Hình ảnh viên đạn sượt qua ông Trump và phản ứng của Điện Kremlin
- Thanh Tâm
- •
Tờ New York Times đã đăng tải bức ảnh cho thấy một viên đạn bay sượt qua đầu của cựu Tổng thống Donald Trump, vào thời điểm ông bị một tay súng nhắm mục tiêu tại cuộc vận động tranh cử hôm 13/7 ở Pennsylvania.
A remarkable photo captured by my former White House Press Corps colleague Doug Mills.
Zoom in right above President Trump’s shoulder and you’ll see a bullet flying in the air to the right of President Trump’s head following an attempted assassination. pic.twitter.com/FqmLBCytoW
— Haraz N. Ghanbari (@HarazGhanbari) July 14, 2024
Hình ảnh này được nhiếp ảnh gia kỳ cựu của NYT Doug Mills chụp lại tại sự kiện vận động tranh cử ở thành phố Butler, nơi ứng cử viên tổng thống đầy triển vọng của Đảng Cộng hòa đang có bài phát biểu trước cuộc bầu cử ngày 5/11.
Một số phát súng đã được bắn, khiến 1 khán giả thiệt mạng và 2 người khác bị thương nặng, theo FBI cho biết. Ông Trump đã được mật vụ hộ tống khỏi sân khấu và di chuyển đến một nơi “an toàn”. Các quan chức an ninh sau đó cho biết, nghi phạm xả súng 20 tuổi, Thomas Matthew Crooks, người được cho là đã nổ súng từ sân thượng gần đó, đã bị bắn chết.
Bức ảnh của ông Mills cho thấy thứ dường như là một viên đạn bay trong không khí phía bên phải đầu của ông Trump. Nhiếp ảnh gia, người đã chụp ảnh các tổng thống Mỹ trong hơn 4 thập kỷ, đã mô tả trải nghiệm của mình với các đồng nghiệp tại NYT.
Ông Mills cho biết sự kiện này bắt đầu như một “cuộc vận động rất tiêu chuẩn, điển hình”, khi ông và một số nhiếp ảnh gia khác đứng “ở nơi được gọi là vùng đệm chỉ cách cựu tổng thống vài feet”.
“Đột nhiên, tôi nghĩ đó là 3 hoặc 4 tiếng nổ lớn. Lúc đầu tôi nghĩ đó là một chiếc ô tô. Điều cuối cùng tôi nghĩ đến là một khẩu súng”, ông nhớ lại.
Mills tiếp tục chụp ảnh, nhưng nhanh chóng không thể nhìn thấy cựu tổng thống vì ông Trump được bao quanh bởi các đặc vụ mật vụ, với những tay súng bắn tỉa phản công xuất hiện.
Theo ông Mills, mặc dù trông có vẻ thách thức và dường như không hề bối rối trong bức ảnh với nắm đấm giơ cao, nhưng ông Trump lại tỏ ra “rất, rất sốc” ngay sau đó.
Nhiếp ảnh gia nói với tờ báo rằng ông “chưa bao giờ chứng kiến cảnh tượng kinh hoàng hơn thế” trong suốt sự nghiệp kéo dài hàng thập kỷ của mình.
Đặc vụ FBI đã nghỉ hưu Michael Harrigan, hiện đang làm cố vấn trong ngành vũ khí, xác nhận với tờ báo rằng bức ảnh của ông Mills rất có thể đã chụp được “đường đạn xuyên không trung”.
Mặc dù về mặt kỹ thuật có thể thực hiện được với máy ảnh mà ông Mills sử dụng, nhưng “việc bắt được một viên đạn theo quỹ đạo bên như trong bức ảnh đó sẽ là một trong một triệu shot chụp… ngay cả khi người ta biết viên đạn đang lao tới,” cựu đặc vụ FBI lưu ý.
Phản ứng của Điện Kremlin về vụ việc
Người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin không có ý định gọi điện cho ông Donald Trump sau vụ ám sát. Ông nói thêm rằng Moscow “lên án mạnh mẽ mọi hình thức bạo lực chính trị” và gửi lời chia buồn tới gia đình của khán giả thiệt mạng trong vụ xả súng.
Phát biểu với các phóng viên hôm Chủ nhật (14/7), ông Peskov nhấn mạnh rằng Điện Kremlin không tin chính quyền Biden đứng sau vụ ám sát ông Trump hôm thứ Bảy. Tuy nhiên, ông lưu ý rằng “bầu không khí do chính quyền này tạo ra trong cuộc đấu tranh chính trị… xung quanh ông Trump đã dẫn đến những gì nước Mỹ phải đối mặt ngày nay”.
Người phát ngôn Điện Kremlin cũng bày tỏ hy vọng những người bị thương trong vụ việc sẽ bình phục hoàn toàn.
Theo Peskov, “phong cách của chính quyền đương nhiệm là thích giải quyết mọi vấn đề từ vị trí quyền lực, bao gồm cả các vấn đề quốc tế quan trọng. Không ai tìm kiếm sự hòa giải.”
Quan chức Nga tuyên bố: “Bây giờ, điều này về cơ bản đã lan sang chính đất nước này”.
Người phát ngôn của Tổng thống Putin cho biết: “Sau nhiều nỗ lực loại bỏ ông Trump khỏi chính trường với sự trợ giúp của các công cụ pháp lý, tòa án, cơ quan công tố, nỗ lực làm mất uy tín về mặt chính trị và làm tổn hại ứng cử viên, tất cả các nhà quan sát bên ngoài đều thấy rõ rằng tính mạng của ông ấy đang gặp nguy hiểm”
Ông Peskov cho rằng bản chất của hệ thống chính trị Hoa Kỳ đã khuyến khích bạo lực, bằng chứng là có nhiều trường hợp tương tự trong lịch sử nước này.
Sau vụ ám sát, những người ủng hộ ông Trump ở Mỹ đã lập luận rằng việc truyền thông chính thống bôi nhọ ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa có thể đã đóng một vai trò nào đó trong việc cực đoan hóa kẻ bị tình nghi xả súng.
Trong những giờ sau vụ việc, Tổng thống Joe Biden, đối thủ của ông Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng, đã lên án vụ tấn công, nhấn mạnh rằng “không có chỗ cho kiểu bạo lực này ở Mỹ”.
Các cựu Tổng thống Bill Clinton, George W. Bush và Barack Obama cũng đã đưa ra những tuyên bố tương tự, đồng thời cảm ơn Sở Mật vụ vì sự can thiệp nhanh chóng của họ. Một số chính trị gia nổi tiếng khác của Mỹ, bao gồm cả bà Nancy Pelosi, người kiên định của Đảng Dân chủ, cũng đã lên tiếng phản đối bạo lực chính trị, cũng như một số nhà lãnh đạo nước ngoài.
Từ khóa Bầu cử Mỹ 2024 Donald Trump bầu cử tổng thống Mỹ 2024