Bộ trưởng Y tế: Thí điểm biện pháp tăng trách nhiệm xã hội với người không muốn kết hôn
- Minh Long
- •
Thống kê, từ 1989 – 2023, trung bình độ tuổi kết hôn lần đầu của nam từ 24,4 và nữ 23,2; đã tăng lên 29,3 với nam và 25,1 với nữ. Tỷ lệ người độc thân từ 6,23% năm 2004 lên 10,1% năm 2019.
Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan vừa trả lời cử tri TP.HCM về “đề nghị có biện pháp cụ thể để nâng tỷ lệ sinh ở các vùng đô thị, không để tình trạng già hóa dân số từ đó dẫn đến thiếu hụt nguồn lao động”.
Theo bà Lan, Việt Nam đạt mức sinh thay thế từ năm 2006, tuy nhiên chưa thực sự bền vững, xuất hiện xu thế mức sinh thấp.
Năm 2023 là 1,96 con/phụ nữ, mức giảm thấp nhất và được dự báo sẽ tiếp tục giảm trong các năm tiếp theo. “Xu hướng mức sinh thấp và xuống rất thấp tập trung ở một số đô thị”, bà Lan cho biết.
Năm 2016, cứ 1.000 dân thành thị thì có 15,5 trẻ em được sinh ra thì con số này đến năm 2023 lại tiếp tục giảm về còn 13,5.
21/63 tỉnh, thành có mức sinh thấp, chiếm gần 40% dân số cả nước; hầu hết nằm ở vùng kinh tế trọng điểm khu vực phía Nam, đô thị hóa cao, tăng trưởng kinh tế nhanh. Đông Nam bộ là vùng có thu nhập bình quân đầu người cao nhất Việt Nam nhưng lại có mức sinh thấp nhất cả nước, bình quân mỗi phụ nữ sinh 1,47 con.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết nhằm duy trì vững chắc mức sinh thay thế, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 588 năm 2020 phê duyệt Chương trình Điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030.
Trong đó, tại những địa phương đã đạt mức sinh thay thế và có mức sinh thấp, cần khuyến khích sinh đủ 2 con; đánh giá tác động của các chính sách về lao động, việc làm, nhà ở; phúc lợi xã hội; giáo dục; y tế;… đến việc sinh ít con.
Đặc biệt, bà Lan dẫn thông tin từ Quyết định 588/QĐ-TTg năm 2020 với nội dung “từng bước thí điểm các biện pháp tăng trách nhiệm đóng góp xã hội, cộng đồng đối với những trường hợp cá nhân không muốn kết hôn hoặc kết hôn quá muộn”, khi nói về những biện pháp can thiệp, điều chỉnh mức sinh ở vùng mức sinh thấp và đạt mức sinh thay thế (gồm 30 tỉnh, thành).
Số liệu công bố mới đây của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong khoảng hơn 30 năm qua, xu hướng hôn nhân ở nước ta thay đổi rất lớn. Tuổi kết hôn tăng mạnh, tỷ lệ kết hôn giảm. Từ 1989 – 2023, trung bình độ tuổi kết hôn lần đầu của nam từ 24,4 và nữ 23,2; đã tăng lên 29,3 với nam và 25,1 với nữ. Tỷ lệ người độc thân từ 6,23% năm 2004 lên 10,1% năm 2019. Xu hướng không muốn, hoặc sinh 1 con đang lan rộng trong các đô thị, nhất là những TP lớn. Tại TP HCM, số liệu thống kê vào tháng 7/2024 cho thấy, độ tuổi kết hôn trung bình lần đầu là 30,4; mức “kỷ lục” tại Việt Nam. Theo số liệu từ TAND tỉnh Hải Dương, từ ngày 1/10/2023 đến 30/6/2024, TAND hai cấp thụ lý 4.051 vụ án hôn nhân và gia đình, trong đó giải quyết 3.377 vụ. Tổng số vụ án hôn nhân gia đình chiếm khoảng 61% tổng số vụ án TAND hai cấp trong tỉnh thụ lý. Hầu hết các vụ án hôn nhân gia đình là đề nghị giải quyết ly hôn. Tại một sự kiện do Liên đoàn Lao động tỉnh Hải Dương tổ chức vào tháng 7/2024, đại diện TAND và Sở Tư pháp cho biết, năm 2023, tỉnh có 10.674 cặp đôi kết hôn và ly hôn 5.071 vụ. Tỷ lệ ly hôn so với tổng số cuộc kết hôn chiếm trên 47%. Riêng 6 tháng đầu năm 2024, có 4.235 cặp đôi kết hôn và 2.696 vụ ly hôn, tỷ lệ ly hôn chiếm trên 63%. Trung bình cứ 2 cuộc kết hôn thì có hơn 1 cuộc ly hôn. TAND tỉnh này cũng cho hay nguyên nhân chủ yếu các vụ ly hôn là do vợ chồng bất đồng về quan điểm sống, không thống nhất với nhau trong kinh tế gia đình, hoặc do một bên đang ở nước ngoài (thường là đi xuất khẩu lao động) thiếu quan tâm đến nhau. |
Minh Long
Từ khóa Già hóa dân số mất cân bằng giới tính thiếu hụt nguồn lao động