WSJ: Zelensky đã duyệt vụ đánh nổ đường Nord Stream, và thất bại khi muốn ngăn chặn nó
- Nhật Tân
- •
Bắt đầu từ “một tối say xỉn,” như tiêu đề câu chuyện đăng hôm 14/8, Tạp Chí Phố Wall kể ra cho toàn thế giới cái mà được tạp chí gọi là “sự thật đích thực” đằng sau vụ nổ đường ống Nord Stream gần 2 năm trước, rằng đó một hoạt động do vài người làm ăn tư nhân tài trợ một cách eo hẹp, nhưng được Tổng thống Ukraine Volodymyr Zenlensky đồng ý, sau đó được một số người trong quân đội đứng đầu thúc đẩy mà thành. Theo tạp chí, kỳ thực CIA của Mỹ đã yêu cầu ông Zelensky dừng tay. Nhưng dẫu rằng Zelensky nghe theo người Mỹ, nhưng ông đã thất bại khi muốn ngăn chặn vụ việc xảy ra.
Khi nói về vụ nổ đường ống Nord Stream, đại tá Mỹ về hưu Douglas Macgregor đã từng nói rằng giữa Nga và Đức có mối quan hệ song phương truyền thống thâm sâu về kinh tế. Người Đức cần tài nguyên từ người Nga, trong khi người Nga cần các sản phẩm chính xác và công nghệ cao từ người Đức. Để dẫn chứng, ông đã chỉ ra rằng khi người Mỹ thuyết phục người Nga quyết tâm đánh Đức Quốc xã thời Đại Thế chiến II, người Mỹ đã cam kết sẽ cung ứng cho người Nga những gì người Nga vốn nhập khẩu từ Đức. Làm như vậy, Mỹ vừa đạt được mục đích chém đứt lệ thuộc của Nga vào Đức, vừa khiến lệ thuộc vào Mỹ tăng lên, từ đó đạt được quyết tâm cùng chiến tuyến chống phát xít thời bấy giờ.
Vụ đánh nổ đường ống Nord Stream, đường ống đảm bảo việc Nga cung ứng khí đốt ổn định cho Đức cùng một số nước lân cận ở Châu Âu, xem ra cũng đã đạt được những gì tương tự với điều mà Mỹ đã từng làm vào gần 1 thế kỷ trước. Chỉ là lần này vai trò Nga và Đức tráo đổi mà thôi. Hơn thế nữa, đường dẫn khí đốt từ Nga qua Ukraine bán cho Châu Âu vẫn được giữ lại hoạt động, khiến Ukraine có thêm trọng lượng trong tiếng nói đàm phán của mình.
Đánh nổ đường ống Nord Stream vào tháng 9/2022, chỉ 6 tháng sau khi chiến tranh Ukraine nổ ra, đã được tờ báo Mỹ WSJ gọi đó là một kế hoạch “kỳ quái” khi miêu tả “một kế hoạch kỳ quái như thế kỳ thực đã xuất hiện trong quán bar vào giờ đóng cửa.”
Theo câu chuyện của WSJ, vào tháng 5/2022, một số sỹ quan cao cấp của quân đội Ukraine cùng một số doanh nhân của đất nước mà nền kinh tế chủ yếu nằm trong tay các trùm oligard này, đang cùng nhau nâng cốc trong một buổi tụ tập. Bị kích thích bởi chất cồn trong rượu và lòng ái quốc nóng bỏng, ai đó trong số họ đã đề ra ý tưởng: Đánh nổ đường ống dẫn khí đốt Nord Stream.
Suy cho cùng, hai đường ống Nord Stream 1 và 2 đang cung cấp hàng tỷ đô-la cho điện Kremlin, thế thì, còn cách nào tốt hơn nữa khiến Tổng thống Nga Vladimir Putin phải trả giá cho hành động của mình cơ chứ?
Vì lý do nào đó, việc Ukraine đang kiếm lợi cho đến nay bằng cách nhiều lần tăng thu phí buôn bán khí đốt Nga khi đi qua lãnh thổ mình đã không được nhắc đến trong bối cảnh của câu chuyện này.
Chỉ hơn 4 tháng sau, WSJ miêu tả, vào rạng sáng ngày 26/9/2022, các nhà địa chấn học vùng Scandinavia đã thu được những tín hiệu cho thấy một trận động đất dưới nước hoặc vụ phun trào núi lửa cách đó hàng trăm dặm, gần đảo Bornholm của Đan Mạch. Kỳ thực, đó không phải động đất hay núi lửa. Chúng là 3 vụ nổ mạnh với lượng khí đốt tự nhiên được giải phóng lớn nhất từng được ghi nhận, tương đương với lượng khí thải CO2 hàng năm của cả một quốc gia Đan Mạch.
Là một trong những hành động phá hoại táo bạo nhất trong lịch sử hiện đại, vụ việc này đã làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu, một cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng quan trọng, mà có thể được coi là hành động chiến tranh theo luật pháp quốc tế, tờ WSJ viết.
Sau đó, các thuyết phỏng đoán xoay quanh việc ai chịu trách nhiệm đã tràn ngập giới truyền thông toàn cầu. Đó có phải như Seymour Hersh nói là do là CIA không? Hay chính là Tổng thống Putin đã làm? Vân vân và vân vân.
“Tôi luôn phá ra cười khi đọc những đồn đoán của giới truyền thông về các kiểu hoạt động lớn như nào là liên quan đến các cơ quan bí mật, tàu ngầm, máy bay không người lái, hay thậm chí cả vệ tinh”, một sỹ quan tham gia vào vụ này nói với WSJ. “Toàn bộ sự việc kỳ thực được sinh ra từ một đêm say rượu cộng với quyết tâm sắt đá của một nhóm nhỏ những người gan lớn đang liều mạng vì đất nước của mình.”
Như WSJ có được thông tin từ những người trong cuộc, vụ này tiêu tốn khoảng 300.000 USD. Họ cần thuê một chiếc du thuyền, một thủy thủ đoàn gồm 6 thành viên, trong đó có các thợ lặn được đào tạo với chuyên môn cao, và một nữ nhân.
Lý do hiện diện của 1 nữ trong cả đám đàn ông là để ngụy trang, là để ngoại giới lầm tưởng đó là một nhóm bạn bè đang trong một chuyến du hành nào đó lãng mạn ở vùng biển Baltic.
Theo tin mà WSJ lấy được từ 1 quan chức trong cuộc và 3 người ngoài cuộc nhưng biết chuyện này, thì Tổng thống Zelensky đã đích thân phê duyệt. Tổng tư lệnh toàn quân Ukraine, bấy giờ là ông Valery Zaluzhny, đã dẫn đầu cho các nỗ lực để vụ việc diễn ra, theo lời kể.
Sau đó, cơ quan tình báo lừng danh CIA của Mỹ biết được, và người Mỹ yêu cầu ông Zelensky dừng tay, theo nguồn tin nói cho WSJ.
Ông Zelensky đã nghe theo người Mỹ, nhưng không thành công ngăn chặn vụ việc. Theo nguồn tin kể với WSJ, thì 4 quan chức cao cấp trong quân đội Ukraine, những người tham gia vào vụ việc, đã nói rằng người Ukraine tin rằng đường ống Nord Stream là mục tiêu hợp pháp, là mục tiêu chiến tranh hợp pháp.
Như WSJ đưa tin, người Đức trong quá trình điều tra vụ việc trong gần 2 năm qua, đã điều tra những tài khoản và hoạt động của những người này. Tuy nhiên, Đức nói rằng họ không có được bằng chứng nào cho liên kết giữa Tổng thống Zelensky và hoạt động phá hoại ấy.
WSJ cũng liên hệ với cựu Tổng tư lệnh Zaluzhny, người hiện làm Đại sứ của Ukraine tại Anh quốc, và ông Zaluzhny nói ông không biết bất kỳ điều gì về hoạt động đánh nổ đường ống Nord Stream như tường thuật trong câu chuyện.
Một quan chức cao cấp trong tình báo Ukraine mà WSJ không nêu tên, đã thẳng thừng phủ nhận sự tham gia chính quyền Ukraine trong vụ này, cũng phủ nhận sự tham gia của Tổng thống Zelensky, rằng “không chấp thuận thực hiện bất kỳ hành động nào như vậy trên lãnh thổ thứ ba, và cũng không đưa ra bất kỳ mệnh lệnh nào liên quan.”
Theo phân tích của WSJ, câu chuyện này có thể làm rạn nứt, thậm chí lật ngược, quan hệ giữa Berlin và Kiev. Từ đầu chiến tranh Ukraine đến nay, Đức vẫn luôn là quốc gia đứng đầu Tây Âu trong các hoạt động ủng hộ Kiev, cả về quân sự và kinh tế. Những nỗ lực chiến tranh mà Đức đổ vào Ukraine chỉ nhỏ hơn đầu tư của Mỹ mà thôi.
“Một cuộc tấn công quy mô này là [ở tầm cỡ] đủ lý do để kích hoạt điều khoản phòng thủ tập thể của NATO,” một quan chức cao cấp của Đức đã bình luận về vụ tấn công tài sản kinh tế then chốt trên biển Baltic như vậy. “Vấn đề là cơ sở hạ tầng quan trọng của chúng tôi đã bị phá hủy bởi một quốc gia mà chúng tôi hỗ trợ với các chuyến hàng vũ khí khổng lồ và hàng tỷ USD tiền mặt.”
Trong câu chuyện mà WSJ đăng tải, còn nhiều chi tiết nữa.
Về nguồn tiền cho hoạt động bí mật, WSJ dẫn lời những người trong cuộc, là do các doanh nhân tư nhân Ukraine cung cấp. Thỏa thuận được lập vào tháng 5/2022 giữa những doanh nhân này và quân đội Ukraine. Lý do là vì quân đội Ukraine không có tiền. Tài chính của quân đội kỳ thực toàn là do các đồng minh Âu Mỹ cung ứng.
WSJ dẫn lời một quan chức tham gia vụ việc này, rằng đây là loại hình “hợp tác giữa công và tư” của Ukraine. Ông cũng là người báo cáo trực tiếp với Tổng tư lệnh Ukraine, tướng 4 sao Zaluzhny.
Một chi tiết nữa trong câu chuyện, ấy kế hoạch được trình cho Tổng thống Zelensky vài ngày sau đó, và nó đã được tổng thống phê duyệt.
Nhưng 1 tháng sau, cơ quan tình báo quân sự Hà Lan đã biết được chuyện này, và cảnh báo cho CIA. Cơ quan tình báo Mỹ bèn nói với văn phòng tổng thống Ukraine rằng hãy dừng việc này lại.
Tổng thống Zelensky đã truyền lời cho Tổng tư lệnh Zaluzhny. Nhưng mà, ông Zaluzhny đã phớt lờ mệnh lệnh. Đó là những gì mà người trong cuộc kể với WSJ.
Đầu năm nay, ông Zaluzhny đã bị sa thải khỏi vị trí quân sự của mình bởi tổng thống Zelensky. Ông Zaluzhny được giới truyền thông các phe cùng nhận định là đối thủ chính trị tiềm năng mạnh đối với ông Zelensky trong bối cảnh chính trị trong nước.
Vị trí mới của ông, Đại sứ Ukraine tại Anh quốc, theo phân tích của WSJ, dường như có thể giúp ông miễn trừ truy tố nếu ông bị xác thực đúng là tham gia vụ đánh nổ đường ống Nord Stream.
Theo diễn biến mới nhất, người Đức đã ban hành trát bắt một công dân Ukraine, nghi phạm của vụ Nord Stream này. Nhưng nghi phạm này đã tài tình thoát khỏi bàn tay của cơ cấu thực hành pháp luật khi ông ta trốn khỏi Ba Lan, chỉ 1 tháng sau khi Đức gửi lệnh bắt người cho nhà nước Ba Lan.
WSJ dẫn từ nguồn thạo tin cho biết, kỳ thực đó là các nhà chức trách Ba Lan đã không thực hiện theo mệnh lệnh. Điều này đã giáng mạnh một đòn vào Đức, khiến cuộc điều tra của Đức vì thế đã trở nên cực kỳ khó khăn, khi đồng phạm đã có thể lẩn trốn.
Nhật Tân (theo WSJ)
Xem thêm:
Từ khóa Dòng sự kiện Chiến tranh Nga - Ukraine nổ đường ống Nord Stream Nord Stream