Việt Nam

QH thảo luận phương án cấp sổ đỏ cho đất không giấy tờ, nạn kích điện bắt giun…

Quốc hội lấy ý kiến đại biểu về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, trong đó có vấn đề cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có giấy tờ. Bên cạnh đó, nhiều vấn đề liên quan đất đai cũng được đưa ra thảo luận như vấn nạn kích điện bắt giun cần xem là hành vi hủy hoại đất.

Toàn cảnh Phiên họp cho ý kiến về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. (Ảnh: quochoi.vn)

Ngày 3/11, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. Dự thảo luật gồm 16 chương với 236 điều, dự kiến được Quốc hội thông qua thông qua tại kỳ họp thứ 6.

2 phương án cấp sổ đỏ cho đất không có giấy tờ

Một trong những điểm mới của dự thảo Luật Đất đai sửa đổi được xin ý kiến đại biểu lần này là quy định về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không vi phạm pháp luật về đất đai, không thuộc trường hợp giao đất trái thẩm quyền.

Quy định này nhằm giải quyết các trường hợp đang sử dụng đất do ông/cha để lại nhưng không có giấy tờ và không vi phạm pháp luật về đất đai.

Hiện dự thảo Luật Đất đai sửa đổi thiết kế 2 phương án cho nội dung này.

Phương án 1 giữ quy định như dự thảo luật được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 về thời điểm cấp giấy chứng nhận đến trước ngày 1/7/2014.

Theo đó, hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất từ ngày 15/10/1993 đến trước ngày 1/7/2014 được UBND cấp xã xác nhận là không có tranh chấp thì diện tích được công nhận quyền sử dụng đất.

Phương án 2 chỉnh sửa về thời điểm cấp giấy chứng nhận đến thời điểm nộp hồ sơ cấp giấy chứng nhận. Theo đó, hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất từ ngày 15/10/1993 đến thời điểm nộp hồ sơ cấp giấy chứng nhận, được UBND xã xác nhận là không có tranh chấp thì diện tích được công nhận quyền sử dụng đất.

Theo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đa số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với phương án 1 và xin ý kiến Quốc hội về nội dung này.

Ngoài vấn đề cấp sổ đỏ cho đất không có giấy tờ, nhiều vấn đề khác còn chưa thống nhất trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần xin ý kiến Quốc hội, trong đó có quy định về phương pháp định giá đất.

Nhiều gia đình sử dụng đất hợp pháp nhưng chưa được cấp sổ đỏ

Về việc cấp sổ đỏ, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh (đoàn TP.HCM) cho rằng thực tế khi triển khai chế định giấy chứng nhận cấp cho hộ gia đình có những vướng mắc, bất cập; nhất là khi thực hiện các thủ tục như chuyển nhượng, thừa kế có khó khăn trong việc chứng minh thành viên hộ gia đình tại thời điểm cấp sổ đỏ.

Do đó, đại biểu đồng tình với hướng quy định của dự thảo. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị ban soạn thảo luật cân nhắc quy định việc xác định các thành viên có chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình để ghi tên trên sổ đỏ do các thành viên này tự thỏa thuận hoặc chịu trách nhiệm trước pháp luật.

“Nếu chúng ta cho phép ghi tên đại diện thì khi một thành viên hộ gia đình thực hiện các quyền của người sử dụng đất lại tiếp tục chứng minh thành viên hộ gia đình là gây khó khăn cho cơ quan Nhà nước khi giải quyết thủ tục hành chính cũng như gây phiền hà cho người dân. Cho nên tôi đề nghị bỏ quy định tại khoản 5 Điều 136”, đại biểu đoàn TP.HCM nói.

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Vương Thị Hương (đoàn Hà Giang) cho rằng thực tế hiện nay ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn rất nhiều hộ cá nhân là người dân tộc thiểu số đang sử dụng đất hợp pháp nhưng chưa được cấp ‘sổ đỏ’ do điều kiện kinh tế khó khăn, không có tiền nộp để đo đạc, lập hồ sơ địa chính cấp ‘sổ đỏ’.

Do đó, các địa phương gặp khó khăn trong quản lý đất đai. Còn về phía người dân, khi chưa được cấp ‘sổ đỏ’ thì không được sử dụng quyền của mình như thế chấp hay góp vốn.

Đại biểu đoàn Hà Giang đề nghị bổ sung vào dự thảo luật chính sách của nhà nước hỗ trợ kinh phí đo đạc, lập hồ sơ cấp ‘sổ đỏ’. Đồng thời, có chính sách giảm tiền sử dụng đất phù hợp để người dân có điều kiện an cư, yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống.

Đại biểu đề xuất kích điện bắt giun cần xem là hành vi hủy hoại đất

Cũng liên quan về dự án Luật Đất đai sửa đổi, Phó đoàn Điện Biên Lò Thị Luyến bày tỏ lo ngại thời gian gần đây tại nhiều tỉnh thành xuất hiện nạn kích điện để bắt giun bán sang Trung Quốc.

“Hành vi này làm suy giảm hệ sinh vật, vi sinh vật trong đất, suy giảm chất lượng đất, hủy hoại sinh thái môi trường, gây bức xúc trong nhân dân. Bởi nhiều kẻ vào tận ruộng vườn, trang trại của người dân để kích giun”, bà Luyến nói.

Trước vấn nạn này, một số địa phương áp dụng biện pháp xử phạt, nhưng chưa áp dụng thống nhất.

Vì vậy, bà Luyến đề nghị cần có căn cứ pháp lý rõ ràng về hành vi này, để các địa phương có cơ sở ngăn chặn.

Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi quy định hủy hoại đất là hành vi làm biến dạng địa hình, suy giảm chất lượng đất, gây ô nhiễm đất, mất hoặc giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định. Nữ đại biểu đoàn Điện Biên đề xuất bổ sung hành vi “làm giảm hệ sinh vật, vi sinh vật trong đất” cũng là hủy hoại đất, để củng cố căn cứ pháp lý rõ ràng, giúp địa phương có cơ sở ngăn chặn nạn kích điện giun đất.

Theo quy định hiện hành của Chính phủ, người hủy hoại đất có thể bị phạt hành chính đến 150 triệu đồng.

Giun đất gồm nhiều loài, thuộc phân lớp Oligochaeta (phân lớp giun có đai sinh dục), ngành Annelida (ngành giun đốt). Tại nhiều quốc gia, giun còn được nuôi cho mục đích xử lý rác thải. Nhờ giun đất, Australia đã tái tạo được khoảng 20% rác hữu cơ, góp phần giải quyết vấn đề sinh thái và rác thải, bảo vệ môi trường. Nghiên cứu cho thấy 100-200 gram giun có thể xử lý tối đa 300 kg rác thải.

Theo nhiều nghiên cứu khoa học, mỗi gram đất có tới 6 triệu vi sinh vật sinh sống. Đất tốt hay không do vi sinh vật nhiều hay ít tồn tại trong đó. Riêng giun đất được ví như “lưỡi cày sinh học” của nhà nông, giúp đất tơi xốp; là mắt xích quan trọng trong việc chuyển hóa các chất dinh dưỡng của đất, tạo điều kiện sinh ra các chất hữu cơ có lợi, giúp cây trồng phát triển tốt.

Nạn kích điện giun đất xuất hiện nhiều từ năm 2019, sau đó lắng xuống. Gần đây, tình trạng này rộ lên ở các tỉnh như Hòa Bình, Bắc Giang, Sơn La, Tuyên Quang, Bắc Giang…

Máy kích giun gồm 2 que nhọn nối với bình ắc quy điện công suất lớn, hoặc sử dụng pin. Khi cắm que sắt xuống đất, chỉ 1 phút sau giun trong khoảng 1m2 sẽ chui lên.

Giun bắt về bị loại bỏ nội tạng, sấy khô và bán cho những đầu mối đưa qua Trung Quốc. Khoảng 13kg giun sống sẽ cho 1kg khô, được bán với giá khoảng 600.000 đồng.

Nghị định 91/2019 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đã xác định những hành vi hủy hoại đất, nhưng kích điện giun đất chưa được quy định rõ ràng, chưa có chế tài xử phạt.

Nhiều chuyên gia từng đề xuất phải xem hành vi kích điện giun đất gây hủy hoại môi trường là một loại tội phạm.

Khánh Vy (t/h)

Khánh Vy

Published by
Khánh Vy

Recent Posts

Bình luận: Putin thăm Trung Quốc và quan hệ Trung Quốc, Nga – Mỹ, châu Âu, Nhật Bản

Nhu cầu cấp bách hơn của ông Putin trong chuyến thăm Trung Quốc là gì?…

28 phút ago

Phòng đuối nước mùa nắng nóng: Biết bơi thôi chưa đủ

Trẻ em cần được trang bị nhiều kỹ năng để vui chơi an toàn, đồng…

2 giờ ago

Phó Tổng thống thứ nhất Iran Mohammad Mokhber được chỉ định thay cố Tổng thống Raisi

Phó Tổng thống thứ nhất Iran Mohammad Mokhber hôm thứ Hai (20/5) đã được Lãnh…

3 giờ ago

Đầu cơ vàng, đầu cơ đất đai ‘lũng đoạn’ nền kinh tế

Lần đầu tiên trong vòng 5 năm qua, số doanh nghiệp rút khỏi thị trường…

3 giờ ago

Tân Tổng thống Đài Loan kêu gọi Trung Quốc chấm dứt động thái đe dọa

Thứ Hai (20/5), trong bài phát biểu nhậm chức của mình, tân Tổng thống Đài…

3 giờ ago

Bàn về hôn nhân truyền thống: Sự trân trọng và lòng trung thành gắn kết nhân duyên

Thời xa xưa, con người xem hôn nhân là một nghi thức thiêng liêng, vợ…

5 giờ ago