Meta cấm RT và các mạng truyền thông nhà nước khác của Nga
- Hải Đăng
- •
Gã khổng lồ công nghệ Hoa Kỳ Meta, sở hữu Facebook và Instagram, đã cấm một số mạng tin tức của Nga, trong đó có RT và Rossiya Segodnya, theo Reuters đưa tin.
Trong một tuyên bố phát đi vào thứ Hai (16/9), Meta cho biết việc loại bỏ các phương tiện truyền thông Nga nêu trên khỏi các ứng dụng của Meta gồm Facebook, Instagram, WhatsApp và Threads là do “hoạt động can thiệp nước ngoài” và sẽ được thực hiện trên toàn cầu trong vài ngày tới.
Lệnh cấm này đánh dấu sự leo thang mạnh mẽ trong các hành động của Meta – công ty truyền thông xã hội lớn nhất thế giới, chống lại các phương tiện truyền thông nhà nước Nga, sau nhiều năm thực hiện các bước hạn chế hơn như chặn các phương tiện truyền thông Nga chạy quảng cáo và giảm phạm vi tiếp cận bài đăng của họ.
“Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, chúng tôi đã mở rộng việc thực thi đang diễn ra đối với các phương tiện truyền thông nhà nước Nga. Rossiya Segodnya, RT và các thực thể liên quan khác hiện đã bị cấm khỏi các ứng dụng của chúng tôi trên toàn cầu vì hoạt động can thiệp nước ngoài“, Meta phát tuyên bố bằng văn bản hôm thứ Hai (16/9).
Đại sứ quán Nga đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận của Reuters. Trong khi, Nhà Trắng từ chối bình luận.
Động thái của Meta diễn ra sau khi Hoa Kỳ đệ đơn cáo buộc rửa tiền vào đầu tháng này đối với hai nhân viên RT vì những gì các quan chức Washington cho là một kế hoạch thuê một công ty Mỹ sản xuất nội dung trực tuyến để tác động đến cuộc bầu cử năm 2024.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken hôm thứ Sáu (13/9) nói rằng các quốc gia nên đối xử với các hoạt động của đài truyền hình nhà nước Nga RT giống như họ đối xử với các hoạt động tình báo bí mật.
Các quan chức Hoa Kỳ đã tỏ ra thất vọng với vai trò của RT trong việc phản đối các câu chuyện được Washington hậu thuẫn về các vấn đề quốc tế.
“Một trong những lý do – không phải lý do duy nhất – khiến phần lớn thế giới không ủng hộ Ukraine hoàn toàn như bạn nghĩ, vì Nga đã xâm lược Ukraine và vi phạm quy tắc số 1 của hệ thống quốc tế – là do phạm vi và phổ rộng lớn của RT, nơi tuyên truyền, thông tin sai lệch và lời dối trá được lan truyền đến hàng triệu nếu không muốn nói là hàng tỷ người trên khắp thế giới“, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Jamie Rubin nói với các nhà báo vào thứ Sáu (13/9), sau phát biểu của Ngoại trưởng Blinken.
Về phần mình, Nga gọi động thái của Hoa Kỳ là một hành động chiến tranh thông tin, cho thấy Washington không có khả năng cạnh tranh công bằng với thông điệp của Moscow.
Trong khi đó, RT đã chế giễu hành động của Hoa Kỳ và cáo buộc Washington cố gắng ngăn chặn đài truyền hình này hoạt động như một tổ chức báo chí.
Trong các tài liệu tóm tắt được chia sẻ với Reuters, Meta cho biết họ đã thấy các phương tiện truyền thông do nhà nước Nga kiểm soát cố gắng trốn tránh sự phát hiện trong các hoạt động trực tuyến của họ trong quá khứ và dự kiến họ sẽ tiếp tục cố gắng tham gia vào các hoạt động lừa dối như vậy trong tương lai.
Kể từ khi xung đột Ukraine leo thang vào năm đầu năm 2022, Meta đã hợp tác với lệnh cấm RT do nhiều quốc gia phương Tây áp đặt, đặc biệt là các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU).
Hải Đăng
Từ khóa Meta cấm RT Quan hệ Mỹ - Nga Dòng sự kiện Meta chiến tranh thông tin RT