Tổng Thống Lukashenko khuyên Nga và Ukraine nên hòa đàm
- Nhật Tân
- •
Tổng thống Belarus nói Moskva và Kiev nên đàm phán hòa bình để tránh Ukraine sụp đổ hoàn toàn, và có thể lấy các điều khoản của hòa ước Istanbul dang dở làm cơ sở khởi điểm đàm phán.
Trong buổi phỏng vấn với kênh truyền hình Nga Russia-1 trình chiếu hôm Chủ Nhật 18/8, ông Alexander Lukashenko, Tổng thống Belarus, đất nước vốn chung tổ tiên với Nga và Ukraine, đã nói rằng Nga và Ukraine nên nối lại cuộc đàm phán hòa bình vốn đã có được những kết quả khả quan ở Istanbul hồi mùa Xuân năm 2022, nhưng bị phương Tây can thiệp và phá hỏng, theo RT đưa tin.
“Chúng ta phải ngồi xuống bàn đàm phán và thảo luận về các vấn đề,” ông Lukashenko nói. “Nhưng mà nếu cứ tiếp tục kiểu như ở tỉnh Kursk, thì [chiến tranh] sẽ leo thang và [cuối cùng] sẽ là sự sụp đổ của Ukraine.”
Ông Lukashenko lập luận như sau khi gợi ý rằng các bên có thể tham chiếu những điều khoản từng đạt được tại hòa đàm Istanbul 2022: “Phải rồi, tình hình trên [chiến] địa có thể đã thay đổi, nhưng mà [văn kiện] đó có thể dùng làm khởi đầu. Khởi đầu cho thảo luận [giữa các bên].”
Tháng trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin từng nhắc lại các điều khoản đã đạt được tại hòa đàm Istanbul 2022, trong đó có các thỏa thuận Ukraine “trung lập vĩnh viễn” và cắt giảm quân sự, đồng thời đạt được cam kết đảm bảo đảm an ninh. Ông Putin bấy giờ đã tuyên bố rằng tài liệu đó “vẫn còn ở trên bàn và có thể được dùng làm cơ sở” cho vòng đàm phán hòa bình tiếp theo.
“Thỏa thuận Istanbul… chưa hề tiêu mất, chúng vốn được đề xuất bởi phái đoàn đàm phán Ukraine, điều đó có nghĩa là Ukraine vốn rất hài lòng với những [những điều khoản đó],” ông Putin nói hôm 4/7, trong một cuộc họp thượng đỉnh ở thủ đô Astana của Kazakhstan, đồng thời ngỏ ý cảm ơn Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan vì những nỗ lực đứng ra làm trung gian hòa giải vào năm 2022.
Hòa đàm Istanbul là cuộc đàm phán hòa bình do Thổ Nhĩ Kỳ đứng ra làm trung gian hòa giải. Nó được diễn ra không lâu sau khi chiến tranh Ukraine nổ ra vào cuối tháng 2/2022. Điều khoản “trung lập” ở đây chủ yếu là để nói Ukraine không thể gia nhập bất kỳ khối liên minh quân sự nào, ví như NATO.
Ý tưởng Ukraine gia nhập NATO là xuất phát từ đề nghị của Tổng thống Mỹ George Bush năm 2008, trong tiến trình NATO liên tục mở rộng về phía Đông. Trong giới lãnh đạo Kiev có những người theo đuổi phương án này.
Theo miêu tả của phe Nga, sau khi Kiev đồng ý và đã ký vào văn kiện hòa ước Istanbul rồi, Thủ tướng Anh lúc bấy giờ, ông Boris Johnson, đã tới và nói rằng Kiev nên “tiếp tục chiến đấu.” Cá nhân ông Johnson đã phủ nhận cáo buộc này, nhưng quan chức gần gũi với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã thừa nhận rằng ông Johnson đã đóng vai trò then chốt trong việc khiến Kiev đổi ý, và hủy ngang hòa ước vốn sắp thành hiện thực, để rồi tiếp tục cuộc chiến cho đến nay.
Song song với công thức hòa bình mà Tổng thống Putin đề xuất —tinh thần là trên nền hòa ước Istanbul 2022, nhưng phía Nga đạt được những thành quả của chiến tranh— thì Tổng thống Zelensky cũng đề xuất công thức hòa bình của mình.
Phe Nga chưa bao giờ coi trọng công thức Zelensky, bởi vì nó đòi Ukraine có lại toàn bộ lãnh thổ như thời điểm trở thành quốc gia độc lập, đồng thời không bị ràng buộc nếu muốn gia nhập NATO.
Ông Zelensky năm 2022 từng ban hành lệnh cấm người Ukraine đàm phán hòa bình với Nga. Tháng trước ông có bày tỏ khả năng ngồi vào bàn đàm phán hòa bình, nhưng chưa hề xóa bỏ lệnh đó. Cách làm này được phe Nga coi là không thiện chí và không được hoan nghênh.
- Nghị sỹ Mỹ Graham tới thăm và ca ngợi chiến tích của Kiev
- Tổng thống Belarus Lukashenko kêu gọi Nga và Ukraine kết thúc chiến tranh
Ngày 6/8, quân Kiev tràn qua biên giới tấn công vào lãnh thổ Nga ở tỉnh Kursk. Phương Tây ca ngợi chiến dịch này. Ví như Thượng nghị sỹ Mỹ Lindsey Graham đã tán dương đó là hành động “quyết đoán” và “sáng tạo” trong chuyến công du của ông tới Kiev hôm 12/8. Còn phía Nga, ông Putin đã nói rằng hành động tấn công phá hoại vào lãnh thổ Nga và giết chết người dân Nga đã phá hỏng mọi cơ hội đàm phán hòa bình.
Vài hôm trước, trong một cuộc phỏng vấn trên truyền thông phát sóng hôm Thứ Năm 15/8, ông Lukashenko từng nói rằng Nga và Ukraine nên sớm đàm phán hòa bình. Cuộc chiến kéo dài làm tổn hại cho cả 2 nước và có nguy cơ lan sang Belarus. Theo ông, chỉ những “người cao cao tại thượng ở Mỹ” mới muốn cuộc chiến tranh này mà thôi.
“Chúng ta hãy ngồi vào bàn đàm phán và kết thúc cuộc chiến này. Không phải người Ukraine, không phải người Nga, không phải người Belarus cần cuộc chiến này. Họ [phương Tây] mới cần nó,” ông Lukashenko nói.
Từ khóa Belarus Alexander Lukashenko Chiến tranh Nga - Ukraine Ukraine Dòng sự kiện