Nghị quyết của Quốc hội Hoa Kỳ công nhận Đài Loan độc lập có 50 nghị sĩ ủng hộ
- Anh Nguyễn
- •
Một nghị quyết của Quốc hội Hoa Kỳ chính thức công nhận nền độc lập của Đài Loan, lần đầu tiên nhận được sự bảo trợ của 50 nghị sĩ.
Nghị quyết do Dân biểu Tom Tiffany (Đảng Cộng hoà, Wisconsin) đưa ra vào đầu năm nay nhằm tìm cách nối lại quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan và chấm dứt chính sách “Một Trung Quốc” của Hoa Kỳ.
Ông Tiffany viết cho The Epoch Times trong một email : “Đã lâu rồi chính sách của Hoa Kỳ mới phản ánh thực tế khách quan rằng Đài Loan chưa bao giờ nằm dưới sự kiểm soát của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa hay là một phần lãnh thổ của nước này dù chỉ một ngày”.
“Cột mốc quan trọng này cho thấy động lực đang gia tăng để lật qua trang chính sách thất bại từ những năm 1970”, ông Tiffany nói tiếp.
Ông Tiffany lần đầu tiên giới thiệu nghị quyết này tại Quốc hội thứ 116 vào năm 2019, khi đó chỉ có một thêm một dân biểu nữa đồng ý ký tên bảo trợ.
Văn phòng ông Tiffany cho biết: “Cột mốc quan trọng này cho thấy sự ủng hộ ngày càng tăng của Quốc hội trong việc công nhận Đài Loan là một quốc gia tự do, dân chủ và độc lập”.
Vấn đề Đài Loan
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vẫn duy trì nguyên tắc “Một Trung Quốc”, khẳng định Đài Loan là một phần của Trung Quốc và phải thống nhất với đại lục bằng mọi biện pháp cần thiết.
Tuy nhiên, chế độ Trung Quốc chưa bao giờ kiểm soát Đài Loan. Hòn đảo duy trì chính phủ dân chủ của riêng mình và nền kinh tế thị trường có quan hệ quốc tế mạnh mẽ.
Kể từ năm 1979, Hoa Kỳ duy trì chính sách “Một Trung Quốc” công nhận nhưng không tán thành nguyên tắc “Một Trung Quốc” của ĐCSTQ. Tuy nhiên Hoa Kỳ không ủng hộ hay khuyến khích chính thức công nhận nền độc lập của Đài Loan.
Hoa Kỳ cũng tuân thủ Đạo luật Quan hệ Đài Loan năm 1979. Đạo luật yêu cầu Hoa Kỳ cung cấp cho Đài Loan những vũ khí cần thiết để tự vệ.
Nghị quyết của ông Tiffany sẽ tìm cách giải quyết tình trạng này và “nối lại quan hệ ngoại giao bình thường với Đài Loan, đàm phán một hiệp định thương mại tự do song phương với Đài Loan và ủng hộ tư cách thành viên của Đài Loan trong các tổ chức quốc tế”.
Nghị quyết nêu rõ: “Tổng thống nên từ bỏ ‘Chính sách Một Trung Quốc’ lỗi thời để chuyển sang chính sách công nhận thực tế khách quan rằng Đài Loan là một quốc gia độc lập không bị quản lý hoặc nằm trong lãnh thổ của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”.
Về phần mình, chính quyền Biden cam kết duy trì chính sách “Một Trung Quốc” và nói rằng việc tái khẳng định chính sách này sẽ là nội dung quan trọng trong cuộc đàm phán giữa Tổng thống Joe Biden và lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình vào cuối tháng Mười Một.
“Chúng tôi không ủng hộ sự độc lập của Đài Loan. Đó là chính sách lâu dài của chúng tôi”, một quan chức cấp cao trong chính quyền Biden nói với các phóng viên tại cuộc họp báo qua điện thoại ngày 9/11.
“Mục tiêu của chúng tôi khi tham gia các cuộc họp sẽ là tái khẳng định chính sách ‘Một Trung Quốc’ của Hoa Kỳ, trọng tâm của chúng tôi là duy trì hiện trạng, đảm bảo hòa bình và ổn định”, vị quan chức của chính quyền Biden khẳng định.
Người dân Đài Loan cảnh giác với nền độc lập chính thức
Mặc dù chính quyền hiện tại của Đài Loan ủng hộ độc lập nhưng hầu hết người dân Đài Loan đều do dự về việc chính thức tuyên bố một Đài Loan độc lập, tách biệt khỏi Trung Quốc.
Trung tâm Nghiên cứu Bầu cử tại Đại Học Chengchi (Chengchi University) ở Đài Bắc đã tiến hành các cuộc thăm dò để đánh giá quan điểm của người Đài Loan về chủ đề này kể từ năm 1994.
Cuộc thăm dò gần đây nhất của họ, từ tháng Sáu năm nay, cho thấy khoảng 7% người dân Đài Loan mong muốn thống nhất với đại lục và khoảng 26% mong muốn độc lập chính thức như nghị quyết của ông Tiffany đưa ra.
Đại đa số người Đài Loan (hơn 60%) ủng hộ việc duy trì hiện trạng. Tuy nhiên, trong số đó, có sự bất đồng về việc liệu nguyên trạng có nên được duy trì vô thời hạn hay cho đến khi đạt được thỏa thuận mới với đại lục.
Trong bất kỳ tình huống nào, tương lai của cả Trung Quốc và Mỹ về cơ bản đều gắn liền với tương lai của Đài Loan.
Nhiều chuyên gia tin rằng ĐCSTQ sai lầm về việc thống nhất với Đài Loan là có thể thực hiện được nhằm ngăn chặn chiến tranh.
Bà Bonnie Glaser, giám đốc điều hành của tổ chức tư vấn Quỹ Marshall của Đức, nói rằng ông Tập sẽ sẵn sàng gây chiến để thống nhất Đài Loan vào đại lục nếu ông cảm thấy rằng việc thống nhất hòa bình trong tương lai là không thể.
“Tôi cho rằng nếu ông Tập Cận Bình tin có khả năng thực sự mất Đài Loan vĩnh viễn, thì ông ấy sẽ tham chiến cho dù ông ấy nhận thấy [quân đội] đã sẵn sàng hay không”, bà Glaser nói trong cuộc trò chuyện vào tháng Mười tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế có trụ sở tại Washington.
“Thật không khôn ngoan khi cả Đài Loan và Mỹ theo đuổi chính sách và hành động khiến ông Tập kết luận không thể đạt được một số kết quả mà cả hai bên đều chấp nhận được”, bà Glaser nói.
Từ khóa quốc hội Mỹ Đài Loan độc lập Tom Tiffany Đài Loan