Tại sao Trung Quốc đang leo thang gây hấn với Philippines
- Phạm Duy
- •
Ngày 23/8, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố nước này đã thực hiện “biện pháp đối phó” đối với hai máy bay quân sự của Philippines gần Đá Subi ở Biển Đông.
Bốn ngày trước đó, các tàu của Cảnh sát biển Trung Quốc đã vô cớ đâm vào hai tàu của Philippines gần bãi cạn Sa Bin khi họ đang cố gắng tiếp tế cho lực lượng đồn trú tại đảo Flat và đảo Nanshan.
Động thái này diễn ra sau các hành động hiếu chiến vào ngày 17/6 tại Bãi Cỏ Mây gần đó, khi các tàu Trung Quốc đâm vào tàu của Philippines, bắt giữ hai tàu và làm bị thương tám thủy thủ, trong đó có một người bị thương nặng. Vào ngày 05/3, Trung Quốc đã làm bị thương bốn thủy thủ Philippines tại Bãi Cỏ Mây, nơi Manila đã đặt trên cạn tàu Sierra Madre, một tàu thời Thế chiến II, vào năm 1999 để củng cố các yêu sách lãnh thổ của mình.
Tất cả những sự cố này đều xảy ra gần các đảo chính của Philippines và do đó cách xa Trung Quốc. Ví dụ, bãi cạn Sa Bin cách Palawan của Philippines 124 hải lý và cách đảo Hải Nam của Trung Quốc hơn tám lần khoảng cách đó.
Ông Tập Cận Bình cũng đã tiến hành các cuộc chiến tranh ủy nhiệm xa biên giới Trung Quốc, đáng chú ý nhất là việc Trung Quốc hoàn toàn ủng hộ nỗ lực của Nga nhằm sáp nhập Ukraine, và ủng hộ cuộc tấn công của Iran vào Israel. Với cuộc tấn công vào Philippines, ông Tập Cận Bình cuối cùng có thể thực hiện động thái riêng của mình ở Đông Á.
Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền đối với tất cả các cấu trúc và vùng biển bên trong “lưỡi bò” bỉ ổi của mình, hiện được xác định bằng ‘đường mười đoạn’ trên bản đồ chính thức, bao gồm khoảng 85% Biển Đông. Những vùng biển đó, Trung Quốc tuyên bố, là “đất quốc gia màu xanh”.
Những yêu sách mở rộng của Trung Quốc đối với các cấu trúc của Philippines trong vùng biển đó, đã bị tòa án quốc tế tại The Hague, Hà Lan bác bỏ trong năm 2016 khi xét xử vụ Philippines kiện Trung Quốc, dựa trên Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển. Mặc dù không có bất kỳ cơ sở pháp lý nào, Bắc Kinh vẫn liên tục khẳng định rằng phán quyết có lợi cho Manila là “bất hợp pháp, vô giá trị và không có hiệu lực“.
Mặc dù thiếu sự biện minh, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã liên tục tiến hành các hành động khiêu khích ở vùng biển Philippines. Đồng thời, các hành động của Trung Quốc đối với Đài Loan dường như ít nghiêm trọng hơn nhiều. Điều đó thật kỳ lạ vì ông Tập rất muốn sáp nhập nước cộng hòa đảo quốc này và thậm chí đã đặt cược tính hợp pháp cá nhân của mình vào việc thực hiện mục tiêu đó.
Do đó, có vẻ như nhà lãnh đạo Trung Quốc không có kế hoạch bắt đầu khai chiến bằng cuộc xâm lược hòn đảo chính của Đài Loan.
Tại sao ông Tập không bắt đầu khai chiến?
Đầu tiên, cái giá phải trả bằng máu của một động thái như vậy sẽ quá cao để Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) có thể tồn tại. Ông Richard Fisher thuộc Trung tâm Đánh giá và Chiến lược Quốc tế, ước tính rằng Trung Quốc có thể mất khoảng 50.000 binh lính, thủy thủ và phi công ngay cả khi họ có thể đạt được sự bất ngờ hoàn toàn trong việc huy động hàng nghìn sà lan, tàu thủy và máy bay, và ngăn chặn những nước khác đến giải cứu Đài Loan. Ông Fisher cho rằng, “Nếu Trung Quốc không đạt được sự bất ngờ hoàn toàn, và Hoa Kỳ và Nhật Bản thành công trong việc phản công, bao gồm cả chiến đấu trên không và trên biển và chiến đấu trên đất liền ở Đài Loan, Trung Quốc có thể mất 100.000 quân“.
Ông Tập có lẽ tin rằng những tổn thất như vậy, ngay cả ở mức thấp hơn so với điều mà ông Fisher nói, sẽ gây nguy hiểm cho quyền lực của Đảng. Vào thời điểm u ám và bi quan lan rộng trong xã hội Trung Quốc này, mọi người không có tâm trạng cho chiến tranh.
Cũng có quan điểm phổ biến rằng “Người Trung Quốc không nên sát hại người Trung Quốc khác”. Người dân Đài Loan phần lớn không tự nhận mình là “người Trung Quốc”, nhưng công dân của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa coi mình và người dân trên đảo là cùng một dòng máu. Do đó, việc sát hại người Đài Loan không nhất định là được ưa thích, và việc sát hại nhiều người Đài Loan, sẽ càng ít được ưa thích hơn.
Thứ hai, vào thời điểm nguy cơ chính trị cá nhân đối với mình, ông Tập không thể từ bỏ vị trí là người có quyền lực nhất ở Trung Quốc. Việc tập hợp một lực lượng xâm lược sẽ đòi hỏi phải trao lại cho một vị tướng hoặc đô đốc, quyền kiểm soát hoàn toàn hầu hết Quân Giải phóng Nhân dân. Ông Tập Cận Bình không tin tưởng các sĩ quan cấp cao của mình, như việc không ngừng thanh trừng trong năm qua đã minh chứng, và trong mọi trường hợp, ông Tập sẽ không trao quyền lực như vậy cho bất kỳ ai, dù đáng tin cậy hay không.
Thứ ba, quân đội Trung Quốc đang trong tình trạng hỗn loạn và không có điều kiện để chiến đấu trong một cuộc giao tranh lớn. Ví dụ, Lực lượng Tên lửa, một binh chủng phụ trách hầu hết các loại vũ khí hạt nhân của đất nước, đã có hàng chục sĩ quan cấp cao, bao gồm cả hai sĩ quan cấp cao nhất, bị bắt giữ kể từ giữa năm ngoái. Với việc giáng chức Bộ trưởng Quốc phòng mới được bổ nhiệm, Đô đốc Đổng Tuấn – ông Đổng bất ngờ bị từ chối một ghế trong Quân Ủy Trung ương của ĐCSTQ vào mùa hè này – rõ ràng là tình trạng hỗn loạn vẫn đang tiếp diễn.
Trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ này, tất cả các quyết định cấp cao nhất ở Bắc Kinh đều được đưa ra theo sự đồng thuận, vì vậy không ai được có quá nhiều thành tích hoặc bị quá nhiều lời chỉ trích. Tuy nhiên, ông Tập đã giành quyền lực từ những người khác, vì vậy giờ đây ông gần như phải chịu trách nhiệm hoàn toàn. Để khiến vấn đề trở nên tồi tệ hơn đối với nhà cầm quyền Trung Quốc, ông Tập đã tăng cái giá phải trả khi thua cuộc đấu tranh chính trị, điều đó có nghĩa là ông Tập biết mình có thể mất tất cả nếu bị lật đổ.
Trong bối cảnh chính trị trong nước mà mình đã định hình, ông Tập biết rằng ông dễ bị nguy hiểm, đặc biệt là vì các chính sách của ông đang bị đổ lỗi là khiến tình hình xấu đi. Ông Tập cần một chiến thắng chính trị nhanh chóng, nhưng thật không may cho ông, việc nắm quyền kiểm soát Đài Loan là ngoài tầm với.
Điều đó có nghĩa là ông ấy đã quyết định chuyển sang một nước láng giềng yếu. Cộng hòa Philippines phù hợp với mưu đồ này.
“Ông Tập Cận Bình dường như đang âm thầm chuyển từ cơn khát máu của mình đối với Đài Loan sang hành động táo bạo hơn ở Khu đặc quyền kinh tế của Philippines”, ông Blaine Holt, một vị tướng Không quân Hoa Kỳ đã nghỉ hưu, nói với tờ Gatestone. “Khi nền kinh tế Trung Quốc sụp đổ, khi căng thẳng với các nước láng giềng gia tăng, khi các dự án lớn của ông Tập như Vành đai và Con đường sụp đổ, ông Tập không còn có thể tin tưởng vào đội ngũ thân cận mình để cứu ông khỏi một quân đội mà ông không tin tưởng. Nhà lãnh đạo Trung Quốc là một con rồng bị dồn vào chân tường và nguy hiểm.”
Rủi ro là một cuộc tấn công vào Philippines sẽ dẫn đến xung đột chung trong khu vực. Cần lưu ý rằng Manila và Hoa Kỳ là các bên tham gia hiệp ước năm 1951. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã đưa ra cảnh báo bằng văn bản – cảnh báo gần đây nhất vào ngày 19/08 – rằng Hoa Kỳ sẵn sàng sử dụng vũ lực chống lại Trung Quốc để thực hiện các nghĩa vụ của mình theo Điều IV của hiệp ước phòng thủ chung. Tổng thống Joe Biden đã đưa ra những cảnh báo tương tự bằng miệng, chẳng hạn vào ngày 25/10/2023 và ngày 11/04/2024.
Hơn nữa, Philippines có những người bạn hùng mạnh trong khu vực, chẳng hạn như Nhật Bản. Hoa Kỳ, Philippines và Nhật Bản gần đây đã thành lập JAROPUS, một nhóm chuyên về phòng thủ hợp nhất. Vào tháng Tư, ba đối tác này và Úc đã tổ chức cuộc tập trận hải quân chung đầu tiên của mình ở Biển Đông.
Ngoài ra, các thành viên NATO trong nhiều năm qua đã tham gia vào Biển Đông. Pháp và Đức đã đưa ra các tuyên bố lên án Trung Quốc trong năm nay, bắt đầu từ tháng Tư. Vào tháng Tám, Đức và Philippines tuyên bố họ sẽ sớm hoàn tất một thỏa thuận quốc phòng. Pháp đã khởi xướng các cuộc thảo luận về một thỏa thuận.
Khi Trung Quốc, Nga và Bắc Triều Tiên hành động cùng nhau, Hoa Kỳ và các đối tác của mình đã bắt đầu hợp tác về quốc phòng chung. Khu vực này đang chia rẽ, và nếu chiến tranh xảy ra, hai liên minh lớn, vốn đã tập dượt cho sự kiện này, gần như chắc chắn sẽ chiến đấu như những nhóm chung.
Cuộc xung đột toàn cầu lần thứ ba trong lịch sử, bắt đầu từ đâu? Có thể là Đông Á, có thể là một số rạn san hô, bãi cạn hoặc bãi cát của Philippines. Người Philippines hiện gọi đất nước của họ là “Ukraine tiếp theo“.
Gordon G. Chang, Gatestone Institute qua The Epoch Times
Từ khóa Philippines Dòng sự kiện Xung đột biển Đông quan hệ Philippines - Trung Quốc Trung Quốc gây hấn với Philippines