Mỹ hạn chế thị thực đối với quan chức Trung Quốc liên quan đến đàn áp tôn giáo
- Bình Minh
- •
Hôm thứ Sáu (12/7), Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ thông báo đang thực hiện các biện pháp hạn chế thị thực đối với các quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) có liên quan đến đàn áp tôn giáo và sắc tộc.
Trong một tuyên bố, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Matthew Miller cho biết, Hoa Kỳ tiếp tục thúc đẩy trách nhiệm giải trình bảo vệ nhân quyền ở Trung Quốc.
Tuyên bố tiết lộ, Bộ Ngoại giao đang tiến hành các bước áp đặt hạn chế về thị thực đối với những quan chức ĐCSTQ liên quan đến việc đàn áp các nhóm tôn giáo và dân tộc thiểu số.
Tuyên bố viết, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (ĐCSTQ) đã không thực hiện nghĩa vụ tôn trọng và bảo vệ nhân quyền. Bằng chứng là nạn diệt chủng và tội ác chống lại loài người đang diễn ra ở Tân Cương, cùng sự xói mòn các quyền tự do cơ bản ở Hồng Kông, vi phạm nhân quyền đang diễn ra ở Tây Tạng và việc đàn áp xuyên quốc gia trên khắp thế giới.
Tuyên bố cho biết, Hoa Kỳ kêu gọi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (ĐCSTQ) tuân thủ các nguyên tắc được nêu trong Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền, và chấp nhận nhiều khuyến nghị do Hoa Kỳ đưa ra trong Cuộc Đánh giá Định kỳ Phổ quát về hồ sơ nhân quyền của mình trong năm nay, bao gồm việc trả tự do vô điều kiện cho những công dân Trung Quốc bị giam giữ một cách tùy tiện và bất công.
Các biện pháp của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nhằm áp đặt các hạn chế về thị thực được thực hiện theo Mục 212(a)(3)(C) của Đạo luật Nhập cư và Quốc tịch.
Ngày 26/6, Bộ ngoại Giao Hoa Kỳ đã công bố Báo cáo Tự do Tôn giáo Quốc tế năm 2023.
Trong phần về Trung Quốc, báo cáo thường niên này nêu tên chính quyền ĐCSTQ vẫn tiếp tục đàn áp nghiêm trọng các tôn giáo, các dân tộc thiểu số và các nhóm tín ngưỡng. Trong đó, Pháp Luân Công được nhắc đến hơn 60 lần. Đồng thời, báo cáo cũng đề cập đến 188 học viên Pháp Luân Công đã bị bức hại đến chết vào năm 2023.
Trong cuộc họp báo cùng ngày, Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết, việc bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo là nền tảng để bảo vệ sự sống của con người.
Ông nói, cuối cùng, công việc này nhằm bảo vệ một phần ý nghĩa của con người: Khám phá điều gì đó lớn lao hơn bản thân chúng ta, có thể tự quyết định những gì chúng ta tin hay không tin mà không sợ bị đàn áp.
Quyền lựa chọn tín ngưỡng cũng cho phép chúng ta học hỏi từ những người khác biệt với chúng ta, đồng thời tôn vinh tất cả những điểm chung của chúng ta.
Ngày 22/4, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã công bố “Báo cáo Nhân quyền theo Quốc gia” năm 2023. Báo cáo nhân quyền thường niên này ghi lại tình hình nhân quyền ở gần 200 quốc gia và khu vực trên thế giới vào năm 2023.
Trong lời nói đầu của báo cáo, Ngoại trưởng Blinken cho biết báo cáo ghi lại những hành vi vi phạm nhân quyền nghiêm trọng và đang diễn ra ở Trung Quốc.
Trong lời nói đầu, ông Blinken cáo buộc ĐCSTQ vẫn tiếp tục vi phạm nhân quyền nghiêm trọng. Ví dụ, ở Tân Cương, Trung Quốc (chính quyền ĐCSTQ) tiếp tục phạm tội diệt chủng, tội ác chống lại loài người, lao động cưỡng bức và các vi phạm nhân quyền khác.
Gần đây, “Dự luật bảo vệ Pháp Luân Công” đã được Hạ viện Hoa Kỳ thông qua, yêu cầu Chính phủ Hoa Kỳ giúp chấm dứt nạn thu hoạch nội tạng do nhà nước hậu thuẫn từ các học viên Pháp Luân Công còn sống và các tù nhân lương tâm khác. Dự luật này có thể đặt dấu chấm hết cho chuỗi công nghiệp giết người của ĐCSTQ.
Chủ tịch Ủy ban Quốc hội-Điều hành về Trung Quốc Chris Smith nói với Epoch Times rằng việc đặt những người hoàn toàn khỏe mạnh lên giường bệnh, thu hoạch 2, 3 nội tạng của họ mà không được sự đồng ý của họ, rồi giết họ là tội giết người. Đây là tội ác chống lại loài người.
Từ khóa Dòng sự kiện mối quan hệ Mỹ - Trung Pháp Luân Công Đàn áp tôn giáo