Hạ viện Mỹ thông qua dự luật giảm ảnh hưởng của Trung Quốc tại các trường đại học
- Phạm Duy
- •
Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật nhằm giảm bớt ảnh hưởng của Trung Quốc tại các trường đại học Hoa Kỳ vào ngày 10/9, ngày thứ hai của “Tuần lễ Trung Quốc”, một tuần được giới lãnh đạo Đảng Cộng hòa tại Hạ viện định rõ để thúc đẩy thông qua một gói luật liên quan đến Trung Quốc.
Ngày 10/9, Hạ viện đã thông qua 15 dự luật nhằm duy trì vị thế dẫn đầu về mặt kỹ thuật của Hoa Kỳ và hạn chế ảnh hưởng xấu của Trung Quốc.
Dự luật do Dân biểu August Pfluger (Đảng Cộng hòa, Texas) đưa ra, ngăn chặn các trường học nhận được tài trợ từ Bộ An ninh Nội địa (DHS), nếu họ hợp tác với Viện Khổng Tử, một chương trình gây ảnh hưởng của Trung Quốc dưới vỏ bọc giảng dạy ngôn ngữ hoặc nhận tài trợ trực tiếp từ Trung Quốc.
Phiên bản dự luật của Thượng viện hiện đang được ủy ban có thẩm quyền xem xét.
Bất kỳ trường đại học nào có Viện Khổng Tử hiện đều đã bị cấm nhận tài trợ từ Bộ Quốc phòng rồi, và ông Pfluger đã tuyên bố tại Hạ viện rằng DHS nên làm theo.
Ông Pfluger nêu rõ: “Hoặc là quý vị sẽ thực hiện một biện pháp để ủng hộ sức mạnh của Hoa Kỳ và đẩy lùi ĐCSTQ [Đảng Cộng sản Trung Quốc] và xác định đúng đắn rằng họ muốn làm suy yếu chúng ta trong mọi lĩnh vực – về quân sự, thông tin, ngoại giao và kinh tế, hoặc quý vị sẽ đứng về phía ủng hộ an ninh của ai đó khác”.
Được ĐCSTQ tài trợ, Viện Khổng Tử là nơi chọn lọc và chi trả sách giáo khoa, đồng thời tuyển chọn và tài trợ cho những công dân Trung Quốc đến Hoa Kỳ để dạy tiếng Trung, văn hóa và lịch sử Trung Quốc.
Một báo cáo năm 2018 của Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Hoa Kỳ – Trung Quốc cho biết các viện này có “mối quan hệ lâu dài và chính thức” với Ban Công tác Mặt trận Thống nhất của ĐCSTQ, một cơ quan chịu trách nhiệm điều phối các hoạt động gây ảnh hưởng của đảng.
Một báo cáo năm 2022 tiết lộ rằng mặc dù các học viện đã phải đóng cửa hàng loạt tại Hoa Kỳ trong năm 2020 và 2021 sau khi Bộ Ngoại giao liệt Trung tâm Viện Khổng Tử tại Hoa Kỳ (CIUS) là phái bộ nước ngoài của Trung Quốc, nhưng một phần đáng kể trong số chúng, đã được đổi tên dù vẫn giữ các chương trình tương tự.
Dân biểu Bennie Thompson (Đảng Dân chủ, Mississippi), Dân biểu Seth Magaziner (Đảng Dân chủ, Đảo Rhode) đã phản đối dự luật, cho rằng ngôn ngữ trong dự luật quá rộng để cấm mọi loại tiền tài trợ của DHS, bao gồm cả cứu trợ thiên tai, đối với tất cả các trường đại học Hoa Kỳ nhận tiền từ Trung Quốc.
Trong tuyên bố đưa ra vào ngày 10/9, Nhà Trắng ủng hộ tinh thần của dự luật nhưng chất vấn về cách tiếp cận.
“Chính quyền đánh giá cao những nỗ lực của Quốc hội nhằm đảm bảo rằng nguồn tài trợ của DHS chỉ được cung cấp cho các đối tác thúc đẩy lợi ích của Hoa Kỳ, an ninh nội địa và các chuẩn mực dân chủ. Tuy nhiên, có thể có những cách thích hợp hơn để ngăn chặn việc tài trợ của DHS được chuyển hướng đến các tổ chức học thuật dễ bị tác động bởi sức ảnh hưởng tiền tệ ngày càng tăng của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”, trích tuyên bố của Nhà Trắng.
Dự luật được thông qua vào buổi chiều ngày 10/9 với số phiếu 249–161 (ủng hộ-phản đối), với hầu hết đại diện bỏ phiếu theo đường lối của đảng. Chỉ có ba mươi sáu đảng viên Đảng Dân Chủ đã bỏ phiếu ủng hộ dự luật.
Phiên bản sửa đổi đã thu hẹp định nghĩa về các thực thể Trung Quốc đáng quan ngại thành những thực thể hỗ trợ đàn áp người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, hoạt động chống lại quan hệ Hoa Kỳ – Đài Loan hoặc tham gia vào Chương trình Ngàn nhân tài, một sáng kiến của Trung Quốc nhằm thu hút nhân tài có công nghệ quân sự quan trọng.
Chỉ khi nhận tài trợ từ các tổ chức Trung Quốc đáng lo ngại này, mới khiến một cơ sở giáo dục đại học của Hoa Kỳ không đủ điều kiện nhận tài trợ từ DHS.
Phiên bản sửa đổi cũng yêu cầu Bộ trưởng An ninh Nội địa báo cáo với Quốc hội về bất kỳ trường đại học nào trong số những đơn vị nhận tài trợ của DHS, có hợp tác với Viện Khổng Tử hoặc một tổ chức đáng quan ngại của Trung Quốc.
Sau khi dự luật do mình đề xuất được thông qua, ông Pfluger đã viết trong một tuyên bố gửi tới The Epoch Times qua email rằng ĐCSTQ đang sử dụng Viện Khổng Tử để “xâm nhập vào các trường đại học Hoa Kỳ và tham gia vào hoạt động gián điệp, đánh cắp tài sản trí tuệ, đe dọa những người bất đồng chính kiến Trung Quốc, thúc đẩy tuyên truyền cộng sản và chuyển thông tin nhạy cảm quay trở lại Quân Giải phóng Nhân dân“.
Ông Pfluger nêu rõ: “Dự luật này bảo vệ sinh viên và trường đại học đồng thời đảm bảo rằng đồng đô la Mỹ không tạo điều kiện cho ảnh hưởng xấu từ nước ngoài”.
Dự luật này được thông qua không lâu sau khi một trường đại học nổi tiếng của Mỹ cắt đứt quan hệ với ĐCSTQ.
Vào ngày 6/9, Đại học Georgia Tech thông báo rằng họ sẽ không duy trì Viện Thâm Quyến (GTSI) tại Thâm Quyến, thành phố phía nam của Trung Quốc giáp với Hồng Kông. Trường Georgia Tech đã đạt được thỏa thuận với Đại học Thiên Tân, một trường đại học nghiên cứu công lập tại Trung Quốc, vào năm 2016 để thành lập GTSI.
Trường đại học này viện dẫn “vai trò rộng lớn của mình trong an ninh quốc gia” làm lý do để ngừng hoạt động của viện tại Trung Quốc, và thực tế là Bộ Thương mại Mỹ đã đưa Đại học Thiên Tân vào danh sách đen kể từ tháng 12/2020.
Tuy nhiên, sinh viên hiện tại vẫn có thể tốt nghiệp thông qua chương trình này.
Vài tháng trước, Dân biểu John Moolenaar (Đảng Cộng hòa, Michigan), chủ tịch ủy ban Hạ viện về Trung Quốc, đã mở cuộc điều tra về quan hệ đối tác giữa Georgia Tech và Đại học Thiên Tân.
Ông Moolenaar hoan nghênh quyết định của Georgia Tech.
“Tôi đánh giá cao sự tham gia tích cực của Georgia Tech vào cuộc điều tra của ủy ban và mong muốn tiếp tục làm việc với Georgia Tech trong quá trình chấm dứt hợp tác”, ông Moolenaar nói.
Nghị sĩ này cũng kêu gọi các trường đại học khác có mối quan hệ tương tự với Trung Quốc hãy xem xét tác động tiềm tàng.
“Tôi hy vọng rằng các tổ chức giáo dục đại học khác của Mỹ, những trường có thỏa thuận tương tự với các tổ chức Trung Quốc, sẽ chú ý đến vấn đề này và cũng suy nghĩ kỹ về tác động của các hoạt động của mình tại Trung Quốc, đối với an ninh quốc gia lâu dài của Mỹ”, ông Moolenaar thúc giục.
Từ khóa Hạ Viện Mỹ Đại học Mỹ Ảnh hưởng của Trung Quốc ĐCSTQ Quan hệ Mỹ - Trung