Ericsson nhận tội đưa hối lộ tại Việt Nam và 4 nước khác
- Xuân Thành
- •
Bộ Tư pháp Mỹ hôm thứ Sáu (6/12) thông báo rằng công ty viễn thông di động Thụy Điển Ericsson đã đồng ý sẽ nộp phạt hơn 1 tỷ USD cho một tòa án Mỹ và Ủy ban Chứng khoán Hoa Kỳ để giải quyết các cuộc điều tra liên quan đến hành vi đưa hối lộ của công ty này tại 5 quốc gia, trong đó có Việt Nam, Trung Quốc trong giai đoạn từ năm 2000 đến 2016.
Hành vi đưa hối lộ của công ty Ericsson xảy ra trong nhiều năm tại nhiều nước, trong đó có Việt Nam, Trung Quốc và Djibouti, Bộ Tư pháp Mỹ cho biết. Tổng số tiền mà công ty viễn thông di động của Thụy Điển phải nộp gồm hơn 520 triệu USD cho tội danh đưa hối lộ và thêm 540 triệu USD trả cho Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) về một số vấn đề liên quan.
Bản thông báo đăng trên trang web của Bộ Tư pháp Mỹ nói rằng: “Ericsson đã cam kết nộp tổng cộng 520.650.432 USD tiền phạt tội đưa hối lộ trong vòng 10 ngày từ phiên tòa tuyên án, và [họ] đã đồng ý áp dụng một [biện pháp] giám sát độc lập.”
“Trong vấn đề liên quan, Ericsson đã đồng ý trả cho SEC khoản bồi thường và tiền lãi tổng cộng khoảng 540 triệu USD,” Bộ Tư pháp thông tin thêm.
Ericsson đã thừa nhận họ âm mưu cùng với các bên khác vi phạm Đạo luật Xử lý Tham nhũng nước ngoài (FCPA) của Mỹ từ năm 2000 tới năm 2016. Công ty viễn thông di động Thụy Điển này đã tham gia vào một kế hoạch đưa hối lộ và làm sai lệch sổ sách và hồ sơ, cũng như không thực hiện kiểm soát kế toán nội bộ hợp lý.
Công ty Ericsson Egypt Ltd, một trong những công ty con của Ericsson tại Mỹ đã nhận tội tại Tòa án Quận Nam New York về tội danh âm mưu vi phạm các điều khoản chống đưa hội lộ trong FCPA.
Công tố viên Mỹ Geoffrey Berman của Tòa án Quận Nam New York nói trong một tuyên bố phát đi hôm 6/12 rằng: “Thông qua các quỹ đen, các khoản hối lộ, và quà tặng, Ericsson đã tiến hành kinh doanh viễn thông với nguyên tắc ‘nén bạc đâm toạc tờ giấy’“.
“Hôm nay, 6/12, việc nhận tội và nộp phạt hơn một tỷ USD phát đi thông điệp rõ ràng tới tất cả các doanh nghiệp rằng làm kinh doanh theo cách này sẽ không được dung thứ,” ông Geoffrey Berman nói thêm.
Trong cuộc họp báo qua điện thoại hôm thứ Bảy (7/12), Giám đốc điều hành Ericsson ông Borje Ekholm nói: “Một số nhân viên nhất định ở một số thị trường, một số trong đó là các giám đốc điều hành ở các thị trường này, đã hành động sai trái và cố tình không thực hiện việc kiểm soát đầy đủ.”
“Tôi coi những gì đã xảy ra là một chương cực kỳ đáng buồn và hoàn toàn không thể chấp nhận được trong lịch sử [công ty] của chúng tôi,” ông Borje Ekholm nhấn mạnh.
Về cách thức Ericsson phạm luật FCPA, trong thông báo hôm 6/12, Bộ Tư pháp Mỹ nêu rõ:
“Ericsson đã sử dụng các đại lý bên thứ ba và các chuyên gia tư vấn để đưa hối lộ cho các quan chức chính phủ và/hoặc quản lý các quỹ mờ ám ngoài sổ sách. Các đại lý này thường ký kết các hợp đồng giả mạo và được trả tiền theo hóa đơn giả, và các khoản thanh toán cho họ đã được hạch toán không chính xác trong sổ sách và hồ sơ của Ericsson. [Ericsson thực hiện phạm tội đưa hối lộ] tại Djibouti, Trung Quốc, Việt Nam, Indonesia và Kuwait.”
“Tại Việt Nam, từ năm 2012 tới năm 2015, các công ty con của Ericsson đã thanh toán khoảng 4,8 triệu USD cho một công ty tư vấn để tạo ra các quỹ mờ ám ngoài sổ sách, liên kết với các khách hàng của Ericsson tại Việt Nam, [quỹ này] được sử dụng để thanh toán cho các bên thứ ba, [các bên] không thể vượt qua các quy trình thẩm định của Ericsson. Ericsson cố tình làm sai các khoản thanh toán này và ghi lại chúng không đúng cách trong sổ sách và hồ sơ của Ericsson.”
Ericsson đã tạo ra các quỹ tương tự tại Djibouti, Trung Quốc, Indonesia và Kuwait để thực hiện đưa hối lộ hàng chục triệu USD.
Bộ Tư pháp Mỹ cho biết vụ án liên quan tới hành vi đưa hối lộ của Ericsson đang được Cục Điều tra Tội phạm Thuế (IRS-CI) tiến hành điều tra. Quyền trợ lý trưởng Andrew Gentin và công tố viên xét xử Michael Culhane Harper của Bộ phận tội phạm lừa đảo của Cục Hình sự và trợ lý công tố Hoa Kỳ David Abramowicz của Tòa án Quận Nam New York đang chịu trách nhiệm truy tố vụ án này.
Xuân Thành (T/h)
Xem thêm:
Từ khóa đưa hối lộ Bộ Tư pháp Mỹ Ericsson