Bình Dương đề nghị ‘cấm cửa’ 6 bác sĩ hành nghề khắp cả nước
- Minh Long
- •
Theo giới chức Bình Dương, 6 bác sĩ được tỉnh cấp kinh phí đi học và hỗ trợ tiền theo dạng thu hút nhân lực, nhưng không làm đúng cam kết và tự ý nghỉ việc.
- Mong ‘hãm’ làn sóng y bác sĩ nghỉ việc, Bình Dương tính tăng lương tối đa gấp 3 lần
- Đồng Nai rối bời trong ‘cơn bão’ y bác sĩ nghỉ việc
- Bị nợ lương, lương thấp, hàng loạt y bác sĩ ở Gia Lai nghỉ việc dù bị kỷ luật
- Thứ trưởng Bộ Y tế: Công văn đề nghị xử lý y bác sĩ bỏ việc chỉ là khuyến cáo
- Y bác sĩ nghỉ việc hàng loạt: Thêm 528 người tại Thanh Hóa, Đà Nẵng
Ngày 2/3, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương Nguyễn Hồng Chương đã ký và ban hành công văn gửi đến tất cả các cơ sở y tế trong và ngoài công lập trên cả nước; các trường đại học y dược; bệnh viện, đơn vị trực thuộc Bộ Y tế; sở y tế các tỉnh, thành… đề nghị không tiếp nhận, tuyển dụng, đào tạo đối với 6 bác sĩ, vì vi phạm cam kết đối với tỉnh này.
Cụ thể, 6 bác sĩ trên thuộc diện được cử đi đào tạo, được hỗ trợ học phí và sinh hoạt phí hàng tháng. Các bác sĩ cam kết về địa phương phục vụ gấp đôi thời gian đào tạo, tuy nhiên, chưa đủ thời gian, các bác sĩ đã tự ý nghỉ việc.
Theo Sở Y tế Bình Dương, các bác sĩ nghỉ việc từ tháng 11/2022 đến nay phải bồi hoàn chi phí đào tạo cho tỉnh, nhưng họ vẫn chưa thực hiện.
6 người gồm:
Bác sĩ T.T.T (SN 1992, công tác tại Khoa Nội tim mạch – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương), được UBND tỉnh Bình Dương cử đi đào tạo tại Trường Đại học Y Dược Cần Thơ từ năm 2010 đến 2016; được hỗ trợ học phí và phí sinh hoạt hàng tháng bằng 2.0 mức lương cơ sở, cam kết trở về địa phương phục vụ gấp đôi thời gian đào tạo.
Bác sĩ đa khoa T.Đ.G (SN 1993, công tác tại Khoa Thần kinh Ung bướu – Bệnh viện Đa Khoa tỉnh Bình Dương), được hưởng theo diện thu hút nhân lực với số tiền 400 triệu đồng từ năm 2021 của UBND tỉnh Bình Dương và cam kết phục vụ ít nhất 10 năm.
Bác sĩ đa khoa N.H.T (SN 1992, công tác tại Khoa Nội tim mạch – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương), được hưởng theo diện thu hút nhân lực số tiền 420 triệu đồng và cam kết phục vụ ít nhất 10 năm.
Bác sĩ chuyên khoa 1 N.T.G (SN 1990, công tác tại Khoa Nội tổng hợp – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương), được cử đi học chuyên khoa cấp 1 với kinh phí đào tạo gần 124 triệu đồng, cam kết thời gian phục vụ 6 năm kể từ tháng 1/2022. Ngoài ra, bác sĩ G. đã nhận chế độ hỗ trợ một lần với số tiền 100 triệu đồng và cam kết phục vụ đủ 10 năm.
Bác sĩ đa khoa N.T.T.S (SN 1992, công tác tại Khoa Nhi – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương), nhận chế độ hỗ trợ 100 triệu đồng và cam kết phục vụ 10 năm.
Bác sĩ chuyên khoa 1 N.M.T (SN 1993, công tác tại Trung tâm Y tế huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương), được cử đi đào tạo tại Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, nhận hỗ trợ học phí và sinh hoạt phí bằng 2.0 mức lương cơ sở, cam kết phục vụ 6 năm.
Hàng trăm y, bác sĩ, nhân viên y tế công lập nghỉ và bỏ việc
Sở Y tế Bình Dương cho biết năm 2021, sau thời gian phòng dịch COVID-19, số lượng nhân viên y tế nghỉ việc, bỏ việc là 162 người, trong đó có 24 bác sĩ và bác sĩ chuyên khoa, 66 dược – điều dưỡng, 72 nhân viên khác.
Từ đầu năm 2022 đến tháng 7/2022, có đến 166 y bác sĩ, nhân viên y tế công lập nghỉ, bỏ việc, gồm: 35 bác sĩ, 66 điều dưỡng, nữ hộ sinh, kỹ thuật viên và 65 nhân viên y tế khác.
Ngành y tế Bình Dương thiếu 600 biên chế so với chỉ tiêu được Sở Nội vụ giao, trong đó tuyến tỉnh thiếu 50 biên chế, tuyến huyện là 550 biên chế.
Theo báo cáo của Sở Y tế Bình Dương, nguyên nhân dẫn đến tình trạng y bác sĩ, nhân viên y tế nghỉ, bỏ việc do lương và chế độ thấp, môi trường làm việc áp lực, công việc vất vả, tiếp xúc liên tục với các yếu tố nguy hại…
Ngoài ra, còn một số nguyên nhân vì hoàn cảnh gia đình, đi học và có sự lựa chọn khác.
Từ khóa Bình Dương bác sĩ nghỉ việc đào tạo bác sĩ