Séc sửa luật cấy ghép tạng, chống nạn thu hoạch nội tạng tại TQ

Các nhà lập pháp Séc đang hoàn thiện một sửa đổi luật mới nhằm ứng phó với các hoạt động cấy ghép nội tạng phi pháp. Dự luật sửa đổi này là tín hiệu mới nhất của chuỗi các sự kiện sửa đổi luật tại châu Âu, nhằm chống lại tội ác buôn bán nội tạng người trên phạm vi toàn cầu, và đặc biệt là việc thu hoạch nội tạng từ tù nhân lương tâm do nhà nước hậu thuẫn tại Trung Quốc.

Dự luật sửa đổi này cho phép Séc truy tố một bệnh nhân nhận nội tạng cấy ghép từ nguồn nội tạng không tự nguyện. Theo đó, trong các trường hợp cấy ghép tạng thông thường, nội tạng dùng cho cấy ghép là của những người hiến tạng tự nguyện, những người đã ký giấy cho phép sử dụng nội tạng trong trường hợp họ chết não hoặc qua đời. Tuy nhiên, đối với các trường hợp thu hoạch nội tạng, đặc biệt là tại Trung Quốc, nội tạng lại bị lấy mà không có sự đồng thuận từ các tù nhân lương tâm, những người bị bắt giữ chỉ vì tín ngưỡng của họ.

Thành viên quốc hội, ông Mikulas Peksa, cho biết, “Thượng nghị sĩ Marek Hilser và tôi đã bị sốc khi biết nhà nước Trung Quốc chà đạp lên các nhóm thiểu số của mình như thế nào […] Chúng tôi đặc biệt coi giao dịch trên tù nhân là một sự vi phạm hoàn toàn vô đạo đức đối với các quyền cơ bản của con người. Chúng tôi cũng muốn gửi một tín hiệu rõ ràng rằng chúng tôi, với tư cách là Cộng hòa Séc, cự tuyệt các hành vi đó.”

Thượng nghị sĩ Marek Hilser và Thành viên quốc hội Mikulas Peksa, hai người đề xuất dự luật sửa đổi.

Dự luật sửa đổi lần đầu tiên được đề xuất bởi ông Mikulas Peksa và Thượng nghị sĩ Marek Hilser trong phiên điều trần công khai được tổ chức vào ngày 19/11/2018 tại Thượng viện về việc cưỡng bức thu hoạch tạng những tù nhân lương tâm bị cầm tù ở Trung Quốc. Phiên điều trần này đã dẫn đến một nghị quyết do Thượng viện Cộng hòa Séc công bố vào ngày 20/3/2019, kêu gọi chế độ Trung Quốc chấm dứt đàn áp Kitô hữu, người Tây Tạng, người Duy Ngô Nhĩ, và người tập Pháp Luân Công; phóng thích tất cả các tù nhân lương tâm; và tuân thủ các công ước nhân quyền quốc tế.

Việc chuẩn bị dự luật sửa đổi về cấy ghép tạng mất gần 6 tháng, bao gồm nghiên cứu các luật tương tự được soạn ở Canada hoặc được ban hành ở Israel, đồng thời thu thập thông tin từ các tổ chức nhân quyền.

Việc thúc đẩy sửa đổi luật cấy ghép tạng là một phần của một chuỗi động thái trên thế giới nhằm phản ứng với tội ác thu hoạch nội tạng. Các động thái tương tự đến từ dự luật S-240 của Canada và luật cấy ghép tạng đã được Tây Ban Nha (2013), Đài Loan (2015), Ý (2016) và Israel (2006) thông qua. Gần đây, Úc cũng đang xem xét việc đưa ra luật cấy ghép tạng mới. Bỉ cũng vừa đồng thuận thông qua một dự luật nhằm ngăn chặn việc công dân Bỉ du lịch ghép tạng, và cho phép Bỉ truy tố những công dân tham gia vào bất cứ khâu nào trong việc thu hoạch nội tạng.

Ông Mikulas Peksa cho biết, “Chúng tôi muốn chính phủ Séc tuyên bố rõ ràng quốc gia nào có vấn đề với việc buôn bán tạng, điều đó sẽ làm cho việc tiếp nhận tạng từ quốc gia đó khó hơn nhiều. Và đúng vậy, Trung Quốc là quốc gia mà chúng tôi muốn đề cập.”

Thượng nghị sĩ Marek Hilser, đồng bảo trợ cho dự luật, là một người nghiên cứu về y học và quan hệ quốc tế tại Đại học Charles ở Prague. Ông cũng đang thực hiện các bước tiếp theo trong việc giáo dục cộng đồng. Vào ngày 28 tháng 5, ông sẽ tổ chức một cuộc tranh luận về Trung Quốc và chính sách đối ngoại tại văn phòng địa phương của mình. Trong thời gian đó ông sẽ giới thiệu Human Harvest – một bộ phim từng đoạt nhiều giải thưởng phim tài liệu, ghi lại một cuộc điều tra về việc thu hoạch nội tạng người ở Trung Quốc.

“Sự bùng nổ của ngành công nghiệp cấy ghép tạng Trung Quốc là kết quả của việc thu hoạch tạng từ tù nhân chính trị, và chế độ cộng sản Trung Quốc kiếm tiền từ việc này, đó là một bí mật công khai. Nếu chúng ta không thể trực tiếp can thiệp đến những tội ác này, thì trách nhiệm đạo đức của chúng ta là phải thông qua luật pháp để chống lại du lịch ghép tạng”, ông Hilser nói trong thông cáo báo chí vào ngày 14/1.

“Chế độ độc tài Trung Quốc giam giữ hàng trăm ngàn tù nhân chính trị trong các trại tập trung. Con người ở đó chỉ đơn thuần là nguồn tạng”, Thượng nghị sĩ Cộng hòa Séc Pavel Fischer nói trong một phiên họp của Thượng viện vào ngày 20 tháng 3, “Tạng được thu hoạch từ những người khỏe mạnh, còn sống để được đem đi với chất lượng tốt nhất có thể.”

Ông Fischer cũng bình luận về ngành công nghiệp cấy ghép nội tạng ở Trung Quốc: “Một cỗ máy vô nhân tính không cần thời gian chờ để ghép tạng ở Trung Quốc. Chúng được thực hiện nhanh hơn nhiều so với bất kỳ nơi nào khác trên thế giới. Thân thể của một người hiến tặng như vậy sau đó được tuyên bố là đã chết. Và nếu việc cấy ghép không thành công, người ta có thể đơn giản là cung cấp cho khách hàng nội tạng trong thời gian bảo hành.”

Thượng nghị sĩ Václav Hampl. (Ảnh: vaclav-hampl.cz)

Thượng nghị sĩ Vaclav Hampl cho biết trong một phiên họp của Thượng viện vào ngày 20/3: “Thật không may, phải mất một thời gian dài để có được thông tin thuyết phục, nhưng hôm nay chúng ta không còn nghi ngờ gì về việc người tập Pháp Luân Công ở Trung Quốc, và có thể là các nhóm người khác nữa, đã và đang bị lạm dụng để cấy ghép tạng và thậm chí ở quy mô rất lớn.”

Minh Nhật

Xem thêm:

Minh Nhật

Published by
Minh Nhật

Recent Posts

Đồng Nai: Nổ lò hơi tại công ty gỗ, 6 người tử vong tại chỗ

Khoảng 8h10 ngày 1/5, một vụ nổ lớn xảy ra tại công ty sản xuất…

54 phút ago

Dạy con giảm bớt căng thẳng bằng cách ngắm chim ngoài tự nhiên

Jennifer Sizeland bắt đầu cho con trai ngắm bầu trời, chim chóc khi cậu bé…

1 giờ ago

Ông Trump không loại trừ khả năng cắt giảm viện trợ cho Israel

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông không loại trừ khả năng giảm…

2 giờ ago

Triết gia Dugin: Nga bảo vệ các giá trị truyền thống mà phương Tây rũ bỏ

Tâm lý bài Nga đang tăng cao chưa từng có tại phương Tây bắt nguồn…

2 giờ ago

Việt Nam xảy ra 104 trận động đất trong 4 tháng đầu năm

 Chỉ trong 4 tháng đầu năm 2024, toàn Việt Nam xảy ra 104 trận động…

3 giờ ago

Hàn Quốc: Hàng thương mại điện tử của Trung Quốc chứa chất gây ung thư

Một số sản phẩm từ Trung Quốc có chứa chất gây ung thư gọi là…

3 giờ ago