Hãy giúp Kiev, tin nhắn cuối cùng của Ryan cho một người bạn
- Nhật Tân
- •
Một người bạn của Ryan Routh, người ám sát hụt ông Trump hôm Chủ Nhật, tiết lộ với Newsweek về thông điệp trao đổi cuối cùng giữa họ, đó là Ryan muốn giúp Kiev bằng cách tìm một thị thực để đưa người vào chiến trường Ukraine.
Ryan Routh, 58 tuổi, người được coi là có ý đồ ám sát nhưng không thành đối với ông Trump hôm Chủ Nhật, hiện nay đang bị FBI giam giữ. Trước mắt ông sẽ phải đối mặt trước tòa án với tội danh sở hữu súng và sở hữu khẩu súng có số series bị xóa; chưa nói tới mưu đồ ám sát, theo thông báo từ FBI. Ryan là người có tiền án tiền sự, và từ đó ông ta vĩnh viễn không được phép tàng trữ và sở dụng súng.
Trong khi chưa có kết luận rõ ràng về động cơ của Ryan khi ông tìm cách hành thích cựu tổng thống và cũng là ứng viên tổng thống, Donald Trump, thì cả báo chí chính thống và cư dân mạng đang tìm cách tìm hiểu xem Ryan là người thế nào, quan điểm chính trị là gì, v.v.
Remus Cernea, một phóng viên của tờ báo Newsweek Romania, nói rằng ông đã có một thời gian cùng với Ryan tại Ukraine, và 2 người là bạn bè. Hai người cùng chung chí hướng là muốn giúp đỡ chính quyền Kiev trong cuộc chiến tranh đang diễn ra ở nước này.
“Ryan đôi khi có phần giống một đứa trẻ, có thể nói như vậy, rất bồng bột tình cảm,” Cernea kể, và nói rằng Ryan có thể “đi chết vì Ukraine.”
Ryan tới Ukraine để tham gia chiến đấu chỉ vài tháng sau khi quân Nga tiến công vào Ukraine cuối tháng 2/2022. Nhưng ông đã cao tuổi (lúc đó 56 tuổi) và cũng không có kinh nghiệm chiến trường. Cho nên, ông đã chuyển sang tham gia một nhóm hoạt động mang tên Quân đoàn Quốc tế Ukraine, với mục đích đưa người nước ngoài tới tham chiến ở Ukraine.
Theo Cernea kể, lần cuối cùng trao đổi là Ryan gửi thông điệp muốn có được visa cho người tới tham gia Quân đoàn này.
“Bạn cần tôi trả bao nhiêu tiền cho một bức thư sao cho những người bạn của tôi có được transit visa tới Ukraine tham chiến?”
Lúc này Cernea đã rời Ukraine, và cảm thấy hoạt động giúp đỡ này là bất hợp pháp. Cernea đã né tránh trả lời bằng cách gửi một đường link tới bài báo trên Newsweek của mình và bảo Ryan Routh hãy đọc nó nhờ Google dịch từ tiếng Romania sang tiếng Anh:
“Tôi nghĩ bạn hãy dùng Google dịch để đọc bài viết này…” ông trả lời.
Ryan đã nhắn lại lời “cảm ơn” và từ đó 2 người không còn liên lạc lại nữa.
Cernea kể rằng lúc đó Ryan muốn tìm cách đưa một nhóm người Châu Á vào Ukraine bằng con đường lậu.
“Có lẽ ông ta cho rằng ông Trump không phải là bạn của Ukraine. Có lẽ nếu ông Trump thắng, [thì ông ta nghĩ rằng] các trợ giúp cho Ukraine sẽ bị dừng lại,” Cernea đưa ra phỏng đoán về động cơ ám sát của thích khách Routh.
Về vấn đề liên hệ giữa ông Trump và Ukraine, truyền thông cánh tả đã bóp méo sự thật rất nhiều. Nhiệt tình đối với Ukraine và lòng căm hận ông Trump, đó có thể xuất phát từ những thông tin lệch lạc này.
Cảnh tả: Ông Trump thông đồng Nga, là con rối của Putin
Đây là luận điệu có từ 2016 vào thời ông Trump tranh cử tổng thống. Thông điệp này được truyền đi truyền lại, nhưng cuối cùng thì đó không phải sự thật.
Nếu Ryan đúng là như miêu tả, một người có thể đi chết vì Ukraine, thì rất có thể sẽ cho rằng việc ông Trump đắc cử sẽ là bất lợi lớn cho Ukraine. Đặc biệt là khi ông Trump nhiều lần nói rằng sẽ chấm dứt chiến tranh trong 24 giờ nếu đắc cử, điều mà có thể trở thành sự thật chỉ trong khoảng 50 ngày tới.
Kỳ thực, truyền thông cánh tả hầu như không đưa tin rằng, tổng thống đầu tiên của Mỹ mà cung cấp viện trợ cho Ukraine chính là ông Trump.
Người ta chỉ biết tổng thống Biden đưa vũ khí cho Kiev, nhưng ít người biết rằng chính ông Trump cũng làm như vậy từ trước rồi. Từ trước khi Nga đưa quân vào Ukraine.
Ông Trump nhiều lần tuyên bố rằng nếu ông không thất cử năm 2020, thì chiến tranh Ukraine sẽ không nổ ra. Ông cho rằng chính vì tổng thống Joe Biden không khôn khéo trong ngoại giao, cho nên chiến tranh Ukraine mới nổ ra.
Cứ giả thuyết rằng ông Trump chưa chắc có thể làm được những gì mà ông ấy tuyên bố, nhưng mà, lời nói và hành động của ông không hề như cánh tả miêu tả như một con rối của Putin.
Ở cương vị tổng thống Mỹ, ông ta quyết định là dựa trên lợi ích của nước Mỹ, chứ không thể trên quyền lợi của Ukraine hay nước khác. Nếu đưa súng đạn cho Kiev không còn tiếp tục đem lại lợi ích cho nước Mỹ nữa, thì làm một tổng thống, dù là ông Trump hay là người khác, thì nên hành xử thế nào?
Nếu đúng như Cernea miêu tả, Ryan vì tấm lòng yêu dân chủ một nước khác mà đi ám sát cựu tổng thống của nước mình, thì vấn đề truyền thông giả dối của cánh tả đã không còn nhỏ nữa.
Đương nhiên, quan điểm của Cernea có lẽ không phản ánh toàn bộ sự thật được.
Ryan xuất hiện ở sân gôn đúng lúc, đúng chỗ. Đây không phải là câu chuyện mà chỉ do một ai đó đầu óc nóng lên nhất thời mà có thể làm được.
Lần ám sát thứ nhất ông Trump vào ngày 13/7 là trước khi ông Trump có cuộc tranh biện với ông Biden. Sau cuộc tranh biện này, ông Biden nhường chỗ cho bà Kamala Harris.
Có lẽ phải chờ thêm nhiều thông tin nữa mới có thể biết rõ được động cơ đằng sau những lần ám sát này.
Nhật Tân (theo Newsweek)
Từ khóa Donald Trump Dòng sự kiện Chiến tranh Nga - Ukraine Ông Trump bị ám sát Ryan Routh