Triển lãm “Chúng ta là người Nga! Chúa ở bên chúng ta!” qua video của BBC

Nhân ngày Nước Nga (Rôssia) 12/6, biên tập BBC tiếng Nga, ông Steve Rosenberg, đã tới triển lãm mang tên “Chúng ta là người Nga! Chúa ở bên chúng ta!” ở Moskva, cách không xa Điện Kremlin, để làm một video phỏng vấn ngắn. “Một bộ sưu tập tuyệt vời!”, ông thán phục trước các bức tranh sơn dầu về tín ngưỡng đồng thời ủng hộ chiến tranh trong triển lãm. Phỏng vấn của ông dường như đã gợi mở, nhưng không nói lời kết luận, về vấn đề cuộc chiến mà dân Nga đang phải chèo chống khi bị toàn NATO tập trung vào công kích trên mọi phương diện.

Triển lãm “Chúng ta là người Nga! Chúa ở bên chúng ta!” ở Moskva (ảnh cắt từ video)

  • Video phóng sự ngắn của BBC nhân ngày Nước Nga 12/6:

BBC bình luận đó là một bộ “sưu tập tuyệt vời” (extraordinary collection) các tác phẩm nghệ thuật ở triển lãm. Những bức tranh sơn dầu cỡ lớn hiện đại nhưng mang dáng vẻ và chủ đề phảng phất như những gì nhân loại được chứng kiến về các cuộc Thánh chiến trong lịch sử, khi mà các chiến binh dũng cảm đổ máu để bảo vệ dân tộc và đức tin Kitô của mình.

“Chúng ta là người Nga! Chúa ở bên chúng ta!” — Người Nga tin rằng họ đang ở phía chính nghĩa, và Chúa đang ở bên họ.

Bước qua cổng vào thì có thể thấy ngay hình ảnh Chúa Kitô ở giữa, với bên trái là dòng chữ “Chúng ta là người Nga!” và bên phải là dòng chữ “Chúa ở bên chúng ta!”

Bên trái còn có bức tranh một giáo sỹ giơ trên tay chiếc thập tự giá, và đằng sau là các chiến binh thời trung cổ. Bên phải còn có bức tranh một kỵ sỹ trung cổ mà đằng sau là các chiến binh cùng lá cờ hình Chúa Kitô.

Đi vào trong triển lãm, có thể thấy các tác phẩm nghệ thuật.

Triển lãm mang tên “Chúng ta là người Nga! Chúa ở bên chúng ta!” ở Moskva. (Ảnh chụp màn hình video BBC)

Như thấy trong video của BBC, có bức tranh tả cảnh quân lính Nga ở chiến trường với các hình ảnh rất sống động. Vài bức tranh tả cảnh sinh hoạt của các sỹ quan chỉ huy. Một bức tranh rất lớn miêu tả các chiến binh Nga chiến thắng tay giơ cao các khẩu súng với sự gia trì ở trên trời bởi chiến linh và các thánh giả trong đức tin Chính thống Giáo Orthodox của họ. Dường như đó là về Đại Thế chiến II vì thấy lá cờ Nhật Bản bị hạ xuống, và các vũ khí và trang phục trong tranh giống như thời bấy giờ.

Triển lãm mang tên “Chúng ta là người Nga! Chúa ở bên chúng ta!” ở Moskva. (Ảnh chụp màn hình video BBC)

Một bức tranh khác mà có thể thấy rõ qua trang phục và vũ khí là cảnh các chiến binh Nga ở chiến trường Ukraine, với lá cờ mang hình Chúa Kitô được giương lên bên cạnh lá quốc kỳ 3 màu của Nga.

Triển lãm mang tên “Chúng ta là người Nga! Chúa ở bên chúng ta!” ở Moskva. (Ảnh chụp màn hình video BBC)

BBC bình luận rằng triển lãm với các hình ảnh gợi về chủ đề “Chúa Cứu Thế” này dường như mang một thông điệp rõ ràng: “Chúa vẫn luôn đứng về phía Nga, kể cả trong chiến tranh của Nga đang diễn ra ở Ukraine.”

Triển lãm mang tên “Chúng ta là người Nga! Chúa ở bên chúng ta!” ở Moskva. (Ảnh chụp màn hình video BBC)

Nhưng mà người dân Nga có nghĩ giống như vậy không? Có đúng là họ tin rằng họ là phe chính nghĩa, và Chúa đang ở bên họ? Qua phỏng vấn của BBC thì dường như đúng là như vậy.

“Đúng vậy!”, Nina – một phụ nữ Nga khoảng trên 60 tuổi, trả lời chắc chắn rõ ràng từ trong tâm với BBC.

“Tại sao?”, BBC muốn có được lời giải thích rõ ràng.

“Chúa đang giúp chúng tôi,” bà Nina trả lời. “Người Nga, nói thế nào nhỉ, làm điều chính nghĩa. Đúng thế, Chúa ở bên chúng tôi.”

BBC dẫn lời một người phụ nữ khác, Maria, cỡ 40 tuổi, trả lời khẳng định một cách chung chung rằng “Tôi nghĩ rằng Chúa ở bên mọi người, những ai mở rộng trái tim với Chúa.”

Câu chuyện BBC dẫn dắt tới chủ đề người Nga nghĩ gì về cuộc chiến Ukraine đang diễn ra, về tương lai của Nga?

“Tương lai sao? Thật không khả quan,” bà Nina thở dài và lắc đầu khi trả lời BBC. “Vì giờ người ta [đã bắt đầu] nói công khai rồi: Đây là Đại Thế chiến III.”

Bà kể rằng năm đó “từng đồn rằng [Nga] lẽ ra có thể lấy được Donbas trong 4 ngày.” Bà Nina tỏ vẻ bất đắc dĩ nói tiếp “nhưng không ai ngờ được NATO nhảy vào can thiệp.”

Anatoly, một người đàn ông trông khoảng 60–70 tuổi, có niềm tin rằng Nga sẽ đứng vững, bất chấp những “con rối” như Ukraine cùng đám “ác quỷ” như Hoa Kỳ.

“Tổ quốc chúng tôi sẽ tự do, và độc lập bất chấp những “con rối”, hãy gọi chúng là vậy, cùng đám “ác quỷ” như Hoa Kỳ.”

Ông Anatoly chất vấn phóng viên BBC —hãng tin của Vương quốc Anh, một trong những quốc gia tiên phong trong liên minh chống Nga— “Chúng tôi đã làm gì chọc tới [phương Tây] các vị chứ?!”

Trong con mắt người dân Nga, họ không gây hấn với Mỹ và Tây Âu, thậm chí họ nhìn nhận trong Đại Thế chiến II, người Nga đã hy sinh rất nhiều, trong khi Mỹ và Tây Âu hưởng lợi rất nhiều sau khi chiến thắng phe phát xít. Ngoài ra, trước chiến tranh Ukraine, dưới con mắt người Nga, thì các quan hệ thương mại giữa Nga và Tây Âu nhiều năm qua cũng là êm đẹp không vấn đề gì. Chỉ có Hoa Kỳ mới không thích Tây Âu mua dầu khí của Nga.

“Những người Nga chúng tôi, chúng tôi làm gì nào? Tại sao họ xúm lại đánh chúng tôi?”, ông Anatoly nhún vai phân trần.

“Nga tấn công Ukraine, phải không?”, phóng viên BBC đưa ra lập luận của truyền thông phương Tây. Nhưng dường như ông Anatoly, một người Nga, không tán đồng luận điệu này.

“Đương nhiên không phải. Vùng Donetsk và Luhansk nguyên vốn là của Nga,” ông Anatoly phản biện.

Phóng viên BBC lại tiếp tục luận điểm của mình “Nga đã thừa nhận độc lập của Ukraine, cùng với lãnh thổ của Ukraine rồi mà. Đúng không? Nhưng [Nga] đã tấn công nó.”

“Tấn công ai nhỉ?”, ông già vặn lại.

“[Tấn công] Ukraine. Năm ngoái,” phóng viên nói rõ.

“Anh dùng chữ “tấn công” ấy là hàm nghĩa gì?”

Rõ ràng ông già Anatoly kiên trì lý niệm về dân tộc và quốc gia theo cách mà ông hiểu, chứ không chấp nhận lối tư duy của phương Tây.

Bản sắc dân tộc

Như thấy rõ qua phỏng vấn của BBC, người Nga hôm nay không chấp nhận tuyên truyền của phương Tây. Đây không phải chỉ là vì mâu thuẫn về lợi ích, mà ở đây có sự khác biệt rất lớn về vì lý niệm về chính nghĩa, về chiến tranh, và về dân tộc.

Bản sắc dân tộc như một trong những cơ sở định hình quốc gia, đó vẫn là điều được thừa nhận trong lịch sử nhân loại hàng ngàn năm qua. Xuất phát từ đặc thù riêng của sắc tộc, định hình bởi huyết thống, sau qua quá trình phát triển thì được định ra thành tập tục, tập quán, và nhất là tín ngưỡng. Đó là bản sắc của dân tộc.

Chẳng hạn như khi Trung Quốc chiếm Tây Tạng, và làm các hoạt động đưa người Hán vào đồng hóa ở xứ đó, thì bị cộng đồng quốc tế lên án, gọi đó là “diệt chủng”. Hiển nhiên, đây không phải là nói về “diệt chủng” con người vật lý, mà là nói về diệt chủng văn hóa. Sau nhiều năm qua đi, giả thuyết nếu chính phủ lưu vong của Tây Tạng trở về quê cũ, thì người ở Tây Tạng còn nhận họ nữa không? Đó là “diệt chủng” văn hóa vậy.

Nói chung những hoạt động như xóa bỏ văn hóa, diệt trừ tín ngưỡng, và nhất là thay đổi chữ viết hay ngôn ngữ, đều là những hoạt động mang tính phá hoại và tiêu diệt bản sắc dân tộc.

Những người có đức tin vào chính giáo, đều tin rằng con người là do Thần tạo ra. Các dân tộc khác nhau, là do chư Thần khác nhau tạo ra. Đó là nguyên nhân chân chính tại sao tồn tại các bản sắc dân tộc khác nhau. Nói cách khác, bản sắc của dân tộc là có nguồn gốc rất sâu xa, xuất phát từ cội nguồn của dân tộc đó. Đó là một trong những lý do mà người có tín ngưỡng luôn tìm cách giữ gìn truyền thống của dân tộc mình.

Liên Xô —một chế độ vô thần giống Trung Quốc— cũng diễn ra quá trình tiêu diệt bản sắc dân tộc này. Điều đó thể hiện khá rõ vào lúc nó tan rã đầu thập kỷ 1990, thì người dân ở đó chợt nhận ra họ là đều là người Xô-Viết! Các bản sắc dân tộc nguyên gốc đã phai nhạt rồi.

Nước Nga dưới thời Tổng thống Vladimir Putin —một người theo niềm tin Chính thống Giáo— đã thành công gây dựng lại được bản sắc dân tộc của người Nga, phục hưng Chính thống Giáo Orthodox, niềm tin truyền thống của người dân xứ này.

Truyền thông Âu Mỹ miêu tả ông Putin như đại ma đầu. Đó là điều mà người Nga cảm thấy vô lý và không sao tiếp thu được. Cách làm đó của truyền thông của phương Tây chỉ khiến những người Nga, như ông Anatoly, gọi Âu Mỹ là “ác quỷ”. Người Nga coi ông Putin là người có công khôi phục văn hóa của họ.

Không phải dân tộc nào cũng có Putin. Không phải quốc gia nào cũng như Nga.

Ukraine, dưới con mắt người Nga, chính là một ví dụ điển hình của phía đối lập. Anh hùng dân tộc mà chính quyền Kyiv tôn thờ —như Stepan Bandera và Ivan Mazepa— thì bị người Nga coi là những kẻ phản bội (lịch sử diễn ra vậy). Giáo hội truyền thống của Ukraine thì bị chèn ép và chụp mũ không khác gì tội phản quốc. Nhà thờ —thậm chí các nhà thờ tiêu biểu nhất như Tu viện Kyiv và Nhà thờ Chính tòa Sophia ở Kyiv, các công trình lịch sử cả ngàn tuổi ấy— bị biến thành các cơ sở bảo tồn bảo tàng theo cách làm của thời Xô-Viết, v.v. Đây là những gì đang thực sự đang diễn ra ở đó.

Đương nhiên, chính quyền Kyiv không thừa nhận lối tư duy của người Nga. Họ cho rằng những gì họ đang làm là đúng. Nói cách khác, Kyiv chắc chắn có cách nhìn khác về dân tộc và quốc gia.

Kyiv có nhận thức khác, lựa chọn con đường khác, chắc chắn rồi. Nhưng cụ thể thế nào, thì khó nói rõ. Nhưng hãy nhìn vào Hoa Kỳ, quốc gia tài trợ lớn nhất cho chính quyền Kyiv hôm nay, thì có thể qua đó thấy được phần nào xu thế mà Ukraine đang theo.

Hoa Kỳ không tôn thờ bản sắc dân tộc.

Hợp chủng quốc Cờ hoa này lấy luật pháp làm nền tảng lập quốc. Hiến pháp, luật pháp. Bất kể ai nguồn gốc dân tộc hay sắc tộc nào, không quan trọng, một khi trở thành người Mỹ, thì sống theo luật Mỹ là đủ rồi. Bạn trở thành công dân Mỹ, và bạn giữ lại hay rời bỏ truyền thống của dân tộc bạn? Không quan trọng. Bạn chỉ cần sống theo luật Mỹ là đủ.

Những năm nay thế giới đang chứng kiến ở Hoa Kỳ và một số quốc gia Tây Âu những biến đổi chưa từng có trong lịch sử: Văn hóa và tín ngưỡng truyền thống đang bị xói mòn nghiêm trọng, và những thứ phản truyền thống đang dựa theo ‘luật pháp’ mà được lên vũ đài chính của xã hội.

Mỗi dân tộc và quốc gia đều có lựa chọn con đường của mình. Con đường nào mới đúng? Truyền thống? Hay cấp tiến? Có lẽ lịch sử nhân loại trong những năm tới sẽ trả lời câu hỏi này.

“Chúng ta là người Nga! Chúa ở bên chúng ta!” — Các chiến binh Nga có lẽ đang cầu nguyện. Như niềm tin của bà Nina, nếu một ngày tương lai nào đó người Nga thật sự thắng lợi, bất chấp hôm nay bị cả NATO tập trung lại đánh, thì có lẽ bà sẽ tin rằng đó chính là nhờ Chúa.

Còn các chiến binh Ukraine có lẽ đặt niềm tin nhiều hơn vào xe tăng Leopard của Đức, tên lửa Storm Shadow của Anh, và máy bay F-16 của Mỹ. Ít nhất qua các hình ảnh miêu tả về chiến tranh của chính quyền Kyiv thì thấy được con đường họ lựa chọn là như vậy.

Nhật Tân

Nhật Tân

Published by
Nhật Tân

Recent Posts

Thói quen nhịn ăn gián đoạn 16/8 làm tăng nguy cơ tử vong do tim mạch

Nhịn ăn gián đoạn 16/8 là một phương pháp giảm cân phổ biến gần đây.…

37 phút ago

Blinken: Israel thiếu “kế hoạch đáng tin cậy” để bảo vệ dân thường ở Rafah

Hôm Chủ nhật (12/5), Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết, Israel thiếu một “kế…

1 giờ ago

Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Nga bị cách chức

Điện Kremlin cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh bổ nhiệm…

1 giờ ago

Metro Bến Thành-Suối Tiên: Đề xuất sớm có chính sách giá vé

Sở GTVT TP.HCM trước đó đề xuất vé lượt thấp nhất cho chặng 5 km…

3 giờ ago

Viêm phổi do nhiễm virus Chlamydia abortus gây sảy thai hiếm gặp ở Quảng Châu

Mới đây, một phụ nữ bị viêm phổi do nhiễm "Chlamydia abortus" gây sảy thai…

4 giờ ago

Ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế giới 13.5: Cùng bước trên con đường đạo đức hồi sinh

Năm 1999, cộng đồng học viên Pháp Luân Công quốc tế đã chỉ định ngày…

4 giờ ago