Categories: Thời sựViệt Nam

Đoàn làm phim ‘tự ý bôi trát’ lên giếng cổ thuộc làng cổ Đường Lâm chỉ để… làm phim hài Tết

Chiếc giếng cổ kế bên đình Mông Phụ (làng cổ Đường Lâm, Hà Nội) bị đoàn làm phim (thuộc Công ty Cổ phần Nghe nhìn Thăng Long) dùng vôi ve, bút vẽ tô trát, làm mới để tạo bối cảnh cho phim hài Tết “Chuyện làng Bồm”, khiến dư luận bức xúc.

Chiếc giếng cổ kế bên đình Mông Phụ trước và sau khi bị đoàn làm phim tô trát. (Ảnh: Đỗ Doãn Hoàng/Facebook)

Báo chí nhà nước hôm 7/11 dẫn thông tin từ ông Nguyễn Đăng Thạo – Trưởng Ban Quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm, xác nhận có việc đoàn làm phim hài Tết đã tự ý bôi trát, tô vẽ lên giếng cổ thuộc đình làng Mông Phụ.

“Người dân Mông Phụ giật thót khi thấy giếng cổ của thôn bỗng đổi màu, thành vô hồn bởi những nét tô vẽ thô vụng biến bờ giếng gạch thành giả đá tổ ong mới tinh”, báo Tuổi Trẻ mô tả.

“Ở đây người dân muốn đổ một xe cát cũng khó khăn, phải trình bày, xin phép. Vậy mà họ từ đâu tới, ngang nhiên tự tiện làm biến dạng di tích quốc gia…”, tờ báo dẫn lời một người dân bức xúc nói.

Không những vậy, đoàn phim còn gây lo lắng cho người dân khi cả đoàn mấy chục người hầu như không đeo khẩu trang khi quay phim ở địa phương.

Được biết, đoàn làm phim thuộc Công ty Cổ phần Nghe nhìn Thăng Long, về làng để quay phim hài Tết “Chuyện làng Bồm”.

Đây là đoàn phim đã nhiều năm quay phim hài Tết ở làng cổ Đường Lâm nên như mọi năm, đoàn phim chỉ “xin phép mồm” với chủ tịch xã.

Giếng cổ bị bôi trát khiến người dân bức xúc. (Ảnh: Đỗ Doãn Hoàng/Facebook)

Báo Dân Trí dẫn lời nhà báo Đỗ Doãn Hoàng (cũng là người dân ở làng cổ Đường Lâm) cho biết mỗi chiếc giếng cổ ở làng là một không gian văn hóa quan trọng. Đây là tài sản vô giá, thiêng liêng mà người Đường Lâm đã cẩn thận giữ gìn, bảo tồn qua nhiều thế hệ.

“Các di tích cổ chúng ta đều phải tôn trọng, kể cả có dát vàng lên giếng cũng vẫn là sai. Bây giờ chúng ta có cọ rửa, khôi phục thì cũng không thể hoàn trả lại được sự rêu phong mong manh, tinh tế như xưa…”.

“Đây không phải là lần đầu tiên các đoàn phim tự ý tác động, làm mới, thay đổi lên không gian, di tích làng cổ. Cứ mỗi dịp Tết đến, hàng đoàn ô tô đi lại chật kín trong làng dù không được phép. Các thành viên ăn nói, ngủ nghỉ, hò hét gây ầm ĩ trong không gian làng cổ. Đặc biệt, không ít những căn nhà thờ bị họ sử dụng làm bối cảnh đóng các phim hài tục tĩu, phản cảm”.

“Nhà thờ của gia đình tôi cũng đã từng bị đoàn phim hài Tết sử dụng làm nơi diễn các cảnh rất phản cảm, diễn viên nữ ăn mặc hở ngực, thầy giáo đóng cảnh ngủ với mẹ của học trò, lời thoại phản cảm không để đâu cho hết… Thậm chí, cách đây vài năm, một đoàn làm phim còn cho đào cả sân đình làng cổ quê tôi để trồng một cây gạo.

Đóng xong họ lại bôi trát lại. Đây đều là những di tích cổ phải bảo tồn, tôn trọng, không thể tự ý muốn làm gì thì làm như vậy được!”, ông nói.

Còn chị G.V.A. (một người dân địa phương và là người làm du lịch) cho biết trên báo Tuổi Trẻ, “những đoàn làm phim hầu như không mang lại ích lợi gì cho người dân địa phương, chỉ xả rác khủng khiếp”.

Chủ tịch xã Đường Lâm, ông Phan Văn Hòa cho biết giới hữu trách đã lập biên bản vi phạm, yêu cầu đoàn làm phim phải tạm dừng mọi hoạt động tại giếng đình Mông Phụ, không được tiếp tục quay phim ở đây và nhanh chóng trả lại hiện trạng ban đầu cho giếng đình trong ngày 8/11.

Theo các nhà sử học, đình Mông Phụ được xây dựng vào thời kỳ Hậu Lê (thế kỷ 14), dưới thời vua Lê Thần Tông. Đình là nơi thờ Tản Viên Sơn Thánh vị đứng đầu trong tứ bất tử của người Việt làm Thành Hoàng làng. Đến đời vua Tự Đức thứ 12 (1859), đình được mở rộng và giữ nguyên trạng kiến trúc từ khi đó đến nay.

Đình Mông Phụ. (Ảnh: hanoimoi.com.vn)

Theo quan niệm của dân làng, Đình Mông Phụ đặt trên đầu rồng mà hai chiếc giếng cổ ở hai bên là hai con mắt.

Sân đình đào thấp hơn so với mặt bằng xung quanh, khi mưa xuống, nước từ ba phía ào ạt đổ vào, sau đó thoát ra theo hai cống nhỏ chạy dọc theo nách đình như hai râu rồng.

Bao quanh đình là một hệ thống hàng rào xây bằng đá ong , loại đá đặc trưng trong việc xây dựng các công trình kiến trúc tại khu vực này. Hàng rào đá ong này đã mang lại cho ngôi đình một nét trầm mặc cổ kính, một nét đẹp không giống bất cứ ngôi đình nào trên đất nước Việt Nam.

Đình Mông Phụ không chỉ có một ý nghĩa tinh thần to lớn đối với con người của mảnh đất này mà nó còn có một giá trị sâu sắc đối với mỗi người Việt Nam yêu quý những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Hoàng Minh (t/h)

Xem thêm:

Ẩn đố về địa danh “hai vua” cùng dòng võ lẫy lừng sử Việt

Hoàng Minh

Published by
Hoàng Minh

Recent Posts

Nghiên cứu: Có một loại cảm xúc làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ

Một nghiên cứu mới gần đây đã phát hiện ra rằng có một loại cảm…

43 phút ago

Cuộc tranh biện tổng thống Trump-Biden ngày 27/6 trên CNN có gì đặc biệt?

Tổng thống Biden và cựu Tổng thống Donald Trump đã nhận lời và sẽ tham…

2 giờ ago

Kiên Giang khánh thành tượng đài Hồ Chí Minh

Công trình Quảng trường trung tâm và Tượng đài ông Hồ Chí Minh chiếm diện…

3 giờ ago

Tỉnh ủy Bình Phước chỉ đạo vụ Tỉnh ủy viên xâm hại đồng tính

Giới chức Đảng và chính quyền tỉnh Bình Phước xác nhận đang làm rõ vụ…

6 giờ ago

Xe buýt điện Trung Quốc đổ bộ thị trường EU, hãng xe châu Âu lâu đời phá sản

Nhu cầu thị trường về xe buýt điện đang dần mở rộng ở Châu Âu.…

7 giờ ago

Ông Zelensky chỉ trích phương Tây vì muốn chấm dứt xung đột

Tổng thống Ukraine tuyên bố lực lượng Kiev sẽ thành công hơn trên chiến trường…

7 giờ ago