Cựu Tổng thống Mã Anh Cửu nói “phải tin ông Tập Cận Bình”, làm dậy sóng dư luận
- Mộc Vệ
- •
Trong khi trả lời phỏng vấn với kênh truyền thông Đức Deutsche Welle (DW) trước thềm tổng tuyển cử ở Đài Loan, cựu Tổng thống Mã Anh Cửu đã có những phát ngôn trái chiều khiến các bên phản ứng.
Deutsche Welle (DW) hôm 10/1 đã đăng bài phỏng vấn độc quyền với cựu Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu vào ngày 8/1, nội dung phỏng vấn nhắc đến những vấn đề trong quan hệ giữa hai bờ eo biển.
Có câu hỏi rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tiếp tục leo thang khiêu khích quân sự: cho tàu chiến tiếp cận Đài Loan, máy bay chiến đấu bay qua đường ranh giới, bây giờ cho khinh khí cầu do thám bay qua…, tại sao ông quy trách nhiệm tình hình căng thẳng này cho Đảng Dân chủ Tiến bộ (DPP) và Phó Tổng thống Lại Thanh Đức hiện nay.
Ông Mã Anh Cửu cho biết, trong nhiệm kỳ của ông, hai bên eo biển Đài Loan đã ký 23 thỏa thuận, có hơn 5 triệu cuộc trao đổi nhân sự giữa hai bờ, năm 2015 tổ chức hội đàm Mã-Tập, “Khi tôi làm tổng thống, quan hệ song phương khá hòa bình, chắc chắn chúng tôi có một số vấn đề với Đại Lục nhưng họ chưa bao giờ đạt đến mức độ hành động quân sự [như hiện nay]. Nhưng DPP thì khác, vì họ tin vào sự độc lập của Đài Loan, vốn là điều cấm kỵ lớn nhất đối với Đại Lục [ĐCSTQ]”.
Câu hỏi tiếp theo về việc liệu ngân sách quân sự của Đài Loan (theo tỷ lệ GDP) như hiện nay có đủ hay không, và tại sao Đài Loan không hướng tới việc tăng cường răn đe quân sự. Ông Mã Anh Cửu thẳng thừng nói rằng dù Đài Loan có tự vệ như thế nào thì cũng sẽ không bao giờ có thể chống chọi được với một cuộc chiến tranh với Đại Lục, sẽ không bao giờ chiến thắng được: “Họ [Đại Lục] quá lớn, do đó chúng ta không nên dựa vào vũ lực để giảm căng thẳng. Nếu ai luôn tin tưởng vào khả năng phòng thủ mạnh mẽ, điều đó dù là quyền [tự do], nhưng trong trường hợp của Đài Loan thì như vậy rất nguy hiểm cho người dân Đài Loan”.
Cựu tổng thống này cho rằng rất khó để răn đe được ĐCSTQ nếu chỉ dựa vào thúc đẩy phòng thủ quân sự: “Chúng ta không nên dựa vào thúc đẩy phòng thủ (quân sự) làm cơ sở chính quyết định vận mệnh Đài Loan. Thay vào đó, chúng ta phải sử dụng các biện pháp hòa bình để đối thoại với Bắc Kinh, để để giảm bớt căng thẳng xuyên eo biển”.
Deutsche Welle đề cập rằng “Đồng thuận 1992” ngày càng không được ưa chuộng ở Đài Loan, đặc biệt là trong giới trẻ. Vấn đề này, ông Mã Anh Cửu cho rằng là do nhiều người thường hiểu sai về “Đồng thuận 1992”. Ông Mã một lần nữa nhấn mạnh trong nhiệm kỳ ông làm tổng thống, “’Đồng thuận 1992′ là nền tảng chính trị vô cùng quan trọng giữa hai bên eo biển Đài Loan, đó cũng là lý do khiến quan hệ hai bờ eo biển không trở nên căng thẳng. Đài Loan cần tạo ra bối cảnh để chúng ta có thể sống trong hòa bình mà không cần sử dụng vũ lực, đó là điều quan trọng hơn mọi [chiến thắng bằng] ngôn từ”.
Deutsche Welle hỏi, “Vì vậy mà ông cho rằng có thể tin tưởng ông Tập Cận Bình?”, Ông Mã Anh Cửu trả lời: “Về quan hệ xuyên eo biển, phải tin tưởng ông ấy”.
Deutsche Welle hỏi, trong chuyến thăm Trung Quốc của ông vào năm ngoái, một số hình ảnh đã bị Quân đội ĐCSTQ chỉnh sửa thành video cổ vũ thống nhất, bị ĐCSTQ sử dụng để chia rẽ người dân Đài Loan. Ông Mã Anh Cửu cho hay ĐCSTQ thường làm như vậy, “Tôi không nghĩ điều đó có thể ngăn cản tôi cố gắng giảm bớt căng thẳng giữa hai bờ eo biển, và tôi đã liên tục nói với những người bạn Đại Lục của mình hai yếu tố: một là hòa bình, hai là dân chủ”.
Ông Mã Anh Cửu nhấn mạnh rằng Quốc Dân Đảng và ông đều bác bỏ rất rõ ràng quan điểm “một nước, hai chế độ”, còn “Đồng thuận 1992” là một phần trong đó, “Chúng ta không cần tuân theo cách giải thích của Đại Lục, chúng ta có cách giải thích của riêng mình, đây là một phần quan trọng của ‘Đồng thuận 1992’, điều này có thể trở thành cơ sở chính trị rất quan trọng cho quan hệ xuyên eo biển. Cả Quốc Dân Đảng và tôi đều phản đối ‘một nước, hai chế độ’, nhưng tôi chấp nhận ‘Đồng thuận 1992’, đó là hai việc khác nhau”.
Đề cập đến chuyến thăm của bà Pelosi tới Đài Loan mùa hè năm 2022 khi bà còn là chủ tịch Hạ viện Mỹ, gây ra căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Trung và hai bờ eo biển. Ông Mã Anh Cửu nói, “Chúng tôi cảm ơn tinh thần ủng hộ của bà ấy, nhưng phải áp dụng các phương cách khác, vì bà ấy thậm chí không biết cách hiểu mối quan hệ xuyên eo biển. Giống như đôi khi chúng tôi lo lắng một số người Mỹ nói rằng mọi người Đài Loan phải được trao một súng trường AK47 để bảo vệ đất nước”.
Khi được hỏi giả sử vào năm ngoái còn là tổng thống, liệu ông có từ chối chuyến thăm của bà Pelosi hay không? Ông Mã Anh Cửu thừa nhận rằng ông sẽ từ chối, “Họ đến thăm chúng tôi để bày tỏ sự ủng hộ và chúng tôi rất biết ơn vì điều đó, nhưng họ nên biết cách làm sao để được tất cả các bên ở cả hai bên eo biển Đài Loan chấp nhận, (điều này) có lẽ chúng tôi biết nhiều hơn họ”.
Phản ứng từ các bên
Thông tấn xã Trung ương Đài Loan (CNA) đưa tin, đáp lại tuyên bố của ông Mã Anh Cửu, người phát ngôn của DPP Trương Chí Hào (Chang Chih-hao) cho biết rất ngạc nhiên khi đây là cựu tổng thống Đài Loan, ông Mã Anh Cửu rất không đủ tiêu chuẩn, không những tin vào Tập Cận Bình mà còn chủ trương thống nhất với Đại Lục, điều đó thật quá đáng. Người phát ngôn của DPP kêu gọi ông Hầu Hữu Nghi – ứng viên tổng thống của Quốc Dân Đảng – hãy cho biết rõ lập trường về việc liệu có tin vào ông Tập Cận Bình như Mã Anh Cửu hay không?
Người phát ngôn khác của DPP là Đới Vĩ San (Tai Wei-shan) đã tổ chức một cuộc họp báo vào buổi chiều và nói rằng đường lối ngoại giao của Quốc Dân Đảng là quay trở lại quá khứ và gắn liền với nguyên tắc một Trung Quốc, tuyên bố của ông Mã Anh Cửu khác xa với sự đồng thuận của xã hội Đài Loan. Ông Mã thậm chí còn cho rằng có thể tin cậy ông Tập Cận Bình, những nhận xét như vậy là không thể chấp nhận được đối với người dân Đài Loan và Đảng DPP. Cô chỉ trích ông Mã Anh Cửu không chỉ ủng hộ Tập Cận Bình mà còn thao túng quan điểm của truyền thông nước ngoài về quan hệ nội bộ hai bờ eo biển của Đài Loan, điều này rất tồi tệ.
Quan điểm của ông Mã Anh Cửu cũng bị chính ứng viên tổng thống Quốc Dân Đảng là Hầu Hữu Nghi lên tiếng. Ông Hầu hôm 10/1 cho biết suy nghĩ của ông Mã Anh Cửu có phần khác với ông, chính sách xuyên eo biển của ông từ xưa đến nay đều hướng đến chiến lược 3D, bao gồm răn đe, tăng cường vũ khí phòng thủ, nâng cao năng lực tự vệ, bên cạnh thúc đẩy trao đổi đối thoại, không thể có những ý tưởng phi thực tế đối với Đại Lục.
Ông Hầu cho rằng khi nói đến quan hệ hai bờ eo biển phải tuân thủ hệ thống dân chủ và tự do của Đài Loan, hệ thống này trái với quan điểm “một nước, hai chế độ”, quan trọng hơn là phải bảo vệ lối sống [tự do dân chủ] của người dân Đài Loan, sẽ không vì bất kỳ ý tưởng đơn phương nào từ Trung Quốc rồi ra những suy nghĩ phi thực tế.
Liberty Times đưa tin, ứng cử viên phó tổng thống của Đảng DPP là ông Lại Thanh Đức vào ngày 9/1 đã nói trong cuộc họp báo quốc tế trước bầu cử rằng hòa bình là vô giá và chiến tranh không có bên chiến thắng, vì vậy chỉ cần biết tôn trọng nhau thì cánh cửa của Đài Loan sẽ luôn mở và sẵn sàng liên lạc hợp tác với Trung Quốc [ĐCSTQ]. Đài Loan có lý tưởng hòa bình, nhưng không được ảo tưởng, chấp nhận nguyên tắc một Trung Quốc không phải là hòa bình thực sự, vì hòa bình không có chủ quyền cũng chỉ là hòa bình giả tạo như Hồng Kông.
Ông Lại Thanh Đức chia sẻ, nếu được bầu làm tổng thống, ông sẽ tăng cường khả năng phòng thủ quốc gia của Đài Loan, nỗ lực để nâng cao sức mạnh kinh tế và khả năng phục hồi của Đài Loan, đồng thời tăng cường hợp tác với cộng đồng quốc tế và sát cánh cùng phe dân chủ để phát huy sức mạnh răn đe. Việc theo đuổi hòa bình dựa cần vào nội lực của mình chứ không thể căn cứ vào thiện chí của kẻ muốn xâm lược, hãy nhìn vào bài học Tây Tạng và Tân Cương trước hay Hồng Kông bây giờ, đó đều là những tấm gương điển hình!
Đài Loan sẽ tổ chức bầu cử tổng thống và cơ quan lập pháp vào thứ Bảy (13/1). Nếu Đảng DPP, đảng có tiếng nói lớn nhất Đài Loan hiện nay, giành chiến thắng trong cuộc bầu cử thì đây sẽ là lần đầu tiên kể từ cuộc bầu cử tổng thống trực tiếp của Đài Loan vào năm 1996, đảng này giành chiến thắng 3 lần liên tục. ĐCSTQ gọi cuộc bỏ phiếu là sự lựa chọn giữa “hòa bình và chiến tranh”, trong khi các quan chức Đài Loan cho biết áp lực kinh tế và quân sự của Bắc Kinh đối với Đài Loan luôn sẽ tiếp tục hoặc thậm chí gia tăng bất kể ai thắng cử.
Từ khóa Dòng sự kiện bầu cử Đài Loan Mã Anh Cửu Bầu cử Đài Loan 2024 Đài Loan