụ nữ Triều Tiên trốn sang Trung Quốc đã bị bán như thể họ là đồ vật, bọn tội phạm đã kiếm được số tiền lớn nhờ lừa bán họ.

Cảnh phụ nữ Triều Tiên tại Kaesong, Bắc Triều Tiên. (Ảnh minh họa: Pool/Getty Images)

Đài Á châu Tự do (RFA) đưa tin rằng nhiều phụ nữ Triều Tiên thông qua môi giới để trốn chạy sang Trung Quốc với hy vọng có cuộc sống tốt hơn, nhưng sinh mạng họ thường nằm trong tay những kẻ môi giới, họ bị buôn bán như đồ vật.

Trong một báo cáo hồi tháng 3, công ty luật quốc tế Global Rights Compliance có trụ sở tại Hà Lan cho biết có khoảng 150.000 – 200.000 người Triều Tiên sống gần biên giới với Trung Quốc, trong số họ khoảng 70 – 80% có thể là nạn nhân của bọn buôn người.

Báo cáo cho biết phụ nữ Triều Tiên bị bán với giá vài trăm USD [mỗi người], các tổ chức tội phạm liên quan đến việc bán những nạn nhân này mỗi năm [mỗi tổ chức] thu về hơn 100 triệu USD.

Trong Báo cáo thường niên về nạn buôn người (Trafficking in Persons Report), Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, những người Triều Tiên đào thoát sang Trung Quốc mà không được nhà chức trách Trung Quốc cấp giấy tờ là di dân đặc biệt, dễ là nạn nhân của bọn buôn người. Báo cáo đề cập không ít trường hợp phụ nữ Triều Tiên đến Trung Quốc đã bị những kẻ buôn người dụ dỗ, đánh thuốc mê, giam giữ hoặc bắt cóc họ, ép họ quan hệ tình dục hoặc kết hôn. Đài RFA kể 2 trường hợp nạn nhân là cô Park Eun Mi và Son Hye Young, họ đã kể về quá trình bị hại như thế nào.

Tin vào môi giới nhưng bị lừa

Cô Park Eun Mi sinh ra ở thành phố Hyesan tỉnh Ryanggang – Triều Tiên, gần biên giới Trung Quốc. Qua giúp đỡ của một người môi giới, năm 2007 khi 16 tuổi cô trốn qua biên giới vào Trung Quốc.

Park Eun-mi cho biết gia đình gặp khó khăn về kinh tế nên cô đã tìm cách trốn khỏi Triều Tiên. Cô nghe những người gần gũi nói rằng trốn được qua Trung Quốc sẽ không gặp khó khăn gì trong việc kiếm sống.

Cô kể rằng người môi giới đảm bảo cô có thể gửi tiền từ Trung Quốc về Triều Tiên để giúp đỡ gia đình. Người môi giới cũng cho biết, có nhiều cặp vợ chồng già ở Trung Quốc không có con, khi các cô gái trẻ đến đó, họ thường được nhận làm con nuôi và có thể kiếm tiền từ công việc mà họ cung cấp.

“Vào thời điểm đó thậm chí tôi còn không biết từ ngữ buôn người”, cô nói.

Cô nói rằng cô tin tưởng những kẻ môi giới, tin rằng họ là những người tốt giúp đỡ những đứa trẻ nghèo khó ở Triều Tiên, nhưng họ thực sự là những tên tội phạm buôn người để kiếm lời. Cho đến khi vượt biên được vào Trung Quốc thì cô mới biết bản thân là nạn nhân của bọn buôn người.

Cô được giao cho một người môi giới khác ở một vùng nông thôn. Kể từ đó lần lượt có người lạ đến xem mặt cô. Một buổi sáng, một người bạn cạnh cô bất ngờ bị mang ra bán đi, tình cảnh khiến cô rất sốc và lo lắng điều khủng khiếp đó sẽ xảy ra với mình.

Cô nói rằng cuối cùng cô đã bị bán cho một người đàn ông muốn kết hôn với cô, hệ quả trong 6 năm sau đó cô phải trải qua kiếp sống như nô lệ tình dục cho người đàn ông đó.

Người đàn ông đó cảnh báo nếu cô trốn thì hắn ta sẽ báo cáo với cảnh sát Trung Quốc. Cô không còn lựa chọn nào khác ngoài phục tùng anh ta và gia đình anh ta.

Cô cho biết thường xuyên bị người đàn ông kia xúc phạm. Những lời nhục nhã nhất của người đàn ông đó đối với cô là: “Mày chỉ như là một trong những tài sản của tao, tao có thể vứt bỏ khi không còn hữu dụng nữa”. Thật khó để mỗi ngày cô có thể sống với những lời lẽ đó.

Trẻ em đường phố thành nạn nhân buôn người

Một phụ nữ khác tên Son Hye Young sinh ra ở thành phố Danchuan tỉnh Nam Hamgyong của Triều Tiên, cha mẹ cô qua đời trong nạn đói những năm 1990, và cô trở thành “con én nhỏ” (kotjebi) – tức trẻ vô gia cư, đi ăn xin kiếm sống.

Năm 2007, Son Hye Young và một số “con én nhỏ” khác bị một kẻ buôn người bán sang Trung Quốc, giá của cô chỉ 36.000 RMB (khoảng 5.000 USD).

Cô kể sau đó cô đã trải qua kiếp sống khốn khổ. Cô sống trong một ngôi nhà nhỏ với người chồng bị thiểu năng trí tuệ – người mà cô không hiểu ngôn ngữ cũng như văn hóa của anh ta.

Sau đó cô mang thai và sinh em bé nhưng không có tiền mua sữa bột, vì vậy cô đã mua một con dê và cho đứa bé bú sữa dê pha với sữa bò.

Cô nghĩ cô nên học tiếng Trung nên suốt ngày cô đóng cửa ở nhà xem truyền hình.

Đến năm 2012, cô đã có thể sống cuộc sống bình thường ở Trung Quốc, chăm sóc cô con gái 3 tuổi và cậu con trai 2 tuổi. Nhưng ai đó đã báo cáo cô với cảnh sát Trung Quốc khiến cô đã bị đưa trở lại Triều Tiên.

Trở về Triều Tiên thì cô bị cầm tù, bị ngược đãi trong tù.

Giúp đỡ các nạn nhân khác

Hiện nay cô Park Eun-mi đang ở Hàn Quốc để giúp đỡ những nạn nhân của nạn buôn người như cô. Cô học tiếng Anh để giúp cô có khả năng thảo luận về vấn đề buôn bán người trong cộng đồng quốc tế.

Park Eun-mi nói rằng nếu không có sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế, sẽ có thêm nhiều người Triều Tiên đào tẩu vào Trung Quốc trở thành nạn nhân của bọn buôn người. Cô cho biết sẽ tiếp tục lên tiếng cho những người đào tẩu Triều Tiên chạy vào Trung Quốc: “Tất cả những gì tôi có thể làm là lên tiếng cho những người này. Nếu biết được có người cần cứu thì tôi sẵn sàng tương trợ”.

Tuấn Thôn

Published by
Tuấn Thôn

Recent Posts

Thói quen nhịn ăn gián đoạn 16/8 làm tăng nguy cơ tử vong do tim mạch

Nhịn ăn gián đoạn 16/8 là một phương pháp giảm cân phổ biến gần đây.…

21 phút ago

Blinken: Israel thiếu “kế hoạch đáng tin cậy” để bảo vệ dân thường ở Rafah

Hôm Chủ nhật (12/5), Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết, Israel thiếu một “kế…

52 phút ago

Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Nga bị cách chức

Điện Kremlin cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh bổ nhiệm…

1 giờ ago

Metro Bến Thành-Suối Tiên: Đề xuất sớm có chính sách giá vé

Sở GTVT TP.HCM trước đó đề xuất vé lượt thấp nhất cho chặng 5 km…

2 giờ ago

Viêm phổi do nhiễm virus Chlamydia abortus gây sảy thai hiếm gặp ở Quảng Châu

Mới đây, một phụ nữ bị viêm phổi do nhiễm "Chlamydia abortus" gây sảy thai…

4 giờ ago

Ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế giới 13.5: Cùng bước trên con đường đạo đức hồi sinh

Năm 1999, cộng đồng học viên Pháp Luân Công quốc tế đã chỉ định ngày…

4 giờ ago