Trình Hiểu Nông: Sự trỗi dậy và màu sắc chân thực của phe cánh tả ở Tây Âu
Tây Âu là nơi sinh ra tinh thần của những người phe cánh tả Mỹ đương thời, trong khi Pháp được mệnh danh là “Thủ đô của phe cánh tả châu Âu.” Đối với Đức, quê hương của chủ nghĩa Mác, đến nay nhiều người vẫn có thiện cảm với chủ nghĩa này. Từ sự trỗi dậy của phe cánh tả ở Pháp và Đức ở Tây Âu, chúng ta có thể thấy họ đã ảnh hưởng như thế nào đến nền chính trị trong nước mình, bên ngoài thì ảnh hưởng đến bầu không khí chính trị của các nước Bắc Mỹ và Đông Á. Muốn hiểu được nội tình vì sao phe cánh tả lại lộng hành ở Hoa Kỳ ngày nay, cách tốt nhất là tìm hiểu lịch sử và tình hình hiện tại của phe cánh tả ở Tây Âu.
Bài viết của Trình Hiểu Nông, thể hiện quan điểm riêng của cá nhân tác giả.
1. Sự trỗi dậy và tình thế khó khăn của Đảng Cộng sản Pháp
Pháp được coi là tấm gương của Châu Âu. Không chỉ vì Pháp là một trong những cái nôi của chủ nghĩa tân Marxist (Mác-xít) (một cái nôi khác là Đức), mà còn là vì Pháp và Đức thống trị đường lối của Liên minh Châu Âu. Nhưng hiện giờ xã hội Pháp dường như đang chuyển sang phe cánh hữu. Ngay cả ông Macron, Tổng thống Pháp, người tự quảng cáo mình là lực lượng trung lập, cũng bị ảnh hưởng nặng nề.
Pháp là thành trì của các lực lượng phe cánh tả châu Âu. Đảng Cộng sản trở nên phổ biến trong xã hội Pháp vào đầu những năm 1950, và “Thủ đô phe cánh tả của châu Âu” tại Paris ra đời từ đó. Đảng Cộng sản Pháp từng là đảng cánh tả lớn nhất ở Pháp. Đảng cánh tả còn lại là Đảng Xã hội. Đảng Cộng sản Pháp tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa Mác và từ lâu đã đi theo Liên Xô. Mục tiêu của Đảng cộng sản là xóa bỏ chủ nghĩa tư bản và xây dựng chủ nghĩa cộng sản. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Đảng Cộng sản Pháp từng trở thành đảng lớn nhất tại quốc gia này, nhưng sau đó địa vị của nó đã dần suy giảm.
Trong thời điểm có những thay đổi mạnh mẽ ở Đông Âu vào tháng 12/1990, Đại hội lần thứ 27 của Đảng Cộng sản Pháp cho rằng chủ nghĩa tư bản đang được khôi phục ở Đông Âu. Đồng thời Đảng Cộng sản Pháp không thể trở thành một Đảng Dân chủ Xã hội, phải kiên trì danh xưng Đảng Cộng sản. Các mục tiêu xã hội chủ nghĩa cũng không thể thay đổi.
Nhưng chẳng bao lâu sau Liên Xô tan rã, con đường Xô Viết của Đảng Cộng sản Pháp trở thành ảo mộng như hoa trong gương, như trăng đáy nước. Đảng Cộng sản Pháp cũng bị tấn công nặng nề. Nhưng những người Marxist ngoan cố này vẫn kiên định lấy tên Đảng cộng sản và mục tiêu đấu tranh xã hội chủ nghĩa của mình.
Cuối năm 1996, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 29 của Đảng Cộng sản Pháp đã bỏ thuật ngữ “chủ nghĩa xã hội Pháp” và thay bằng “chủ nghĩa cộng sản mới”, chủ trương cải cách chủ nghĩa cộng sản. Kết quả là đảng này ngày càng bị coi thường trong xã hội. Đến năm 2010, một lượng lớn đảng viên và cán bộ Đảng Cộng sản đã rút khỏi đảng. Số lượng đảng viên trẻ ngày càng giảm. Đảng này không thể cứu chữa, số đại biểu dân cử các cấp cũng giảm dần, năm 2010 chỉ còn một phần ba thành viên so với năm 2004.
Một trong những nguyên nhân thất bại của Đảng cộng sản Pháp là theo chủ nghĩa Mác nguyên thủy, Đảng Cộng sản Pháp tin tưởng vào việc vận động giai cấp công nhân đánh đổ chủ nghĩa tư bản. Năm 1962, công nhân công nghiệp ở Pháp chiếm 40% tổng dân số. Lúc đó Đảng Cộng sản Pháp vẫn có thể xúi giục họ. Về sau số công nhân công nghiệp giảm dần, đến năm 1989 chỉ còn 30%, giảm xuống 20% so với ngày nay. Nhóm người ủng hộ Đảng cộng sản Pháp ngày càng ít, nhiều người lao động không còn ủng hộ họ nữa.
Mác đã dự đoán trong “Tuyên ngôn Cộng sản” rằng sự phát triển của chủ nghĩa tư bản sẽ dẫn đến sự phân cực nghiêm trọng, và số lượng giai cấp công nhân sẽ tăng lên. Dự đoán này rõ ràng đã vi phạm sự thật trong tiến trình phát triển lịch sử, nên chủ nghĩa Mác đã làm hại Đảng Cộng sản Pháp.
Mặc dù Đảng Cộng sản Pháp đã suy tàn một cách không thể cứu vãn, nhưng các phiên bản cũ và mới của chủ nghĩa Mác vẫn luôn ăn sâu trong lòng nước Pháp. Sự suy tàn của Đảng Cộng sản Pháp không có nghĩa là người Pháp đã hoàn toàn từ bỏ chủ nghĩa Mác.
Ở Pháp, ảnh hưởng của chủ nghĩa Mác còn có 2 nguồn khác. Một là thứ gọi là chủ nghĩa Mác mới. Những người như Sartre, Derrida, Foucault và những người khác đã góp phần vào sự phổ biến của chủ nghĩa Mác mới. Một nguồn khác là chủ nghĩa Mao Trạch Đông, ảnh hưởng từ Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Ảnh hưởng của hai hệ tư tưởng phe cánh tả này đối với xã hội Pháp vẫn chưa bị kéo xuống bởi sự tan rã của phe Xô Viết. Họ vẫn hoạt động rất tích cực trong giới văn hóa và trí thức, tương tự như tình hình ở Hoa Kỳ.
2. “Cơn bão tháng Năm” ở Pháp đã tạo ra Phe Cánh tả Mới
Chủ nghĩa Mác mới đã ra đời và phát triển ở Pháp. Những người theo chủ nghĩa Mác nguyên thủy tin vào mô hình Stalin, ví như Sartre, vốn là thành viên của Đảng Cộng sản Pháp. Vì Đảng Cộng sản Liên Xô chỉ trích Stalin năm 1956, Sartre cảm thấy rằng nếu tiếp tục hòa nhập với trường phái luật Moscow sẽ rất đáng hổ thẹn. Vì vậy họ đã rời xa Đảng Cộng sản Pháp.
Thay vào đó, những trí thức này đã phát triển một số thứ gọi là chủ nghĩa Mác mới, được mở rộng và bao bọc bởi những ý tưởng cơ bản của chủ nghĩa Mác. Họ tự gọi mình là các lý luận “hậu hiện đại”. Nhưng sâu trong tâm thức mình, họ vẫn chủ trương đối kháng với xã hội, chống lại chủ nghĩa tư bản và theo đuổi chủ nghĩa xã hội.
Nước Pháp bị ảnh hưởng sâu sắc bởi cuộc “Cách mạng Văn hóa” của Trung Quốc. Một nhóm sinh viên đại học trẻ tuổi đã mô phỏng theo cuộc “Cách mạng Văn hóa”. Họ “nổi dậy” ở Paris vào tháng 5/1968, và được gọi là “Cơn bão tháng Năm” ở Pháp. Đó là một cuộc bãi khóa, đình công quy mô lớn. Các sinh viên phe cánh tả đã chỉ đạo cơn “Cơn bão tháng Năm”, nhằm phản đối chế độ chủ nghĩa tư bản, phản đối đường lối đấu tranh của nghị viện Đảng Cộng sản Pháp. Họ thất vọng với mô hình Liên Xô, chuyển sang chủ nghĩa Mác mới và “chủ nghĩa Mao” để tìm kiếm sự khai sáng.
Họ cho rằng các biện pháp đấu tranh truyền thống như thỉnh nguyện, đàm phán đã lỗi thời và vô dụng. Họ cần có những hành động cách mạng để không ngừng kích động những người cầm quyền, dồn họ vào thế phải dùng bạo lực trấn áp. Từ đó thức tỉnh đông đảo quần chúng nhân dân. Sau đó lại tiếp tục khiêu khích, tiếp tục đàn áp và tiếp tục thức tỉnh. Hết làn sóng này đến làn sóng khác, làn sóng sau lại cao hơn làn sóng trước, nhằm đẩy phong trào lên cao trào.
Vào thời điểm đó, những sinh viên trẻ tuổi người Pháp mặc quân phục và đội mũ quân đội màu xanh lá cây và đeo huy hiệu Mao Trạch Đông. Họ xuất hiện trên các khuôn viên và đường phố ở Paris, ăn mặc giống như Hồng vệ binh của Trung Quốc. Hơn 30 trường đại học đã bị sinh viên chiếm đóng. Những người biểu tình mang theo chân dung của Mác, Mao Trạch Đông và Che Guevara. Thậm chí họ còn có khẩu hiệu “Đi theo con đường do Mao Trạch Đông dẫn lối” và “Tạo dựng lại Công xã Paris.”
Nhóm sinh viên này là những người theo chủ nghĩa Mao, trong khi Đảng Cộng sản Pháp lại theo chủ nghĩa Moscow. Vì Bắc Kinh và Moscow không có mâu thuẫn nên Đảng Cộng sản Pháp không ủng hộ “Cơn bão tháng Năm”. Ban đầu “Cơn bão tháng Năm” chỉ là phe cánh tả tìm cơ hội và viện cớ để trút giận. Họ không có tổ chức, chương trình và kế hoạch chặt chẽ. Chẳng mấy chốc phong trào xã hội này đã sụp đổ.
“Cơn bão tháng Năm” này đã gây chia rẽ nội bộ nghiêm trọng trong phe cánh tả của Pháp. Ảnh hưởng của Đảng Cộng sản Pháp giảm sút mạnh, trong khi những người theo chủ nghĩa tân Marxist và chủ nghĩa Mao lại mở rộng tầm ảnh hưởng. Đồng thời, “Cơn bão tháng Năm” cũng truyền cảm hứng cho khối đại đoàn kết của các lực lượng cánh hữu của Pháp do Charles de Gaulle đứng đầu.
Sau đó, Đảng Cộng sản Pháp dần dần sụp đổ, nhưng Chủ nghĩa tân Marxist và Chủ nghĩa Mao Trạch Đông đã phát triển mạnh mẽ và thống trị toàn bộ giới giáo dục và văn hóa ở Pháp, thậm chí cả châu Âu. Một lượng lớn giáo viên và sinh viên học lý thuyết Mác ở các trường đại học của Pháp, ngay cả một số hiệu trưởng các trường đại học cũng là những người như vậy.
3. Phe cánh tả của Pháp đối mặt với thách thức xã hội
Phe cánh tả từ lâu đã bị ảnh hưởng bởi nhiều chủ nghĩa Marxist khác nhau, và đều thích những “điều không tưởng” cấp tiến và ngây thơ. Điều này luôn luôn xảy ra từ việc theo đuổi nồi cơm lớn xã hội chủ nghĩa đến việc theo đuổi một châu Âu thống nhất, một thế giới đại đồng và không phát thải carbon dioxide. Nhưng một khi những “điều không tưởng” này được chuyển hóa thành các chính sách xã hội, cuối cùng chúng lại thường tạo ra những kết quả cay đắng.
Ví dụ, chính sách xã hội lâu dài của phe cánh tả Pháp khoan dung với những người nhập cư Ả Rập. Họ sử dụng tư duy nổi loạn của chủ nghĩa Mác và phúc lợi xã hội để nuôi dưỡng một thế hệ thanh niên Hồi giáo chống đối xã hội, không muốn làm việc và học tập chăm chỉ. Họ đặt các cộng đồng Ả Rập ở ngoại ô miền bắc yên bình của Paris những năm 1980 thành nguồn gốc của sự hỗn loạn, đồng tình với những kẻ khủng bố và tràn vào trung tâm thành phố để đập phá và cướp bóc.
Có 6,5 triệu người nhập cư vào Pháp, chiếm 10% dân số. Trong đó 2,4 triệu người đã nhập quốc tịch, phần lớn là người Ả Rập nhập cư từ Bắc Phi. Nhiều người sống ở ngoại ô phía bắc Paris, nơi xã hội Ả Rập rất bảo vệ những kẻ khủng bố Hồi giáo. Các vấn đề tương tự cũng tồn tại ở các thành phố khác của Pháp với các mức độ khác nhau. An sinh xã hội của Pháp đã bị ảnh hưởng nặng nề.
Đối mặt với tình hình này, những người phe cánh tả ở Pháp thường có thái độ lảng tránh về mặt tinh thần. Về mặt giá trị quan, họ thường từ chối chỉ trích các phiên bản khác nhau của chủ nghĩa Mác mà bản thân và cha mẹ họ theo đuổi; giống như những người nghiện ma túy rất khó cai nghiện.
Tuy nhiên, xã hội Pháp hiện bắt đầu ghét các chính sách xã hội khác nhau được định hình bởi các xu hướng Marxist cũ và mới. Sự bất mãn xã hội tập trung vào các vấn đề an sinh xã hội trong nước. Cách đây vài năm, tờ “Le Monde” (Báo Thế giới) của Pháp đã đăng một bài báo có tựa đề “Tại sao giới trí thức tranh luận nghiêng về phe cánh hữu?”
Trong bài xã luận, người ta tin rằng giới trí thức Pháp từng thiên tả, nhưng ngày nay lại tồn tại một kiểu văn hóa bi quan và tâm lý phòng thủ trong giới trí thức Pháp. Điều tôi hiểu là những người phe cánh tả này ngày càng lo lắng về hành vi xâm phạm văn hóa và xã hội của một số người Hồi giáo Pháp. Nhưng vì các giá trị của phe cánh tả của họ là gốc rễ của hành vi này. Họ rất bất lực và không tìm thấy hy vọng, nhưng lại không muốn thừa nhận những sai lầm của mình.
Hiện giờ, chỉ còn một năm nữa là đến cuộc bầu cử tổng thống Pháp tiếp theo. An ninh xã hội của Pháp rất tồi tệ do nạn nhập cư, các cuộc tấn công khủng bố và bạo loạn ở ngoại ô. Từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 5, liên tiếp xảy ra các vụ tấn công bạo lực nhằm vào các sĩ quan cảnh sát trên khắp nước Pháp. Các nghi phạm rõ ràng đã bị mê hoặc bởi chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan. Người dân Pháp rất bất bình trước việc Tổng thống Macron “không hành động” trong vấn đề an sinh xã hội.
Ngày 10/5, “Valeurs Actuelles” (Giá trị đương đại), kênh truyền thông cánh hữu nổi tiếng của Pháp, đã đăng tải một tuyên bố, rằng các sĩ quan và binh lính Pháp đã cảnh báo Tổng thống Macron. Có hơn 200.000 binh sĩ cùng ký tên, chiếm 3/4 trong số 270.000 quân nhân của Pháp. Tuyên bố chỉ ra rằng Pháp đang ở trong tình trạng “bất ổn xã hội” với các vụ bạo lực thường xuyên xảy ra. Bản tuyên bố kêu gọi mọi tầng lớp xã hội ở Pháp vươn lên và tránh trở thành một “Etat failli” (quốc gia thất bại). Quan điểm này đã được mọi tầng lớp xã hội ở Pháp công nhận.
Tổng thống Macron đại diện cho lực lượng trung lập khi ông đắc cử năm 2017, nhưng ghế của ông trong quốc hội khá thấp. Lúc đó phe cánh tả của Pháp bị đánh bại, Đảng Cộng sản Pháp bị đánh bại và ghế trong nghị viện của Đảng Xã hội ôn hòa đã giảm từ 277 ghế xuống còn 40 ghế. Và giờ đây lực lượng trung lập của Tổng thống Macron cũng đang phải đối mặt với áp lực ngày càng lớn. Bởi chính sách của ông vẫn đang tiếp tục đường hướng cơ bản của các nhà cầm quyền phe cánh tả trước đây.
4. “Phe Hồng quân” ở Đức vào thế kỷ trước
Xã hội Đức cũng có ấn tượng tốt về chủ nghĩa Mác. Trong nửa cuối thế kỷ trước, không chỉ Đảng Dân chủ Xã hội Đức vẫn tôn sùng Mác, mà nhiều người Đức cũng có ấn tượng khá tốt về nhóm khủng bố “phe Mao Trạch Đông”. Sau khi thống nhất, xã hội Đông Đức lại càng hoài niệm chủ nghĩa xã hội của những người cộng sản trước đây.
Những năm 1970, một nhóm bạo lực “Lữ đoàn Hồng quân” xuất hiện ở Tây Đức. Khẩu hiệu của họ là chủ nghĩa Mác cộng với chủ nghĩa Mao. Phần của chủ nghĩa Mác là xóa bỏ chủ nghĩa tư bản, phần của chủ nghĩa Mao là cách mạng bạo lực. Họ bắt đầu bằng việc đốt phá, bắt cóc, ám sát và tống tiền ở Tây Đức.
Ngày 2/4/1968, các thủ lĩnh của thế hệ đầu tiên của “Lữ đoàn Hồng quân” (Andreas Baader) và Gudrun Ensslin đã phóng hỏa hai cửa hàng bách hóa ở thành phố Frankfurt. Họ cho rằng điều này để phản đối phương thức tiêu dùng của xã hội tư bản. Vụ cháy gây thiệt hại 700.000 Mác Đức (tương đương gần 10 tỷ VNĐ). Lúc đó, cuộc điều tra dân ý của Tây Đức cho thấy 40% người dân Tây Đức ủng hộ họ. Nhiều người đã tự nguyện cung cấp những ngôi nhà bí mật cho các thành viên của “Lữ đoàn Hồng quân”. Khi những người này bị bắt giam, trong xã hội đã dấy lên một làn sóng ủng hộ “Lữ đoàn Hồng quân”.
Tổ chức khủng bố này đã tham gia vào các hoạt động khủng bố ngầm suốt 28 năm. Gồm việc bắt cóc và giết hại ông Siegfried Buback, Tổng chưởng lý Liên bang Đức và ông chủ ngân hàng Jürgen Ponto… Từ tháng 9 đến tháng 10/1977, họ cũng bắt cóc và giết hại ông Hanns-Martin Schleyer, chủ tịch Liên đoàn Người sử dụng lao động Đức. Sau khi vụ việc xảy ra, những thành viên chủ chốt này đã trốn sang Đông Đức để tránh sự truy đuổi của Tây Đức. Các vụ giết người, đánh bom và cướp bóc của “Lữ đoàn Hồng quân” từ năm 1970 đến năm 1998 đã khiến 34 người chết và hơn 200 người bị thương. Đến nay, những vụ việc này vẫn chưa được điều tra đầy đủ.
Sau khi Đông Đức sụp đổ, những kẻ khủng bố “Lữ đoàn Hồng quân” ẩn náu ở Đông Đức đã ngang nhiên trở về Tây Đức, tổ chức nên Đảng Xanh, trụ cột tuyến hai của họ, và bước lên chính trường Đức. Những năm gần đây, đảng Marxist cũ, Đảng Dân chủ Xã hội Đức, đã sa sút, trong khi Đảng Xanh lại nhân danh chủ nghĩa môi trường, thu hút nhiều cử tri phe cánh tả. Bà Merkel sắp rời nhiệm sở. Theo phân tích, đảng của bà Merkel có thể sẽ phải gia nhập đảng Xanh để tham gia cầm quyền trong cuộc bầu cử Đức vòng tới.
Ở Đức, không chỉ thế hệ người Đức lớn tuổi vẫn tôn sùng Mác, ngay cả những người trẻ tuổi cũng vậy. Những người Marxist Đức cũng giống như những người Marxist Mỹ, họ cảm thấy việc tin vào chủ nghĩa Mác, tôn thờ và theo đuổi chủ nghĩa Mác không phải là một điều đáng xấu hổ, mà là một niềm vinh dự.
Chủ nghĩa Mác đã gây tác hại lớn cho xã hội loài người trong thế kỷ trước. Chế độ theo chủ nghĩa Mác của ĐCSTQ vẫn là mối đe dọa lớn nhất đối với hòa bình thế giới trong thế kỷ này. Những người theo chủ nghĩa Mác ở Đức luôn mở miệng nói về lương tri và chính nghĩa, nhưng ngày nay họ vẫn tiếp tục tuân thủ các giá trị của chủ nghĩa Mác. Đây chẳng phải chính là sự phản bội lương tri của nhân loại và công bằng xã hội hay sao?
5. Các giá trị của xã hội Đông Đức sau khi nước Đức thống nhất vẫn được giữ nguyên
Điều quan trọng cần chỉ ra là sau khi nước Đức thống nhất, nước này đã không chỉ trích các giá trị của chủ nghĩa Mác được chế độ cộng sản cũ nhồi nhét trong xã hội Đông Đức. Tây Đức vốn có ấn tượng tốt với chủ nghĩa Mác, đã thống nhất với xã hội Đông Đức, nơi cưỡng ép nhồi nhét các giá trị của chủ nghĩa Mác. Vậy nên “sự thống nhất” này đã không hoàn thành công cuộc cải tạo xã hội và đã để lại dấu ấn đỏ đậm (cách mạng) trên đất nước Đức.
“Cải tạo xã hội” có nghĩa là nếu xã hội cộng sản nguyên thủy muốn thoát khỏi xiềng xích của chủ nghĩa Mác nguyên thủy. Điều này cần đa số thành viên xã hội phải tham gia vào quá trình tái thiết xã hội, làm sạch di sản tinh thần do Đảng Cộng sản cầm quyền lưu lại. Đồng thời cần tái hình thành các giá trị quan và khái niệm đạo đức tương thích với thể chế dân chủ, nền kinh tế tự do và xã hội dân sự.
Ba Lan, Tiệp Khắc và Hungary ở Trung Âu đã làm điều này. Họ đã thành lập một tầng lớp chính trị tinh anh mới bao gồm các trí thức bất đồng chính kiến và một số cựu quan chức Đảng Cộng sản cởi mở. Họ đưa ra 3 khẩu hiệu tái thiết xã hội, gồm “Sám hối”, “Thanh lọc tâm hồn” và “Hy sinh”. Điều này đã nhận được sự ủng hộ đáng kể trong xã hội.
“Sám hối” nghĩa là mọi người nên nhận ra những sai lầm trong đường lối cai trị của Đảng Cộng sản thông qua việc suy ngẫm và phản tỉnh. “Thanh lọc” nghĩa là mọi người nên loại bỏ dần những giá trị quan và quan niệm đạo đức của Đảng Cộng sản trong suy nghĩ của mình, nhằm đạt được sự thanh lọc trong tâm hồn. “Hy sinh” là các thành viên của xã hội được yêu cầu từ bỏ lợi ích được trao cho họ trong thời đại cộng sản, thành việc hy sinh cho sự chuyển đổi của chế độ.
Ở Đức, Tây Đức chỉ đầu tư mạnh vào Đông Đức về mặt kinh tế, và chỉ trích chính trị cảnh sát mật (Stazi) trước đây của Đông Đức. Nhưng Tây Đức lại từ chối chỉ trích chủ nghĩa Mác, bởi những lời chỉ trích đó sẽ giáng vào những người phe cánh tả Tây Đức. Kết quả là, Đông Đức đã không thực hiện tái thiết xã hội, mà là được kêu gọi “vượt qua quá khứ”. Chính sách “hướng tới tương lai” này đã loại bỏ các giá trị và quan niệm đạo đức bị tẩy não trong thời kỳ cầm quyền của Đảng Cộng sản và cho phép nó tiếp tục ảnh hưởng đến xã hội.
Cách làm này tuy tránh được sự chia rẽ trong xã hội nhưng lại tạo ra tâm lý “ăn cháo đá bát” như cư dân thành thị Trung Quốc những năm 1980. Nhiều người Đông Đức tin rằng việc thống nhất nước Đức không gì khác ngoài chiến thắng của người Tây Đức và thất bại của chính họ. Để xoa dịu người dân Đông Đức, đảng cầm quyền phe trung lập của Đức đã chọn bà Merkel, một người lớn lên ở Đông Đức, làm thủ tướng.
6. Dấu ấn đỏ của Merkel và phe cầm quyền cánh tả của Đức
Bà Merkel là thành viên của đoàn thanh niên trong thời kỳ cộng sản cai trị. Bà đã sống ở Đông Đức 35 năm. Bà tham gia chính trị sau khi thống nhất, nhưng không bao giờ chỉ trích nền văn hóa cộng sản mà bà đã tiếp nhận khi trưởng thành. Ngược lại, khi nhìn lại, bà nói: “Tôi có một thời thơ ấu tuyệt vời. Phương Tây thường phớt lờ điều này, không phải tất cả cuộc sống ở Đông Đức đều là chính trị.”
Những lời của bà Merkel thực sự đang biện minh cho Đảng Cộng sản Đông Đức một cách ngụy tạo. Sau khi bà Merkel lên nắm quyền, bà đã ủng hộ ĐCSTQ. Tất nhiên, có những yếu tố khiến nền kinh tế của Đức phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, nhưng bà cũng bị ảnh hưởng bởi cảm tình với Đảng Cộng sản mà bà đã nuôi dưỡng khi còn trẻ.
Tư tưởng và những tuyên bố của bà Merkel rất phổ biến ở người Đông Đức. Sau khi nước Đức thống nhất, tôi đã sang Đức nhiều lần, và lần nào gặp lại các cựu trí thức Đông Đức. Họ thường có ấn tượng tốt về Trung Quốc và thất vọng tràn trề vì mất đi những lợi ích có được trong chế độ xã hội chủ nghĩa. Thái độ của bà Merkel đối với thể chế Đảng Cộng sản không chỉ phản ánh giá trị cá nhân của bà, mà còn phản ánh giá trị của nhiều người dân Đức. Rất khó để một dân tộc và một đất nước như vậy thoát ra khỏi cái bóng của chủ nghĩa Mác.
Hiện giờ những nhà cầm quyền trong tất cả các lĩnh vực ở Đức là những người thuộc thế hệ năm 1968. Nói chung họ đều thiên tả, tôn sùng cách mạng của phe cánh tả và tôn sùng Mao Trạch Đông. 40 năm qua, xã hội và giới chính trị của Đức ngày càng trở nên tả hóa. Điều này đặc biệt nổi cộm trong giới trí thức cao cấp, các chính khách, tầng lớp trung lưu và giới tinh hoa văn hóa của Đức.
Liên minh Cơ đốc giáo (CDU) của bà Merkel ban đầu là một đảng trung lập thiên hữu ở Tây Đức. Bà Merkel lên nắm quyền và thành lập chính phủ liên minh với Đảng Dân chủ Xã hội phe cánh tả. Nhằm lấy lòng phe cánh tả, chính sách của bà khá thiên tả. Đa số các thành viên của Quốc hội Liên bang Đức cũng thuộc phe cánh tả. Hầu hết các chính quyền tiểu bang đều bị chi phối bởi những người phe cánh tả. Do đó, xu hướng chủ đạo của chính trị Đức là tư duy cánh tả và các lực lượng cánh tả, họ chi phối đường lối chính sách của Cộng hòa Liên bang Đức.
Giới tinh hoa chính trị và xã hội ở Đức đã không tiếc công sức thúc đẩy sự hội nhập của Liên minh Châu Âu. Bản chất của nó là phi Đức hóa, phi quốc gia hóa và phi dân tộc hóa. Hội nhập Châu Âu trong giấc mơ của họ là một Châu Âu không có biên giới và sắc tộc. Vì lý do này, họ tiếp tục loại bỏ ý thức quốc gia và ý thức dân tộc của Đức. Họ muốn Đức hòa tan vào đại gia đình của Liên minh Châu Âu. Đây là một trong những lý do khiến làn sóng tị nạn năm 2015 vượt khỏi tầm kiểm soát ở Đức.
Một khi chính sách của phe cánh tả thất bại, “gen” Marxist trong hệ thần kinh của họ sẽ khiến họ từ bỏ nền dân chủ và ôm lấy chế độ chuyên quyền. Ví dụ, năm 2015, đã có những lời chỉ trích về chính sách nhập cư cởi mở ngớ ngẩn trong xã hội Đức. Chính phủ Đức bắt chước chế độ độc tài cộng sản, cấm báo chí đưa tin tiêu cực về tội phạm nhập cư. Công nhân viên chức nhà nước sẽ bị trục xuất khỏi văn phòng nếu công khai chỉ trích họ. Chính phủ Đức thậm chí còn sử dụng cơ quan phản gián của mình.
Cơ quan Bảo vệ Hiến pháp Quốc gia đã tìm đến Hoa Kỳ và yêu cầu những người Hoa Kỳ chỉ trích chính sách nhập cư của Đức phải im lặng. Sự tôn sùng chủ nghĩa Mác của phe cánh tả phương Tây đã phản ánh đặc điểm chuyên quyền trong tư tưởng của chủ nghĩa Mác mọi lúc, mọi nơi. Điều này cũng đúng với Hoa Kỳ ngày nay.
Trình Hiểu Nông, Epoch Times
(Bài viết thể hiện quan điểm riêng của cá nhân tác giả.)
Xem thêm:
Từ khóa Đức chủ nghĩa cộng sản Phe cánh tả Trình Hiểu Nông Tâu Âu Chủ nghĩa Mác-Lênin Pháp