Hoa Kỳ trừng phạt các cá nhân có quan hệ với TT Maduro vì gian lận bầu cử
- Gia Huy
- •
Hôm 12/9, Hoa Kỳ tuyên bố đã ban hành các biện pháp trừng phạt và áp dụng hạn chế thị thực đối với 16 cá nhân có quan hệ với nhà lãnh đạo Venezuela Nicolas Maduro vì liên quan quan đến gian lận bầu cử bắt nguồn từ cuộc bầu cử tổng thống ngày 28/7 tại quốc gia Nam Mỹ này mà Hoa Kỳ đã lên án là bất hợp pháp.
Trong một thông báo, Thứ trưởng Tài chính Mỹ Wally Adeyemo cho biết: “Hoa Kỳ đang thực hiện hành động quyết đoán chống lại [Tổng thống] Maduro và những người đại diện của ông ta vì đã đàn áp người dân Venezuela và bác bỏ quyền công dân của họ được có một cuộc bầu cử tự do và công bằng”.
16 quan chức Venezuela có quan hệ với Tổng thống Maduro bị Washington trừng phạt bao gồm Rosalba Gil Pacheco, Edward Miguel Briceno, Luis Ernesto Duenez, Juan Carlos Hidalgo, Caryslia Rodriguez, Malaquias Gil, Inocencio Antonio Figueroa, Antonio Jose Meneses, Dinorah Yoselin Bustamante, Pedro Jose Infante Aparicio, Domingo Antonio Hernandez, Elio Ramon Estrada, Johan Alexander Hernandez, Asdrubal Jose Brito, Miguel Antonio Munoz, và Fanny Beatriz Marquez.
Ông Antonio Figueroa, thẩm phán của Tòa án Công lý Tối cao, tòa án cao nhất của Venezuela, bị trừng phạt vì đã chứng nhận việc tái đắc cử của Tổng thống Maduro. Trước đó vào năm 2019, Canada cũng đã ban hành lệnh trừng phạt đối với Thẩm phán Figueroa .
Các thẩm phán của Tòa án Công lý Tối cao: Malaquias Gil, Caryslia Rodriguez, Juan Carlos Hidalgo, bị trừng phạt vì đã loại bỏ chính trị gia đối lập María Corina Machado khỏi cuộc bỏ phiếu.
Thẩm phán Edward Miguel Briceno và Công tố viên nhà nước Luis Ernesto Duenez bị trừng phạt vì đã ban hành lệnh bắt giữ chính trị gia Edmundo Gonzalez, đối thủ chính của Tổng thống Maduro trong cuộc bầu cử vừa qua. Ông Gonzales được Hoa Kỳ và Tây Ban Nha coi là người chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 28/7. Ông Gonzales đã sống lưu vong ở Tây Ban Nha kể từ ngày 8/9 sau khi Tây Ban Nha cấp cho ông quyền tị nạn.
Theo Bộ Tài chính Mỹ, bà Rosalba Gil Pacheco, chủ tịch Ủy ban đăng ký bầu cử thuộc Hội đồng Bầu cử Quốc gia Venezuela, “đã thiết lập một quy tắc hạn chế mới đối với tư cách của người giám sát bỏ phiếu, tạo ra những điều bất thường trong đăng ký bầu cử, và cố tình trì hoãn các quy trình tại trung tâm bỏ phiếu”.
Trích dẫn tin tức báo chí, Bộ Tài chính Mỹ cáo buộc, ông Antonio Jose Meneses, Tổng thư ký Hội đồng Bầu cử Quốc gia Venezuela, “đã thiết lập một quy tắc hạn chế mới đối với tư cách của người giám sát bỏ phiếu, tạo ra những điều bất thường trong đăng ký bầu cử, và cố tình trì hoãn các quy trình tại trung tâm bỏ phiếu”.
Trích dẫn các nguồn truyền thông, Bộ Tài chính Mỹ cáo buộc, ông Dinorah Yoselin Bustamante, công tố viên tại Tòa án Sơ thẩm Đặc biệt Thứ nhất của Venezuela, một văn phòng trực thuộc Tổng cục phản gián quân sự được Tổng thống Maduro hậu thuẫn, “đã cản trở nền dân chủ và pháp quyền bằng cách khởi xướng các cuộc truy tố có động cơ chính trị, dẫn đến việc bắt giữ tùy tiện các thành viên của Quốc hội [Venezuela] năm 2015 và các quan chức khác phản đối [Tổng thống] Maduro”.
Ông Elio Ramon Estrada, Tư lệnh Vệ binh Quốc gia Bolivar, đã quấy rối và giam giữ những người dân ủng hộ bà Machado, một chính trị gia chống lại Tổng thống Maduro, đồng thời bắt giữ hàng nghìn biểu tình ôn hòa ủng hộ dân chủ, phản đối Tổng thống Maduro sau cuộc bầu cử ngày 28/7.
Hoa Kỳ đã lên án lệnh bắt giữ ông Gonzales là “không chính đáng” và là “hành động tùy tiện có động cơ chính trị”.
Trong một thông báo, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken chỉ trích: “Thay vì tôn trọng ý muốn của người dân Venezuela như được bày tỏ ở thùng phiếu, [Tổng thống] Maduro và các đại diện của ông ta đã tuyên bố sai về chiến thắng [bầu cử] trong khi đàn áp và đe dọa phe đối lập dân chủ trong một nỗ lực bất hợp pháp nhằm bám giữ quyền lực bằng vũ lực”.
Từ khóa Venezuela Nicolas Maduro Mỹ chế tài quan chức Venezuela