Một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) đã giết chết hàng chục người Rohingya chạy trốn khỏi Myanmar, bao gồm những gia đình có trẻ em, theo nhiều nhân chứng cho biết. Họ mô tả những người sống sót quờ quạng giữa hàng đống xác người để nhận dạng người thân thương vong của họ.
4 nhân chứng, các nhà hoạt động và 1 nhà ngoại giao hôm thứ Hai mô tả các cuộc tấn công bằng UAV nhằm vào các gia đình người Rohingya ở Myanmar đang chờ vượt biên vào nước láng giềng Bangladesh.
Một phụ nữ mang thai lớn tháng và cô con gái 2 tuổi của cô nằm trong số các nạn nhân của vụ tấn công. Đây là vụ tấn công thường dân chết chóc nhất được biết đến tại bang Rakhine trong những tuần giao tranh gần đây giữa quân đội chính quyền và phiến quân.
3 trong số các nhân chứng nói với Reuters hôm thứ Sáu (9/8) rằng Quân đội Arakan chịu trách nhiệm về vụ việc này, tuy nhiên nhóm này đã phủ nhận. Lực lượng dân quân và quân đội Myanmar đổ lỗi cho nhau. Reuters không thể xác minh có bao nhiêu người đã chết trong vụ tấn công hoặc độc lập xác định bên chịu trách nhiệm.
Các video được đăng lên mạng xã hội cho thấy, những đống xác chết nằm rải rác trên mặt đất lầy lội, hành lý và ba lô của họ nằm rải rác xung quanh. 3 người sống sót cho biết hơn 200 người đã chết, trong khi 1 nhân chứng cho biết đã nhìn thấy ít nhất 70 thi thể.
Reuters đã xác minh địa điểm quay video là ngay bên ngoài thị trấn ven biển Maungdaw của Myanmar, tuy vậy lại không thể độc lập xác minh ngày video được quay.
Mohammed Eleyas, một nhân chứng 35 tuổi, cho biết vợ anh đang mang thai và con gái 2 tuổi của anh đã bị thương trong vụ tấn công, sau đó đã tử vong. Anh đang đứng cùng họ trên bờ biển khi máy bay không người lái bắt đầu tấn công đám đông, Eleyas nói với Reuters từ một trại tị nạn ở Bangladesh.
“Tôi nghe thấy tiếng pháo kích chói tai nhiều lần”, anh nói. Eleyas cho biết anh nằm xuống đất để tự vệ và khi đứng dậy, anh thấy vợ và con gái bị thương nặng và nhiều người thân khác đã chết.
Nhân chứng thứ hai, Shamsuddin 28 tuổi, cho biết anh sống sót cùng vợ và con trai mới sinh. Cũng phát biểu từ một trại tị nạn ở Bangladesh, Shamsuddin cho biết sau vụ tấn công, nhiều người đã chết và “một số người đã hét lên đau đớn vì vết thương của họ“.
Những chiếc thuyền chở người Rohingya chạy trốn hôm thứ Hai cũng bị chìm trên sông Naf, nơi ngăn cách giữa hai quốc gia, khiến hàng chục người khác thiệt mạng, theo hai nhân chứng và phương tiện truyền thông Bangladesh. Người Rohingya theo đạo Hồi tại Myanmar được mô tả “một trong những dân tộc thiểu số bị đàn áp nhiều nhất thế giới”.
Tổ chức ‘Bác sĩ Không biên giới’ cho biết trong một tuyên bố rằng đã điều trị được cho 39 người đã vượt biên từ Myanmar vào Bangladesh kể từ thứ Bảy. Những vết thương này liên quan đến bạo lực, bao gồm cả vết thương do đạn cối và vết thương do súng bắn. Các bệnh nhân mô tả rằng họ đã nhìn thấy những người bị đánh bom khi cố gắng tìm thuyền để vượt sông, tuyên bố cho biết.
Người phát ngôn của Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn cho biết, cơ quan này đã “biết về vụ chết người của những người tị nạn do hai chiếc thuyền bị lật ở Vịnh Bengal”, và đã nghe báo cáo về vụ chết người của thường dân ở Maungdaw, nhưng không thể xác minh số lượng hoặc hoàn cảnh.
Người Rohingya đã bị đàn áp từ lâu tại Myanmar, đất nước có đa số người dân theo đạo Phật. Hơn 730.000 người trong số họ đã chạy trốn khỏi đất nước vào năm 2017 sau một cuộc đàn áp do quân đội lãnh đạo, mà Liên Hợp Quốc cho biết là được thực hiện với mục đích diệt chủng.
Myanmar đã rơi vào tình trạng hỗn loạn kể từ khi quân đội nắm quyền sau khi lật đổ một chính phủ dân cử vào năm 2021 và các cuộc biểu tình quần chúng đã phát triển thành cuộc đấu tranh vũ trang rộng khắp.
Người Rohingya đã rời khỏi Rakhine trong nhiều tuần khi Quân đội Arakan, một trong nhiều nhóm vũ trang chiến đấu, đã giành được những thắng lợi to lớn ở phía bắc, nơi có đông đảo người Hồi giáo sinh sống.
Reuters trước đó đã đưa tin rằng lực lượng dân quân đốt cháy thị trấn Rohingya lớn nhất vào tháng 5, khiến Maungdaw, nơi đang bị phiến quân bao vây, trở thành khu định cư lớn cuối cùng của người Rohingya bên cạnh các trại di tản khắc nghiệt ở xa hơn về phía nam. Nhóm này đã phủ nhận các cáo buộc.
Các nhóm hoạt động đã lên án các cuộc tấn công trong tuần này. Một nhà ngoại giao cấp cao của phương Tây cũng đã xác nhận các báo cáo.
“Những báo cáo về hàng trăm người Rohingya bị giết tại biên giới Bangladesh/Myanmar, tôi rất tiếc phải nói rằng, là chính xác”, Bob Rae, Đại sứ Canada tại Liên Hợp Quốc và là cựu đặc phái viên tại Myanmar, đã đăng trên X vào thứ Tư.
Chính quyền quân sự Myanmar đã đổ lỗi cho Quân đội Arakan trong một bài đăng trên kênh Telegram của mình.
Lực lượng dân quân đã phủ nhận trách nhiệm. “Theo cuộc điều tra của chúng tôi, các thành viên gia đình của những kẻ khủng bố đã cố gắng đến Bangladesh từ Maungdaw và chính quyền quân sự đã thả bom vì họ rời đi mà không được phép”, Khine Thu Kha – người phát ngôn của Quân đội Arakan – nói với Reuters, ám chỉ đến những người Hồi giáo đã tham gia các nhóm vũ trang Rohingya chiến đấu chống lại Quân đội Arakan.
Reuters xác nhận được vị trí trong các video trên mạng xã hội là nhờ vị trí và hình dạng của núi và bờ biển, trùng khớp với hình ảnh vệ tinh và thông tin của khu vực này.
Hàng rào xuất hiện trong 1 trong số các video cũng trùng khớp với hình ảnh của địa điểm. Vị trí của các video trùng khớp với khu vực mà nhân chứng thứ 2, anh Shamsuddin mô tả.
Eleyas mô tả cách vợ và con gái anh đã chết sau vụ tấn công, và những nỗ lực tuyệt vọng của anh để tìm một chiếc thuyền đưa họ đến Bangladesh.
Trước khi vợ anh qua đời, “Chúng tôi đã xin lỗi nhau về bất kỳ sai lầm nào mà chúng tôi có thể đã làm trong cuộc đời của mình”, anh nói.
Anh cho biết, vào khoảng nửa đêm, cuối cùng anh cũng tìm thấy một chiếc thuyền nhỏ và cố gắng vượt biên bằng thuyền.
Trong cuốn: “The Rohingyas: Inside Myanmar’s Hidden Genocid” (Người Rohingya: Trong cuộc diệt chủng bí ẩn của Myanmar) cho biết, người Anh đã từng hứa với người Rohingya sẽ cho họ một vùng tự trị khi dân tộc này đứng về phía Anh ở thế chiến II. Tuy nhiên sau đó lời hứa đã bị lãng quên. Người Rohingya cũng đã từng được công nhận sau khi Myanmar giành độc lập vào năm 1948 khi có một số người thế hệ thứ hai được cấp thẻ căn cước và thậm chí được làm việc trong quốc hội. Nhưng mọi thứ đã thay đổi sau cuộc đảo chính quân sự vào năm 1962.
Tại sao người Rohingya lại bị đặt bên lề của xã hội Myanmar? Theo các chuyên gia nghiên cứu điều đó xuất phát từ 3 lý do, thứ nhất họ là dân tộc theo Hồi giáo nhưng lại sống ở một quốc gia theo Phật giáo. Thứ hai, đó là ủng hộ Anh (nước đô hộ Miến Điện trước thế chiến II) trong khi phong trào quốc gia Miến Điện lại theo Nhật để giành độc lập. Thứ ba, đó là một toan tính chính trị muốn tách ra để gia nhập một quốc gia Hồi giáo.
Người Rohingya thường bị gọi với một cái tên miệt thị là “Kalar”, để chỉ những người tới từ tiểu lục địa Ấn Độ. Nhiều người ở Myanmar coi người Rohingya là nhập cư bất hợp pháp và chiếm đất của họ ngay cả khi những người này đã sống ở đây hàng thập kỷ. Các quan chức Liên Hợp Quốc và Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đã mô tả cuộc đàn áp người Rohingya của Myanmar là sự thanh trừng sắc tộc. Đặc phái viên nhân quyền của Liên Hợp Quốc tại Myanmar đã báo cáo cho rằng “lịch sử triền miên trong việc sự phân biệt đối xử và đàn áp đối với cộng đồng người Rohingya có thể dẫn đến tội ác chống lại loài người“, đồng thời cũng đã có những cảnh báo về một cuộc diệt chủng đang diễn ra tại đất nước này.
Mý và EU áp đặt các lệnh trừng phạt lên Iran, trong đó có việc…
Công an Bắc Ninh vừa khởi tố 3 cán bộ Sở KH-ĐT Bắc Ninh, trong…
5 ổ dịch sởi tại 5 trường tiểu học ở quận 7, Bình Chánh, Tân…
Nga phản công tại Kursk, tuyên bố chỉ trong 1 ngày chiếm lại 10 điểm…
Theo ước tính sơ bộ của một số công ty bảo hiểm lớn, số tiền…
Cư dân mạng đã giả thuyết rằng Phó Tổng thống Kamala Harris đã đeo tai…