Trung Quốc cử đặc phái viên tới Ukraine sau khi ông Tập điện đàm với TT Zelensky

Trung Quốc sẽ cử một đặc phái viên tới Ukraine và “các quốc gia khác” sau cuộc điện đàm đầu tiên giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược của Nga, tờ SCMP đưa tin.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky nói chuyện qua điện thoại hôm 26/4 (Ảnh: KurKestutis/ Shutterstock)

Trong cuộc điện đàm kéo dài gần một giờ, ông Tập nói với ông Zelensky rằng “đối thoại và đàm phán” là “lối thoát duy nhất” cho cuộc chiến giữa Nga và Ukraine, vốn đã dẫn đến thương vong trực tiếp cho khoảng hơn 350.000 binh sĩ.

Ông Tập nhấn mạnh rằng Trung Quốc luôn “đứng về phía hòa bình”, theo đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV.

Là người khởi xướng cuộc gọi, ông Zelensky mô tả buổi nói chuyện là “dài hơi và có ý nghĩa” và cho biết nó sẽ “tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển quan hệ song phương của chúng ta”, theo một thông điệp đăng trên Twitter.

Ông Tập nói với ông Zelensky rằng Trung Quốc sẽ cử một phái đoàn do Li Hui, đại diện đặc biệt của Bắc Kinh về các vấn đề Á-Âu, làm đặc phái viên tới Kyiv và “các quốc gia khác”.

Ông cho biết đặc phái viên sẽ giúp tiến hành “giao tiếp chuyên sâu” với tất cả các bên liên quan để “tìm kiếm một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Ukraine”.

Ông Li là đại sứ Trung Quốc tại Nga từ năm 2009 đến 2019 và là gương mặt quen thuộc đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết Moscow đã “lưu ý đến việc Trung Quốc sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc đàm phán với Ukraine”.

“Chúng tôi ghi nhận sự sẵn sàng của phía Trung Quốc trong nỗ lực thiết lập quá trình đàm phán,” bà Zakharova nói trong một cuộc họp báo hôm thứ Tư.

Cuộc gọi diễn ra vào thời điểm quan trọng trước cuộc phản công dự kiến của Ukraine, vốn có thể xảy ra vào đầu tuần tới, theo báo cáo của các phương tiện truyền thông về các tài liệu bị rò rỉ của Lầu Năm Góc.

Trước đó, hồi tháng Hai, Trung Quốc đã đưa ra một kế hoạch nhằm “môi giới hòa bình” giữa Ukraine và Nga. Ông Putin đã gặp trực tiếp ông Tập vào tháng 3 và nói vào thời điểm đó rằng kế hoạch của Trung Quốc có thể cung cấp “cơ sở để chấm dứt xung đột”.

Điều này khiến ông Tập trở thành nhà lãnh đạo duy nhất của một cường quốc đề xuất kế hoạch hòa bình mà cả ông Putin và ông Zelensky đều cho biết họ sẽ xem xét. Các nhà lãnh đạo của Pháp, Đức, Ấn Độ và Brazil cũng đã nói chuyện với cả hai bên, nhưng không bên nào đưa ra được một đề xuất hòa bình khả thi.

Trung Quốc đã phải đối mặt với sự chỉ trích ngày càng tăng từ phương Tây về việc từ chối lên án cuộc xâm lược của Nga và mối quan hệ kinh tế chặt chẽ với Moscow.

Ông Tập đã có nhiều cuộc điện đàm với ông Putin kể từ sau cuộc xâm lược và thậm chí đã gặp mặt trực tiếp nhà lãnh đạo Nga tại Moscow vào tháng Ba.

Trong chuyến thăm Trung Quốc hai tuần trước, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã thúc giục ông Tập gọi cho ông Zelensky.

Theo bà von der Leyen, ông Tập đã trả lời rằng cuộc trò chuyện có thể diễn ra khi “các điều kiện và thời điểm phù hợp”.

Trong cuộc điện đàm hôm thứ Tư, ông Tập cam kết hợp tác lâu dài với Ukraine và nói rằng tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau là nền tảng của quan hệ Trung Quốc – Ukraine. Tuy vậy, ông không đề cập đến cuộc xâm lược hay nước Nga.

CCTV trích dẫn lời ông Tập Cận Bình cho hay: “Bất kể tình thế quốc tế thay đổi như thế nào, Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Ukraine để thúc đẩy hợp tác cùng có lợi”.

Tuy vậy, không có đề cập nào về cách thức đàm phán hòa bình sẽ được tiến hành như thế nào. 

Không trực tiếp nêu tên Mỹ, ông Tập nói với ông Zelensky rằng Trung Quốc sẽ không bao giờ “đổ thêm dầu vào lửa” trong cuộc chiến hoặc tìm cách lợi dụng nó.

Các tuyên bố chính thức của Trung Quốc thường sử dụng các thuật ngữ này để chỉ trích việc phương Tây cung cấp vũ khí cho Ukraine.

Cuộc chiến bắt đầu từ ngày 24 tháng 2 năm 2022 chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Nga cũng tuyên bố sẽ triển khai một số vũ khí hạt nhân của mình ở Belarus, làm dấy lên lo ngại xung đột có thể leo thang thành chiến tranh hạt nhân.

Ông Tập hôm thứ Tư cũng cảnh báo tất cả “các bên liên quan” “giữ bình tĩnh và kiềm chế” khi nói đến vũ khí hạt nhân, và “cùng quản lý cuộc khủng hoảng với quan điểm về tương lai và vận mệnh của loài người”.

Ông Zelensky nói với ông Tập rằng Ukraine sẽ tuân thủ “nguyên tắc một Trung Quốc” và mong muốn hợp tác toàn diện với Bắc Kinh, CCTV cho biết.

Ông cũng cảm ơn Trung Quốc vì viện trợ nhân đạo cho Ukraine và hoan nghênh những nỗ lực của Trung Quốc nhằm thúc đẩy hòa bình và đối thoại, báo cáo cho biết.

Ông Zelensky đã chỉ định Pavel Ryabikin, cựu bộ trưởng công nghiệp chiến lược Ukraine, làm đại sứ mới tại Bắc Kinh.

Vị trí này đã bị bỏ trống kể từ ngày 14 tháng 2 năm 2021, khi đặc phái viên của Kyiv khi đó tại Bắc Kinh, Serhii Oleksiyovych Kamyshev, qua đời.

Washington đã phản ứng thận trọng đối với cuộc điện thoại. John Kirby, phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ, cho biết còn quá sớm để nói liệu cuộc gọi có dẫn đến một đề xuất hòa bình hay không.

Lê Vy (theo SCMP)

 

Lê Vy

Published by
Lê Vy

Recent Posts

Truyền thông: Đàm phán Israel – Hamas ‘bế tắc’

Đài truyền hình Kan của Israel dẫn các nguồn tin giấu tên cho biết các…

2 giờ ago

Loại ma túy mới được phát hiện ở Thâm Quyến, “ma túy thây ma” tràn lan tại TQ

Hôm 18/5, tin “Một loại ma túy mới thường được gọi là ‘thuốc thây ma’ được…

4 giờ ago

Nghiên cứu: Có một loại cảm xúc làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ

Một nghiên cứu mới gần đây đã phát hiện ra rằng có một loại cảm…

8 giờ ago

Cuộc tranh biện tổng thống Trump-Biden ngày 27/6 trên CNN có gì đặc biệt?

Tổng thống Biden và cựu Tổng thống Donald Trump đã nhận lời và sẽ tham…

9 giờ ago

Kiên Giang khánh thành tượng đài Hồ Chí Minh

Công trình Quảng trường trung tâm và Tượng đài ông Hồ Chí Minh chiếm diện…

10 giờ ago

Tỉnh ủy Bình Phước chỉ đạo vụ Tỉnh ủy viên xâm hại đồng tính

Giới chức Đảng và chính quyền tỉnh Bình Phước xác nhận đang làm rõ vụ…

13 giờ ago