Muốn chi hơn 26.000 tỷ đồng cho PCCC, Hà Nội tính lắp trụ nước, trạm bơm, bể nước
- Nguyễn Quân
- •
Hơn 26.000 tỷ đồng cho phòng cháy chữa cháy được tính chi từ nay đến năm 2023; ngân sách thành phố chi hơn 13.800 tỷ, ngân sách cấp huyện chi hơn 12.400 tỷ đồng.
UBND TP. Hà Nội vừa có Tờ trình gửi HĐND TP. xem xét, thông qua Đề án nâng cao năng lực và bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Lý giải cho đề án trên, UBND TP. Hà Nội nhận định công tác phòng cháy chữa cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn của thành phố còn hạn chế, để xảy ra nhiều vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng. Tiến độ xử lý công trình vi phạm phòng cháy chữa cháy còn chậm. Năng lực quản lý nhà nước về phòng cháy chữa cháy của cấp ủy, chính quyền các cấp (nhất là cấp xã) chưa đáp ứng yêu cầu.
Theo đó, UBND TP. Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2030 lắp đặt 3.050 trụ chữa cháy ngoài nhà; bổ sung đường ống cấp nước, trụ hoặc họng tiếp nước tại hơn 9.480 tuyến đường, phố, ngõ, ngách sâu hơn 200m.
Thành phố dự kiến xây dựng 433 bể nước, trạm bơm chữa cháy tại khu công cộng, 4 bến lấy nước, 900 hố thu nước chữa cháy thuộc khu dân cư có nguy cơ cháy nổ.
Dự kiến sơ bộ khái toán kinh phí cho đề án là khoảng 26.341,45 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách cấp thành phố khoảng 13.852 tỷ đồng, ngân sách cấp huyện khoảng 12.488 tỷ đồng. Khoảng 19.959,72 tỷ đồng đã được đề xuất hoặc dự kiến kinh phí tại các Kế hoạch, Chương trình mà Thành phố đã ban hành.
Giai đoạn 1 – từ nay đến hết năm 2025 – dự kiến kinh phí sơ bộ khoảng 10.620 tỷ đồng. Giai đoạn 2 – từ năm 2026 đến năm 2030 – sơ bộ dự kiến kinh phí khoảng 15.721 tỷ đồng.
Việc lập dự án, gói dự án, dự toán kinh phí và đề xuất nguồn ngân sách do các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã thực hiện.
Dự kiến, đề án trên sẽ được xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 17, HĐND TP. Hà Nội được tổ chức từ ngày 1/7- 5/7/2024.
Hàng nghìn ngõ nhỏ ở Hà Nội không có trụ nước cứu hỏa
Theo kết quả khảo sát do Công an TP. Hà Nội vừa công bố tại hội nghị về công tác phòng cháy chữa cháy hồi đầu tháng 5, Hà Nội có 1.429 nhà chung cư; 398 nhà ở nhiều căn hộ (chung cư mini); 31.239 nhà trọ; 39.214 nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh nguy cơ cháy, nổ cao.
Ngoài ra, Hà Nội hiện có gần 9.500 tuyến phố, ngõ, hẻm sâu từ 200m trở lên, bề rộng chưa tới 4m, phổ biến là 2-3m, xe chữa cháy không thể tiếp cận. Các đội Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn đang sử dụng nhiều loại xe chữa cháy, dung tích từ 3,5 tới hơn 6m3 nước. Tùy vào chế độ phun và áp lực nước đẩy ra mà nước hết nhanh hay chậm, thường sau 10-20 phút.
10 phút trở lại kể từ khi lửa bùng phát được coi là “thời gian vàng” trong phòng cháy, chữa cháy. Sau 10 phút, lửa lan rộng, để dập cần nguồn nước liên tục.
Tuy nhiên, ở các ngõ nhỏ xe chữa cháy không thể tiếp cận, nguồn nước để chữa cháy tại chỗ càng hạn chế. Một số vụ cháy trong ngõ để lại hậu quả nghiêm trọng là vụ cháy chung cư mini trong ngõ phố Khương Hạ (quận Thanh Xuân) làm 56 người chết, vụ cháy nhà trong ngõ phố Trung Kính (quận Cầu Giấy) làm 12 người chết.
Kết quả khảo sát của Công an TP. Hà Nội xác định Hà Nội cần đầu tư xây dựng khoảng 10.167 trụ nước, 1.673 bể nước, 848 bến lấy nước và hố thu nước tại 30 quận, huyện, thị xã.
Hiện tại Hà Nội có gần 4.000 trụ nước do Sở Xây dựng Hà Nội quản lý. Việc bổ sung các trụ nước chữa cháy mới được UBND TP. Hà Nội phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án tại Quyết định 2127/QĐ-UBND ngày 12/4/2023, lắp thêm 675 trụ nước chữa cháy, 31 hố thu tại 7 quận nội thành (Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Ba Đình, Cầu Giấy, Thanh Xuân và Nam Từ Liêm). Trong đó, quận Hoàn Kiếm được lắp bổ sung 40 trụ nước, chính quyền thành phố đang giao Ban Quản lý dự án triển khai trong năm 2024.
Từ khóa trụ nước cứu hỏa phòng cháy chữa cháy Hà Nội cháy tại Hà Nội