Việt Nam

Nửa cuối năm 2024: Chuyên gia cảnh báo bão, lũ diễn biến khốc liệt

Theo Tổng cục Khí tượng Thủy văn, trong giai đoạn nửa cuối năm 2024, dự báo mưa lớn, bão, ngập lụt và nguy cơ lũ quét, sạt lở đất ở miền Trung sẽ khốc liệt như mùa mưa bão năm 2020.

Khu vực Rào Trăng 3 – nơi xảy ra vụ sạt lở khiến 17 công nhân tử vong, hồi năm 2020. (Ảnh: baothuathienhue.vn)

Sáng ngày 10/5, tại hội nghị về phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2024, ông Hoàng Đức Cường, Tổng cục phó Khí tượng Thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường), cho biết trong các tháng cuối năm 2024, dự báo biến đổi khí hậu sẽ tiếp tục tác động làm gia tăng tính cực đoan, khiến thiên tai diễn biến phức tạp, nhất là mưa, bão, lũ, ngập lụt.

Đáng chú ý, kịch bản tác động trên khá giống với hình thái diễn biến khí hậu năm 2020 (năm thiên tai diễn ra không theo quy luật, dị thường, khốc liệt đã gây ra thảm họa lũ, lụt, lũ quét, sạt lở đất lịch sử ở miền Trung, nhất là các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, Quảng Nam, Thừa Thiên-Huế).

Hiện tượng ENSO – chỉ thay đổi nhiệt độ mặt nước biển tại khu vực xích đạo phía đông và trung tâm Thái Bình Dương – đang duy trì trạng thái trung tính đến tháng 6 với xác suất 80-85%.

Từ tháng 7-9, dự báo ENSO chuyển sang La Nina với xác suất 60-65% và có khả năng duy trì trạng thái này trong cuối năm.

Từ tháng 6 đến hết năm 2024 có khoảng 11-13 cơn trên Biển Đông và 5-7 cơn ảnh hưởng đến đất liền. Hoạt động của bão và áp thấp nhiệt đới có khả năng sẽ tập trung từ tháng 9-11/2024.

Theo ông Cường, thời gian mưa lớn xuất hiện chính ở khu vực Bắc Bộ sẽ tập trung vào khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 9; từ cuối tháng 9 đến tháng 11/2024 ở khu vực Trung Bộ.

Trong điều kiện khí hậu trên, ông Cường dự báo mưa lớn cục bộ với cường suất lớn từ 50-100mm trong 3-6 giờ có khả năng xuất hiện nhiều trong thời gian tới, đề phòng gây sạt lở và lũ quét ở vùng núi, ngập úng đô thị.

Như vậy, trong nửa đầu mùa mưa bão, thiên tai sẽ tập trung ở Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên. Với kịch bản La Nina xuất hiện, bão sẽ tập trung nhiều vào giai đoạn cuối năm, nhiều bão hình thành trên Biển Đông và tác động nhanh hơn đến đất liền vào nửa cuối của năm.

Hồi năm 2020, chỉ hơn một tháng (từ 11/10 đến 15/11), miền Trung hứng chịu 8 cơn bão, 2 áp thấp nhiệt đới kèm mưa lớn. Trong đó, bão Molave đổ bộ Quảng Nam – Quảng Ngãi với sức gió 11-12, kéo dài 6 tiếng, mạnh nhất trong 20 năm qua.

Lũ lên nhanh trên 16 tuyến sông chính miền Trung. Sông Hiếu ở Đông Hà (Quảng Trị), sông Bồ tại Phú Ốc (Thừa Thiên Huế) đều vượt đỉnh lũ lịch sử năm 1999. Ngập lụt xảy ra tại 7 tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Nam, thời điểm cao nhất ngày 12/10 có trên 317.000 hộ với 1,2 triệu người và kéo dài nhất đến 15 ngày.

Ngày 12/10, 17 công nhân tại thủy điện Rào Trăng 3 (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế) bị vùi lấp, bởi ngọn núi cao hơn 120 m đổ sập xuống.

Năm 2020, thiên tai đã khiến 291 người chết, 64 người mất tích, trong đó số người chết vì sạt lở đất nhiều nhất 132 người, lũ 108 người. Thiệt hại kinh tế là hơn 35.180 tỷ đồng, gấp 7 lần năm 2021, gần 4 lần năm 2023.

Nắng nóng tiếp tục gia tăng mạnh

Ông Cường dự báo tại khu vực Bắc Bộ và các tỉnh miền Trung, trong giai đoạn từ ngày 12-31/5 có khả năng xuất hiện 2 đợt nắng nóng và nắng nóng gay gắt trên diện rộng.

Nhiệt độ cao nhất tại khu vực Đông Bắc Bộ phổ biến từ 35-38 độ C; khu vực Tây Bắc Bộ 36-39 độ C. Nhiệt độ cao nhất tại khu vực Trung Bộ phổ biến từ 36-39 độ C; riêng khu vực vùng núi phía Tây 39-41 độ C, có nơi trên 42 độ C.

Tại khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ từ ngày 11-16/5 có thể xuất hiện đợt nắng nóng với nhiệt độ cao nhất 35-38 độ C, ít mưa, độ ẩm thấp nhất từ 55-65. Trong giai đoạn nửa cuối tháng 5 ở khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa chuyển mùa, nắng nóng sẽ giảm dần.

Ngoài ra giai đoạn từ ngày 12-16/5 ở khu vực Bắc Bộ, các tỉnh Bắc Trung Bộ có khả năng xuất hiện một đợt mưa, có nơi mưa to và dông mạnh; nguy cơ xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ giai đoạn nửa cuối tháng 5 cũng sẽ có mưa chuyển mùa, mưa chuyển mùa cũng có nguy cơ cao xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Từ tháng 6/2024, ông Cường dự báo nắng nóng sẽ gia tăng về cường độ và mở rộng dần sang các nơi khác của khu vực Bắc Bộ, khu vực Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ. Hiện tượng nắng nóng và nắng nóng gay gắt có khả năng xuất hiện nhiều hơn (so với trung bình nhiều năm) trong tháng 7-8/2024.

Minh Long

Minh Long

Published by
Minh Long

Recent Posts

Thép cán nóng nhập khẩu từ Trung Quốc tăng đột biến

Tháng 4 vừa qua, nhập khẩu thép cán nóng (HRC) vào Việt Nam tiếp tục…

2 phút ago

Bình luận: Putin thăm Trung Quốc và quan hệ Trung Quốc, Nga – Mỹ, châu Âu, Nhật Bản

Nhu cầu cấp bách hơn của ông Putin trong chuyến thăm Trung Quốc là gì?…

5 giờ ago

Phòng đuối nước mùa nắng nóng: Biết bơi thôi chưa đủ

Trẻ em cần được trang bị nhiều kỹ năng để vui chơi an toàn, đồng…

7 giờ ago

Phó Tổng thống thứ nhất Iran Mohammad Mokhber được chỉ định thay cố Tổng thống Raisi

Phó Tổng thống thứ nhất Iran Mohammad Mokhber hôm thứ Hai (20/5) đã được Lãnh…

8 giờ ago

Đầu cơ vàng, đầu cơ đất đai ‘lũng đoạn’ nền kinh tế

Lần đầu tiên trong vòng 5 năm qua, số doanh nghiệp rút khỏi thị trường…

8 giờ ago

Tân Tổng thống Đài Loan kêu gọi Trung Quốc chấm dứt động thái đe dọa

Thứ Hai (20/5), trong bài phát biểu nhậm chức của mình, tân Tổng thống Đài…

8 giờ ago