Mỹ tịch thu 32 trang web nhằm nỗ lực đối phó Nga tác động vào bầu cử 2024
- Ryan Morgan
- •
Chính phủ Hoa Kỳ hôm thứ Tư (4/9) đã công bố các hành động tịch thu trang web và trừng phạt, một phần của nỗ lực ngăn chặn chính phủ Nga gây ảnh hưởng đến kết quả của cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2024.
Bộ Tư pháp Hoa Kỳ (DOJ) vào thứ Tư (4/9) đã công bố tịch thu 32 tên miền internet mà họ cáo buộc đang được vận hành trong một chiến dịch gây ảnh hưởng xấu từ nước ngoài do chính phủ Nga chỉ đạo. DOJ cho biết những nỗ lực của chính phủ Nga, được họ gọi là “giả mạo giống y hệt” (Doppelganger), đã vi phạm các biện pháp kiểm soát rửa tiền của Hoa Kỳ và vi phạm nhãn hiệu.
Theo tuyên bố của DOJ, hoạt động gây ảnh hưởng của Nga dựa vào những người có tầm ảnh hưởng, nội dung do AI tạo ra và phương tiện truyền thông xã hội để thúc đẩy lưu lượng truy cập internet đến các tên miền bị chiếm dụng trên mạng và các tên miền khác.
Bộ Tư pháp cho biết một số trang web mà họ nhắm mục tiêu đã bắt chước các trang tin tức chính thức như các trang do Fox News và The Washington Post điều hành, nhằm “đăng tải thông điệp của chính phủ Nga được trình bày sai sự thật dưới dạng nội dung từ các tổ chức truyền thông hợp pháp“.
Theo Bộ Tư pháp, các trang web khác trong chương trình gây ảnh hưởng bị cáo buộc dường như được giao nhiệm vụ đăng lại nội dung từ các trang Doppelganger.
Bộ Tư pháp cho biết họ đã phát hiện ra một số tài liệu nội bộ của chính phủ Nga nêu chi tiết các kế hoạch thay đổi dư luận ở các quốc gia mục tiêu nhằm định hình kết quả bầu cử, bao gồm cả kết quả của cuộc bầu cử Hoa Kỳ năm 2024.
Một bản tuyên thệ về vụ tịch thu trang web đã cáo buộc Sergei Vladilenovich Kiriyenko – một thành viên trong đội ngũ nhân viên tổng thống của Tổng thống Nga Vladimir Putin – giám sát hoạt động của các trang web Doppelganger. Bản tuyên thệ được đệ trình tại Pennsylvania vào ngày 4 tháng 9, cáo buộc rằng các công ty Nga là Social Design Agency, Structura National Technology và ANO Dialog cũng đã giúp chỉ đạo hoạt động của 32 trang web bị tình nghi.
Cùng với việc Bộ Tư pháp đưa ra cáo buộc về Doppelganger, Bộ Tài chính Hoa Kỳ tuyên bố rằng họ đã chỉ định 10 cá nhân và hai thực thể để trừng phạt, cáo buộc đây là một phần của nỗ lực rộng lớn hơn của Nga nhằm can thiệp vào cuộc bầu cử Hoa Kỳ.
Chỉ định trừng phạt của Bộ Tài chính Hoa Kỳ nhắm vào ANO Dialog vì vai trò bị cáo buộc của họ trong hoạt động Doppelganger. Bộ cũng nhắm vào giám đốc điều hành ANO Dialog Vladimir Grigoryevich Tabak.
Bộ Tài chính Hoa Kỳ cho biết thực thể bị chỉ định trừng phạt thứ hai là một nhóm tin tặc ủng hộ Điện Kremlin có tên là RaHDit. Tại cuộc họp báo ngày 4 tháng 9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Matthew Miller nói rằng RaHDit là từ viết tắt của “Tin tặc tức giận của Nga đã làm điều đó“.
Các lệnh trừng phạt nhắm vào thủ lĩnh bị cáo buộc của RaHDiT, Aleksey Alekseyevich Garashchenko. Bộ Tài chính Hoa Kỳ cũng chỉ định Anastasia Igorevna Yermoshkina và Aleksandr Vitalyevich Nezhentsev bị trừng phạt vì bị cáo buộc có liên quan đến RaHDit.
“Hành động hôm nay nhấn mạnh những nỗ lực liên tục của chính phủ Hoa Kỳ nhằm buộc các tác nhân được nhà nước tài trợ phải chịu trách nhiệm về các hoạt động nhằm làm suy yếu lòng tin của công chúng [Hoa Kỳ] vào các thể chế của chúng ta”, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cho hay.
Những cá nhân khác bị chỉ định trừng phạt bao gồm Margarita Simonovna Simonyan, Elizaveta Yuryevna Brodskaia, Anton Sergeyvich Anisimov, Andrey Vladimirovich Kiyashko, Konstantin Kalashnikov và Elena Mikhaylovna Afanasyeva, tất cả đều là biên tập viên hoặc nhân viên cấp cao của RT, một hãng tin tức do nhà nước Nga tài trợ trước đây được gọi là Russia Today.
Bộ Tài chính Hoa Kỳ nói rằng ban lãnh đạo của RT đã bắt đầu một nỗ lực vào đầu năm nay để “bí mật tuyển dụng những người Mỹ có ảnh hưởng nhưng không hề hay biết [mục đích công việc mình làm]” để hỗ trợ các chiến dịch gây ảnh hưởng của Nga. Nỗ lực của RT đã sử dụng một công ty bình phong để che giấu sự tham gia của mình – và hiểu theo nghĩa mở rộng là sự tham gia của chính phủ Nga – trong việc quảng bá nội dung nhằm gây ảnh hưởng đến khán giả Hoa Kỳ.
Bộ Tư pháp Hoa Kỳ vào ngày 4 tháng 9 cũng đã công bố một bản cáo trạng hình sự liên quan, cáo buộc Kalashnikov và Afanasyeva cụ thể đã chuyển 10 triệu USD để “bí mật tài trợ và chỉ đạo một công ty sáng tạo nội dung trực tuyến có trụ sở tại Tennessee“.
Bản cáo trạng được đệ trình lên tòa án liên bang New York này không trực tiếp xác định công ty có trụ sở tại Tennessee đã nhận được khoản tài trợ. Bản cáo trạng chỉ đề cập đến thực thể kinh doanh có trụ sở tại Tennessee là “Công ty Hoa Kỳ-1“.
Tổng chưởng lý Hoa Kỳ Garland nói rằng Kalashnikov và Afanasyeva có mục đích mở rộng các kênh nội dung có trụ sở tại Hoa Kỳ để truyền tải “thông điệp ẩn của chính phủ Nga“.
Các công tố viên liên bang cho rằng những nỗ lực bị cáo buộc của Kalashnikov và Afanasyeva nhằm tài trợ cho công ty có trụ sở tại Tennessee đã vi phạm luật chống rửa tiền và Đạo luật Đăng ký Đại diện Nước ngoài (FARA).
Theo luật Hoa Kỳ, các cáo buộc rửa tiền có mức án tối đa là 20 năm tù và các cáo buộc FARA có mức án tối đa là năm năm tù.
Kalashnikov và Afanasyeva vẫn đang lẩn trốn.
Cùng với hai bộ Tư pháp và Tài chính, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ngày 4 tháng 9 cũng cho biết họ sẽ đối xử với các nhân sự và tài sản của các hãng tin Nga như RT, RIA Novosti, TV-Novosti, Ruptly và Sputnik hoạt động tại Hoa Kỳ là các tác nhân nước ngoài theo Đạo luật Phái bộ Nước ngoài.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Miller nói rằng chỉ định nêu trên sẽ yêu cầu năm cơ quan truyền thông Nga thông báo cho Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về tất cả các nhân viên làm việc đang sinh sống tại Hoa Kỳ và tiết lộ tất cả bất động sản mà họ nắm giữ tại Hoa Kỳ.
Hải Đăng biên dịch
Từ khóa Nga can thiệp bầu cử Mỹ Dòng sự kiện Bầu cử Mỹ 2024 Quan hệ Mỹ - Nga Bộ Tư pháp Mỹ