Nga-Putin và chiến lược bành trướng bằng hộ chiếu

Vào ngày 24 tháng 4, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh rằng hộ chiếu sẽ được cấp cho người dân ở các khu vực thuộc vùng đông Donetsk và Luhansk của Ukraine hiện đang do phe ly khai thân Nga kiểm soát. Điện Kremlin tuyên bố đây là một cử chỉ hoàn toàn nhân đạo. Nhưng nó thực tế là một phần trong một chiến lược dài hạn nhằm củng cố sự kiểm soát miền đông Ukraine – và, nếu xét thông báo của Nga rằng họ đang tìm cách “đơn giản hóa thủ tục cấp quốc tịch” cho tất cả người dân Ukraine, tác động từ động thái này có khả năng còn lớn hơn nữa.

Hộ chiếu Nga. (Ảnh từ ShutterStock)

Nga từ lâu đã sử dụng quyền công dân và hộ chiếu nhằm mở rộng phạm vi ảnh hưởng của mình. Như tôi mô tả trong cuốn Beyond Crimea: The New Russian Empire (Không chỉ là Crimea: Đế chế Nga mới), quá trình này thường bắt đầu bằng việc thúc đẩy sức mạnh mềm và sự can dự nhân đạo. Sau đó, nó tiến tới các chính sách kiều bào nhằm hỗ trợ và “Nga hóa” những người nói tiếng Nga ở nước ngoài, đồng thời  tiến hành chiến tranh thông tin. “Hộ chiếu hóa” là bước thứ năm trong quy trình này, tiếp theo sau là bảo vệ công dân và cuối cùng là sáp nhập lãnh thổ.

Trong khi hầu hết các quốc gia sử dụng các cơ quan lãnh sự để thu hút du lịch, thúc đẩy trao đổi văn hóa hoặc giáo dục và quản lý di cư kinh tế, Nga còn sử dụng chúng để thúc đẩy lợi ích an ninh và tham vọng lãnh thổ của mình. Từ đầu những năm 1990, Nga đã tìm cách thiết lập quyền hai quốc tịch cho cộng đồng người Nga ở các quốc gia thuộc Liên Xô cũ, đồng thời “hộ chiếu hóa” các khu vực đặc biệt bên ngoài biên giới nơi có người nói tiếng Nga sinh sống, thường bất chấp luật pháp và các quy tắc quốc tế.

Sau khi luật quốc tịch Nga năm 2002 giúp mọi công dân Liên Xô cũ có được quốc tịch Nga dễ dàng hơn, Điện Kremlin đã phát động một chiến dịch nhằm cấp hộ chiếu Nga ở các khu vực Abkhazia và Nam Ossetia của Gruzia. Lãnh sự quán Nga tại Simferopol đã tích cực cấp hộ chiếu Nga cho khu vực Crimea trong giai đoạn trước cuộc sáp nhập bán đảo này năm 2014. Ủng hộ sứ mệnh này, Đại hội các Cộng đồng Nga, một tổ chức chính trị công, đã đi đầu trong quá trình cấp hộ chiếu ở Abkhazia kể từ năm 2002 và hoạt động như một lực lượng thân Nga hàng đầu ở Crimea giai đoạn trước năm 2014.

Bằng cách củng cố cảm giác bị xa lánh và xu hướng ly khai, việc cấp hộ chiếu Nga đã mở đường cho Nga bảo đảm sự kiểm soát trên thực tế đối với khu vực Nam Ossetia, Abkhazia, Crimea và Transnistria của Moldova. Tuy nhiên, bằng cách sử dụng ngôn ngữ hiện đại về quyền con người, Nga tiếp tục khẳng định rằng các hoạt động cấp hộ chiếu của họ là nhằm bảo vệ những người đang gặp khó khăn.

Ngay từ thế kỷ 19, các Sa hoàng Nga đã khẳng định quyền bảo vệ người dân theo Chính thống giáo cư trú bên trong Đế chế Ottoman – một chính sách góp phần quan trọng vào sự bùng nổ Chiến tranh Balkan thời kỳ đó. Từ những năm 1990, luật pháp và các học thuyết Nga đã tập trung vào việc “bảo vệ” những người Nga gặp khó khăn, những người thiểu số nói tiếng Nga và những “đồng bào” (compatriots) của họ (một khái niệm mơ hồ nhưng thường được sử dụng), cả trong và ngoài biên giới Liên bang Nga.

Trong cuộc chiến tranh Nga – Gruzia năm 2008, Tổng thống Nga lúc bấy giờ là Dmitry Medvedev – khi thảo luận về vấn đề người Ossetia và Abkhazia, những người đã được cấp hộ chiếu Nga – nhắc lại rằng, việc “bảo vệ tính mạng và phẩm giá của công dân chúng ta, bất kể họ ở nơi nào, là ưu tiên không thể nghi ngờ của đất nước chúng ta”. Việc Nga sử dụng lực lượng quân sự ở Nam Ossetia cũng được biện minh là nhằm bảo vệ “phẩm giá và danh dự của công dân Nga”.

Tương tự, năm 2014, Putin đã khẳng định “chúng tôi sẽ luôn bảo vệ người sắc tộc Nga ở Ukraine, cũng như những bộ phận người dân Ukraine cảm thấy gắn bó với Nga về mặt sắc tộc, văn hóa và ngôn ngữ, những người cảm thấy họ là một phần của thế giới người Nga rộng lớn hơn”.

Quyền công dân là sự bảo đảm tối hậu cho quyền được nhà nước Nga bảo vệ. Đối với nhiều người, nó đồng nghĩa với lợi ích kinh tế và xã hội: hộ chiếu Nga giúp việc đi đến Nga dễ dàng và ít tốn kém hơn, nơi với tư cách công dân, họ có thể tận dụng các dịch vụ như giáo dục và chăm sóc sức khỏe miễn phí, các chương trình hỗ trợ gia đình (bao gồm cả hỗ trợ thế chấp và trợ cấp tiền mặt cho các gia đình lớn), và lương hưu dân sự và quân sự. Họ cũng có thể bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử ở Nga.

Nhưng, một điều làm nổi bật tính toán chiến lược của Điện Kremlin là việc nhiều lợi ích trong số đó được áp dụng một cách có chọn lọc bên ngoài nước Nga – đặc biệt là ở các vùng lãnh thổ ly khai. Ví dụ, vào năm 2008, công dân Nga cư trú tại Transnistria, chứ không phải những công dân Nga sống ở phần còn lại của Moldova, mới được nhận các khoản trợ cấp hàng tháng của chính phủ Nga.

Nếu xét cách làm của Nga lâu nay, nỗ lực mới của họ nhằm “hộ chiếu hóa” Ukraine không nên bị làm ngơ. Không phải ngẫu nhiên mà Putin tuyên bố ý định trao quốc tịch cấp tốc cho người Ukraine sống ở khu vực đông Donbas chỉ bốn ngày sau khi nước này bầu một ứng cử viên “phi truyền thống”, Volodymyr Zelensky, lên làm tổng thống.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã chính xác khi gọi chính sách cấp hộ chiếu mới của Kremlin ở miền đông Ukraine là một “hành động hết sức khiêu khích”, nhằm tăng cường “sự tấn công của Nga vào chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine”. Nhưng tuyên bố sau đó của Putin rằng ông ta có thể đơn giản hóa thủ tục cấp quốc tịch cho toàn bộ người dân Ukraine cho thấy việc chỉ trích miệng là không đủ. Hoa Kỳ và các đồng minh châu Âu nên xem xét các biện pháp trừng phạt tiếp theo, có thể nhắm mục tiêu vào Dự án Dòng chảy Phương Bắc 2, một đường ống khí đốt nối với Đức mà Nga định xây dựng.

Chính phủ Ukraine cũng phải tăng cường tiếp cận Donbas để chống lại những nỗ lực của Nga nhằm tách rời người dân ở đó khỏi Ukraine. Nhưng, nếu xét khả năng hạn chế của nước này trong việc đẩy lùi chủ nghĩa bành trướng của Nga, Hoa Kỳ và châu Âu cần phải làm nhiều hơn nữa để ngăn chặn Nga củng cố thêm một vụ cướp đoạt lãnh thổ khác.

Nguồn: Agnia Grigas, “Russia’s Passport Expansionism”, Project Syndicate, 07/05/2019.

Agnia Grigas, một nhà khoa học chính trị và chuyên gia tư vấn rủi ro, là nghiên cứu viên cao cấp không thường trú tại Hội đồng Đại Tây Dương, và là tác giả của các cuốn sách The New Geopolitics of Natural Gas và Beyond Crimea: The New Russian Empire.

Biên dịch: Phan Nguyên/ Nghiencuuquocte.org

Bài gốc “Chiến lược bành trướng bằng hộ chiếu của Nga” trên trang nghiencuuquocte.org

Xem thêm: 

Tôi yêu thích và quan tâm tình hình chính sự và thông tin thời cuộc thế giới, bình luận và phân tích về chính trị Mỹ, Trung và thế giới nói chung. Hiện tại tôi đang đóng góp cho chuyên mục Thế giới của báo trithucvn.org.

Published by

Recent Posts

5 người Việt bị lừa bán sang Lào với chiêu ‘việc nhẹ, lương cao’

Bị lừa bán sang Lào với chiêu trò “việc nhẹ, lương cao”, 5 nạn nhân…

27 phút ago

Sáng 3-5, NHNN tiếp tục đấu thầu 16.800 lượng vàng

Sau phiên đấu thầu vàng bất thành, NHNN tiếp tục tổ chức đấu thầu vàng…

6 giờ ago

Nhật Bản cam kết dẫn đầu trong việc thiết lập các quy tắc quốc tế về AI

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cam kết rằng quốc gia này sẽ đi đầu…

6 giờ ago

Iran áp đặt lệnh trừng phạt nhiều cá nhân, thực thể của Mỹ và Anh

Iran đã công bố áp đặt lệnh trừng phạt đối với một số cá nhân…

6 giờ ago

Tổng thống Zelensky: Ukraine cần đánh bại Nga để gia nhập NATO

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố rằng nước này cần đánh thắng Nga trên…

7 giờ ago

Vụ hàng trăm người ngộ độc ở Đồng Nai: Một bệnh nhi ngưng tim, ngưng thở

Số bệnh nhân ngộ độc thực phẩm phải nhập viện sau khi ăn bánh mì…

10 giờ ago