Thương mại Trung Quốc và EU không ngừng leo thang trả đũa răn đe nhau
- Theo RFA
- •
Vào thứ Sáu (5/7) khi Liên minh châu Âu (EU) đưa ra mức thuế tạm thời đối với xe điện của Trung Quốc, phía Trung Quốc đã nhanh chóng đưa ra một loạt phản ứng. Có thể thấy, ngoài cuộc chiến thương mại gay gắt với Mỹ, hiện xung đột thương mại giữa Trung Quốc và châu Âu cũng đang gia tăng.
Tại một cuộc họp báo thường kỳ ở Bắc Kinh vào ngày 5/7, người phát ngôn Mao Ninh của Bộ Ngoại giao Trung Quốc bày tỏ “phản đối mạnh mẽ” cuộc điều tra của EU về chính sách chống trợ cấp của Trung Quốc đối với xe điện, đe dọa sẽ “thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ vững chắc quyền và lợi ích hợp pháp của Trung Quốc”.
Cùng ngày, Cục Điều tra và Phòng vệ Thương mại thuộc Bộ Thương mại Trung Quốc đã ban hành “Thông báo triệu tập phiên điều trần về các vụ việc chống bán phá giá rượu mạnh có liên quan”, thông báo cho hay vào ngày 18/7 sẽ tổ chức phiên điều trần chống bán phá giá đối với rượu mạnh nhập khẩu có nguồn gốc từ EU.
Tiếp theo, tờ Thời báo Hoàn Cầu (Global Times) của nhà nước Trung Quốc tiết lộ rằng Trung Quốc cũng đang xem xét mở cuộc điều tra chống trợ cấp đối với các sản phẩm sữa nhập khẩu từ châu Âu và có thể áp thuế đối với ô tô động cơ lớn sản xuất tại châu Âu.
Nhìn chung, công luận phổ biến phân tích hàng loạt hành động nêu trên của Trung Quốc nhằm gây áp lực chống lại việc EU áp thuế đối với xe điện của Trung Quốc.
Để đáp trả việc EU mở cuộc điều tra chống trợ cấp đối với xe điện Trung Quốc, vào tháng Một năm nay Bộ Thương mại Trung Quốc đã công bố điều tra chống bán phá giá đối với rượu mạnh của châu Âu, tới tháng Sáu cũng mở cuộc điều tra đối với thịt lợn từ 27 nước EU.
Đánh giá từ việc phân phối rượu mạnh và sản phẩm thịt lợn của EU cho thấy, dường như Trung Quốc thiên hướng tập trung vào Pháp và Tây Ban Nha, để gây áp lực lên hai nước với hy vọng thuyết phục EU dừng áp thuế chống trợ cấp đối với xe điện Trung Quốc.
Chiều ngược lại, cuộc điều tra của EU đối với Trung Quốc về năng lực sản xuất dư thừa và an ninh chuỗi cung ứng vẫn đang tiếp diễn. Reuters dẫn nhiều nguồn tin vào ngày 5/7 cho biết, Ủy ban châu Âu đã bắt đầu trưng cầu quan điểm của ngành công nghiệp bán dẫn về việc Trung Quốc mở rộng sản xuất chip máy tính thế hệ cũ, không rõ “nghiên cứu dựa trên ý kiến phản hồi” này sẽ dẫn đến những hành động tiếp theo nào.
Vào thứ Sáu (5/7), EU đã áp đặt mức thuế tạm thời lên tới 37,6% đối với xe điện của Trung Quốc, nhưng nhiều phân tích cho rằng đây có thể chỉ là bước khởi đầu cho lập trường cứng rắn của EU với Trung Quốc. Theo nhận định, việc Trung Quốc đầu tư mở rộng sản xuất chip truyền thống sẽ dẫn đến tình trạng dư cung chip tại thị trường châu Âu. Các nguồn tin tiết lộ rằng phạm vi truy cứu của EU tập trung vào điều tra thực tế liên quan đến nguồn chip và hoạt động mua sắm, rộng hơn cuộc điều tra an ninh của Bộ Thương mại Mỹ đối với các công ty liên quan.
Trước tin tức trên, một phát ngôn viên của EU đã xác nhận với Reuters hôm thứ Sáu rằng Ủy ban đã bắt đầu “thúc đẩy tham vấn trong ngành một cách có mục tiêu để đánh giá thêm về vấn đề sử dụng chip truyền thống trong chuỗi cung ứng; đồng thời EU và Mỹ có thể có các biện pháp chung hoặc hợp tác để giải quyết tình trạng phụ thuộc Trung Quốc hoặc vấn đề nước này gây biến dạng thị trường (về ngành công nghiệp chip).”
Từ khóa ô tô điện Trung Quốc BYD xe điện Trung Quốc quan hệ Trung Quốc - EU